Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Chế tài không chỉ để răn đe

14/09/2013 06:56 (GMT + 7)

TT - Liên quan đến câu chuyện những ngôi nhà xây dựng không phép đang bị xử lý tháo dỡ ở ấp Doi, TS Nguyễn Ngọc Điện đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết cho rằng cần cân nhắc thời điểm cưỡng chế tháo dỡ.
Cưỡng chế nhà xây trái phép tại ấp Doi, Q.Gò Vấp - Ảnh: Minh Đức
Xây dựng nhà mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là việc làm sai trái hiển nhiên. Trên nguyên tắc, người làm sai phải chịu phạt và tự trả chi phí cho việc khôi phục tình trạng ban đầu. Những người dân ở ấp Doi (khu phố 8, P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) tự ý xây dựng nhà trong vùng quy hoạch mà không xin phép phải chấp nhận cách xử lý này, không có ngoại lệ cho họ.
Tuy nhiên, nếu việc nộp tiền phạt có thể được yêu cầu thực hiện bất kỳ lúc nào, thì việc khôi phục tình trạng ban đầu, nghĩa là phá dỡ nhà xây không phép, trong nhiều trường hợp cần được cân nhắc một cách thận trọng, hợp lý về thời điểm tiến hành. Sự cân nhắc được lý giải bởi yêu cầu đặt ra đối với nhà chức trách là phải bảo đảm ý nghĩa chính trị, kinh tế, nhân văn... của một biện pháp chế tài nhân danh luật pháp, quyền lực công.
Tiêu chí “thận trọng” và “hợp lý” thường được thiết lập do đặc điểm riêng của những lợi ích cụ thể xoay quanh một vụ phá dỡ nhà xây không phép. Giả sử nhà được xây trong một khu dân cư đã được tổ chức chặt chẽ theo quy hoạch, đặc biệt về phương diện kỹ thuật, thẩm mỹ của công trình kiến trúc, thì câu chuyện có thể kết thúc nhanh chóng: việc xây dựng tùy tiện và không phép được coi là hành vi cố ý xâm hại trật tự công và lợi ích chung, một kiểu phá hoại, phải được xử lý nghiêm, nhà xây không phép phải bị phá dỡ không chậm trễ.
Trong trường hợp nhà được xây trên một vùng đất mà việc quy hoạch sử dụng chỉ mới được ghi nhận, thông qua và chưa được triển khai, thì phải xem xét các phương án xử lý tùy điều kiện, hoàn cảnh.
Nếu quy hoạch chắc chắn sẽ được triển khai trong tương lai gần được xác định, thì phải có thái độ dứt khoát đối với người xây dựng không phép: họ phải khẩn trương “dọn dẹp” để trả lại hiện trường ban đầu cho nhà chức trách, không được phép trì hoãn.
Nhưng nếu quy hoạch, dù đã được thông qua, chỉ được triển khai sau vài năm, thậm chí không biết khi nào, thì không thể nói việc xây dựng không phép đe dọa trực tiếp và ngay lập tức các lợi ích cụ thể của Nhà nước, xã hội. Khi đó, cần tính toán trên cơ sở cân phân cái được và cái mất của việc xử lý để có cách làm đúng đắn, được xã hội tâm phục, khẩu phục. Trong chừng mực nào đó, chế tài gọi là tốt không chỉ nhờ tính răn đe cao, mà còn nhờ chi phí thấp, cần hạn chế đến mức có thể việc áp dụng các biện pháp chế tài đòi hỏi tiêu hủy, phá hủy một cách phung phí các nguồn lực xã hội, các giá trị vật chất, tinh thần.
Chắc chắn một người có thừa nhà để ở, thừa tiền để xây nhà không phép thì cũng có thừa khả năng chịu trách nhiệm về hậu quả việc làm sai của mình. Việc xây nhà không phép của những người loại này phải được coi như hành động thách thức đối với nhà chức trách, với dư luận xã hội, cần xử lý thật nghiêm khắc và quyết liệt để răn đe.
Trái lại, nếu người xây dựng thật sự có nhu cầu về nhà ở, không thể dời đi nơi khác trong ngày một ngày hai, thì nên chấp thuận cho họ có khoảng thời gian thích hợp để hợp tác thi hành quyết định phá dỡ nhà. Nhà nước chẳng thiệt hại gì do việc kéo lùi thời điểm thi hành quyết định phá dỡ trong trường hợp này, bởi có đất trống thì cũng để đó. Người dân, về phần mình, có thể tiếp tục sinh sống trong những điều kiện không thay đổi trong khi chờ đợi, tìm kiếm nơi chốn tái định cư thích hợp cho bản thân và gia đình.
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Nguồn: tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét