Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

"Tự nhiên" chủ đầu tư được hợp thức hoá vi phạm!


01/08/2012 09:45

ảnh minh hoạ
Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng loạt trường hợp vi phạm của chủ đầu tư nhưng không bị phát hiện kịp thời, hoặc bị phát hiện nhưng đã quá 2 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra, kiểm tra mà chưa xử lý dứt điểm thì sẽ được quyết định cho tồn tại…

Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở vượt số tầng hoặc thay đổi thiết kế, công năng sử dụng ở một số tầng (trừ tầng hầm để xe 2 bánh hoặc tầng dành cho sinh hoạt cộng đồng) mà qua kiểm tra xác định vẫn bảo đảm an toàn công trình; trong quá trình xây dựng, các cơ quan có thẩm quyền không thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý để vụ việc vi phạm đã quá thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật xây dựng hoặc có thanh tra, kiểm tra nhưng đã quá 2 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra, kiểm tra mà chưa xử lý dứt điểm thì quyết định cho tồn tại và phê duyệt điều chỉnh thiết kê xây dựng đối với phần xây dựng sai phép đó để cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở.

Đối với trường hợp này, Chủ đầu tư phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích xây dựng vượt số tầng hoặc do thay đổi công năng sử dụng nếu tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư đã nộp được tính căn cứ vào hệ số sử dụng đất và công năng của công trình.

Trường hợp chủ đầu tư xây dựng mặt tiền của nhà ở không đúng thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng được cấp thì chủ đầu tư phải gỡ bỏ phần xây dựng trái phép để cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở. Trường hợp vi phạm đã quá thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật xây dựng mà các cơ quan có thẩm quyền không thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý hoặc có thanh tra, kiểm tra và đã có ý kiến kết luận đề nghị cho tồn tại hoặc có thanh tra, kiểm tra nhưng đã quá 2 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra, kiểm tra mà chưa xử lý dứt điểm thì quyết định cho tồn tại và phê duyệt điều chỉnh thiết kế mặt tiền công trình.

Trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở vượt diện tích mặt bằng so với thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng được cấp mà trong quá trình xây dựng, các cơ quan có thẩm quyền không thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý để vụ việc vi phạm đã quá thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật xây dựng hoặc có thanh tra, kiểm tra nhưng đã quá 2 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra, kiểm tra mà chưa xử lý dứt điểm thì quyết định cho tồn tại và phê duyệt điều chỉnh thiết kê xây dựng đối với phần xây dựng sai phép đó để cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở. Chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất xây dựng vi phạm đó.

Còn nếu qua thanh tra, kiểm tra kết luận việc xây dựng trái phép ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch xây dựng chi tiết của khu vực mà không thể điều chỉnh được quy hoạch xây dựng đó thì mới xử lý dỡ bỏ phần diện tích công trình vi phạm. Chủ đầu tư phải bồi thường cho người mua nhà ở theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chủ đầu tư phân lô đất và xây dựng, bàn giao nhà ở cho người mua vượt diện tích so với quy hoạch, thiết kế xây dựng chi tiết được duyệt và chưa nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích vượt đó mà trong quá trình xây dựng, các cơ quan có thấm quyền không thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý để vụ việc vi phạm đã quá thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật xây dựng hoặc có thanh tra, kiểm tra nhưng đã quá 2 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra, kiểm tra mà chưa xử lý dứt điểm thì cần tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng, thu thêm nghĩa vụ tài chính đối với diện tích vượt và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở.

Trong trường hợp không thể điều chỉnh quy hoạch xây dựng được thì thực hiện cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích không vi phạm; đồng thời phải thực hiện ngay việc thu hồi, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích vi phạm. Trong trường hợp này, Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí cho việc thu hồi đất đó.

Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thấp tầng đã phân chia không đúng số lượng lô đất, không đúng diện tích từng lô theo quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt nhưng vẫn nằm trong phạm vi đất ở đã nộp tiền sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng được duyệt và chủ đầu tư đã hoàn thành xây dựng, đã bàn giao nhà ở cho người mua thì rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng và thiết kế công trình để cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở.

"Để lâu cứt trâu hoá bùn": Có thành tiền lệ?

Những cách giải quyết trên đây thể hiện phần nào quyết tâm của Bộ Tài Nguyên và Môi trường trong việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở. Tuy nhiên, một băn khoăn mà nhiều người đặt ra là, liệu cách giải quyết tình thế này có làm gia tăng các tình trạng vi phạm?

Đặc biệt, việc hợp thức hoá các sai phạm trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền không thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý để vụ việc vi phạm đã quá thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật xây dựng hoặc có thanh tra, kiểm tra nhưng đã quá 2 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra, kiểm tra mà chưa xử lý dứt điểm... mà không thấy nói đến trách nhiệm của những cơ quan này cũng là một vấn đề cần được xem xét.

Lịch sử đã chứng minh, tại Hà Nội, việc hợp thức hoá những ngôi nhà xây dựng sai phép, không phép sau một thời gian tồn tại đã khiến tình trạng vi phạm tiếp tục gia tăng trong nhiều năm qua.

 - Theo VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét