Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Vụ nổ súng ở Thái Bình cho thấy sự phức tạp trong thu hồi đất

Vụ nổ súng bắn 5 người tại Thái Bình có liên quan đến đền bù đất đã được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ra như một ví dụ cho thấy sự phức tạp của việc đền bù, thu hồi đất.

Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/9 về Luật Đất đai tập trung nhiều vào vấn đề thu hồi, đền bù và giải phóng mặt bằng.
Nhắc đến vụ nổ súng ở Thái Bình mới xảy ra hôm qua (11/9), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, công tác thu hồi đất thực sự phức tạp. Vị Chủ nhiệm cũng nhắc lại vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và đề nghị, khi thu hồi đất của những trường hợp như thế cần phải tính tới công sức quai đê lấn biển để hạn chế những bức xúc của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, để tránh thu hồi đất tràn lan thì phải quy định hạn mức thu hồi. Đối với chênh lệch giá do quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Hiển đề nghị phải có quy định để điều tiết. Ví dụ khi bình thường, giá đất chỉ 300.000 đồng/m2, nhưng khi đã đầu tư cơ sở hạ tầng lên tới 10 triệu/m2 thì sau khi trừ đi giá trị đầu tư, phần chênh lệch nhà nước phải điều tiết.
“Phải tính tới tỷ lệ nào đó để hỗ trợ cho người dân, như vậy dễ chấp nhận hơn là thu toàn bộ phần chênh về ngân sách. Tất nhiên bên cạnh đó phải có hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề. Như vậy người dân sẽ thỏa mãn hơn, giải quyết được khúc mắc của họ”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông, đối với lô đất cho doanh nghiệp đầu tư cũng phải có quy định để đảm bảo điều tiết lợi ích cho cả 3 bên là người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Có như vậy mới giải quyết được khúc mắc khi giải quyết tranh chấp về đất đai.
ong-Hien-5197-1378980367.jpg
Theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, để tránh thu hồi đất tràn lan thì phải quy định hạn mức. Ảnh:Nguyễn Hưng.
Liên quan đến giá đất, ông Hiển băn khoăn, hiện có 2 loại giá, một loại thu thuế, phí, lệ phí (loại này có khung); loại 2 là giá đền bù do UBDN tỉnh quyết định. Vì thế, xuất hiện cùng một loại đất có 2 loại giá. “Nếu đưa khung giá chỉ giải quyết thu thuế, phí không cần quy định khung, giao cho địa phương quyết định. Quan trọng nhất là tính giá để đền bù, thu hồi đất”, ông Hiển nói.
Phiên thảo luận đã ghi nhận một số nội dung thay đổi. Cụ thể, Ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo sửa đổi các quy định về việc đảm bảo ổn định đời sống của người bị thu hồi đất, trả tiền đầy đủ, kịp thời; bổ sung các dự án cụ thể được thu hồi đất phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ quan soạn thảo cũng đề nghị bổ sung quy định trước khi ra quyết định cưỡng chế cần tổ chức đối thoại công khai với dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại đối với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế chấp hành thì ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Theo báo cáo giải trình, qua tổng hợp lấy ý kiến có 265 đại biểu đồng ý nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội, 109 đại biểu không đồng ý.
Khẳng định tầm quan trọng của một dự án luật được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân và dự kiến thông qua sau 3 kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu giải quyết tốt các vướng mắc trong luật thì mới ổn định xã hội, giảm được khiếu kiện, khiếu nại.
Ông yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra làm rõ mục đích thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng và các dự án kinh tế. Đối với thu hồi cho dự án kinh tế cần thêm vào điều kiện được cấp có thẩm quyền quyết định. Đối với giá thu hồi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải quyết mối quan hệ giữa việc định giá “sát giá thị trường” với giá tính tại thời điểm thu hồi. “Chương đền bù phải giải quyết cho dân theo đúng nguyên tắc sát giá thị trường”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Theo dự thảo mới được chỉnh sửa, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội trong các trường hợp thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án, công trình xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, khai thác khoáng sản quy mô lớn, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung do HĐND cấp tỉnh thông qua. Điều này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, với đề nghị quy định rõ thu hồi đất cho mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị tiếp thu với nội dung cụ thể bao gồm 9 nhóm mục đích như để thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn ODA; xây dựng, mở rộng các công trình thuộc hệ thống giao thông, điện lực, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, xăng dầu, khí đốt, thu gom, xử lý chất thải; xây dựng công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm; công trình phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư; phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, chợ...
Nguyễn Hưng
Nguồn: vnexpress.net
Với tinh thần thượng tôn pháp luật và đặt niềm tin dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố HCM. Hơn 3 năm qua, hàng ngàn hộ dân đã mua nền đất trong KDC Hoàng Hải xã Bà Điểm huyện Hóc Môn đang chờ hướng giải quyết thấu tình đạt lý của UBND thành phố trong việc tranh chấp đất đai trong khu dân cư Hoàng Hải.
Ông bà ta thường có câu "Nhất hậu hôn, Nhì điền thổ" để nói lên tính chất phức tạp của việc tranh chấp liên quan đến nhà, đất.
Mong rằng việc đau lòng đã sảy ra tại Tiên Lãng Hải Phòng và Thái Bình sẽ không được lập lại xã Bà Điểm huyện Hóc Môn.
Hồ Hữu Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét