Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Hệ số tính thu tiền sử dụng đất tối đa bằng 2


Ngày 30-5, UBND TP đã ban hành Quyết định 17/2013 về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) tính thu tiền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân.

Quyết định này thay thế Quyết định 28/2012 và có hiệu lực từ ngày 9-6.
Theo đó, hộ gia đình cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất thì phần diện tích đất ở vượt hạn mức được áp dụng hệ số K để tính tiền sử dụng đất tùy theo từng khu vực. Trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, cách tính tiền sử dụng đất được hướng dẫn cụ thể như sau: Đất mặt tiền đường có tên trong bảng giá đất thì lấy giá đất ở quy định trong bảng giá đất nhân với hệ số K. Đất ở vị trí hẻm thì căn cứ vị trí hẻm, cấp hẻm để tính ra giá đất ở rồi nhân với hệ số K.
- Khu vực 1: gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, có hệ số K = 2.
- Khu vực 2: gồm các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức và Tân Phú, có hệ số K = 1,5.
- Khu vực 3: gồm bốn huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè, có hệ số K là 1,1.
Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, cách tính tiền sử dụng đất được thực hiện như sau: Đối với đất vị trí mặt tiền thì lấy giá đất ở quy định trong bảng giá trừ đi giá đất theo mục đích sử dụng (trước khi chuyển mục đích) rồi nhân hệ số K. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp thì không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm có cùng vị trí. Đất không mặt tiền thì căn cứ cấp hẻm, vị trí hẻm để tính ra giá đất ở để trừ đi giá đất theo mục đích sử dụng trước khi chuyển mục đích rồi nhân hệ số K.
Quyết định 17 quy định không hồi tố cho những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận, đã nộp tiền sử dụng đất trước ngày 9-6. Trường hợp chưa xác định tiền sử dụng đất, hoặc ghi nợ hoặc đã nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất thì được áp dụng quyết định này để tính tiền sử dụng đất.
CẨM TÚ - THU HƯƠNG
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Dân khiếu nại, tố cáo phải được đón tiếp

- Dân có nhu cầu khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan nhà nước "đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận" và thậm chí giải quyết. Dự thảo luật Tiếp công dân điều chỉnh hoạt động này theo hướng nhấn mạnh trách nhiệm của phía cơ quan nhà nước, được trình Quốc hội sáng 29/5.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý khi đọc báo cáo thẩm tra dự án luật tán thành phạm vi điều chỉnh, đó là tổ chức và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức theo nghĩa "đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân".
khiếu nại, tố cáo
Ảnh: Minh Thăng
Song ông cho hay, có một số ý kiến cho rằng hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và đại diện các cơ quan, đơn vị hữu quan khi tiếp công dân cũng đồng thời trực tiếp giải quyết luôn một số khiếu nại, tố cáo của người dân.
Đáp ứng nhu cầu "giải quyết", văn bản luật này cũng "nhắc lại" một số quy định đã có trong luật Khiếu nại, luật Tố cáo. Nhưng theo ông Lý, quy trình tiếp người đến kiến nghị, phản ánh và xử lý các kiến nghị, phản ánh vẫn chưa được quy định rõ.
UB Pháp luật kiến nghị dự thảo luật chỉ nên quy định về trình tự, thủ tục tiếp công dân từ việc tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người dân khi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; quyền, nghĩa vụ của các bên; thủ tục tiếp nhận nội dung trình bày trực tiếp của người dân; việc phối hợp với các cơ quan hữu quan để nắm thông tin về quá trình giải quyết và thủ tục trả lời sau khi có kết quả giải quyết.
"Việc phân loại, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh cần được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tránh sự chồng chéo." - ông phát biểu.
Dự thảo luật cũng quy định về trách nhiệm tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung. Tuy nhiên, ông Lý cho rằng, dự thảo vẫn đi theo hướng quy định cách thức giải quyết đối với các trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mà chưa tập trung vào trình tự, thủ tục tiếp nhận cụ thể, ví dụ như khi có đoàn nhiều người cùng đến trụ sở, nơi tiếp công dân thì công chức tiếp công dân phải xử lý như thế nào, hướng dẫn cho họ cử đại diện hoặc kiểm tra, xác nhận tính hợp lệ của việc cử đại diện ra sao...
Bên cạnh đó, ngoài việc xử lý các trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung, các trụ sở, nơi tiếp công dân hiện còn gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, xử lý đối với các trường hợp tập trung đông người khác như có quá nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một lúc (về các việc khác nhau) hoặc chỉ có một hoặc một số người khiếu nại nhưng lại có nhiều người khác không có quyền khiếu nại cùng đi theo hợp thành đoàn đông người.
Vì vậy, luật cũng cần có các quy định để xử lý đối với cả các trường hợp này, nhất là các quy định liên quan đến trách nhiệm phối hợp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Linh Thư

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

TẠI SAO NGƯỜI DÂN TỰ NGUYỆN THÁO DỠ NHƯNG UBND XÃ BÀ ĐIỂM KHÔNG CHO MÀ DÙNG BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ ?

Qua lời trình bày của anh Nguyễn Thành Trung là chủ nhà Kho tạm số E19 Hương Lộ 80 B (Khu dân cư Hoàng Hải xã Bà Điểm huyện Hóc Môn.

        Chúng tôi là những người dân có nhà "kho tạm" trong KDC Hoàng Hải, ấp Tiền LÂn, xã Bà Điẻm, huyện Hóc Môn (đều có sổ đỏ, đất ở đô thị lâu dài. Thế mà, UBND xã Bà Điểm tồ chức cưỡng chế chúng tôi vào ngày 23/05/2013 ( nhà chúng tôi đã được tồn tại 4 năm). Mặc dù trước đó 1 ngày vào ngày 22/05/2013 tất cả chúng tôi đều được mời ra Công An xã Bà Điểm vận động tháo dỡ và chúng tôi đã tự nguyện ký biên bản tự tháo dỡ. Ngày 23/05/2013, khi chúng tôi đang thực hiện tháo dỡ nhưng chưa xong thì đội thi hành cưỡng chế tới cắt điện và bắt buộc không cho chúng tôi tháo dỡ và không cho lấy tài sản ra khỏi nhà. Chúng tôi có quay phim làm bằng chứng cho việc tháo dỡ của chúng tôi nhưng đội cưỡng chế đã cướp đi những bằng chứng mà chúng tôi thu lại được và đã bắt giữ trái phép hai người.

      Sau khi cưỡng chế xong, tài sản của chúng tôi bị đội cưỡng chế ngang nhiên cho xe tải chở hết tài sản của chúng tôi đi không biết đem đi đâu. Chúng tôi có hỏi Phó Chủ tịch xã Bà Điểm Nguyễn Minh Hoàng sao không có biên bản tạm giữ thì ông trả lời rằng giữ tài sản sai phạm để buộc chúng tôi nếu không đóng tền cưỡng chế thì tài sản sẽ thanh lý. Vậy hành vi cưỡng chế và tịch thu tài sản mà không có bất kỳ biên bản của cơ quan có thẩm quyền như vậy có đúng hay không?
       Chúng tôi rất bức xúc và muốn hỏi rằng chính quyền xã Bà Điểm làm theo kiểu xã hội đen, quyết tâm đẩy người dân vào bước đường cùng nhằm mục đích gì trong khi chúng tôi đang tự nguyện tháo dỡ.
       Mục đích cưỡng chế phá dỡ là đúng nhưng tại sao người vi phạm đã tự động cho người tháo dỡ theo cam kết nhưng UBND xã lại không cho. Việc làm của UBND Xã Bà Điểm gây thiệt hại to lớn cho người dân, cho xã hội ! Việc làm này rất đáng phê phán.
       Chúng tôi mong rằng UBND huyện Hóc Môn nên có biện pháp xữ lý thích đáng những cán bộ làm sai, mất quan điểm quần chúng gây thiệt hại cho xã hội !

Hữu Lộc

Cấp phép xây dựng tạm cho 4 loại đất "bị vướng"

(TNO) Ngày 28.5, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sẽ cấp giấy phép xây dựng tạm cho bốn loại đất "bị vướng" khi xin giấy phép xây dựng hiện nay.

Ngày 28.5, sau khi nghe Sở Xây dựng báo cáo quy định chi tiết một số nội dung cấp phép xây dựng trên địa bàn TP, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết TP sẽ cấp phép xây dựng tạm cho 4 loại đất đang vướng trong việc xin phép xây dựng hiện nay, gồm: nhà đất bị “dính” quy hoạch, đất lộ giới, đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư và đất nông nghiệp tách thửa.
Cụ thể, trong thời gian tới, đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, TP sẽ cho người dân chuyển mục đích lên đất ở, cấp giấy chứng nhận. Nếu người dân không có khả năng đóng tiền sử dụng đất, TP sẽ cho ghi nợ. Khi đó các quận, huyện căn cứ cấp phép xây dựng cho người dân.
Đối với nhà đất của người dân đang sử dụng nhưng bị “dính” quy hoạch, TP sẽ xem xét cấp phép xây dựng tạm.
 
Khu Bình Quới - Thanh Đa, P.28 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị “treo” suốt 20 năm qua. Ảnh: Diệp Đức Minh
Để tránh tình trạng chính sách này bị lợi dụng để đầu cơ, mua gom đất, phân lô bán nền trục lợi, TP sẽ quy định chỉ cấp phép cho người dân có nhu cầu, đất không tranh chấp và sử dụng ổn định.
Chính quyền địa phương chỉ cần xác minh nguồn gốc đất là được. Những trường hợp mua bán hoặc từ nơi khác đến cũng sẽ không được cấp phép xây dựng.
Trong giấy phép xây dựng cũng quy định rõ, nếu trong 5 năm TP thực hiện quy hoạch, người dân sẽ không được đền bù. Sau thời gian 5 năm, các hộ dân sẽ được đền bù bình thường.
Theo ông Tín, nếu làm được điều này người dân sẽ làm được nhà, ổn định cuộc sống, đồng thời ngăn chặn được giới đầu cơ lợi dụng chính sách để trục lợi.
Trường hợp người dân có đất nông nghiệp muốn tách để chia cho con cái cũng sẽ được chấp nhận. Ngoài ra, TP cũng sẽ cấp phép xây dựng cho các trường hợp này.
Đối với nhà ở riêng lẻ có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới mở rộng của các tuyến đường, hẻm hiện hữu trong đô thị đã được phê duyệt và công bố, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện theo quy hoạch, thì cũng được xét cấp giấy phép xây dựng tạm.
“Người dân bức xúc quá rồi. Điển hình như khu Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), 30 năm nay người dân không xây, sửa nhà được gì hết mà dự án thì cứ ngâm hoài chưa làm. Phải trả lại quyền lợi cho người dân. Cơ chế cấp phép như trên tôi đã báo cáo với Thường vụ Thành ủy và đã được chấp thuận. Bây giờ Sở Xây dựng nhanh chóng soạn thảo quyết định đưa tôi ký. Nếu có vấn đề gì tôi chịu trách nhiệm hết”, ông Nguyễn Hữu Tín cương quyết.
Đình Sơn
Nguồn:  Thanhnien.com.vn

Đất nông nghiệp vướng quy hoạch: Được xây nhà


Chính sách này chỉ áp dụng với nhà ở riêng lẻ và người dân đã sinh sống ổn định, lâu dài.


“Thành phố hiện có rất nhiều nhà tồn tại trên đất nông nghiệp đã có quy hoạch, đặc biệt là ở các vùng ven, ngoại thành. Đối với loại đất này thì không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, cũng không thể cấp giấy phép xây dựng được. Trường hợp này dân bức xúc rất nhiều. TP đã báo cáo Thường vụ Thành ủy và được đồng ý cho xử lý để giải quyết quyền lợi cho người dân trong vùng quy hoạch, dù biết là vướng luật” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh tại cuộc họp về cấp phép xây dựng, ngày 28-5.
Tháo gỡ bức xúc cho dân
Ông Tín nêu ra trường hợp khu vực đất nông nghiệp đã có quy hoạch là công viên nhưng Nhà nước chưa có tiền thực hiện, Sở TN&MT cũngkhông thể cho chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Trong trường hợp này, cơ quan cấp phép xây dựng yêu cầu người dân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì mới cấp phép là điều không thể.
“TP có rất nhiều trường hợp tương tự khu bán đảo Bình Quới, Thanh Đa (quy hoạch treo hàng chục năm, người dân không được xây dựng nhà cửa - PV). Đây chính là vấn đề TP đang tập trung tháo gỡ để giải quyết bức xúc cho người dân” - ông Tín nói.
Việc cho xây dựng nhà tạm trên đất nông nghiệp sẽ tháo gỡ bức xúc cho dân trong một số trường hợp. Ảnh: HTD
Phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo đối với trường hợp nêu trên, người dân được cấp phép xây dựng tạm. Trong năm năm, nếu Nhà nước thực hiện quy hoạch thì người dân không được bồi thường. Nếu quá năm năm Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì phải bồi thường cho dân.Tuy nhiên, chính sách này chỉ giải quyết cho nhà ở riêng lẻ và người dân đã sinh sống ổn định, lâu dài (có xác nhận của địa phương) để tránh trường hợp lợi dụng xây dựng tràn lan, phân lô bán nền làm phá vỡ quy hoạch.
Trường hợp đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, nhà trong lộ giới khi Nhà nước thực hiện quy hoạch cũng được giải quyết theo hướng trên. “Đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư thì quận, huyện phải rà soát và cho người dân được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Nếu người dân chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì cho ghi nợ” - ông Tín lưu ý.
Phần chưa bồi thường cũng được xây tạm
Với trường hợp nhà dân trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất và có quy hoạch 1/500, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Chủ tịch UBND quận 2 kiến nghị: Phần chưa được bồi thường cũng giải quyết cấp phép xây dựng tạm.
“Có rất nhiều người dân bị mắc kẹt trong các phần chưa được bồi thường còn lại của các dự án. Từ thực tế đó, quận kiến nghị TP cho phép người dân sửa chữa nhà theo hiện trạng hoặc được xây dựng tạm với quy mô tối đa một tầng, có tầng lửng trên nền nhà cũ” - ông Khiết nói.
Lãnh đạo quận 2 đề xuất thêm: Trường hợp nhà ở tạo lập trước ngày 1-7-2006 (thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực), chưa có giấy tờ hợp lệ, nằm trong khu vực đã có quy hoạch là công viên, đường dự phóng, công trình công cộng hoặc đã có quyết định thu hồi đất thì cũng được giải quyết như trên.
Đồng ý với đề xuất trên, ông Tín yêu cầu quận 2 phải rà soát tất cả dự án đã bồi thường trên 50%. Nếu đến 31-12-2013 chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện thì cho thu hồi dự án, đồng thời cấp giấy phép xây dựng tạm cho dân.
Hai bộ đã từng bác đề xuất của TP
Thực tế tại TP nhiều khu vực đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư nên không thể tiếp tục làm nông nghiệp mà cũng không thể chuyển mục đích sử dụng sang đất ở do không phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.
Tháng 10-2012, TP từng kiến nghị trung ương cho cấp phép xây dựng tạm trên đất nông nghiệp trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch. Mục đích nhằm cải tạo, chỉnh trang môi trường đô thị và nâng cao điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT khẳng định công trình chỉ được xây dựng khi phù hợp mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật.
________________________________________________
Không thể cấp phép xây dựng trên đất nông nghiệp vì trái với Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Ngay cả giấy phép xây dựng tạm thì miếng đất cũng phải được công nhận là đất ở và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (do vướng quy hoạch nên không được cấp phép chính thức).
Sở Xây dựng phân tích trong tờ trình gửi UBND TP
Việc cho xây dựng trên đất nông nghiệp chắc chắn hợp ý muốn của nhiều người vì quyền lợi, nhu cầu của họ được đảm bảo. Nhưng nếu cho triển khai đại trà thì bỗng nhiên người dân được miễn trừ, không phải nộp tiền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Xét về mặt quản lý nhà nước, điều này không ổn. Cùng đó, yếu tố phải kiên quyết giữ quy hoạch sẽ không được đảm bảo.
Một chuyên gia quy hoạch
VIỆT HOA - CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Xây nhà không phép: Do địa phương buông lỏng!



Sở Xây dựng đã bố trí lực lượng thanh tra xây dựng phù hợp với thực tế của địa phương.

“Nghị định 26/2013 tổ chức lại lực lượng Thanh tra xây dựng không phải là nguyên nhân dẫn tới việc không quản lý nổi nạn xây dựng không phép. Đó là do địa phương thiếu sự kiểm soát” - ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình trạng nhà không phép mọc tràn lan tại huyện Bình Chánh và quận 9.
Không phải tại Nghị định 26
. Theo lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh thì trước đây tình hình tương đối ổn. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 26 có hiệu lực từ ngày 15-5, giới “đầu nậu” đã lợi dụng giai đoạn giao thời để ồ ạt xây nhà trái phép khiến xã không quản lý xuể. Sở Xây dựng có lường trước tình hình này không?
+ Ông Phan Đức Nhạn: Xây dựng không phép xảy ra chủ yếu ở các vùng ngoại thành có nhiều đất trống. Địa bàn rộng, hạ tầng giao thông mỏng (có khi còn bị chia cắt bởi sông rạch), tốc độ gia tăng dân số nhanh là những nguyên nhân khách quan dẫn đến sự thiếu chặt chẽ trong kiểm soát trật tự xây dựng của địa phương. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ các “đầu nậu” bất chấp pháp luật xây nhà trái phép bán kiếm lời.
Về câu hỏi của bạn, câu trả lời là có. Cụ thể, Sở đã cảnh báo, chỉ ra những địa bàn phức tạp như huyện Bình Chánh, Củ Chi và quận Bình Tân sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi dẫn đến vi phạm xây dựng. Thực tế điều đó đã xảy ra tại Bình Chánh và một xã ở quận 9 như Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Nguyên nhân ở huyện Bình Chánh là do thiếu kiểm soát.
Những căn nhà bị cưỡng chế ở xã Vĩnh Lộc A trong buổi sáng 22-5 đang được cất lại vào buổi chiều. Ảnh: N.NGHĨA
Chính vì hoàn toàn không bị động nên Sở đã bố trí lực lượng Thanh tra xây dựng phù hợp với địa phương như những năm qua. Vì thế mà Củ Chi có 73 người, Bình Chánh 70 người nhưng quận 5 chỉ có 23 người. Ngoài ra, Sở cùng các quận, huyện đã góp ý nhiều lần để ban hành một quy chế tạm thời về phối hợp kiểm soát trật tự xây dựng.
. Để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trách nhiệm thuộc về ai?
+ Nghị định 26 chỉ tổ chức lại lực lượng Thanh tra xây dựng phù hợp với Luật Thanh tra, không hề làm mất hiệu lực của Nghị định 180/2007 về trật tự xây dựng và Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm trong trật tự xây dựng. Các văn bản này quy định rõ về phân cấp quản lý: địa phương (xã, phường, thị trấn) chịu trách nhiệm phát hiện, kiểm soát công trình xây dựng không phép. Còn quản lý công trình có phép là nhiệm vụ của Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng, cụ thể là đội thanh tra cơ động, các đội phụ trách địa bàn và cả Sở Xây dựng.
Sẽ lập các đội trật tự đô thị
Xã Vĩnh Lộc A cho hay lực lượng quản lý trật tự xây dựng của xã sụt giảm gần 3/4 (trước 38 người, nay còn chín người) nên khó kham nổi địa bàn rộng lớn và phức tạp. Trước mắt có thể điều động lực lượng nơi khác để hỗ trợ nhưng về lâu dài thì không thể. Sở có hướng giải quyết ra sao?
+ Không phải Nghị định 26 rút bớt nhân sự khiến công tác kiểm soát trật tự xây dựng ở địa phương gặp khó khăn. Một lần nữa Sở khẳng định: Số lượng Thanh tra xây dựng bố trí cho các quận, huyện, phường, xã là thực hiện theo thực tế lâu nay. Phải hiểu rằng không phải toàn bộ 38 người tại xã Vĩnh Lộc A trước đây đều làm công tác quản lý trật tự xây dựng mà còn thực hiện nhiều mảng khác nữa. Nghị định 26 chỉ cơ cấu lại cho rõ ràng mà thôi.
Nếu thực tế địa phương có nhu cầu cần thêm người, Sở sẽ xem xét. Nhưng tôi cho rằng nhân dân vẫn là lực lượng giám sát tốt nhất và kiểm soát tại chỗ là quan trọng nhất. Một khi địa phương nắm rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, không buông lỏng quản lý thì sẽ kiểm soát được tình trạng vi phạm. Ngoài ra, quy chế phối hợp về quản lý trật tự xây dựng mà Sở ban hành là một sự giúp sức hữu hiệu.
. Một vấn đề cấp bách là việc thành lập các đội trật tự đô thị để hỗ trợ quận, huyện, phường, xã trong công tác cưỡng chế và đảm nhiệm công việc khác như vệ sinh môi trường, dọn dẹp lòng lề đường… Ông cho biết thêm về việc thành lập lực lượng này?
+ TP đã giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Nội vụ xây dựng đề án về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các đội trật tự đô thị. Trước đây, theo Quyết định 89/2007 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Thanh tra xây dựng phường, xã, thị trấn và quận, huyện là 2.936 người. Theo Nghị định 26, có 1.060 người tiếp tục làm Thanh tra xây dựng và trực thuộc Sở Xây dựng. Số còn lại sẽ được chuyển sang các đội và tổ trật tự đô thị do địa phương quản lý.
. Xin cảm ơn ông.
Phải quy trách nhiệm cá nhân
Nhận quyết định buộc tháo dỡ nhà vì xây không phép trên đất quy hoạch, anh T., công nhân KCN Vĩnh Lộc, ngồi bệt xuống đất như người mất hồn. Anh mếu máo: “Rồi đây vợ tôi cùng hai đứa nhỏ không biết sẽ ở đâu. Thế là mất hết hơn 300 triệu đồng, số tiền mà cả hai vợ chồng phải dành dụm gần 10 năm qua và vay mượn khắp nơi”. Khi mua nhà, anh và chủ nhà chỉ thỏa thuận bằng giấy tay với giá thấp (theo lời “cò”) để đóng thuế ít. Anh lại chủ quan không tìm hiểu kỹ càng, để rồi giờ đây gia đình phải khổ.
Dạo một vòng các quận, huyện ngoại thành, rất dễ tìm thấy những khu dân cư tự phát nhếch nhác, không có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Cư dân tại đó đa phần có hoàn cảnh giống anh T. Mỗi năm, hàng trăm căn nhà không phép được mọc lên nhưng địa phương chỉ cưỡng chế tháo dỡ vài chục căn, số còn lại vẫn ngang nhiên tồn tại. Nguyên nhân thường do “thiếu lực lượng kiểm tra, quản lý”.
Theo một cán bộ thanh tra nhân dân tại một địa bàn “nóng” về xây dựng không phép, sự thật không phải như vậy. Lâu nay, việc thanh tra xây dựng lập biên bản xây nhà không phép rồi yêu cầu đình chỉ thi công bấy lâu nay chỉ là để… đối phó với cấp trên. Đa số nhà không phép chỉ mọc lên sau khi chủ nhà đã “chung chi” cho thanh tra xây dựng và coi đó là “bùa hộ mạng”. Chắc chắn không người dân nào dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây nhà để rồi bị đập bỏ. Đó là về phía thanh tra xây dựng, vậy còn trách nhiệm của địa phương? Nhắc tới nhà không phép, lâu nay lãnh đạo địa phương thường có tâm lý đổ lỗi do người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều người lén lút xây nên địa phương không biết. “Tất cả lý do trên chỉ nhằm để bao biện cho sự thiếu trách nhiệm của thanh tra xây dựng, sự thờ ơ đến mức đáng ngạc nhiên của lãnh đạo địa phương” - vị cán bộ trên nói.
Để tránh cảnh người dân mất trắng tiền của, lãng phí cho Nhà nước (phải lập đoàn cưỡng chế vừa tốn thời gian, tiền bạc), đã đến lúc cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm về xây dựng. Một căn nhà không phép mọc lên, cán bộ phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo phường, xã (cụ thể là chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách xây dựng) cũng không thể vô can. Có như thế những khu dân cư nhếch nhác mới không còn cơ hội mọc lên và nhiều người không còn phải rơi nước mắt khi hàng trăm triệu đồng của mình trong nháy mắt chỉ còn là đống đổ nát.
____________________________________________
Tiếp tục đợt cưỡng chế nhà xây không phép, ngày 22-5, xã Vĩnh Lộc A cùng đội thanh tra cơ động của Sở Xây dựng, đội Thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn đã tháo dỡ thêm 22 căn nhà không phép. Xã còn lập biên bản vi phạm hai công trình xây dựng đã hoàn thiện.
Tuy nhiên, nhiều người dân thắc mắc: Tại sao có nhà bị cưỡng chế, nhà không bị. Đáng chú ý, một số căn nhà tại tổ 11, ấp 4 sau khi bị tháo dỡ đã được cất lại một cách khẩn trương. Ông Trần Quốc Quay, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, giải thích: “Trường hợp không bị cưỡng chế là những căn nhà đã tồn tại từ lâu, nay người dân xin phép sửa sang. Hoặc cũng có người dân địa phương có đất rộng nhưng nhà ở quá chật hẹp xin phép xây nhà cho con cái. Còn các trường hợp nhà bị cưỡng chế được cất lại, xã sẽ tiếp tục tháo dỡ”.
N.NGHĨA ghi
CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn






Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Thanh tra việc cấp giấy chứng nhận tại các quận, huyện



(PL)- Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã ký quyết định (ngày 17-5) ban hành kế hoạch thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) tại tất cả quận, huyện trên địa bàn.

Thời gian các quận, huyện bắt đầu thanh tra là trước ngày 30-5 và kết thúc trước 30-9.
Mục đích thanh tra nhằm đánh giá đúng thực trạng việc cấp giấy chứng nhận, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác cấp giấy.
THU HƯƠNG
Nguồn: phapluattp.vn

Lại rộ nạn xây nhà không phép



Các “cò” đất cam đoan sẽ lo được việc xây nhà với giá 20 triệu đồng trở lên nhưng tối đa 7-10 ngày phải lợp nóc xong.

Ở phường Long Trường, quận 9 và các xã Vĩnh Lộc A và B, huyện Bình Chánh đang có nhiều nhà xây dựng không phép.
Có tiền là được xây?
Trong vai người cần mua đất xây nhà, chúng tôi đến tổ 1, khu phố Trường Lưu, phường Long Trường tìm hiểu. Một chủ đất tên Thanh cho biết đất ở đây được phân lô sẵn, giá 180-350 triệu đồng/lô tùy theo diện tích và vị trí. Muốn xây nhà cấp 4, chủ nhà phải “lót tay” 20 triệu đồng, nhà có gác lửng thì 35 triệu, nhà đổ tấm tới 50 triệu đồng.
Chỉ tay vào hai căn nhà sát bên khu đất đang được phân lô, Thanh nói: “Tuần trước tôi vừa bán hai căn nhà này với giá 500 triệu đồng/căn. Người mua chỉ cần giao tiền đầy đủ rồi dọn đồ vào ở”.
Gặp một “cò” tên Ba, chúng tôi được giới thiệu mấy lô đất vốn là đất trồng cây lâu năm, giá 200 triệu đồng/lô. “Mua xong muốn xây nhà cấp 4 thì anh phải lót tay cho thanh tra xây dựng 20 triệu đồng” - Ba nói.
Theo người dân, phường Long Trường có hàng trăm căn nhà xây dựng trái phép nhưng địa phương chỉ cưỡng chế tháo dỡ được vài chục căn. Nhiều trường hợp chỉ cưỡng chế cho có, sau đó chủ nhà vẫn vô tư xây tiếp. Cụ thể, tại tổ 1, khu phố Trường Lưu sát bên văn phòng ban đại diện khu phố có căn nhà xây trái phép đã bị cưỡng chế nay lại xây dựng kiên cố hơn.
Một khu đất ruộng được san lấp để bán nền. Nhiều căn nhà khá kiên cố đang hối hả mọc lên. (Ảnh chụp ngày 18-5 tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) Ảnh: T.HIẾU
Dãy nhà mới xây không phép tại tổ 1, khu phố Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9. (Ảnh chụp ngày 18-5) Ảnh: T.HIẾU
Bán đất, bao luôn việc xây nhà
Ghé vào một điểm giới thiệu nhà đất trên đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, chúng tôi được một người tên Bảy giới thiệu vài nền đất với giá 250-350 triệu đồng, bao luôn tiền “lót tay” để xây nhà. Còn giá nhà mới cất một tầng đúc giả phải 450-600 triệu đồng.
Từ đường liên ấp 2-6 quẹo vào một con đường đất thuộc xã Vĩnh Lộc A, chúng tôi gặp “cò” Hùng. Ông này cho biết có nhiều nền đất với kích thước từ 4 x 10 m đến 4 x 25 m, giá 2,5-8,5 triệu/m2 tùy theo vị trí đất, độ lớn nhỏ của đường vào và tính pháp lý giấy tờ. Nghe chê đắt, Hùng đưa chúng tôi tới lô đất có diện tích 4 x 20 m nằm khá sâu trong một con hẻm, ra giá 1 triệu đồng/m2. Theo Hùng, khu đất này rộng 600 m2, ông mua có giấy đỏ đàng hoàng, sau đó phân lô để bán lại. Mỗi lô đất ông đều làm giấy mua bán viết tay rồi giao bản sao giấy đỏ cho người mua. “Mua của ai tôi không biết, chứ mua đất của tôi thì cứ thoải mái cất nhà miễn chịu chi 30-80 triệu đồng tùy theo quy mô căn nhà” - ông Hùng tự tin.
Nhà tôn bên ngoài, nhà tường bên trong
Tại tổ 17, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A chúng tôi thấy vài căn nhà tôn đang mọc lên trên khu đất ruộng. Lúc này đã hơn 18 giờ nhưng những người thợ xây không hề có dấu hiệu sắp nghỉ ngơi. Xe ba gác máy chở vật liệu xây dựng ra vào liên tục. Theo người dân ở đây thì họ đang tập kết vật liệu cho thợ xây đêm. Một “cò” tên Lan cho hay tiền lo lót để xây nhà tôn bên ngoài tường bên trong là 30 triệu đồng, còn nhà có gác đúc giả 70-80 triệu đồng. Sau khi chung chi, phải chờ thanh tra xây dựng báo ngày nào không kiểm tra mới được xây, do đó phải tranh thủ làm gấp.
“Các thủ thuật xây nhà vào ban đêm hay thứ Bảy, Chủ nhật và cất nhà bằng tôn, lá bên ngoài rồi xây tường bên trong... chính là biện pháp đối phó cơ quan chức năng của các đối tượng xây nhà không phép. Chiêu này được chính một số thanh tra xây dựng biến chất hướng dẫn” - một người dân địa phương cho hay.
Dạo một vòng xã Vĩnh Lộc B, tại tổ 17, ấp 5, chúng tôi cũng thấy nhiều căn nhà bị tróc lớp tôn phủ bên ngoài để lộ ra bức tường gạch chưa tô bên trong.
Tất cả “cò” đều cam đoan với chúng tôi sẽ lo được việc xây nhà nhưng tối đa 7-10 ngày phải lợp nóc xong. Quá thời gian trên thì phải chi thêm cho thanh tra xây dựng để được làm ngơ cho đến khi xây xong. Sau đó muốn có điện, nước và giấy chủ quyền thì phải qua nhiều khâu “lót tay” nữa.
Chiều 20-5, lực lượng chức năng của xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đã cưỡng chế buộc tháo dỡ 10 căn nhà xây dựng không phép tại tổ 6, ấp 6. Những căn nhà trên được giới "đầu nậu" lén lút xây dựng khoảng 3-4 ngày qua, nhân thời điểm lực lượng thanh tra xây dựng được chuyển giao về Sở Xây dựng. Trước đó, khi xã xuống kiểm tra, các "đầu nậu" đối phó bằng cách tránh mặt, không ký biên bản vi phạm và không nhận quyết định cưỡng chế.
Tôi mới vừa nhận nhiệm vụ vài ngày nhưng cũng thấy được tình trạng xây dựng không phép trên địa bàn rất phức tạp. Không loại trừ có tình trạng tiêu cực của lực lượng thanh tra xây dựng trước đây. Tuy nhiên, hiện lực lượng này đang được Nhà nước sắp xếp lại để làm việc hiệu quả hơn (theo Nghị định 26/2013, Thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng. Mỗi quận, huyện sẽ có một đội thanh tra xây dựng - PV). Sắp tới xã sẽ có những biện pháp kiên quyết hơn, không để diễn ra tình trạng bát nháo như lâu nay.
Ông TRẦN QUỐC OAI, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A,
huyện Bình Chánh
Lãnh đạo xã rất kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng không phép nhưng thực tế diễn biến quá phức tạp. Theo tôi, cần phải xử lý nghiêm thanh tra xây dựng nào để xảy ra xây dựng trái phép trên địa bàn do mình quản lý. Mong rằng với việc chấn chỉnh lực lượng thanh tra xây dựng, sắp tới sẽ không còn tình trạng bát nháo trên.
Ông THIỀU VĂN SE, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B,
huyện Bình Chánh

Gần đây, nhiều căn nhà không phép ngang nhiên mọc lên trên đất nông nghiệp hoặc đất trong quy hoạch. Người xây nhà đa phần từ nơi khác tới mua đất của các "cò" nhà đất rồi lo lót cho thanh tra xây dựng để xây nhà. Nhiều "đầu nậu" còn tự xây nhà, sau đó bán lại bằng giấy tay cho những người có nhu cầu về nhà ở.
Một người dân ở phường Long Trường, quận 9
NHÓM PV
Nguồn: phapluattp.vn








Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Khu Nam Sài Gòn “treo” hàng ngàn hecta đất


Phải xác định những khu vực trọng điểm để tập trung đầu tư thay vì dàn trải như hiện nay.

Đất bỏ hoang cho cỏ mọc, nhà cửa xuống cấp nhưng người dân không được xây mới (chỉ sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng) vì đang là đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch. Đó là tình trạng đang diễn ra phổ biến tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn (gọi tắt là khu Nam). Đã 17 năm từ khi khu đô thị này được thành lập, trừ khu Phú Mỹ Hưng được xây dựng khang trang, các khu B, C, D, E còn lại gần như tê liệt vì dự án “treo”.
Dựng lều nuôi vịt cũng không được
Nhà bà Nguyễn Thị Màng, số C11/28 ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nằm trong quy hoạch dự án khu nhà ở của Công ty MTV Xây dựng Bình Minh. Suốt 13 năm qua, mỗi khi mưa lớn cả gia đình đều phải lội bì bõm vì trong nhà nước ngập tới đầu gối. Căn nhà xập xệ nhưng không thể xây mới, mảnh đất rộng cũng đành bỏ hoang vì không được làm gì. “Đất bỏ trống nhưng cất nhà cất cửa gì họ cũng không cho, làm giấy tờ cũng không được. Mấy lần tôi dựng cái chòi nhỏ lên để nuôi gà, nuôi vịt là lực lượng chức năng tới kêu đập bỏ” - bà Màng than thở.
Chỉ ra bãi cỏ mênh mông nằm trong dự án Bình Minh và các dự án “treo” kế cận, bà Màng cho biết: Khu vực này thường xuyên bị cháy cỏ. Chỉ riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã xảy ra năm vụ cháy, trong đó có vụ lửa lan vào làm cháy mất mấy căn phòng trọ của con bà. “Cứ để tình trạng cỏ mọc um tùm như hiện nay thì khi xảy ra cháy ai sẽ bồi thường thiệt hại cho chúng tôi?” - bà Màng bức xúc.


Block chung cư trong dự án Hạnh Phúc đang xây dở dang thì tạm ngưng từ bốn năm nay (phía sau ảnh). Trong khi đó, người dân trong vùng dự án phải sống trong những căn nhà lụp xụp như thế này.
Ảnh: V.HOA
“Treo” nguyên xã Bình Hưng
Theo báo cáo của Sở TN&MT, huyện Bình Chánh là một trong những địa phương có số lượng dự án “treo” lớn nhất TP. Phần lớn các dự án này đều thuộc địa bàn khu Nam. “Trong bốn xã của huyện gồm Bình Hưng, An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long, xã Bình Hưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất” - ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho hay.
Xã Bình Hưng có ba trục đường huyết mạch đi qua là Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 50. Dọc theo ba tuyến đường này, dự án “treo” tiếp nối dự án “treo”. Một số dự án chủ đầu tư sau khi san lấp xong đã dựng hàng rào che kín. Nhưng cũng có những dự án không có rào chắn, giữa đám đất trống chỉ trơ trọi vài cần cẩu. Có dự án xây dang dở rồi bỏ hoang 4-5 năm nay, cỏ dại mọc cao hơn đầu người.
Trường hợp điển hình là dự án khu dân cư Hạnh Phúc rộng hơn 41 ha, nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh. Dự án hiện mới bồi thường được 40% (7,7 ha). Trên phần đã bồi thường xong, chủ đầu tư xây một block chung cư nhưng đến lầu bảy thì ngưng từ bốn năm nay. Mới đây huyện Bình Chánh đã đề nghị Ban Quản lý khu Nam yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phần đang xây dựng, đồng thời điều chỉnh một phần quyết định thu hồi đất với phần diện tích chưa bồi thường.
“Hiện chủ đầu tư chưa lập được phương án bồi thường cho phần diện tích còn lại (có khoảng 500 hộ dân bị ảnh hưởng). Đời sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy hoạch” - ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, nói.
Theo UBND xã Bình Hưng, gần như nguyên xã Bình Hưng đang bị “treo” bởi dự án. Trên địa bàn có 54 dự án thì có tới 42 dự án nằm trong ranh quy hoạch khu Nam đã có quyết định thu hồi đất; bốn dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Hơn 60% số dự án trên địa bàn có quyết định thu hồi đất trên năm năm.
Phải xem xét lại quy hoạch
Do các dự án kéo dài quá lâu, xã Bình Hưng đã vận động người dân trong một số hẻm lớn tự bỏ tiền sửa chữa đường sá, kéo đường ống để có nước sạch. Lãnh đạo xã kiến nghị với những khu vực dân đã ở đông như dọc các trục đường lớn thì cần giữ nguyên hiện trạng để tiến hành chỉnh trang đô thị. Đặc biệt, phải xem xét lại quy hoạch khu Nam, xác định những khu vực trọng điểm để tập trung đầu tư thay vì dàn trải như hiện nay.
UBND huyện Bình Chánh cũng đề xuất: Những dự án đã có tỉ lệ bồi thường cao nhưng bỏ hoang đất lâu năm vẫn phải thu hồi để giải phóng quyền lợi cho dân. “Các dự án treo đã quá lâu, người dân không thể chịu đựng thêm nữa” - ông Đoàn Nhật cho hay.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM qua công văn ngày 7-5, Ban Quản lý khu Nam cho biết: Đến nay có khoảng 1.000 ha diện tích các dự án trong khu Nam đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh (tổng diện tích khu Nam là 2.975 ha - PV). Tiến độ triển khai đầu tư còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Một số dự án đã lập phương án giải phóng mặt bằng nhưng thực hiện bồi thường chậm, kéo dài nhiều năm do cơ chế, chính sách về bồi thường tái định cư thường xuyên thay đổi. Việc bồi thường chủ yếu thực hiện theo cơ chế tự thương lượng giữa chủ đầu tư với người dân nên giá bồi thường thiếu thống nhất, thời gian hoàn tất các thủ tục kéo dài” - văn bản của khu Nam nêu.
Ban quản lý cũng cho biết từ đầu năm 2013 đã tiến hành rà soát tình hình các dự án, các khu chức năng trên địa bàn, từ đó đề ra kế hoạch đầu tư xây dựng khu Nam trình UBND TP xem xét. Nhưng đến nay việc khảo sát mới chỉ thực hiện tại một số khu vực có mật độ xây dựng cao như đường Phạm Hùng, quốc lộ 50, Lê Văn Lương và An Phú Tây.
VIỆT HOA
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Xử lý sai phạm tại dự án Hoàng Hải: Nhà của dân được tồn tại



“Kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận giải pháp xử lý vi phạm theo đề xuất của huyện Hóc Môn, Sở Xây dựng và Thanh tra TP”

- Sở Xây dựng đề nghị trong dự thảo báo cáo về việc xử lý vi phạm xây dựng tại các dự án của Công ty Hoàng Hải ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.
Theo đề xuất của huyện Hóc Môn, 80 căn nhà của người dân xây dựng trên các khu đất nông nghiệp chưa được giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất được tạm giữ nguyên hiện trạng, chờ điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 sẽ xử lý tiếp. Công trình siêu thị xây sai quy hoạch tại dự án 20,1 ha cũng được đề nghị cho tồn tại.
Với 90 công trình xây sai nhà mẫu, lấn khoảng lùi, tầng cao tại ba dự án đã có quyết định giao đất, huyện kiến nghị cho tồn tại theo hiện trạng vì phù hợp quy hoạch chi tiết được duyệt. Huyện cũng đề nghị cho tồn tại sân bóng đá mini, một sân tennis xây dựng trên đất quy hoạch công trình công cộng nhưng chủ đầu tư phải lập hồ sơ thiết kế trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Những trường hợp nhà đất đã nhận chuyển nhượng từ phía Công ty Hoàng Hải trước đây, có giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp lệ thì vẫn được xây nhà, cấp giấy chứng nhận, mua bán… Nhà máy bia Vinaken xây trên đất nông nghiệp cũng được đề nghị tạm cho tồn tại chờ điều chỉnh quy hoạch. Riêng các dự án nhà xưởng, kho tại dự án 20,1 ha chủ đầu tư phải ngưng hoạt động, tự tháo dỡ di dời theo quy hoạch, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Sở Xây dựng cho biết tại cuộc họp ngày 5-3, các đơn vị dự họp thống nhất với kiến nghị của Thanh tra TP, Sở Xây dựng và UBND huyện Hóc Môn. Theo đó, phải có quy hoạch được phê duyệt tại khu vực Công ty Hoàng Hải triển khai dự án để làm cơ sở xử lý vi phạm. Sở đề xuất TP giao Sở QHKT nhanh chóng thẩm định quy hoạch điều chỉnh 1/2.000 khu dân cư Bà Điểm và quy hoạch 1/500 tại ba dự án công ty được giao đất.
Được biết tại ba dự án được giao đất (diện tích lần lượt là 20,1 ha; 9,37 ha và 5,2 ha) của Công ty Hoàng Hải đều xảy ra sai phạm về xây dựng. Tổng cộng có tới 154 công trình vi phạm. Tại bốn khu đất nông nghiệp cũng có 86 công trình xây dựng không phép.
CẨM TÚ

Giảm hệ số K: Dân phấn khởi



Nhiều quận, huyện đánh giá hệ số K mới phù hợp với thực tế của địa phương.

Thông tin Ban Thường vụ Thành ủy thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về việc giảm hệ số K xuống chỉ còn 1,1-2 (Pháp Luật TP.HCMngày 17-5) đã khiến nhiều người dân vui mừng. Các địa phương cũng hy vọng sẽ giải quyết được nhiều hồ sơ ách tắc bấy lâu do tiền sử dụng đất quá cao.
Người dân hồ hởi
Ông Nguyễn Văn Kiêm Răng, ngụ 667 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, rất hồ hởi khi hay tin hệ số K tại quận 8 giảm xuống còn bằng 2 (theo Quyết định 28/2012 của UBND TP, hệ số K tại quận này bằng 4 - PV). Trước đây, ông không khỏi choáng váng khi được Chi cục Thuế quận 8 thông báo phải đóng tiền sử dụng đất gần 2 tỉ đồng cho việc chuyển mục đích sử dụng phần diện tích đất ngoài hạn mức (áp dụng Quyết định 28). Vì không đóng nổi nên gia đình đành chọn cách ghi nợ.
“Dù chưa tính được cụ thể số tiền phải đóng giảm đi bao nhiêu nhưng chắc chắn sẽ không quá lớn như ban đầu. Khi có quyết định chính thức, gia đình tôi sẽ cố gắng đóng tiền sử dụng đất luôn thay vì tiếp tục ghi nợ” - ông Răng vui mừng nói.
Việc giảm hệ số K sẽ khiến người dân mạnh dạn chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở. Ảnh: HTD
Gia đình bà Tô Thị Sáu (nhân vật trong bài báo ngày 17-5) cũng hồ hởi không kém. “Thật ra đằng nào tôi cũng phải ghi nợ tiền sử dụng đất vì không thể kiếm đủ tiền để nộp (chồng bà bị liệt nằm một chỗ nhiều năm, 10 người con đã lập gia đình nhưng đều nghèo rớt mồng tơi - PV). Nhưng nhờ giảm tiền sử dụng đất mà gia đình tôi giảm được một khoản nợ đáng kể” - bà Sáu cho biết.
Phù hợp thực tế địa phương
Lãnh đạo các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè tỏ ra phấn khởi khi hệ số K của địa phương chỉ còn 1,3 (trước đây là 3,5). Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, việc xin công nhận và chuyển mục đích sử dụng đất của người dân trong huyện lâu nay bị “kẹt” ở chỗ hệ số K cao quá, dân không có tiền đóng.
Ông Trường dẫn chứng: Có những khu vực giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường khoảng 7 triệu đồng/m2 trong khi người dân xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở phải đóng tiền sử dụng đất tới 7,7 triệu đồng/m2. “Nhiều trường hợp chịu không nổi nên xin trả lại hiện trạng là đất nông nghiệp như cũ, không muốn chuyển sang đất ở nữa dù nhu cầu về nhà ở rất cao” - ông Trường cho biết.
Hiện huyện Bình Chánh còn hơn 200 hồ sơ người dân ghi nợ tiền sử dụng đất. Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin: Do hệ số K quá cao nên nhiều người dân sau khi nhận thông báo đóng tiền đã làm đơn xin để nguyên hiện trạng đất nông nghiệp hoặc xin điều chỉnh phần diện tích chuyển mục đích sử dụng cho bằng với phần trong hạn mức đất ở.
“Huyện chưa thể trả lời liệu có thể giải quyết nhanh hơn các hồ sơ bị ách tắc lâu nay vì còn phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Hy vọng việc giảm hệ số K sẽ khiến người dân mạnh dạn chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở. Nhờ đó hiệu quả khai thác, sử dụng đất của huyện sẽ tốt hơn” - ông Nhật nói.
Tương tự, huyện Hóc Môn còn 342 hồ sơ ghi nợ tiền sử dụng đất, trong đó có tới 96 hồ sơ nợ tiền sử dụng đất trong hạn mức. Cạnh đó cũng có tới 116 trường hợp đã ra giấy chứng nhận nhưng người dân không chịu nhận mà xin lại giấy tờ cũ. “Bấy lâu huyện vẫn linh động giải quyết trả lại giấy tờ cho người dân dù công việc này rất mất thời gian. Nay khi tiền sử dụng đất đã giảm đáng kể, tôi tin nhiều người sẽ đóng tiền để nhận giấy chứng nhận mới” - một lãnh đạo huyện bày tỏ.
VIỆT HOA

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Giám đốc “giết người diệt khẩu” bị truy tố thêm tội



VKSND TP.HCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị cáo Ngô Quang Trưởng (còn có tên là Ngô Quang Chướng, nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải, huyện Hóc Môn) về tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.

Bị cáo Ngô Quang Trưởng (phải) tại phiên tòa xét xử về tội giết người.

VKS cũng đã chuyển hồ sơ vụ án sang cho TAND TP.HCM để chuẩn bị xét xử (phiên tòa dự kiến được mở vào ngày 30-5-2013).

Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành Công ty Hoàng Hải (từ năm 2001-2007), bị cáo Ngô Quang Trưởng đã có nhiều sai phạm trong việc thực hiện 7 dự án về nhà ở, khu công nghiệp tại ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn với tổng diện tích hơn 90ha.

Bị cáo Trưởng đã chỉ đạo công ty cho phân lô, bán nền, xây dựng công trình trên các khu đất được quy hoạch là đất công cộng, đất dự trữ và các khu đất nông nghiệp khi chưa có quyết định giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Từ việc làm sai trái của công ty đã tạo điều kiện cho người dân và một số tổ chức nhận chuyển nhượng đất tự ý xây dựng công trình nhà xưởng trái phép, gây mất an ninh trật tự đô thị, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài của người dân đã chuyển nhượng đất của Công ty Hoàng Hải.

Nhiều người nhận chuyển nhượng đất của công ty đã phải chịu thiệt thòi vì không được xây dựng nhà, bị tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, chính quyền địa phương cũng thiệt hại vì phải tổ chức nhiều cuộc cưỡng chế, tháo dỡ công trình trái phép trên.

Được biết, chính những sai phạm của bị cáo Trưởng tại Công ty Hoàng Hải trên cũng là nội dung nằm trong đơn tố cáo của ông Đặng Xuân Sỹ (nguyên phó giám đốc Công ty Hoàng Hải) gửi tới cơ quan có thẩm quyền. Từ việc thù tức bị ông Sỹ tố cáo, bị cáo Trưởng đã nhờ nhóm côn đồ gốc Hải Phòng của Luân con (tức Vũ Văn Luân) sát hại vào ngày 15-9-2009.

Sau khi vụ việc bị phát giác, Vũ Văn Luân đã bị Tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử, tuyên án tử hình, còn bị cáo Trưởng chỉ bị xử tù chung thân. Tuy nhiên, nhận thấy rằng các bản án tuyên phạt bị cáo Trưởng tù chung thân là quá nhẹ, TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm tuyên hủy phần bản án trên, giao hồ sơ về cho Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM để xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt của bị cáo Trưởng.

Sắp tới, Tòa phúc thẩm cũng sẽ mở một phiên tòa khác để xét xử lại vụ thuê côn đồ “giết người diệt khẩu” của bị cáo Trưởng.

Theo C.MAI (TTO)


Giải tán thanh tra xây dựng quận, huyện


TPHCM lập 24 đội thanh tra địa bàn do Sở Xây dựng quản lý

Chiều 8-5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã nghe Sở Xây dựng báo cáo đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của lực lượng Thanh tra Xây dựng (TTXD) TP. Theo Nghị định 26 của Chính phủ, kể từ ngày 15-5 sẽ chấm dứt thí điểm thành lập TTXD quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TPHCM sau 6 năm hoạt động.
 
Thanh tra Xây dựng quận 1 - TPHCM thu phí đậu xe tại chợ Bến Thành.
Ảnh: TẤN THẠNH
 Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết theo đề án kiện toàn cơ cấu, tổ chức, hoạt động của TTXD, sở này sẽ thành lập 24 đội thanh tra địa bàn với biên chế khoảng 1.000 người, do sở quản lý trên cơ sở một phần của lực lượng TTXD quận, huyện, phường, xã hiện nay nhằm phụ trách địa bàn 24 quận, huyện.
Theo Sở Xây dựng, một trong những hạn chế của bộ máy TTXD quận, huyện, phường, xã, thị trấn thời gian qua là do phải đảm nhận thêm công tác quản lý trật tự lòng lề đường, vệ sinh môi trường… nên số biên chế này không đủ để quản lý chặt địa bàn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, một số cán bộ chưa đủ trình độ chuyên môn nên chậm và lúng túng trong việc xử lý các công trình không phép, sai phép.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng nêu ra hiện tượng một số địa phương để xảy ra tình trạng xây dựng không phép tràn lan, chậm phát hiện các công trình, nhà ở vi phạm, đến khi báo chí phản ánh thì lãnh đạo địa phương mới biết. “Vậy điều này do mô hình hay do phương thức hoạt động của địa phương?” - ông Tín đặt vấn đề.
Trước băn khoăn của một số lãnh đạo quận, huyện về tính kịp thời và hiệu quả quản lý địa bàn nếu giải tán lực lượng TTXD ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Tín nhận định: Nghị định do Chính phủ ban hành thì TPHCM phải thực hiện. Trước mắt, UBND TP sẽ ban hành quyết định tạm thời để kiện toàn bộ máy, lực lượng TTXD, quá trình thực hiện nếu có gì chưa phù hợp thì TP sẽ điều chỉnh, bổ sung.
 
“Từ đây đến ngày 15-5, phải duy trì bộ máy hoạt động của TTXD quận, huyện, phường, xã, thị trấn; không để gián đoạn, ảnh hưởng đến công tác quản lý chung” - ông Tín yêu cầu.
Riêng với công việc kiểm tra, xử phạt về  trật tự đô thị của TTXD quận, huyện, ông Tín đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện sắp xếp trước bộ máy ở địa phương để trên cơ sở đó tách bộ phận “trật tự đô thị” ra khỏi TTXD. Sau khi chuyển bộ phận TTXD về Sở Xây dựng thì sẽ có mô hình phụ trách lĩnh vực trật tự đô thị ở địa phương cho phù hợp.

QUÝ HIỀN
Nguồn: nld.com.vn

Giải tán thanh tra xây dựng quận, huyện bắt đầu được thực hiện từ ngày 15/05/2013, tuy là chậm nhưng còn hơn không ? Nhiều năm qua, người dân trong khu dân cư Hoàng Hải, ấp Tiền Lân xã Bà Điểm huyện Hóc Môn sống trong lo âu, khốn khổ vì hậu quả của các ngài thanh tra và quản lý đô thị của xã Bà Điểm gây ra. Từ 2003 - 2009, các ngài đã tiếp tay với công ty Hoàng Hải lừa đảo hàng ngàn người dân mua nền đất trong các dự án do Cty Hoàng Hải làm chủ đầu tư. Cuối năm 2009, sự việc gian đối trong kinh doanh của Cty Hoàng Hải vở lỡ ra các ngài đã không thấy việc sai phạm của các người tiền nhiệm minh gây ra để sửa chữa sai lầm mà còn tiếp tục ra những quyết định cưỡng chế phá dỡ hàng trăm nhà đã xây dựng nhiều năm trước đây. Mong rằng chính quyền không tiếp tục trược dài trên sai phạm đẩy người dân vô tội đến bước khốn cùng.
Hữu Lộc

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

VỤ THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI Ở HUYỆN HÓC MÔN - TPHCM Ông Nguyễn Văn Khỏe lại hầu tòa


Không như những lần trước, lần này, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam tham gia tố tụng yêu cầu được bồi thường thiệt hại, gồm vốn vay 3.000 lượng vàng SJC, 18 tỉ đồng và lãi vay hơn 3 tỉ đồng

Ngày 8-5, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung  và chuyển hồ sơ vụ án tham nhũng đất đai xảy ra tại huyện Hóc Môn sang VKSND cùng cấp.
Bị cáo Nguyễn Văn Khỏe tại phiên tòa phúc thẩm tháng 6-2011 
Ảnh: TỐ TRÂM
Giữ nguyên quan điểm
Theo đó, CQĐT Công an TPHCM giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố đối với 10 bị can. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Khỏe (SN 1954, nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn) bị đề nghị truy tố về 3 tội danh như trước đây, gồm: nhận hối lộ (số tiền 1,4 tỉ đồng); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (để nhận quà biếu 830 triệu đồng, 10.000 USD và nửa chiếc sừng tê giác trị giá 10.000 USD), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (nhận 5.000 USD và 50 triệu đồng).
Trần Thị Hà (SN 1967, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại, Kinh doanh nhà Thành Phát) và Hà Văn Hòa (SN 1954, chồng Hà, nguyên phó giám đốc) bị đề nghị truy tố cùng về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (hơn 10,5 tỉ đồng) và “Đưa hối lộ”. Nhóm cựu quan chức huyện Hóc Môn và UBND xã Đông Thạnh tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Nhóm cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Chợ Lớn tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Nhận hối lộ”.
Kết luận điều tra bổ sung lần này nêu rõ Agribank đã ủy quyền cho ông Phạm Đăng Bộ, Giám đốc Agribank Chi nhánh Chợ Lớn, làm đại diện cho Agribank tham gia tố tụng trong vụ án. Agribank yêu cầu Trần Thị Hà bồi thường thiệt hại, gồm vốn vay 3.000 lượng vàng SJC, 18 tỉ đồng và lãi vay 3,063 tỉ đồng; đề nghị được giao quyền xử lý 79.652 m2 đất tại xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) có trong 33 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Agribank Chi nhánh Chợ Lớn đang quản lý, để thu hồi nợ vay của Công ty TNHH Thành Phát.  
Ngoài ra, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại 12 không còn là chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp và dân cư tại xã Đông Thạnh nên không đưa vào vòng tố tụng.
6 năm vẫn chưa xử được
Vụ án này được khởi tố điều tra từ tháng 11-2007. Sau quá trình điều tra, tháng 7-2009, VKSND TPHCM đã có cáo trạng lần thứ nhất truy tố 10 bị can. Tuy nhiên, khi hồ sơ chuyển sang TAND TPHCM để xét xử, TAND TPHCM đã hoàn trả hồ sơ để điều tra lại.
Tháng 4-2010, VKSND TPHCM có cáo trạng truy tố lần thứ hai. Đến tháng 8-2010, TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khỏe 26 năm tù  về 3 tội “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người khác có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (chiếm đoạt của ngân hàng 18 tỉ đồng, 3.000 lượng vàng) và “Đưa hối lộ”...
Tháng 6-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án để điều tra, xét xử lại từ đầu vì còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Thêm vào đó, bản án sơ thẩm đã có vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc giải quyết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự của 2 bị cáo Trần Thị Hà, Hà Văn Hòa. Bản án sơ thẩm quy kết vợ chồng Hà - Hòa chiếm đoạt 18 tỉ đồng và 3.000 lượng vàng của Agribank. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm thấy có căn cứ xác định sau khi lấy được tiền, Trần Thị Hà cũng đã sử dụng một phần để dùng đền bù cho các hộ dân, trả tiền lãi, đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất… nhưng chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.  Ngoài ra, ngân hàng là nguyên đơn dân sự, bị thiệt hại do bị lừa đảo nhưng không có đơn yêu cầu đòi bồi thường, tòa sơ thẩm vẫn buộc 2 bị cáo Hà, Hòa bồi thường cho ngân hàng 18 tỉ đồng và 3.000 lượng vàng nộp vào ngân sách là không đúng quy định.
Tòa phúc thẩm cũng đề nghị khi điều tra, xét xử lại, cấp sơ thẩm cần đưa Công ty Thương mại 12 vào vụ án với tư cách bên liên quan để làm rõ việc mua bán nợ giữa công ty này và Công ty Thành Phát.
Ngày 29-5-2012, VKSND TPHCM hoàn tất cáo trạng lần thứ ba. Theo bản cáo trạng này, Hà và Hòa bị quy kết lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 10,5 tỉ đồng của ngân hàng (cáo trạng lần trước là 18 tỉ đồng và 3.000 lượng vàng) do VKSND xác định các bị cáo có dùng một phần tiền vay để đầu tư dự án. Tuy nhiên, tháng 8-2012, sau khi mở phiên tòa, TAND TPHCM quyết định hoàn trả hồ sơ cho VKSND TPHCM để điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề. Ngày 21-3-2013, VKSND TP có quyết định trả hồ sơ về Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để điều tra bổ sung.
Chiếm đoạt và đưa hối lộ số tiền “khủng”
Năm 2002, vợ chồng Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa khai khống vốn điều lệ và thành lập Công ty Thành Phát. Dù công ty không hoạt động kinh doanh, không có khả năng tài chính nhưng cả 2 vẫn làm đơn xin lập dự án khu dân cư và KCN sạch tại xã Đông Thạnh.
Khi được các cơ quan chức năng chấp thuận địa điểm và có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất cho công ty thực hiện dự án, Hà và Hòa sử dụng hồ sơ này làm cơ sở cho việc huy động vốn, thế chấp vay tiền ngân hàng để chiếm đoạt hơn 10,5 tỉ đồng.
Để thực hiện trót lọt các hành vi trên, từ năm 2004 đến khi bị bắt, Hà đã đưa hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng và 5.000 USD; Hòa đưa hối lộ 600 triệu đồng cho ông Khỏe và một số cá nhân khác trong vụ án.
TỐ TRÂM - PHẠM DŨNG

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Cơ hội cho nhà đất chưa có giấy tờ


Hơn 129.000 trường hợp nhà đất không đủ điều kiện trên địa bàn TP.HCM sẽ có cơ hội được cấp giấy chứng nhận.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN), Sở TN-MT TP.HCM thống kê sơ bộ trên địa bàn có đến hơn 129.000 trường hợp nhà, đất bị vướng mắc, tồn đọng… không đủ điều kiện cấp GCN.
Cụ thể, qua rà soát tại 6/24 quận, huyện với hơn 49.000 trường hợp không đủ điều kiện  tập trung vào một số vướng mắc phổ biến: 10.437 trường hợp đất chuyển nhượng bằng giấy tay từ ngày 1.7.2004 - 1.7.2006; 7.944 trường hợp nhà được mua bằng giấy tay sau ngày 1.7.2006; 9.003 trường hợp nhà, đất tạo lập sau ngày 15.10.1993 nhưng nay không phù hợp quy hoạch. Các trường hợp còn lại thuộc diện nhà đất tự chuyển mục đích sử dụng trên đất nông nghiệp, có nguồn gốc lấn chiếm nhưng nay không phù hợp quy hoạch; nhà, đất có vi phạm xây dựng nhưng không được tồn tại; nhà đất đang có tranh chấp; vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở (chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, xây sai thiết kế và quy hoạch được duyệt, chưa xây dựng nhà đã chuyển nhượng cho người mua tự xây dựng; GCN đang thế chấp)…
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, xuất phát từ đặc thù của TP.HCM: hầu hết các trường hợp mua nhà, đất ở riêng lẻ thuộc diện trên chủ yếu là những gia đình nhập cư, thu nhập thấp nhưng có nhu cầu cấp thiết về nơi ở. Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng thực tiễn đã xảy ra và đang tồn tại như vậy nên chính quyền không thể không giải quyết vì mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.
Cơ hội cho nhà đất chưa có giấy tờ
Hàng trăm ngàn trường hợp nhà đất chưa có giấy tờ tại TP.HCM sẽ được xem xét - Ảnh: Diệp Đức Minh
Giải quyết ngay các trường hợp lấn chiếm
Ngày 6.5, tại cuộc họp với 24 quận, huyện về xử lý cấp GCN cho người dân trên địa bàn, UBND TP.HCM tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng bấy lâu nay. Theo đó, đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp có nhà ở, giải quyết theo hướng: đất sử dụng trước ngày 1.7.2006 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 5 điều 50 luật Đất đai 2003, đang sử dụng ổn định, không tranh chấp, tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN đã có quy hoạch được duyệt, thì tại thời điểm xét cấp nếu phù hợp quy hoạch sẽ được cấp theo hiện trạng.
 
30.9 phải hoàn thành
Số GCN phải cấp đối với nhà đất đủ điều kiện trong năm 2013 của TP.HCM khoảng 80.000 trường hợp. UBND TP yêu cầu đến 30.9 phải hoàn thành nhưng đến hết quý 1, tỷ lệ giải quyết của nhiều quận huyện vẫn còn thấp. Cụ thể, H.Nhà Bè chỉ cấp được 88/1.381 trường hợp; H.Bình Chánh 1.187/10.307; Q.Tân Phú 177/1.605; Q.Phú Nhuận 384/3.460; Q.6 337/3.867; Q.8 605/3.593; Q.12 1.476/8.632…
Tương tự, đất sử dụng trước ngày 1.7.2004 không phù hợp quy hoạch nhưng tại thời điểm xét cấp chưa xác định được thời gian thực hiện quy hoạch (thời gian triển khai dự án đầu tư), thì được cấp GCN đất ở trong hạn mức, diện tích đất còn lại của thửa (nếu có) được xác định là đất nông nghiệp.
Đáng chú ý, đối với các trường hợp lấn chiếm nhưng thực tế người dân đã sử dụng ổn định từ trước 1.7.2004 hoặc các trường hợp tự ý chuyển mục đích từ đất nông nghiệp thành đất ở trước ngày 1.7.2004 không có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, phù hợp quy hoạch và không thuộc các trường hợp lấn chiếm quy định tại khoản 4, điều 14 Nghị định 84/2007 của Chính phủ (vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai; Lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc; Lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè đã có chỉ giới xây dựng…), thì UBND các quận, huyện giải quyết ngay việc cấp GCN và thu tiền sử dụng đất theo quy định. Đối với nhà ở riêng lẻ của các hộ dân khi được cấp nếu chưa có điều kiện nộp tiền sử dụng đất thì ghi nợ tiền sử dụng đất trên GCN.
Tại các dự án nhà ở tái định cư, dự án nhà ở chung cư cao tầng trước luật Đất đai 2003 được miễn nộp tiền sử dụng đất nhưng nay phải nộp, dự án chung cư đã nộp tiền sử dụng đất, nay phải nộp bổ sung thì trách nhiệm nộp là chủ đầu tư dự án. Đối với người được bố trí tái định cư, người mua nhà ở chung cư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư thì cũng được cấp mà không phụ thuộc vào việc chủ đầu tư đã nộp xong tiền sử dụng đất hay chưa.
Về việc thực hiện chủ trương mới, ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo các quận huyện phải xem xét từng trường hợp hộ gia đình cụ thể để kịp thời giải quyết. Riêng đối với các trường hợp lợi dụng chủ trương mới rồi cắt đất, chia lô, bán nền, đầu cơ… thì quận, huyện phải xử lý, chấn chỉnh ngay vì nếu để tiếp tục phát sinh sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Đình Phú

Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đề xuất UBND thành phố cho phép cấp giấy chứng nhận tại các dự án phân lô hộ lẻ trên địa bàn xã Bà Điểm.

THÔNG BÁO
Chúng tôi vừa nhận được văn bản số 201/TB-UBND ngày 04/05/2013 do Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, ông Phan Hùng Cường ký. V/v Thông báo việc kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại các dự án phân lô hộ lẻ trên địa bàn xã Bà Điểm huyện Hóc Môn. Trong đó có các dự án đất thuộc khu dân cư Hoàng Hải. 
Chúng tôi báo để bà con có nhà đã xây dựng tại các dự án biết để chuẩn bị giấy tờ có liên quan để cung cấp cho cơ quan chức năng.
HỒ HỮU LỘC
Bấm vào ảnh để phóng lớn



Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Chính quyền đô thị trên thế giới tổ chức, vận hành như thế nào?


SGTT.VN - Mới đây, bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề án Mô hình tổ chức chính quyền đô thị với ba phương án khác nhau, trong đó có phương án thành lập toà thị chính đứng đầu là thị trưởng. Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu bài viết của TS Võ Trí Hảo về mô hình chung tổ chức chính quyền đô thị trên thế giới nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này.
Chính quyền đô thị trên thế giới tổ chức, vận hành như thế nào?
Chính quyền đô thị trên thế giới thường mang hai đặc điểm: rút bớt cấp hành chính lãnh thổ và thị trưởng do dân bầu trực tiếp. Hai đặc điểm này, kéo theo một số đặc điểm trong tổ chức vận hành của chính quyền đô thị, chi phối hiệu quả hoạt động.
Quyền tự quản lớn
Các chính quyền đô thị lớn thường được quyền tự chủ rất lớn, điều này cho phép họ giải quyết thành công một số vấn đề mà Việt Nam đang loay hoay.
Thứ nhất, về mặt ngân sách, tài sản, quan hệ giữa các đô thị lớn với chính quyền cấp trên giống như quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con: là hai pháp nhân độc lập về tài sản, hạch toán độc lập. Nguồn thu, bao gồm các nguồn thu thuế, của các thành phố được luật hoá nên họ rất chủ động trong kế hoạch tài chính, không rơi vào bị động chờ phê duyệt. Ngược lại, nếu lạm chi thì thành phố phải bán tài sản của mình để trang trải các khoản chi. Nếu công chức thi hành công vụ gây thiệt hại thì phải bồi thường cho công dân; nếu ngân sách thường niên không đủ thì phải bán tài sản (trụ sở, đất đai) để bồi thường; nếu bán tài sản không đủ, công dân có quyền yêu cầu áp dụng thủ tục phá sản đối với thành phố. Thị trưởng không thể nào giữ được cái ghế của mình, nếu thành phố bị tuyên bố phá sản.
Hiện nay, Việt Nam đã có luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều công dân thắng kiện tại toà hành chính nhưng vẫn không nhận được tiền bồi thường vì cơ quan nhà nước tương ứng không có đủ ngân sách dành cho việc bồi thường.
TP.HCM đang hướng đến mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: Hồng Thái
Thứ hai, chính quyền thành phố có quyền lập quy rất lớn. Lấy ví dụ, nếu họ muốn hạn chế nhập cư như Đà Nẵng thì họ sẽ có công cụ lập quy là nâng diện tích nhà ở tối thiểu/đầu người lên kịch trần. Nếu muốn giãn dân ở khu phố cổ Hà Nội họ sẽ có công cụ lập quy là thành phố được quyền ấn định thuế suất bất động sản. Những ngôi nhà ở phố cổ trị giá hàng triệu đô sẽ phải đóng một số tiền thuế khủng khiếp; những cư dân bám phố cổ bán nước chè, tạp hoá sẽ không đủ khả năng trả khoản thuế này. Lúc đó, họ chỉ còn khả năng cho những người thông minh hơn thuê lại hoặc mua lại, còn mình thì mang số tiền khổng lồ thu được từ việc bán hoặc cho thuê nhà sang chỗ khác sinh sống. Chỉ những ai đủ khả năng thông minh khai thác hiệu quả mảnh đất vàng, đủ khả năng đóng tiền thuế khổng lồ thì sẽ ở lại. Bằng công cụ thị trường họ có thể giãn dân rất hiệu quả, không vi phạm nhân quyền, cũng chẳng tốn tiền ngân sách mà lại có thêm ngân sách.
Thứ ba, các đô thị có quyền tự chủ lựa chọn mô hình quản lý phù hợp nhất với mình, không cần chờ một ai từ bên trên nghĩ hộ cho mình. Thực tế, khi rút bớt cấp hành chính lãnh thổ, các đô thị thường chú trọng mô hình tản quyền. Ví dụ: chính quyền thành phố (trực thuộc Trung ương) thay vì chỉ có duy nhất một văn phòng tiếp dân nằm ở trung tâm thì sẽ có nhiều văn phòng tiếp dân, nhiều đầu mối thụ lý hồ sơ nằm ở các đô thị vệ tinh phân bố đều trên toàn thành phố. Một số loại việc sẽ được uỷ quyền cho văn phòng tiếp dân trực tiếp giải quyết. Nói cho dễ hiểu, nếu mô hình này được áp dụng, công dân Cần Giờ có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh và nhận kết quả ở ngay Cần Giờ chứ không phải lên tận trụ sở chính của sở Kế hoạch và đầu tư nộp. Việc luân chuyển hồ sơ, phân công cán bộ giữa văn phòng Cần Giờ và trụ sở chính là việc nội bộ của sở Kế hoạch và đầu tư, công dân không cần quan tâm, chỉ cần lo đủ giấy tờ và đúng hạn thì nhận kết quả.
Trong tổ chức bộ máy, bộ phận liên quan đến thương mại, kinh doanh, an ninh trật tự, môi trường được chú trọng.
Quyền năng lớn – trách nhiệm lớn
Người đứng đầu thành phố do dân bầu trực tiếp một cách công khai, minh bạch, dân chủ. Vì thế, muốn trúng cử thì người đứng đầu thành phố không còn cách nào khác là làm hài lòng dân; sự sắp đặt, ưu ái của cấp trên không có mấy ý nghĩa, bởi vậy họ sợ dân hơn sợ cấp trên.
Trách nhiệm, quyền năng của thị trưởng (người đứng đầu) được thiết kế theo nguyên tắc trọn gói. Người ta coi việc bảo đảm an ninh, môi trường, trật tự của một thành phố tương tự như cách mà khu đô thị Phú Mỹ Hưng đang làm: coi đó là một loại hàng hoá công cộng đặc biệt, không có gì cao siêu, trừu tượng. Nó khác với hàng hoá thông thường ở chỗ người mua không trả tiền trực tiếp mà trả qua thuế và phí; không mặc cả trực tiếp mà chọn nhà cung cấp qua lá phiếu của mình. Quá trình đấu thầu sẽ được thay bằng quá trình vận động tranh cử.
Bởi vậy, khi vận động tranh cử, thị trưởng phải “chào hàng” trọn gói: êkíp làm việc, chất lượng dịch vụ công và giá cả (thuế và phí sẽ tăng hay giảm). Sau khi trúng cử thì cử tri cùng với Hội đồng thành phố sẽ giám sát việc thực thi “hợp đồng” (cam kết tranh cử) này của thị trưởng.
Trên cơ sở ấn định thuế suất và các nguồn thu, Hội đồng thành phố sẽ quyết định ngân sách; trong phạm vi ngân sách được quyết, thị trưởng tự lo việc tinh giản bộ máy, chọn người tài làm việc cho mình. Toàn quyền chọn cấp phó, các giám đốc sở... Ông ta không còn chỗ nào để đổ lỗi.
Mọi sai sót, chất lượng dịch vụ công thấp đều có thể quy về trách nhiệm của thị trưởng và ông ta phải từ chức. Nếu ông ta không tự nguyện từ chức để giữ danh dự cho đảng của mình, cử tri cũng sẽ tống cổ ông ta và lựa chọn ứng cử viên đối lập.
Một cộng đồng thống nhất
Các đô thị trên thế giới không bị cắt khúc thành các đơn vị biệt lập đến lạ lùng như ở Việt Nam. Điều này giúp họ tránh khỏi một số hiện tượng mà Việt Nam đang gặp: công dân có quyền làm thủ tục hành chính ở bất kỳ nơi nào mà họ thấy thuận tiện nhất; không nhất thiết phải đúng quận. Chỉ rất ít thủ tục đòi hỏi phải đi đúng tuyến; việc cấp chỗ học mẫu giáo, trường phổ thông công lập được căn cứ vào bán kính từ nơi cư trú đến trường học gần nhất chứ không nhất thiết phải đúng tuyến; cảnh sát thành phố đang thi hành công vụ, khi thấy hành vi vi phạm pháp luật có quyền và nghĩa vụ bắt giữ mà không phân biệt địa bàn, không có chuyện gái mại dâm bị cảnh sát đuổi bên này cầu thì chạy sang đứng bên kia cầu vì bên kia cầu thuộc địa bàn của quận khác. Vì địa bàn thành phố về mặt an ninh trật tự được coi là một địa bàn thống nhất nên cảnh sát trưởng phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm pháp luật. Việc quy ra trách nhiệm cụ thể của chiến sĩ cảnh sát nào là việc nội bộ của cảnh sát trưởng; giống như mất xe máy trong khuôn viên công ty thì khách hàng chỉ cần quan tâm kiện công ty và giám đốc phải hầu kiện mà không cần quan tâm việc mất xe do lỗi của bảo vệ hay lỗi của giám đốc.
TS VÕ TRÍ HẢO, GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM