Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Rào cản khi đòi Nhà nước bồi thường


“Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường”.

Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh đã nhận xét vậy sau ba năm Luật TNBTCNN có hiệu lực.
Theo Điều 4 luật này, người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Điều đáng nói là để có được văn bản xác định này, người bị thiệt hại phải thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo mất rất nhiều thời gian.
Tại buổi tọa đàm về tình hình thi hành Luật TNBTCNN vào tháng 10-2012, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại TP.HCM cũng cho rằng yêu cầu phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật là thủ tục cản trở việc thực thi luật. “Chưa khách quan, thiếu khả thi. Cơ quan nhà nước hay dè dặt nhận sai” - luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét.
Ông Trần Thật, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ (VKSND TP.HCM), thông tin: Từ khi Luật TNBTCNN ban hành đến nay, ngành chưa có vụ đòi bồi thường nào. Riêng bốn vụ xảy ra trước khi luật này có hiệu lực nay cũng chưa dứt điểm. Ông cho rằng việc bồi thường cho chủ doanh nghiệp hoặc người có chức vụ, quyền hạn chưa được hướng dẫn. Tiền thưởng, bảo hiểm xã hội có được bồi thường không? Người bị oan có được phục chức không?...
“Thay vì thực hiện quy trình bồi thường “hai cửa” (thủ tục xác nhận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và thủ tục bồi thường) thì nên xây dựng quy trình “một cửa”. Theo đó, cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường xem xét, kết luận luôn là hành vi người thi hành công vụ có trái pháp luật, có phải bồi thường hay không...” - ông Tịnh đề xuất.
Cũng theo ông Tịnh, quy định hiện hành “cơ quan nào gây thiệt hại cũng chính là đơn vị giải quyết bồi thường ban đầu” có điểm không ổn. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản và Mỹ thì họ giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Chính vì thế, cần có mô hình mới về cơ quan giải quyết bồi thường để giải quyết mối quan hệ bất bình đẳng giữa cơ quan nhà nước làm trái pháp luật, phải bồi thường và người bị thiệt hại.
Mấy chục năm đội đơn đòi công lý
Năm 1990, ông Mười Thêm từng bị công an, TAND huyện Hồng Ngự khởi tố, tạm giam, xử phạt 12 tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, đồng thời ông bị buộc phải giao 5.000 m2 đất nông nghiệp cho UBND huyện. Sau khi TAND tỉnh Đồng Tháp hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu thì công an huyện đã bỏ lửng vụ án. Mãi đến đầu năm 2010, cơ quan này mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can viện lẽ “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.
Cho rằng đã bị các cơ quan tố tụng của huyện Hồng Ngự xử lý hình sự oan, ông Mười Thêm đã khiếu nại đòi bồi thường. Cũng đồng ý như thế nhưng giữa TAND và VKS huyện không thể thống nhất ai phải bồi thường. Phải đến giữa năm 2011, lãnh đạo VKSND, TAND và Công an tỉnh Đồng Tháp mới có cuộc họp thống nhất giao cho Công an huyện Hồng Ngự tiến hành thương lượng với ông Mười Thêm để giải quyết việc bồi thường.
Tháng 2-2013, sau khi thương lượng bất thành, ông Mười Thêm đã kiện đòi cơ quan CSĐT Công an huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) phải bồi thường và TAND thị xã Tân Châu (An Giang) đã thụ lý vụ án. Tưởng vậy là ổn nhưng rồi sau đó TAND thị xã Tân Châu lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nguyên đơn chưa có đủ điều kiện khởi kiện. Trước sự thể này, Bộ Tư pháp đã gửi văn bản đề nghị TAND Tối cao phối hợp thực hiện bồi thường cho ông Mười Thêm.
Theo thông tin mới nhất thì cuối tháng 6 này, TAND thị xã Tân Châu sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án.
NGUYÊN THI
nguồn: phapluattp.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét