Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Bài 1 : Sống “treo” trong vùng quy hoạch “treo”


 Bài 1 : Sống “treo” trong vùng quy hoạch “treo”

Nhà mặt tiền bán rẻ chẳng ai mua. Nhà cửa xuống cấp, nhưng không được sửa chữa. Mua đất xong cũng chẳng được xây nhà, tiếp tục lay lắt với đời ở trọ… Đó là hình ảnh thường gặp ở các khu quy hoạch “treo”. Nỗi khổ sở của người dân trong vùng quy hoạch rồi để đó bao giờ cũng thời sự. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, nhiều ý kiến đề xuất, cần phải sửa đổi hệ thống luật đất đai trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Bài 1: Đất hoang giữa lòng phố
Đi hết đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM, phía ngoài là mặt tiền đường trải nhựa phẳng lì, nhà cửa san sát nhau, nhưng qua khỏi một chiếc cầu, rẽ vào ấp Doi, cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn. Do được bao bọc bốn bề là rạch, nên cù lao ấp Doi, diện tích hơn 40ha, vô tình thoát khỏi “cơn bão” phân lô hộ lẻ. Thế nhưng, cái may mắn ấy, cũng lại là phiền muộn của những hộ dân sống bao đời trên mảnh đất này, bởi tình cảnh quy hoạch “treo” triền miên.
 Sống “treo” trong vùng quy hoạch “treo”
Những người dân ở ấp Doi, quận Gò Vấp mong mỏi nhà nước đừng treo quy hoạch để ổn định cuộc sống. Ảnh: Thanh Nhã
Chỉ được phép trồng rau ngắn ngày!
Hơn 14 năm qua, ở đây không hề có đường nội bộ, người dân phải leo lên bờ ruộng tìm lối đi. Xung quanh, có nơi là ao rau muống, có chỗ ruộng lúa. Ông Trần Công Sơn, trưởng tổ 61, khu phố 8, cù lao ấp Doi, cho biết, năm 1975, phần lớn người dân có đất ở đây được đưa vào hợp tác xã; đến năm 1987, Nhà nước quyết định “đất của ai về nhà đó”. Song đến năm 1995, nơi đây bị quy hoạch làm công viên cây xanh với diện tích khoảng 40ha. Do quy hoạch “treo” nhiều năm, dù thuộc quận nội thành, nhưng cù lao ấp Doi vẫn còn hoang sơ như vùng nông thôn.
Thấy chúng tôi loay hoay chụp ảnh, ông Sơn tặc lưỡi: “Đánh giặc còn biết khi nào thắng, còn quy hoạch “treo” thì mù tịt luôn”.
Theo những người dân ở đây, từ lúc có quy hoạch đến nay, chưa thấy chính quyền rục rịch gì đến dự án công viên. Tuy vậy, khi có một ngôi nhà sửa chữa, hay xây dựng mới, thì lực lượng chức năng xuống cưỡng chế, tháo, đập. Ông Vũ Ngọc Thanh, người dân ở ấp Doi bức xúc: “Dân không biết mặt mũi khu quy hoạch thế nào, chỉ muốn, nếu nhà nước thực hiện dự án, thì nhanh chóng làm để người dân ổn định. Chính quyền phải hiểu cho nỗi khổ của dân chứ”.
Ông Thanh kể, sau thời gian gom góp được ít tiền, ông lên cù lao ấp Doi này mua lô đất 70m2 để lập nghiệp. Chưa kịp thoả lòng với căn nhà mơ ước, thì đùng một cái, UBND quận Gò Vấp thông báo đất của ông nằm trong khu quy hoạch và không được xây dựng nhà. Không còn đường lựa chọn khác, ông Thanh phải thuê một căn nhà để ở và chờ đợi. “Từ năm 1998 đến nay, mỗi tháng tôi phải mất một triệu đồng tiền thuê nhà. Lô đất mua thì không thể bán được, vì không ai vào đây mua đất để rồi ngắc ngứ như mình”, ông Thanh nói rồi chỉ tay ra những ngôi nhà tôn bị cắt mái xung quanh. Đó là những ngôi nhà mà chủ nhân của nó đã phải bỏ đi nơi khác thuê nhà. Họ từng “liều mình” xây dựng để rồi bị chính quyền xuống phạt.
Cũng 14 năm qua, người dân ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã nghèo lại càng nghèo, vì dự án “treo” ở khu văn hoá sinh thái Vĩnh Lộc. Theo ông Phạm Văn Trung, tổ phó tổ 16, ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, hiện nơi đây có đến hơn 50% diện tích đất bị bỏ hoang vì dự án trên. Trước phản ứng quyết liệt của người dân về tình trạng lãng phí đất trên, UBND xã đã cho người dân “được phép” trồng rau… ngắn ngày!?
Mua liềuVì quá bức bách về nhà ở, nhiều người vẫn chấp nhận rủi ro mua đất trong vùng có quy hoạch “treo”. Vợ chồng ông Ninh ở Hà Nam vừa gom góp 300 triệu đồng để mua căn nhà cấp bốn, rộng 40m2, ở khu quy hoạch “treo” ga Bình Triệu, quận Thủ Đức. “Biết rõ lịch sử căn nhà, tôi vẫn mua, bởi giá rẻ so với giá thị trường, hơn nữa, khỏi phải tốn tiền thuê nhà mỗi tháng từ 3 – 4 triệu đồng. Dù sao đó cũng là nhà mình, nếu nhà nước có giải toả, hy vọng cũng được bồi thường ít tiền. Nếu may, khu này xoá quy hoạch “treo”, thì giá sẽ tăng.
Theo đại diện UBND huyện Bình Chánh, dự án khu văn hoá sinh thái Vĩnh Lộc đã qua bốn đời chủ đầu tư. Tuy nhiên, do một số chủ đầu tư không có năng lực, nên quyền lợi của người dân trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Hiện UBND TP.HCM đã thu hồi dự án trên và đang tìm chủ đầu tư mới. Trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện còn nhiều dự án đã trên mười năm mà chủ đầu tư chưa đền bù, nhưng huyện xin thu hồi đất lại không được. Đời sống người dân trong khu quy hoạch cơ cực, nhà cửa xập xệ, mà không được làm gì. Mặc dù mới đây, TP.HCM cho phép người dân được xây nhà trong khu quy hoạch “treo”, nhưng những điều kiện kèm theo quá khó, nên cũng chẳng tháo gỡ được bao nhiêu.
Thiệt hại của dân ai chịu?
Không quá cực khổ về điều kiện sống như những con người trên, nhưng những hộ dân sống trong khu vực có quy hoạch “treo” ở gần trung tâm thành phố lại khổ sở vì không thể bán nhà, vốn là tài sản mà họ đã có trước khi những dự án “treo” xuất hiện. Bà A. ở phường 4, quận 5 kể, bà có một căn nhà ba tầng, mặt tiền đường Trần Phú, nhà đã có giấy tờ pháp lý hẳn hòi, nhưng mỗi tội nằm trong vùng dự án, nên hơn năm năm nay, mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn về kinh tế, cần tiền mà nhà bán mãi không được. Trong khi đó, ở phía đối diện, một căn nhà tương tự lại được mua với giá rất cao. Cầm căn nhà đi vay ngân hàng, bà được trả lời là chỉ cho vay vài trăm triệu đồng mà thôi, mà muốn được vay phải mất tiền cho cò. Bà tự hỏi: căn nhà là một tài sản hợp pháp của bà, chỉ vì một nhà đầu tư dự án nào đó chậm trễ, mà lại phải bắt bà chịu đựng những thiệt thòi như vậy có hợp lý hay không? Để rồi, nếu như dự án đó sau này không làm, ai sẽ đền bù những thiệt hại mà bà phải chịu bao nhiêu năm qua?
Ông Nguyễn Văn Bách, nhà số 28/326 A đường Thống Nhất, quận Gò Vấp nói, rất nhiều lần, ông muốn bán nhà đi nơi khác, nhưng không ai dám mua, vì vướng quy hoạch ở khu này. Ngoài ra, cũng không ít lần, ông muốn đầu tư kinh doanh từ chính ngôi nhà của mình, nhưng cũng không dám vì “biết đâu, mới đổ vốn vô làm quán ăn, càphê mà bị nhà nước thu hồi, thì mất hết”.
Dân cần chỗ ở đã khổ, người kinh doanh cũng không ít lần khóc với quy hoạch “treo”. Hai tháng nay, ông Thái, chủ một tiệm rửa xe ở quận Bình Thạnh đứng ngồi không yên với công việc làm ăn. Theo đó, ông Thái thuê lô đất 160m2 để làm tiệm rửa xe ôtô. Mỗi tháng, tiền thuê đất là 20 triệu đồng. Trước đó, ông Thái đã đầu tư hơn 300 triệu đồng vào hạ tầng. Đến khi ông đang xây thêm hệ thống nâng thuỷ lực ở phía sau, thì địa phương không cho với lý do: “đụng quy hoạch bờ kè Rạch Lăng”. Ông Thái giải thích: “Tiền thuê đất hàng tháng cao, cộng thêm nhiều chi phí khác nữa, mà diện tích sử dụng hiện tại chỉ để được một chiếc xe hơi. Muốn mở rộng cơ sở để có thêm thu nhập, thì không được”.
(còn tiếp)
HHL nguồn : http://sgtt.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét