Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Tiên Lãng xa mà gần

SGTT.VN - Khi công bố quyết định đình chỉ công tác đối với chủ tịch, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, Thành uỷ Hải Phòng “khoanh vùng” các sai phạm của họ trong việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn.
Không còn bao lâu nữa, những người được giao đất đầu tiên theo luật Đất đai 1993 sẽ hết thời hạn được giao (năm 2013). Hàng triệu nông dân đang mang trong mình hàng triệu lo lắng riêng tư về số phận của mảnh đất mà mấy chục năm qua mình đổ mồ hôi sôi nước mắt trên nó. Hết hạn theo luật thật rồi thì sao? Có bị thu hồi như Đoàn Văn Vươn? Ảnh: gia đình ông Đoàn văn Vươn dựng lều trên nền ngôi nhà hai tầng bị đập phá tan hoang sau vụ cưỡng chế ngày 5.1.2012 tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Cho dù có nhiều ý kiến bình luận về thái độ chủ động hay miễn cưỡng xử lý cương quyết trước áp lực dư luận xã hội và chỉ đạo từ Trung ương, thì quyết định này cũng là bước đi đầu tiên đáng chờ đợi. Biết đâu, học bài học… thượng pháp, an dân trong quá trình xử lý vụ “gây rối” đông người ở nhiều xã, nhiều huyện trong tỉnh Thái Bình năm 1997: bên cạnh bản án áp dụng với người chống người thi hành công vụ, còn có cả… bản án dành cho những người nhân danh thi hành công vụ.
Nhưng, đáng chờ đợi hơn, mang ý nghĩa phòng ngừa thay vì phải chạy theo giải quyết hậu quả, là câu trả lời về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định giao đất và thu hồi đất mà chính quyền huyện đã thực hiện với ông Vươn và nhiều hộ khác, điều không thấy Thành uỷ Hải Phòng đề cập. Bởi, đó có thể là động cơ phản kháng chính của nông dân họ Đoàn, và nhiều nông dân khác nữa trên toàn quốc gia nông nghiệp này, nơi đất đai không chỉ là quyền tài sản mà còn là không gian sống, lẽ sống của họ.
Chuyện cưỡng chế thu hồi hay cả chuyện giao đất ồn ào ở Tiên Lãng, nếu nhìn riêng lẻ vụ việc, với niềm tin hệ thống công quyền hoạt động thông suốt, hiệu năng, chỉ cần cấp thành phố Hải Phòng là có thể giải quyết. Mà ở đây, Thủ tướng đã phải trực tiếp chỉ đạo, với sự huy động rất nhiều bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội cấp Trung ương vào cuộc. Có cái gì đó ở Tiên Lãng, nóng lắm, có thể khiến nó trở thành một “tình huống nghiên cứu điển hình” về thực tế hoạt động của mạng lưới chính quyền cơ sở và sự phù hợp của chính sách đất đai với đời sống.
Cho nên, đáng chờ đợi hơn cả, nhất là khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng, sự góp mặt của bộ Tài nguyên và môi trường và Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trước hết, là chuyện áp dụng pháp luật đất đai, đúng – sai, ở Tiên Lãng, để làm cơ sở đối chiếu với nhiều địa phương khác.
Bình luận về kim chỉ nam xử lý vụ việc ở Tiên Lãng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói “Đạo đức (công chức) là tối thượng, luật pháp là tối thiểu”. Tối thiểu, điều “tối thiểu” trong khuôn khổ hiện hành này phải sáng tỏ.
Hôm nay, theo kế hoạch Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các bộ ngành liên quan về vụ cưỡng chế đầm tôm ở Tiên Lãng. Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án Hủy hoại tài sản xảy ra tại nhà ông Đoàn Văn Vươn để điều tra làm rõ. Sáng 9.2, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành làm việc với chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).
“Quả bom” mang tên Đoàn Văn Vươn phát nổ vào thời điểm không còn bao lâu nữa, những người được giao đất đầu tiên theo luật Đất đai 1993 sẽ hết thời hạn được giao (năm 2013). Hàng triệu nông dân đang mang trong mình hàng triệu lo lắng riêng tư về số phận của mảnh đất mà mấy chục năm qua mình đổ mồ hôi sôi nước mắt trên nó. Hết hạn theo luật thật rồi thì sao? Có bị thu hồi như Đoàn Văn Vươn?
Công chức cần “đạo đức”, chính sách, pháp luật cần “đạo lý”. Trước, trong và sau “quả bom” Đoàn Văn Vươn, những cuộc thảo luận về sửa đổi luật Đất đai và cả Hiến pháp đã đang và sẽ diễn ra. Tin rằng, với tinh thần đạo đức – đạo lý nói trên và mục tiêu ổn định xã hội, sẽ không có một cuộc xáo trộn lớn nào. Vấn đề là, đừng để cho quả bom nào nữa bị kích cho nổ bởi sự lạm quyền nhân danh áp dụng chính sách, pháp luật. Vì vậy mà, với sự xuất hiện của Thủ tướng trong vụ Tiên Lãng, người dân chờ đợi một thông điệp chính trị mang tính trấn an về tinh thần của luật pháp. Tất nhiên, sửa luật Đất đai hay Hiến pháp là một quá trình, có vấn đề trình tự, thủ tục, thẩm quyền.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, vụ Tiên Lãng, suy cho cùng là vấn đề tha hoá của những người thi hành công vụ nhân danh Nhà nước. Bởi Nhà nước không có lợi ích gì riêng của mình ngoài bổn phận phục vụ lợi ích của nhân dân. Khi lợi ích của người dân không được bảo đảm thì Nhà nước có vấn đề. Đó là khi quyền lực nhà nước bị lạm dụng mà trong trường hợp này là quyền sở hữu đất đai toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý. Xét ở khía cạnh nào đó, một luật Đất đai trong tương lai thay đổi theo hướng nào đó, rõ ràng hơn về quyền đất đai như hiện nay, gần hơn với thực tế sử dụng đất của người dân, sẽ có ý nghĩa kiềm chế khả năng quyền lực nhà nước bị lạm dụng.
Tiên Lãng, một huyện ven biển của Hải Phòng, xa mà gần trong… lòng dân với ý nghĩa, lo lắng và mong đợi như thế.
Nguyên Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét