Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

GS Đặng Hùng Võ: Nguy cơ tăng khiếu kiện đất

Cách tiếp cận của Luật Đất đai sửa đổi không những không giảm nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện mà còn có khả năng tăng cao hơn sau khi thực thi Luật này trên thực tế - GS. Đặng Hùng Võ nhận định.
Vấn đề đất đai đã được Ban Chấp hành TW Đảng xem xét ở hai Hội nghị lần thứ 5 và thứ 6 vừa qua. Hội nghị lần thứ 5 đã có kết luận ban hành vào ngày 15/5/2012. Chiều ngày 15/10 vừa qua, Đồng chí Tổng bí thư của Đảng đã đọc diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ 6 và Hội nghị cũng đã ra Thông báo trong cùng ngày. Tiếp theo, Hội nghị lần thứ 6 sẽ ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai.
Theo những tài liệu đã được ban hành, có thể hiểu rằng đường lối chung của Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai đã được quyết định, nội dung cụ thể bao gồm:
Một là, ban hành Nghị quyết của Trung ương nhằm mục tiêu: thứ nhất là để lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; thứ hai là để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là tình trạng đầu cơ, lãng phí, tham nhũng, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài; thứ ba là để bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Hai là, tiếp tục khẳng định đất đai thuộc chế độ sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, cần được xác định cụ thể, phù hợp với từng loại đất, đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất.
Ba là, quy hoạch sử dụng đất phải đồng bộ, liên thông với quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất; phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, hiệu quả đất đai cho phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và các đơn vị hành chính trong cả nước; bảo đảm đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, các dự án có mục đích xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, xử lý nghiêm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Năm là, quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Sáu là, thu hẹp đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất, mở rộng việc giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng để tạo quỹ đất; trực tiếp thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ tái định cư theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng. Không để các nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất về giá đền bù, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bảy là, tiếp tục đổi mới chính sách tài chính về đất đai. Nhà nước chủ động điều tiết giá đất trên thị trường bằng quan hệ cung - cầu; rà soát pháp luật về thuế liên quan đến đất đai và bất động sản, các ưu đãi về thuế để đảm bảo công bằng, nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm đưa vào sử dụng hoặc bỏ hoang đất đã giao, đã cho thuê; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng tạo ra.
Tám là, thực hiện giá đất do Nhà nước quy định phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và với mục đích sử dụng đất, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước, các vùng, miền và địa phương trong từng thời kỳ. Chính phủ quy định phương pháp xác định giá đất và khung giá đất làm căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành bảng giá đất; bổ sung quy định về điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất sao cho linh hoạt, phù hợp hơn với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất.
Chín là, không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 64/CP (ngày 27-9-1993). Tiếp tục quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và mở rộng hơn thời hạn so với quy định hiện hành. Tiếp tục quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng cần nâng cao hơn hạn mức có chú ý đến đặc điểm của từng vùng, phù hợp với từng giai đoạn và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Mười là, có cơ chế, chính sách đặc thù về việc giao đất, chuyển quyền sử dụng đất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mười một là, cần nghiêm túc thực hiện theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự. Các cơ quan có thẩm quyền phải đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo đúng quy định của pháp luật; củng cố hệ thống thanh tra đất đai, tòa án các cấp đáp ứng thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
Cuối cùng, Bộ Chính trị chỉ đạo khẩn trương tổng kết, đánh giá tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX, trong đó có đánh giá việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường để có chính sách, biện pháp quản lý phù hợp.
Nhiệm vụ đầu tiên của việc thực hiện các chủ trương chính trị về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai là xây dựng các điều luật sao cho bảo đảm việc thực hiện tốt nhất các chủ trương này. Nếu xây dựng luật pháp mà chỉ đưa nguyên các nội dung của chủ trương chính trị thành điều luật mà người ta vẫn gọi là "luật hóa nghị quyết của Đảng" thì quá thường, thể hiện cách làm theo tư duy đơn giản. Điều luật phải được coi là hệ thống pháp lý bảo đảm thực hiện đúng chủ trương chính trị của Đảng trong cuộc sống thực tế.
Thách thức lớn
Đối với mỗi quá trình quản lý, có thể lựa chọn 2 mô hình: một là mô hình có điều khiển, hay còn gọi là mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung; hai là mô hình tự điều chỉnh, hay còn gọi là mô hình thị trường. Về lý thuyết, mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung có ưu việt hơn nếu người chỉ huy là người thực sự tài giỏi và trong sạch. Trên thực tế, điều kiện này thường khó đạt được hoặc ít nhất là không bảo đảm luôn luôn đạt được.
Chính vì vậy mà đã có lúc người ta thích dùng mô hình thị trường tự do. Thực tế cho thấy mô hình này cũng chứa đựng nhiều nhược điểm. Từ đó, các nhà lý luận đưa ra cách áp dụng kết hợp cả mô hình tự điều chỉnh dựa vào quy luật của thị trường và mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung dựa vào tác động điều tiết mang tính chỉ huy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sự thành công của mô hình hỗ hợp này luôn phụ thuộc vào cơ chế, mức độ tác động của Nhà nước vào thị trường. Nước ta cũng đã quyết định áp dụng mô hình thị trường có sự quản lý của Nhà nước cho nền kinh tế.
Từ phân tích lý thuyết và kinh nghiện thực tế cho thấy mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung dễ dẫn tới quyết định sai khi người giữ thẩm quyền có trình độ kém và dễ dẫn tới tham nhũng khi người giữ thẩm quyền có đạo đức kém. Nếu quyết định áp dụng mô hình này thì pháp luật phải tạo đủ chế tài để kiểm soát, giám sát được toàn bộ quá trình ban hành các quyết định chỉ huy.
Đối với đất đai, câu chuyện trung tâm vẫn là quá trình chuyển dịch đất đai phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gây áp lực rất lớn yêu cầu sử dụng đất ổn định của mỗi người sử dụng đất, nhất là những người thuộc nhóm yếu trong xã hội. Cơ chế nào được áp dụng để thực hiện quá trình chuyển dịch đất đai là điểm cốt lõi được đặt ra. Áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất là thực hiện chuyển dịch đất đai theo mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung, áp dụng cơ chế tự thỏa thuận giữa người cần đất cho dự án đầu tư và người đang sử dụng đất là thực hiện chuyển dịch đất đai theo mô hình thị trường.
GS. Đặng Hùng Võ
Tất nhiên, việc chuyển dịch đất đai theo cơ chế Nhà nước thu hồi đất luôn kéo theo một chuỗi vấn đề khác từ quy hoạch sử dụng đất; Nhà nước giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tới các hệ lụy phát sinh từ chuỗi vấn đề này. Tất cả những bức xúc về đất đai đang tồn tại gồm tham nhũng, khiếu kiện của dân, thực thi pháp luật yếu kém, làm mất tính ổn định trong sử dụng đất đều là hệ lụy của cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Như vậy, có thể thấy thách thức lớn nhất trong xây dựng pháp luật đất đai là giải quyết được các bức xúc lớn đang tồn tại khi chỉ áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất.
Trong giai đoạn 10 năm 1993 - 2003, cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng cho tất cả các dự án đầu tư được Nhà nước phê duyệt, mặc dù Luật quy định chỉ áp dụng cho các dự án vì mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh (không gồm các dự án vì mục đích kinh tế). Trong giai đoạn 10 năm tiếp theo 2003 - 2013, phạm vi áp dụng của cơ chế Nhà nước thu hồi đất cho các dự án vì mục đích kinh tế bị thu hẹp lại và khuyến khích áp dụng cơ chế tự thỏa thuận cho các dự án vì mục đích kinh tế. Trong khoảng 2 năm đầu thực hiện, cả nhà đầu tư và những người đang sử dụng đất đều hoan nghênh cơ chế tự thỏa thuận nhưng sau đó một số khoảng 20% tới 30% người đang sử dụng đất đòi hỏi quá cao đối với nhà đầu tư đã làm hỏng cơ chế này. Nhiều địa phương đã đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với phần đất đai còn lại sau khi cơ chế tự thỏa thuận đã thành công trên 70% tới 80% đất đai của dự án. Rất tiếc đề nghị này không được các cơ quan Trung ương chấp thuận.
Theo kết luận của Hội nghị TW lần thứ 5 và lần thứ 6 vừa qua, chủ trương chính trị về chính sách, pháp luật đất đai đã được quyết định, trong đó mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung được áp dụng tuyệt đối cho quá trình chuyển dịch đất đai. Nhà nước thực hiện quyền thu hồi đất đối với tất cả các dự án đầu tư theo quy hoạch sử dụng đất và không cho phép áp dụng cơ chế tự thỏa thuận. Đương nhiên, đã là quyết định của Đảng thì mọi người dân phải thực hiện. Như vậy, việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi đang đứng trước những thách thức rất lớn như đã nói trên: đó là việc xây dựng hệ thống pháp luật đất đai trên nguyên tắc áp dụng mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung của Nhà nước đối với chuyển dịch đất đai nhưng phải giải quyết được những bức xúc lớn đang tồn tại về tham nhũng nhiều trong quản lý đất đai; về khiếu kiện nhiều của dân có liên quan tới thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về yếu kém trong thực thi pháp luật ở các địa phương và về sử dụng đất thiếu ổn định, không hiệu quả của nông dân, của những người thuộc nhóm yếu trong xã hội. Giải pháp nào trong hệ thống luật pháp đất đai để vượt qua thách thức lớn này sẽ là trọng tâm của Luật Đất đai sửa đổi.
Chưa đột phá
Tất nhiên, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không thể khác với các chủ trương chính trị đã được kết luận trong Hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 6 vừa qua của Ban Chấp hành TW Đảng. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được xây dựng trên tinh thần giữ nguyên Luật Đất đai 2003 với sửa đổi, bổ sung kỹ thuật một số điều; xếp đặt lại các chương mục; luật hóa nội dung kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành TW; luật hóa một số điều của một số Nghị định của Chính phủ, chuyển một số điều từ Bộ luật Dân sự vào Luật Đất đai; bổ sung chế độ chung về sử dụng đất cho các công trình ngầm và giao Chính phủ quy định cụ thể. Điểm lại cụ thể có thể chỉ ra 12 điểm thay đổi so với pháp luật đất đai hiện hành bao gồm:
1.   Có một số điều chỉnh kỹ thuật trong phân loại đất để thuận lợi hơn trong quản lý.
2.   Thẩm quyền quyết định về đất đai và quản lý đất đai được chuyển từ Ủy ban nhân dân sang Chủ tịch Ủy ban nhân dân và có ba điều chỉnh nhỏ về phân thẩm quyền cho cấp tỉnh.
3.   Thống nhất chỉ áp dụng hình thức Nhà nước cho thuê đất đối với đất được sử dụng có thời hạn cho các tổ chức kinh tế và tổ chức sự nghiệp.
4.   Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường cho nhà đầu tư đối với các dự án treo không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng tiến độ.
5.   Thu hồi đất theo dự án áp dụng cho mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không kinh doanh, quốc phòng, an ninh; thu hồi đất theo quy hoạch được áp dụng cho các dự án vì mục đích lợi nhuận thông qua cơ chế đấu giá đất; cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và những người đang sử dụng đất thông qua chuyển nhượng, thuê hoặc nhận góp vốn chỉ được thực hiện đối với các dự án nhỏ.
6.   Quyền địa dịch của cộng đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự nay đưa vào Luật Đất đai.
7.   Thời hạn sử dụng đất của nhóm đất nông nghiệp tăng lên thống nhất là 50 năm.
8.   Hạn mức diện tích nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất của Nhà nước và trao thẩm quyền quy định cụ thể cho Chính phủ.
9.   Có một số quy định chung về sử dụng đất cho các công trình ngầm và giao cho Chính phủ quy định cụ thể (không quy định độ sâu, độ cao mà người sử dụng đất bề mặt có quyền sử dụng).
10.     Tích hợp quy hoạch theo tổng diện tích và quy hoạch theo phân vùng và bổ sung các quy định chi tiết về nội dung; lấy nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm cơ sở để quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; tích hợp quy hoạch sử dụng đất cấp xã vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
11.     Khung giá đất của Chính phủ bao gồm cả giá đất tại khu giáp ranh giữa các địa phương cấp tỉnh; bỏ chế độ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố bảng giá đất hàng năm; xác lập quyền tiên mãi của Nhà nước đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
12.     Thanh tra đất đai và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai thực hiện theo các Luật chung.
Những đổi mới như trên chắc chắn không phải là những cải cách đáng kể nhằm giải quyết các bức xúc nóng về đất đai đang đang diễn ra trên thực tế, nhất là khi chỉ áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất trong quá trình chuyển dịch đất đai. Dự thảo Luật chưa tạo được những bước đột phá quan trọng nhằm giải quyết được những bức xúc hiện tại về đất đai trên cơ sở tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ thực tế. Nội dung của Dự thảo như vậy có thể chuyển về dạng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để dễ áp dụng trên thực tế.
Dự thảo Luật còn phát triển cao hơn hướng tăng cường quyền lực của Nhà nước mà chưa hướng thêm tới quyền và lợi ích của người sử dụng đất, chưa thể hiện toàn diện về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Cách tiếp cận này không những không làm giảm nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện của dân về đất đai mà còn có khả năng tăng cao hơn sau khi thực thi Luật này trên thực tế.
Còn nữa
GS Đặng Hùng Võ
Nguồn: VietnamNet.vn

'Không nên để dành bức xúc của dân'

Quá trình xây dựng pháp luật đất đai nói trên thể hiện khá rõ quy luật của một đất nước có nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Một hệ thống quản lý đất đai phù hợp thị trường ngày càng rõ nét hơn, từng bước tiếp nhận được những thành tựu mới về quản lý đất đai trên thế giới. Từ những chật vật trong quá khứ, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu để từ đó khái quát thành các bài học cho đổi mới pháp luật đất đai hiện nay.
Đổi mới liên tục với tầm nhìn ngắn hạn có vẻ như năng động nhưng lại làm phức tạp hệ thống. Quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật đất đai luôn không có tầm nhìn dài. Nói chung việc đổi mới chính sách, pháp luật đất đai chậm hơn quá trình đổi mới kinh tế khoảng 15 năm. Trước năm 2003, trung bình khoảng 2,5 năm lại sửa luật hoặc pháp lệnh một lần. Sau năm 2003, trung bình khoảng 2,5 năm lại sửa nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một lần. Nhiều quy định quan trọng cần giải quyết nhưng phải để lại vì chưa đạt được thống nhất cao. Tình trạng này thể hiện một ưu điểm về tính năng động nhưng lại thể hiện nhiều nhược điểm.
Thứ nhất, cách đổi mới với nhiều bước đi ngắn hạn đã tạo nên môi trường pháp luật không ổn định, làm cho người sử dụng đất không yên tâm và sử dụng đất không hiệu quả. Ngay các nhà đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm khi môi trường pháp luật không ổn định, nên tính năng động này có ảnh hưởng tiêu cực tới lực hút đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Thứ hai, tuổi thọ thấp của các văn bản pháp luật đã làm cho hệ thống văn bản pháp luật đất đai trở nên quá phức tạp, dẫn tới việc thực thi pháp luật rất khó khăn. Việc thực thi sai pháp luật khá phổ biến ở nhiều cấp địa phương, trong đó có hiện tượng lợi dụng hoàn cảnh này để cố tình áp dụng sai pháp luật vì mục đích tư lợi, thường được biện minh bằng khó khăn này.
Thứ ba, việc áp dụng pháp luật khác nhau giữa các giai đoạn đã tạo nên tình trạng bất công bằng về quyền và lợi ích của người sử dụng đất, làm tăng số lượng khiếu kiện của dân về đất đai. Trong số những khiếu kiện của dân về giá đất, có khá nhiều trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất từ xa xưa không được bồi thường nay khiếu kiện đồi bồi thường, hoặc được bồi thường thấp theo chính sách cũ nay khiếu kiện đòi được hưởng bồi thường như chính sách mới. 
Sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng pháp luật làm mất đi tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng pháp luật, nhiều vấn đề quan trọng cần đặt thành trọng tâm mà nằm trên ranh giới phạm vi quản lý giữa các cơ quan quản lý thì thường phải giải quyết bằng các quy định hoặc thiếu rõ ràng hoặc phải phân chia thẩm quyền. Cách thức này làm mất đi tính thống nhất cần thiết trong bộ máy quản lý cũng như tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Có thể chỉ ra hàng loạt ví dụ trong quản lý đất đai về tình trạng này.
Ví dụ thứ nhất, quá trình thảo luận về thống nhất loại hình giấy chứng nhận đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền cũng đã phải mất 15 năm (1994 - 2009). Trong 15 năm ấy, các quy định của pháp luật và việc thực hiện luôn trong trạng thái thay đổi liên tục, không thống nhất, người dân phiền lòng và không yên tâm.
Không có góp ý nào là tầm thường, vì thế, cần công khai, minh bạch để xây dựng luật tốt hơn. Ảnh minh họa.
Ví dụ thứ hai, quản lý nhà nước về định giá đất đai đang bị cắt thành ba phần riêng biệt: Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về định giá hàng loạt để xây dựng khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dưới cái ô của Luật Đất đai; Bộ Tài chính quản lý về nghiệp vụ định giá phục vụ định giá cụ thể cho từng thửa đất dưới cái ô của Pháp lệnh về giá (Quốc hội sẽ ban hành Luật về giá); và Bộ Xây dựng quản lý về định giá đất gắn với bất động sản dưới cái ô của Luật Kinh doanh bất động sản. Quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện lại cũn có nhiều chỗ rất khác nhau. Vậy ai đó mà có lỡ làng về giá đất thì không biết kêu lên đâu cho phải.
Ví dụ thứ ba, việc giải quyết khiếu nại về đất đai được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai (không được khiếu nại lên Trung ương), khác với việc giải quyết khiếu nại chung được thực hiện theo Luật Khiếu nại và tố cáo trước đây (được khiếu nại lên Trung ương). Như vậy, hơn 70% khiếu nại là về đất đai lại được giải quyết theo pháp luật chuyên ngành, chỉ có dưới 30% khiếu nại là không về đất đai mới được giải quyết theo pháp luật chung. Tình trạng này mới được sửa đổi vào năm 2010 theo quy định của Luật Tố tụng hành chính (khiếu nại về đất đai phải giải quyết theo Luật Khiếu nại hiện hành).
Ví dụ thứ tư, ba loại hình quy hoạch gồm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vẫn chưa đạt được tính thống nhất hệ thống vì thiếu mối liên kết. Từ đây có thể thấy khi quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt thì không cần lập quy hoạch sử dụng đất nữa, nhưng thực tế vẫn cứ phải lập, thế là lãng phí. Trong khi đó, lập quy hoạch phân vùng trong quy hoạch xây dựng lại thiếu căn cứ chi tiết về quỹ đất để cân đối mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường giữa vùng nông nghiệp và vùng xây dựng, chèn vào công việc của quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch về phân bổ không gian các sân gôn trên phạm vi cả nước lại là nội dung của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, không thuộc phạm vi quy hoạch sử dụng đất. Bài toán quy hoạch quả là phức tạp!
Sự thiếu thống nhất trong xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật làm cho môi trường pháp lý thiếu đồng bộ, cơ quan quản lý khó thực hiện nhiệm vụ, doanh nghiệp và người dân khó thực hiện đúng pháp luật trên thực tế. Hơn nữa, hoàn cảnh này thường tạo ra các khoảng chồng chéo có xung đột pháp luật và các khoảng trống không có quy định pháp luật.
Tích cực đổi mới nhưng vẫn chưa trúng mục tiêu phát triển bền vững, chưa hướng tới mục tiêu tăng hiệu quả phát triển đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Đổi mới pháp luật đất đai rất tích cực nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi. Quá trình này cần bảo đảm các nguyên tắc của phát triển bền vững, trong đó đổi mới công cụ quy hoạch sử dụng đất đai là phần thể chất và đổi mới công cụ tài chính đất đai là phần linh hồn. Cả hai phần này được đổi mới còn quá chậm so với yêu cầu của một nền kinh tế thị trường đầy đủ, điều mà Chính phủ ta rất mong muốn thế giới công nhận. Những tiến bộ về quản trị tốt đất đai trên thế giới đã bước đầu được tiếp thu để áp dụng vào Việt Nam nhưng chưa được bao nhiêu. Những cơ chế tích cực để xây dựng hệ thống quản trị đất đai sạch tham nhũng, bảo vệ quyền của người dân đối với đất đai vẫn chưa được áp dụng đầy đủ. Chúng ta muốn đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật nhưng kỹ thuật "giám sát và đánh giá" vẫn chưa được áp dụng. Hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật đang chứa đựng nguy cơ tham nhũng cao trong quản lý đất đai và nguy cơ đầu cơ cao trong sử dụng đất đai. Trên thực tế, tình trạng tham nhũng và đầu cơ đất đai ở Việt Nam vẫn đang ở nhóm đầu trên thế giới và trong khu vực ASEAN.
Không tầm thường
Từ những nhận xét như trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi hiện nay. Điều quan trọng hơn là những bài học kinh nghiệm này cần được thực sự lưu tâm trong xây dựng pháp luật hiện nay.
Bài học kinh nghiệm thứ nhất: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng và thảo luận sâu để đi tới nhất trí về lý luận kinh tế - chính trị học đối với đất đai trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn đang áp dụng mô hình kinh tế thị trường nhiều thành phần kinh tế để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi bức xúc phải có nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm giải pháp phù hợp mang tính khách quan, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Khi tất cả giải pháp đã đạt được mức thuyết phục cao, đồng thuận lớn thì quyết định điều chỉnh chính sách, pháp luật, không nên để lại bất kỳ vấn đề bức xúc nào để giải quyết sau do chưa đủ điều kiện. Sửa đổi Luật Đất đai phải có tầm nhìn dài hạn, ít nhất phải có sức sống cho tới khi Việt Nam trở thành một nước công nghiệp, trước khi đủ điều kiện về hạ tầng thông tin đất đai đủ để xây dựng Bộ luật Đất đai.
Người dân tụ tập phản đối việc cưỡng chế thu hồi đất
Bài học kinh nghiệm thứ hai: Việc thẩm định, xem xét, cho ý kiến và quyết định của Quốc hội cần được thực hiện thật chi tiết, cụ thể nhằm tránh đi một nhược điểm cố hữu về thu xếp quyền quản lý của các cơ quan tham gia soạn thảo. Ngoài ý kiến thẩm định của Ủy ban kinh tế, có thể cần tới ý kiến thẩm định bổ sung về từng mặt của một số cơ quan khác của Quốc hội. Hơn nữa, có thể cần cả tới những ý kiến thẩm định của một số tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia có trình độ, coi như tài liệu bổ sung cho các đại biểu Quốc hội. Các ý kiến như vậy cũng chỉ nhằm mục đích nói ra được những nhậy cảm mà trước đây vẫn hay phải sử dụng giải pháp "hài hòa" để thu xếp phạm vi quản lý giữa các Bộ. Có như vậy mới bảo đảm được tính ổn định của pháp luật và tính nhất quán của bộ máy thực thi pháp luật, tránh làm khó cho dân và doanh nghiệp.
Bài học kinh nghiệm thứ ba: Cần bảo đảm tính khách quan trong xây dựng Luật Đất đai mới, tránh phụ thuộc vào tư duy chủ quan duy ý chí thiếu cơ sở đúng đắn. Mặt khác, cũng cần tránh tình trạng bó hẹp sự tham gia chỉ trong phạm vi các cơ quan nhà nước. Cần tạo cơ chế có sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước ở trong nước, các tổ chức phát triển quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm để tăng tính chuyên nghiệp của pháp luật. Đây là cách làm phù hợp nhằm thu lượm hết những tri thức sẵn có để phục vụ phát triển đất nước. Những kinh nghiệm trong nước, kinh nghiệm quốc tế cần được xem xét kỹ để tiếp thu tạo những bước đổi mới hữu ích trong giải quyết những bức xúc hiện tại.
Bài học kinh nghiệm thứ tư: Việc lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và nghiêm túc tiếp thu ý kiến có lý cần được đặt ra như một nguyên tắc quan trọng. Tất cả chúng ta đều biết đất đai là tài sản của cả dân tộc, nhưng cũng là nhu cầu sử dụng thiết yếu của tất cả mọi người, quyền sử dụng đất cũng là tài sản quý báu nhất của mỗi gia đình, mỗi con người. Đất đai đồng thời là nguồn lực đầu vào trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra hàng ngày. Trên thực tế ở nước ta, đất đai đã mang lại sự giầu có cho nhiều nhà đầu tư nhưng cũng làm nhiều người bị thu hồi đất rơi vào nghèo đói. Mỗi người góp ý vào Luật Đất đai đều gắn với những trăn trở trên thửa đất họ đang sống, không thể là những ý kiến tầm thường. Sự tham gia rộng rãi của cộng đồng cần được đặt ra nhưng một nguyên tắc cơ bản. Kết quả lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến phải được công khai, minh bạch và thể hiện tính dân chủ cao.
Quá trình chuẩn bị Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa qua có những bước đi khá giống với những gì đã xẩy ra khi chuẩn bị soạn thảo Luật Đất đai 2003. Mặc dù thời gian có nhiều, được quan tâm nhiều hơn, được ủng hộ mạnh hơn, có nhiều thông tin hơn những công việc vẫn chưa thoát ra khỏi các nhược điểm xưa cũ. Hãy bỏ đi tư duy xây dựng luật khung để Chính phủ quy định cụ thể. Cần tư duy tập trung vào nội dung các chế tài cụ thể. Thửa đất rất cụ thể và người sử dụng đất rất cụ thể nên chế tài cũng phải cụ thể. Sức sống của pháp luật nằm ở đây. Trong hoàn cảnh này, các bài học kinh nghiệm trong xây dựng luật pháp, trong thực thi luật pháp có ý nghĩa rất lớn.
Còn nữa
GS Đặng Hùng Võ
Nguồn: VietnamNet.vn

Luật Đất đai và những bức xúc không thể bỏ qua

Luật Đất đai 2003 đã để lại nhiều bức xúc không thể bỏ qua, không giải quyết sẽ làm cho quá trình phát triển thiếu bền vững, "cha đẻ" của Luật đất đai 2003, TS Đặng Hùng Võ phân tích.
LTS: Liên tiếp trong vài tháng qua đã có hàng loạt sự kiện có liên quan mật thiết với nhiệm vụ xây dựng Luật Đất đai mới. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn chỉnh Dự thảo, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã bắt đầu quá trình thẩm định. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng đã thông báo kết luận của Hội nghị, trong đó đã xác định đường lối về chính sách, pháp luật đất đai trong giai đoạn tới. Đường đi của phát triển đã rất rõ ràng. Nhiệm vụ còn lại là hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để thực hiện tốt nhất các chủ trương của Đảng về chính sách, pháp luật đất đai nước ta. Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ, chuyên gia về chính sách, pháp luật đất đai đã viết bài báo nhiều kỳ này trên VietnamNet với mục đích phân tích về những thách thức mà chúng ta phải vượt qua trong hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai mới nhằm giảm đi các bức xúc hiện tại.
Không thực với chính luật
Luật Đất đai năm 2003 được xây dựng dựa trên các chủ trương chính trị đã được xác định tại Nghị quyết Trung ương số 26-NQ/TW ngày 12-3-2003 thông qua Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khoá IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhìn lại quãng đường 10 năm thực hiện, có thể đánh giá những điểm được và chưa được của chủ trương cũng như việc thực thi các điều khoản cụ thể của pháp luật đất đai.
Nhìn khái quát, cái được cơ bản là đã tập trung vào cách thức vận hành quỹ đất quốc gia dưới góc độ nguồn vốn, được coi như một tài sản, sao cho gần hơn với cơ chế thị trường, tạo thuận lợi có lý hơn cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững và thực hiện sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Trong câu viết trên tôi hay dùng từ "hơn" vì đó là đặc thù của một nước có nền kinh tế chuyển đổi, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, việc chuyển từ tư duy bao cấp sang tư duy thị trường là một thách thức rất lớn.
Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua thị xã Phúc Yên đang là điểm nóng trên toàn tuyến vì bị một số người cản trở. (Ảnh: Thanh niên)
Luật Đất đai 2003 đã có một cố gắng đáng kể trong mô tả nội dung thực nhất, không bị sa đà vào những hình thức bóng bẩy. Ví dụ như sở hữu toàn dân về đất đai cũng được diễn đạt cụ thể thành quyền của Nhà nước tới đâu và quyền của người sử dụng đất tới đâu. Trong các quyền của Nhà nước có quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư vì mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Đây là một quy định bị các chuyên gia pháp luật phê phán nhiều nhất, nào là trái với Điều 23 của Hiến pháp, nào là tạo nguy cơ tham nhũng, nào là làm cho khiếu kiện tăng cao, v.v.
Chúng ta cũng cần quay lại quá khứ một chút để xem xét lại nội dung thực của vấn đề. Mặc dù Luật Đất đai 1993 quy định cơ chế Nhà nước thu hồi đất chỉ được áp dụng cho các dự án vì mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh nhưng Luật lại không cho phép các tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất nên Chính phủ đành phải hướng dẫn áp dụng cơ chế này cho tất cả các dự án đầu tư vì mục đích lợi lợi ích kinh tế. Như vậy là không thực với chính luật pháp.
Nghị quyết Trung ương số 26-NQ/TW (nói trên) đã quyết định áp dụng cơ chế này cho các dự án sản xuất kinh doanh. Luật Đất đai 2003 đã đưa ra giải pháp "trung dung" là cho phép áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế trong một phạm vi hẹp bao gồm các dự án có hạ tầng dùng chung, các dự án nhóm A và các dự án có 100% vốn nước ngoài. Cách giải quyết này muốn hướng tới bước tiếp theo của đổi mới pháp luật là không áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế nhằm loại bỏ các nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Trải qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 đã có tác động đáng kể vào quá trình chuyển dịch đất đai đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mọi dự án đầu tư phát triển đều được các địa phương quan tâm đáng kể về thu xếp đất đai. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao, thị trường bất động sản luôn nóng.
Những bức xúc để lại
Mặt khác cũng rất đáng kể, Luật Đất đai 2003 đã để lại nhiều bức xúc không thể bỏ qua, không giải quyết sẽ làm cho quá trình phát triển thiếu bền vững.
Bức xúc của nông dân, phụ nữ, người có thu nhập thấp, người nghèo khi chưa yên tâm về quyền sử dụng đất đai
Như đã biết, thành công đầu tiên của sự nghiệp "Đổi Mới" là chính sách giao lại ruộng đất của hợp tác xã cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài (1988 - 1993). Lập tức năng suất và sản lượng lương thực lại tăng lên vùn vụt, không chỉ đưa người nông dân thoát đói mà còn đưa nước ta lên nhóm đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng từ khi là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu tới nay, năng suất và sản lượng nông nghiệp không tăng lên được nhiều, chất lượng nông sản ở mức thấp so với các nước khác trong khu vực.
Một nguyên nhân dễ thấy là người nông dân chưa thực sự an tâm đầu tư chiều sâu vào sản xuất nông nghiệp vì thời hạn sử dụng đất quá ngắn. Mặt khác, chính sách hạn điền cũng làm cho quy mô sản xuất khó phát triển theo mô hình các trang trại sản xuất lớn.
Hiện nay, vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp không cao, trong giai đoạn 2000 - 2009 vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư, trong khi nông nghiệp đóng góp tới 20% GDP, hơn nữa còn giảm theo thời gian. Vào năm 2006, các hộ nông dân đều có mức bình quân doanh thu chỉ khoảng 30 triệu đồng mỗi năm, vốn dưới 8 triệu đồng, đất canh tác trung bình chỉ khoảng 0,9ha, chủ yếu tận dụng lao động gia đình. Cả nước mới có 135.437 trang trại, chiếm dưới 1% tổng số hộ gia đình nông thôn, quy mô ruộng đất không cao (vùng núi cũng chỉ tới 10ha) và vốn sản xuất kinh doanh trung bình của 1 trang trại cũng chỉ ở mức 240 triệu đồng mỗi năm.
Bức tranh này cho thấy, đất đai là trung tâm của vấn đề tam nông nhưng chính sách đất đai lại không theo kịp. Luật Đất đai 2003 giữ nguyên thời hạn sử dụng đất như Chính phủ quy định trong các Nghị định về thi hành Luật Đất đai 1993.
Lời giải cho vấn đề thời hạn có nhiều ý kiến khác nhau nên Trung ương không quyết định mà để lại giải quyết sau. Khi gần hết thời hạn sử dụng đất vào năm 2013, gần như mọi nông dân đều hoang mang không biết Trung ương sẽ quyết định thế nào? Nhiều nông dân giỏi rất muốn phát triển quy mô sản xuất nhưng luôn ngại câu chuyện hạn điền, tập trung đất đai vượt hạn mà Nhà nước thu hồi thì hỏng hết. Họ đành quyết định mượn tên người khác hoặc ngừng lại ý định phát triển nghề nông.
Chuyển sang khía cạnh đất đai cho nhóm người thuộc các dân tộc thiểu số, phụ nữ, người nghèo. Pháp luật dân sự nước ta rất lúng túng khi xử lý khái niệm gia đình và cộng đồng vì cho rằng đây không phải là các đối tượng có địa vị pháp lý đầy đủ. Chính vì vậy mà pháp luật đi theo hướng mỗi gia đình, cộng đồng đều phải có một cá nhân đại diện, đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý cho gia đình hay cộng đồng. Cách quan niệm như vậy là hoàn toàn đúng khi các luật tục bị bãi bỏ hoàn toàn. Trên thực tế cuộc sống, các luật tục vẫn có sức mạnh thực thi, nhất đối với vấn đề phụ nữ và người thuộc các dân tộc thiểu số.
Đất đai là một vấn đề luôn luôn gắn với các luật tục rất nặng nề. Để giải quyết hợp lý vấn đề đất đai, pháp luật luôn phải quan tâm tới vấn đề luật tục để đưa ra các quy định phù hợp nhằm bảo đảm tính công bằng cho phụ nữ và sử dụng tốt đất đai tại các vùng dân tộc thiểu số. Đối với người có thu nhập thấp, người nghèo cũng vậy, nhóm người yếu thế này đang cần những chính sách ưu đãi thực sự về đất đai.
Cá nhân không đủ sức để có đất thì nhà nước hãy tận dụng sức mạnh của cộng đồng mà giao đất cho họ. Pháp luật đất đai lúc này cần tới tính nhân bản của pháp luật. Bỏ qua tính nhân bản thì gặp phải sự bất công bằng giản đơn mang tính pháp lý. Lúc này cần các quy định pháp luật hợp lý để có được tính nhân bản nhưng không để lại các kẽ hở pháp luật có thể bị lợi dụng.
Luật Đất đai 2003 đã có những quy định ưu đãi về đất đai cho những người thuộc nhóm yếu trong xã hội nhưng chưa được bao nhiêu, chủ yếu dưới dạng ưu đãi về thủ tục, nghĩa vụ tài chính, v.v. Đó chưa phải là cách thức chủ yếu để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp phù hợp hơn dựa trên sức mạnh của cộng đồng.
Bức xúc về tham nhũng trong quản lý đất đai còn đang ở nhóm đứng đầu trên "bảng tham nhũng"
Trong tất cả các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, tham nhũng trong quản lý đất đai luôn đứng ở nhóm cao nhất. Trên bản đồ sạch tham nhũng trên thế giới của Tổ chức Minh bạch quốc tế, mức sạch tham nhũng ở Việt Nam cũng đứng ở nhóm gần cuối.
Nghiên cứu về tham nhũng trong quản lý đất đai do Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Thụy Điển và Ngân hàng Thế giới thực hiện phục vụ đối thoại về tham nhũng giữa Chính phủ Việt Nam và nhóm các nước tài trợ cho Việt Nam đã chỉ ra 2 dạng chủ yếu dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai: một là tham nhũng xuất hiện trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, một dạng tham nhũng "vặt" nhưng tác động đến cỡ gia đình; và hai là tham nhũng xuất hiện trong quá trình thu hồi đất của người đang sử dụng để giao trực tiếp cho nhà đầu tư đã được chỉ định, một dạng tham nhũng "cụ" nhưng chỉ tác động đến các dự án đầu tư.
Theo lý thuyết về kiểm soát tham nhũng, người ta đưa ra biểu thức mô tả tham nhũng dưới dạng tỷ lệ thuận với thẩm quyền quyết định và tỷ lệ nghịch với độ minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thẩm quyền quyết định về đất đai không được giám sát tốt sẽ tạo nên nguy cơ tham nhũng. Cách thức quản lý thiếu minh bạch và cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm giải trình cũng tạo nên nguy cơ tham nhũng.
Luật Đất đai 2003 đã tập trung vào tạo lập các cơ chế hợp lý để giám sát việc thực thi thẩm quyền quyết định về đất đai, cải cách thủ tục hành chính, công khai hóa và minh bạch hóa quản lý và tăng cường trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý. Công việc kiểm tra, thanh tra đất đai được tăng cường trong bộ máy hành chính, công việc giám sát được đẩy mạnh trong hệ thống các cơ quan dân cử cũng như hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội.
Tham nhũng trong quản lý đất đai còn nhiều có nghĩa là các quy định của Luật vẫn chưa đủ chi tiết hoặc chưa thật đầy đủ hoặc chưa được thực hiện như yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng chưa mang lại hiệu quả thực sự.
Tất nhiên, đi bắt tham nhũng rất khó khăn và tốn kém. Giải pháp tốt không phải là tăng cường bộ máy đi bắt tham nhũng mà là sửa đổi pháp luật để loại bỏ hết các nguy cơ tham nhũng.
Bức xúc về khiếu kiện của dân đối với đất đai ngày càng nhiều, càng nặng
Một số liệu mọi người đều biết là khiếu kiện của dân về đất đai đang chiếm từ 70% tới 80% tổng lượng khiếu kiện của dân, trong đó hầu hết là khiếu kiện có liên quan tới quyết định thu hồi đất của Nhà nước và mức bồi thường cho người có đất bị thu hồi với tỷ trọng 70% khiếu kiện về giá đất. Hiện nay, các cơ quan nhà nước các cấp đang có nỗ lực lớn về giải quyết khiếu kiện của dân về đất đai. Về mặt số lượng cũng giải quyết được tới 80% vụ việc xẩy ra hàng năm nhưng nói chung chất lượng giải quyết không cao.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, việc giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay không bảo đảm chất lượng nên thường giải quyết không dứt điểm, hầu hết là dân tiếp tục khiếu nại. Trong giai đoạn 2002 - 2004, đã có 4.666 đơn gửi lên Chính phủ và Thanh tra Chính phủ khiếu nại về quyết định giải quyết cuối cùng của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Thanh tra Chính phủ đã xem xét lại 64 quyết định thì có đến 34 phải sửa nội dung (chiếm 53,1%). Trong năm 2005, Thanh tra Chính phủ đã xem xét lại 103 quyết định thì có tới 47 quyết định phải thay đổi một phần nội dung (chiếm 45,6%). Trong năm 2006, kiểm tra lại 256 quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì 20,8% phải sửa đổi quyết định, 10,2% phải hủy bỏ quyết định và 21,9% phải tiếp tục xem xét thêm để giải quyết (tổng là 52,9%). Nói chung, khoảng một nửa số lượng quyết định là chưa đúng. Vì vậy, tình trạng khiếu nại của dân vẫn tiếp tục tăng lên cả về số lượng và mức độ.
Tương tự như giải pháp giảm tham nhũng, cách tiếp cận đúng đắn để giảm khiếu kiện của dân về đất đai không phải là tăng cường bộ máy giải quyết khiếu kiện mà là loại bỏ các nguy cơ phát sinh khiếu kiện của dân. Như trên đã nói, khiếu kiện của dân về đất đai có nguyên nhân từ quyết định thu hồi đất, quyết định giá đất, quyết định giá trị bồi thường, hỗ trợ, quyết định nơi tái định cư không tương xứng, thiếu hợp lý hoặc bất công bằng.
Bức xúc về yếu kém trong thực thi pháp luật đất đai ở hầu hết các địa phương
Trong gần 10 năm qua, dưới góc nhìn từ Trung ương xuống, cũng như dưới góc nhìn từ dân lên đều có chung nhận định là việc thực thi pháp luật đất đai tại đa số các địa phương không tốt, cấp địa phương càng thấp thì yếu kém càng nhiều.
Ví dụ như Luật Đất đai 2003 quy định rằng bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phải phù hợp với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường. Trên thực tế, bảng giá đất này chỉ bằng từ 10% tới 70% giá đất trên thị trường, tức là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở hầu hết các địa phương đều vi phạm pháp luật đất đai.
Hoặc như một ví dụ khác về cấp giấy chứng nhận lần đầu, Luật quy định thời hạn dài nhất là 56 ngày nhưng chắc rất ít người có thể nhận được giấy chứng nhận trong thời hạn này, tức là hầu hết các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đều vi phạm pháp luật.
Tình trạng yếu kém trong thực thi pháp luật đất đai có nhiều nguyên nhân, có thể do cán bộ quản lý yếu chuyên môn, kém đạo đức, hoặc cũng có thể do cơ chế phân cấp nhưng không gắn với cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật.
Luật Đất đai 2003 đã phân cấp quyền quyết định về đất đai và quản lý đất đai trên nguyên tắc: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền đối với đất đai do tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà đầu tư nước ngoài sử dụng; Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền đối với đất đai do hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng.
Việc phân cấp quản lý đất đai cho cả hai cấp tỉnh và huyện đang tạo nên sự chia cắt trong quản lý, hồ sơ địa chính không thống nhất. Lý luận về quản lý đất đai cũng như kinh nghiệm quản lý ở các nước phát triển cho thấy, quản lý đất đai cần được trao quyền hoàn toàn cho địa phương nhưng không phân thành nhiều cấp quản lý. Cấp được trao thẩm quyền có hệ thống quản lý theo ngành dọc xuống tới các địa phương cấp dưới.
Do thực thi pháp luật thời gian qua ở địa phương chưa tốt nên có nhiều ý kiến cho rằng phải thu bớt quyền về Trung ương. Cũng có một luồng ý kiến khác cho rằng cần tiếp tục trao thẩm quyền cho địa phương cấp tỉnh nhưng cần phải thiết lập hệ thống giám sát - đánh giá thực thi pháp luật.
Còn nữa
GS Đặng Hùng Võ
Nguồn : VietnamNet.vn

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

GIẢI PHÁP THẤU TÌNH ĐẠT LÝ CHO KDC HOÀNG HẢI

Qua 2 năm, thời gian đủ dài để giải quyết những tồn tại vướng mắc tại Khu dân cư Hoàng Hải do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải làm chủ đầu tư trên địa bàn xã Bà Điểm huyện Hóc Môn.
Qua những chứng cứ và Kết luận thanh tra số 338/KL-TTTP-P1 ngày 23/6/2010 của Thanh tra thành phố, cho thấy nguyên nhân dẩn đến sai phạm là do một số cán bộ thoái hoá, biến chất của hai cấp chính quyền địa phương xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (thời điểm liên quan).
Và qua Đơn khẩn cầu của đại diện bà con cộng đồng Khu dân cư Hoàng Hải gởi đến Lãnh đạo Thành phố, Lãnh đạo huyện và các Sở, Ban ngành các cấp đã kiến nghị giải pháp giải quyết những tồn tại vướng mắc tại Khu dân cư Hoàng Hải rất thấu tình đạt lý.
Nên tôi xin đăng toàn bộ nội dung Đơn khẩn cầu lên Blogs để cho công luận được biết. Nếu thấy người dân Hoàng Hải bị oan sai thì xin công luận hảy lên tiếng để ủng hộ bà con được xây dựng nhà, có cuộc được sống ổn định trên miếng đất do suốt cuộc đời lao động mới tạo lập được.
Hữu Lộc
Độc Lập- Tự Do- Hạnh Phúc
=================

ĐƠN KHẨN CẦU

                                                                        Thành phố HCM, ngày 22 tháng 10 năm 2012

Kính gởi:       -    VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG.
-         Ông LÊ THANH HẢI, BÍ THƯ THÀNH UỶ - Tp. HCM -
-         UỶ BAN NHÂN DÂN Tp. HỒ CHÍ MINH.
-         Ông NGUYỄN HỮU TÍN, Phó CHỦ TỊCH UBND TP. HCM.
-         HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN Tp. HỒ CHÍ MINH.
-         Ông NGUYỄN VĂN HOA, BÍ THƯ HUYỆN HÓC MÔN.
-         UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN HÓC MÔN.
-         HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN HÓC MÔN.                                                                                 

Kính thưa các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Tôi tên là: Nguyễn thị Ca,             sinh năm 1959. Điện thoại : 0126.437.81.55
 Nhà số: G 35 đường TK 20, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm huyện Hóc Môn.
Là đại diện 500 hộ dân mua đất nền trong Khu dân cư do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doành nhà Hoàng Hải (gọi tắt là Công ty Hoàng Hải) làm chủ đầu tư, tại ấp Tiền Lân xã Bà Điểm huyện Hóc Môn. Trân trọng kính trình bày sự việc như sau :
Ngày 22/7/2010,  Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, bà Văn Thị Bạch Tuyết ra thông báo số 225/TB-UBND : V/v Tạm ngưng giải quyết các thủ tục cấp phép xây dựng, chuyển nhượng nền đất trong 03 dự án xây dựng khu dân cư, 04 khu đất phân lô hộ lẻ và 04 khu đất nông nghiệp do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải thực hiện đầu tư trên địa bàn xã Bà Điểm huyện Hóc Môn. Đến nay, thời gian đã hơn 2 năm nhưng chưa được giải quyết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nội dung của Kết luận số 338/KL-TTTP-P1 ngày 23/6/2010 của Thanh tra thành phố. Biết được Thành uỷ đã chỉ đạo Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Hóc Môn, Đảng uỷ Uỷ ban nhân dân dân xã Bà Điểm, kiểm điểm những sai phạm trong việc chỉ đạo Công ty Hoàng Hải vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện các dự án do Công ty Hoàng Hải làm chủ đầu tư tại địa bàn xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Và đã xử lý những cán bộ sai phạm. Người dân chưa được biết đã kỷ luật ai ? Ai sai phạm không được biết ! Chỉ được biết ông Nguyễn Văn Khoẻ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn) bị phạt tù 26 năm về tội nhận hối lộ của Công Ty Thành Phát. Ông Ngô Quang Trưởng nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Hải bị phạt tù chung thân về tội chủ mưu giết người. Số cán bộ và  nhân viên còn lại của Công ty Hoàng Hải vẩn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Từ đó đến nay đã hơn 2 năm, nhiều lần người dân làm đơn Khiếu kiện đông người gởi các cấp chính quyền từ Huyện đến Thành phố để khẩn cầu được giải quyết – Nhưng tất cả đều chìm trong im lặng, chưa có một ai đại diện cấp có thẩm quyền trả lời thoả đáng cho người dân. Dân mua đất có sai phạm hay không ? Hay người dân bị oan sai ! Chỉ thấy dồn tất cả những sai trái lên đầu người dân bằng những quyết định vô cãm do chính quyền địa phương ký “tự tháo dỡ hoặc bị cưỡng chế tháo dỡ”.
Thưa các quý vị Lãnh đạo,
Nếu chỉ nhìn thấy chủ thể 80 căn nhà và 500 nền đất đang hiện diện, nằm trên 4 khu đất nông nghiệp mà qui tội cho người dân sai phạm thì quả là oan sai. Cách nhìn nhận và suy xét như thế thật sự rất phiến diện , không biện chứng.  Bởi vì, khi chúng ta đứng trên quan điểm toàn diện để xem xét mối quan hệ dẫn đến sai phạm một cách khoa học, thì sai phạm trước hết thuộc về những người đứng đầu thi hành công vụ, thực thi pháp luật ở hai cấp chính quyền huyện Hóc Môn và xã Bà Điểm (thời điểm liên quan) đã tiếp tay cho Công ty Hoàng Hải tự tung tự tác, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến gây thiệt hại to lớn cho Nhà nước và người dân.
Thưa các quý vị Lãnh đạo,
Chúng tôi đã sưu tầm, tập hợp tất cả các văn bản, thủ tục liên quan đến 4 khu đất nông nghiệp đều có bút phê “Đồng ý” của ông Khoẻ. Có những văn bản vi phạm nghiêm trọng pháp luật như: ký cho Công ty Hoàng Hải san lấp khi chưa có quy hoạch, chưa có quyết định giao đất, chưa làm nghĩa vụ thuế chuyển mục đích sử dụng đất. Khi Công ty Hoàng Hải gởi văn bản xin san lấp số 120/HH-KT-05 ngày 02/6/2005, ông Chủ tịch Khoẻ có bút phê “Đồng ý cho Cty được san lấp 02 dự án nêu trên tổng số 19,2 hecta đã có thủ tục đến cấp Huyện, và TP cho phép đầu tư dân cư. Giao phòng QLĐT chủ trì phối hợp UBND xã hướng dẩn đơn vị thực hiện”. Và Công ty đã tiến hành san lấp, làm đường, phân lô bán nền cho dân.
Qua kết luận thanh tra số 338/KL-TTTP-P1 ngày 23/6/2010 do ông Lê Thanh Tân, Phó Chánh thanh tra thành phố ký nêu rõ :
Trang 23 mục 2.2 : Việc Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khoẻ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Phan Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm Võ Văn Út, Phan Văn Tốt xác nhận số liệu khống về đền bù tại các dự án (thời điểm liên quan) để Công ty được giao đất, được chuyển mục đích sử dụng đất là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Hải thực hiện các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. Ông Nguyễn Văn Khoẻ, ông Phan Văn Hùng, ông Võ Văn Út, ông Phan Văn Tốt có dấu hiệu phạm “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được qui định tại Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Người dân có nhu cầu mua nền đất, cần kiểm chứng tư cách của Công ty, liên hệ với  Uỷ ban xã Bà Điểm để hỏi thì được cán bộ xã bảo là cứ mua và xây dựng theo quy hoạch của Công ty Hoàng Hải là được, không cần xin phép xây dựng vì đất nằm trong dự án dân cư. Do tin tưởng như thế nên người dân đã mua nền trong các dự án do Công ty Hoàng Hải làm chủ đầu tư.
Qua đây, người dân người dân nhận thức rằng : Có sai phạm của các cán bộ thoái hoá biến chất ở hai cấp chính quyền Huyện và Xã (thời điểm liên quan) mới có sai phạm của Công ty Hoàng Hải. Hàng ngàn hộ dân mới bị mắc lừa, trong đó 500 hộ dân mua đất nền trên 4 khu đất nông nghiệp là khốn khổ nhất.
Thưa các quý vị Lãnh đạo,
Chúng tôi được biết – Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì cuộc họp cùng với đại diện các đơn vị : Thanh tra thành phố; Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban nhân dân huyện Hóc Môn để bàn về biện pháp khắc phục những sai phạm tại các dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải thực hiện đầu tư tại xã Bà Điểm huyện Hóc Môn. Trình lãnh đạo Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét và xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.
Tại văn bản số 5563/SXD-PTN ngày 31/7/2012 do Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Tấn Bền ký trình Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố:
Mục 2. Đề xuất của Uỷ ban nhân dân huyện Hóc Môn về xử lý các vi phạm xây dựng :
a). Tại dự án 20,1ha:
- Đối với căn nhà 04 tầng thuộc khu quy hoạch công trình công cộng, trước đây Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải đã bán cho bà Nguyễn Thị Thu Hồng (gia đình Liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng): đề xuất tạm thời cho phép tồn tại, yêu cầu Công ty Hoàng Hải hoán đổi vị trí khác cho bà Hồng. Sau khi bà Hồng được hoán đổi nhà vị trí khác, Công ty Hoàng Hải giao căn nhà trên cho huyện Hóc Môn quản lý, chuyển đổi công năng thành công trình công cộng, nhằm tránh lãng phí.
- Đối với các công trình nhà xưởng – kho : huyện Hóc Môn vận động chủ đầu tư ngưng hoạt động sản xuất, tự tháo dỡ di dời, cải tạo phù hợp với chức năng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Nếu chủ đầu tư không thực hiện, huyện Hóc Môn tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Mục 3. Nhận xét về các vi phạm xây dựng, các giải pháp khắc phục :
-Đối với trách nhiệm của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải:
            + Phải nghiêm chỉnh thực hiện dự án đúng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt; chủ động có kế hoạch, biện pháp khắc phục các vi phạm quy hoạch xây dựng trình Uỷ ban nhân dân huyện Hóc Môn và các Sở, Ngành liên quan để thực hiện khắc phục; khẩn trương tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án. Tổ chức nghiệm thu, kiểm định chứng nhận phù hợp về chất lượng công trình xây dựng để bàn giao cho cơ quan chức năng tiếp nhận quản lý theo quy định.
            + Phải chấm dứt việc chuyển nhượng nền đất cho khách hàng tại 04 khu đất nông nghiệp. Chủ động thoả thuận với khách hàng để hoán đổi hoặc có biện pháp giải quyết bồi thường thiệt hại đối với số nền đã bán tại 04 khu đất nông nghiệp theo quy định pháp luật.
 Mục 4. Kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố :
4.1. Chấp thuận chủ trương, giải pháp khắc phục các vi phạm xây dựng theo đề xuất của Uỷ ban nhân nhân dân huyện Hóc Môn tại các công văn số 1035/UBND ngày 04/7/2012 và 195/UBND ngày 20/02/2012. Giao Uỷ ban nhân dân huyện Hóc Môn khẩn trương rà soát các vi phạm xây dựng, xác định thời điểm xây dựng của từng trường hợp cụ thể, đề xuất hướng xử lý :
- Đối với các công trinh (tại 03 dự án khu nhà ở) vi phạm xây dựng trên đất công viên cây xanh, đường giao thông phải kiên quyết xử lý tháo gỡ, thực hiện theo đúng quy hoạch được phê duyệt;
- Đối với các công trình nhà ở vi phạm xây dựng như sai thiết kế nhà mẫu, xây dựng không đúng kích thước, khoảng lùi, tầng cao nhưng phù hợp chức năng quy hoạch chi tiết xây dựng được tồn tại theo hiện trạng.
- Đối với các trường hợp nhà – đất đã nhận chuyển nhượng từ Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải trước đây, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ : cho phép các hộ dân được xây dựng; được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy dịnh của pháp luật.
- Đối với 80 công trình nhà ở của người dân tại các khu đất nông nghiệp (khu 5,2ha; khu 14,01ha; khu 18,3ha): giải quyết tương tư trường hợp Nhà máy bia Vinaken, được tạm thời giữ nguyên hiện trạng chờ điều chỉnh quy hoạch và xử lý tiếp theo quy định.
Thưa các quý vị Lãnh đạo,

Nếu Công ty Hoàng Hải không còn quỹ đất dự trữ để hoán đổi và không còn khả năng về tài chánh để bồi thường cho người dân như trường hợp nhà của bà Hồng (gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng). Thì huyện Hóc Môn sẽ thu hồi toàn bộ 500 lô đất và 80 căn nhà phải tiếp tục bị cưỡng chế tháo dỡ để huyện thu hồi đất ?  Nếu đúng như dân hiểu như vậy. Lúc đó, hằng trăm hộ dân cuộc sống sẽ ra sao ? Gần trăm cán bộ Đảng viên, Công nhân viên chức đã nghỉ hưu, hay đang còn công tác. Có đủ nghị lực để an tâm công tác  hay an hưởng tuổi già được nữa không ? Nhiều cán bộ hưu trí, được phân nhà, bán nhà có giá trị, dành tiền mua 2 nền để lo cho việc cưới vợ, gả chồng cho con cái, nay thực tế đang biến mảnh đất đó thành bãi đổ rác, trong khi đang phải thuê nhà ở, nhiều gia đình Liệt sỹ, gia đình có công với Cách mạng đang phải băn khoăn suy nghĩ về những gì đang sảy ra ! Đại bộ phận người dân từ nội thành bị giải toả, di dời, tìm mua đất ngoại thành xây dựng nhà đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Nếu các Quý vị Lãnh đạo bớt chút thời gian xuống tiếp cận dân, để thấy được hoàn cảnh cuộc sống của dân hẳn không khỏi chạnh lòng.
Thưa các quý vị Lãnh đạo,

Từ khi vụ việc Khu dân cư Hoàng Hải vỡ lở, người dân luôn mong mỏi được gặp lãnh đạo Huyện để được nhận một lời giải thích đúng, sai và hướng được giải quyết. Thật hiếm hoi mãi tận cho đến đầu tháng 9/2012 qua đơn xin Đăng ký xin phép gặp. Uỷ ban nhân dân huyện mới cho phép 01 đại diện bà con khu dân cư Hoàng Hải là bà Nguyễn thị Ca được tiếp xúc. Vào ngày 01/10/202, chúng tôi nhận được Thông báo số 125/TB-VP ngày 28/9/2012 do Chủ Tịch UBND huyện Hóc Môn, bà Văn Thị Bạch Tuyết ký,  thông báo 03 nội dung:
1.- UBND huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện theo Kết luận số 338/KL-TTTP-P1 ngày 23/6/2012 của Thanh tra thành phố và những kiến nghị của các hộ dân đã được UBND huyện ghi nhận và sẽ tiếp tục kiến nghị các sở, ngành thành phố hướng dẩn thực hiện.

2.- Sau khi có ý kiến hướng dẫn của các sở, ngành thành phố, UBND huyện sẽ thông tin cho các hộ dân biết và thực hiện theo hướng dẫn.

3.- Về trách nhiệm với các thiệt hại do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải không thực hiện đúng hợp đồng với các hộ dân, đề nghị các hộ dân liên hệ Toà án để được xem xét giải quyết theo quy định.

Thưa các quý vị Lãnh đạo,
Việc tranh chấp khiếu kiện của người dân với Công ty Hoàng Hải không còn là tranh chấp dân sự, vì những hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Hoàng Hải đã được các cơ quan chức năng xác định rõ tại Kết luận thanh tra số 338/KL-TTTP-P1 ngày 23/6/2012. Trang 20 Mục 1.7 : Đối với 04 khu đất nông nghiệp, Công ty Hoàng Hải chỉ mới được UBND huyện Hóc Môn thoả thuận địa điểm, Công ty chưa lập dự án đầu tư, chưa lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt; nhưng Công ty đã tự chuyển nhượng QSDĐ với các hộ dân có đất, tự ý san lấp mặt bằng, tự phân đường giao thông và phân lô bán nền trên các khu đất, là vi phạm nghiêm trọng Điều 15 Luật đất đai năm 2003.
            Như vậy các sai phạm của Công ty Hoàng Hải tại 04 khu đất nông nghiệp là rất nghiêm trọng ông Ngô Quang Trưởng giám đốc Công ty Hoàng Hải đã  có dấu hiệu vi phạm “Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” được quy định tại Điều 173 Bộ Luật hình sự năm 1999 của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc chuyển nhượng nền đất của Công ty Hoàng Hải và khách hàng hoặc góp vốn của khách hàng vào Công ty Hoàng Hải là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, ông Ngô Quang Trưởng, giám đốc Công ty Hoàng Hải đã có dấu hiệu phạm “ Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản “ được quy định tại Điều 139 Bộ Luật hình sự năm 1999 của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc chuyển nhượng 473 nền đất trên 04 khu đất nông nghiệp cho khách hàng cũng như chuyển nhượng trùng lắp 25 nền đất cho 46 khách hàng của Công ty Hoàng Hải (01 nền chuyển cho 02 hoặc 03 khách hàng).

Như thế cơ quan chức năng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ có đầy đủ yếu tố để khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Công ty Hoàng Hải ra trước pháp luật chứ không phải theo trình tự tranh chấp hợp đồng dân sự. Hơn nữa, qua nhiều năm mỏi mòn chờ đợi người dân đã kiệt quệ về sức khoẻ cũng như tài chính thì lấy đâu ra tiền để nộp án phí 5% trên giá trị hợp đồng. Và trong thời gian chờ đợi Toà án phán xét, nhanh lắm cũng vài năm, chẳng khác nào tiếp tay cho Công ty Hoàng Hải tiêu hoá hàng ngàn tỷ đồng của người dân một cách hợp pháp.
Thưa các quý vị Lãnh đạo,
Vào ngày 16/10/2012, chúng tôi có triệu tập cuộc họp tại văn phòng Công ty Hoàng Hải, gặp ông Ngô Quang Thiêm - Phó Tổng giám đốc - để biết Công ty đã thực hiện chỉ đạo của huyện Hóc Môn trong việc: yêu cầu Công ty Hoàng Hải chủ động thương lượng với khách hàng để hoán đổi nền hay bồi thường các nền đất đã bán trong 04 khu đất nông nghiệp như thế nào ? Ông Thiêm chỉ trả lời loanh quanh đề nghị bà con cho Công ty có thời gian và cho biết : Công ty chưa nhận được văn bản chỉ đạo của huyện Hóc Môn trong việc khắc phục hậu quả tại các dự án. Và Thông báo đình chỉ hoạt động số 225/TB-UBND ngày 22/7/2010 của UBND huyện Hóc Môn vẩn còn hiệu lực thi hành. Mặc dù Công ty nhiều lần xin phép được tiếp tục hoạt động nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền giải quyết ! Về tài chánh thì ông Thiêm cho biết : Công ty không còn khả năng bồi thường cho người dân.
Thưa các quý vị Lãnh đạo,
Theo người dân chúng tôi hiểu: Trách nhiệm của Công ty Hoàng Hải trước pháp luật, trước dân, là không thể trốn tránh được – Còn trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Khoẻ nguyên Chủ tịch UBND huyện, ông Phan Văn Hùng nguyên phó Chủ tịch UBND huyện, ông Kiều Đức Thuận nguyên phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn được phân công phụ trách quản lý đô thị; ông Võ Văn Út, ông Phan Văn Tốt, ông Cao Văn Hai nguyên Chủ tịch UBND xã Bà Điểm có trách nhiệm liên đới. Lợi dụng quyền hạn chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng; làm thiệt hại to lớn cho Nhà nước, cho người dân. Trách nhiệm của các ông ấy chịu đến đâu trước pháp luật, trước người dân ? Các ông Khoẻ, ông Hùng, ông Thuận, ông Út, ông Tốt, ông Hai là những người thực thi công vụ, thi hành pháp luật – Đại diện cho Nhà nước của hai cấp chính quyền sai phạm nghiêm trọng như vậy, thì Nhà nước chịu trách nhiệm đến đâu với dân ?
Chúng tôi khẩn cầu kiến nghị :
1/- Khởi tố Công ty Hoàng Hải ra trước pháp luật về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vì Công ty Hoàng Hải vi phạm pháp luật do bán nền đất khi chưa được thành phố giao đất. Công ty Hoàng Hải  đã lừa đảo, để thu của người dân hàng ngàn tỷ đồng bán các nền đất trong các dự án chưa được duyệt tại 04 khu đất nông nghiệp. Đồng thời kiểm kê, kiểm toán tài sản buộc công ty phải đóng các khoản thuế theo quy định pháp luật. Hoàn trả tiền làm hạ tầng giao thông, công trình công cộng mà Công ty chưa làm. Và buộc những người lợi dụng quyền hạn tiếp tay cho Công ty Hoàng Hải gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân phải chịu trách nhiệm một phần.
2/- Đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Hóc Môn, Uỷ Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao 04 khu đất nông nghiệp cho chủ đầu tư khác tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ dự án trên 04 khu đất nông nghiệp.
            2.1- Nguồn tài chánh chủ đầu tư mới lấy từ người dân đóng góp tiếp 20% trên tổng số tiền còn lại theo hợp đồng với Công ty.
            2.2- Tiền thu từ thông qua luật pháp buộc Công ty Hoàng Hải trả cho người dân phần tiền mà Công ty đã thu của dân nhưng không thực hiện đúng theo hợp  đồng sẽ được chuyển cho chủ đầu tư mới.
            2.3- Nếu nguồn thu chưa đủ để thực hiện tiếp dự án. Đề nghị các cấp Lãnh đạo Thành phố và Huyện cho được áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với trong trường hợp này do những thiệt hại to lớn mà cán bộ lãnh đạo hai cấp chính quyền huyện Hóc Môn và xã Bà Điểm (thời điểm liên quan) gây ra.
Chúng tôi kính mong các cấp Lãnh đạo Chính phủ, Thành phố, Lãnh đạo Huyện cùng chia sẽ khó khăn và bức xúc của dân, có biện pháp giải quyết nhanh chóng để người dân sớm được ổn định cuộc sống.
Thông qua đơn khẩn cầu này kính chúc : Các vị lãnh đạo Chính phủ, Thành phố, lãnh đạo Huyện lời chúc sức khoẻ, lãnh đạo nhân dân cả nước nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phát triển toàn diện không ngừng đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Xin chân thành cảm ơn các quý vị Lãnh đạo.-

                                                                   Kính đơn,
                                         TM. Bà con Khu dân cư Hoàng Hải,


                                                            NGUYỄN THỊ CA
Đính kèm :
·         VB số 225/TB-UBND ngày 22/7/2010 của UBND huyện.
·         Thông báo số 125/TB-VP ngày 28/9/2012 của UBND huyện.