Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Quan huyện và nữ đại gia Sài Gòn sắp hầu toà

Sau hơn 2 năm trả hồ sơ điều tra lại, ông Nguyễn Văn Khoẻ - nguyên chủ tịch huyện Hóc Môn vẫn bị truy tố với 3 tội danh cũ nhưng Agribank Chợ Lớn đã thừa nhận bị thất thoát 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng.

TAND TP HCM đã lên lịch đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 đối với vụ án điểm về tham nhũng liên quan đến việc xét duyệt dự án đất tại huyện Hóc Môc (TP HCM) cách đây cả chục năm. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 20-28/8 do thẩm phán Vũ Phi Long -  Phó Toà Hình sự làm chủ tọa.
nguyen-chuc-tich-huyen-1375197514_500x0.
Nguyên chủ tịch huyện Hóc Môn và các bị cáo liên quan đến vụ án vẫn bị truy tố với các tội danh như cũ. Ảnh: Vũ Mai.
Năm 2010, TAND TP HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ nhất tuyên phạt Nguyễn Văn Khỏe 26 năm tù về các tội danh trên. Liên quan đến vụ án, vợ chồng Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa (Giám đốc và Phó giám đốc công ty Thành Phát) cùng bị phạt mức án tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ. Một số bị cáo nguyên là cán bộ của ngân hàng Agribank Chợ Lớn phải nhận từ 3 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 13 năm tù.
Tuy nhiên, do có một số chi tiết cần phải làm rõ thêm, tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 6/2011, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại từ đầu. Trong lần đưa ra xét xử tới, ông Khỏe tiếp tục bị truy tố về các tội Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Theo nội dung vụ án, năm 2002 Trần Thị Hà (46 tuổi) và chồng hờ là Hà Văn Hòa (59 tuổi) đứng ra thành lập công ty Thành Phát do mình quản lý. Dù công ty không có đủ khả năng về tài chính và điều kiện để vay vốn nhưng vợ chồng Hà vẫn tìm mọi cách để làm giả hồ sơ thực hiện dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Đông Thạnh tại huyện Hóc Môn (TP HCM) để lừa vay rồi chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Để thực hiện được ý định này, vợ chồng Hà đã bỏ ra một số tiền “khủng” để “lót tay” nhiều cán bộ, lãnh đạo xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn làm hồ sơ khống qua mặt các cơ quan chức năng trong việc xin và phê duyệt dự án sử dụng đất tại khu vực này. Cụ thể, tháng 11/2002, vợ chồng Hà đã làm quen với Trần Văn Tè (chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) để xin lập dự án khu dân cư và công nghiệp. Do việc giải quyết hồ sơ phải có sự đồng ý của cấp trên, trong đó vai trò quyết định là chủ tịch huyện, nên Tè giới thiệu cho vợ chồng Hà với ông Khỏe thông qua trung gian là Nguyễn Công Danh (chủ một doanh nghiệp tư nhân có mối quan hệ thân tình với ông Khỏe).
Nhận lời vợ chồng Hà, Danh mang hồ sơ đến nhà riêng của ông Khỏe xin ký vào công văn gởi các sở ngành xác nhận việc địa điểm dự án của công ty Thành Phát chưa có người đầu tư (song thực tế đã có một công ty khác đầu tư trước đó). Lần này vị chủ tịch nhận 150 triệu đồng tiền "công" từ vợ chồng Hòa.
Sau khi đã có mối thân tình với chủ tịch Khỏe, từ năm 2003 đến 2004, cứ vào mỗi dịp cuối tuần vợ chồng Hà lại đưa "quan huyện" và một số cán bộ cấp dưới đi chơi ở Vũng Tàu, mọi chi phí do nữ "đại gia" này chi. Ngoài ra, từ năm 2003 đến tháng 6/2005 vào các dịp lễ tết vợ chồng Hà đến nhà Khỏe đưa tổng cộng 430 triệu đồng, 15.000 USD, 1/2 sừng tê giác và cho vay 700.000 triệu đồng (nhưng sau đó không trả). 
Vào đầu năm 2005, trong một lần đi chơi ở Vũng Tàu vị chủ tịch huyện có đặt  vấn đề với vợ chồng Hà khi xong việc (tức xin được dự án) thì phải mua cho Khỏe một chiếc ô tô Lexus. Về đến Sài Gòn, vợ chồng Hà đã đưa chủ tịch huyện đến một gara ở quận 1 để xem. Đến năm 2006, không thấy vợ chồng Hà thực hiện lời hứa ông Khỏe nhắc khéo, sau đó Hà đã đưa vị chủ tịch đến một quán cà phê để đưa trước 1 tỷ đồng đặt cọc mua xe. Số tiền này sau đó Khỏe đã trả cho Hà 600 triệu đồng.
Khoảng tháng 4/2006, thấy Sở quy hoạch kiến trúc thành phố chậm duyệt bản quy hoạch chi tiết cho dự án của mình, Hà tiếp tục nhờ Khỏe giúp đỡ và được vị chủ tịch đề nghị chi 5.000 USD đến 10.000 USD để "tác động đến người có thẩm quyền". Lần này, Khỏe nhận của Hà 5.000 USD và 50 triệu đồng nhưng không chi cho ai mà giữ lại sử dụng.
quan-huyen-va-dai-gia-1349347218-480x0-1
Quan huyện và nữ đại gia trong phiên xử trước. Ảnh: Vũ Mai
Theo điều tra, quá trình xin hồ sơ dự án vợ chồng Hà cũng đã phải chi tiền mặt và quà biếu cho Tè và cán bộ phòng kế hoạch và đầu tư huyện Hóc Môn với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, khi hồ sơ dự án được phê duyệt, vợ chồng Hà lại tiếp tục "đi đêm" với nhiều cán bộ ngân hàng để vay vốn. Hà đã lập hồ sơ vay vốn nâng khống số tiền thực hiện dự án và vốn tự có lên để đề nghị được vay thêm 42 tỷ đồng sau đó nhờ Nguyễn Công Định - nhân viên tín dụng của Agribank Chợ Lớn giúp đỡ.
Nhận hồ sơ của công ty Thành Phát, Định lập báo cáo thẩm định ghi nhận công ty này đủ điều kiện vay số tiền nói trên và chuyển cho Trần Văn Tuyến (giám đốc Agribank Chợ Lớn) ký duyệt và đồng ý giải ngân số tiền vay. Khoảng tháng 19/2012, khi được giải ngân 3.000 lượng vàng, vợ chồng Hà đã "lại quả" cho Định 200 triệu đồng. Hơn một tháng sau phía Agribank Chợ Lớn tiếp tục giải ngân cho công ty của Hà 18 tỷ đồng. Theo lời khai của Định thì Tuyến có chỉ đạo đề nghị Hà khi đến ngân hàng nhận vàng thì mang theo 150 triệu đồng để "chi phí cho phía cung ứng vàng", song số tiền này không ai thừa nhận. 
Đầu năm 2007, sau khi cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, biết công ty Thành Phát không có khả năng thực hiện dự án và trả nợ nên Giám đốc Agribank Chợ Lớn đã đề nghị Công ty 12 (đối tác của ngân hàng này) đứng ra thực hiện dự án và gánh nợ thay. Vì vậy, tại các phiên xử sau đó, đại diện Agribank Chợ Lớn không thừa nhận bị thất thoát số tiền nói trên và không yêu cầu vợ chồng Hà bồi thường.
Tuy nhiên, đến năm 2011, Công ty 12 đã từ chối nhận thanh toán nợ hơn 4.600 lượng vàng do Thành Phát vay cho phía Agribank Chợ Lớn vì việc này vi phạm pháp luật và không có lợi cho phía công ty. Đồng thời, thực hiện kiến nghị của thanh tra Ngân hàng Nhà nước về việc phục hồi số nợ vay của công ty Thành Phát (do vợ chồng Hà đứng tên) tại ngân hàng Agribank chi nhánh Chợ Lớn, nên gần đây đại diện của ngân hàng này mới có đơn yêu cầu Hà bồi thường thiệt hại cho Agribank gồm vốn vay 3.000 lượng vàng SJC, 18 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng lãi vay.
Hải Duyên 

Nguồn: vnExpress.net

Liên quan đến vụ án của Cty Cổ phần đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải.

Qua kết luận thanh tra số 338/KL-TTTP-P1 ngày 23/6/2010 do ông Lê Thanh Tân, Phó Chánh thanh tra thành phố ký nêu rõ :
Trang 23 mục 2.2 : Việc Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khoẻ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Phan Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm Võ Văn Út, Phan Văn Tốt xác nhận số liệu khống về đền bù tại các dự án (thời điểm liên quan) để Công ty được giao đất, được chuyển mục đích sử dụng đất là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Hải thực hiện các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. Ông Nguyễn Văn Khoẻ, ông Phan Văn Hùng, ông Võ Văn Út, ông Phan Văn Tốt có dấu hiệu phạm “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được qui định tại Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại phiên Tòa xét xử sơ thẩm ngày 18/06/2013 Bản án số: 213/2013/HSST trang 10 Tòa án đã tuyên:
* Đối với Nguyễn Văn Khỏe - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn (đã bị khởi tố bắt giam trong vụ án khác, Phan Văn Hùng, Kiều Đức Thuận - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, Võ Văn Út, Phan Văn Tốt, Cao Văn Hai - nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bà Điểm các thời kỳ, Nguyễn Hữu Thọ - nguyên Công chức  địa chính Ủy ban nhân dân xã Bà Điểm có hành vi thiếu kiểm tra, giám sát công ty TNHH Hoàng Hải thực hiện hành vi vi phạm về sử dụng đất.
     Sau khi vụ việc bị thanh tra, phát hiện, các cá nhân nêu trên đã bị Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn xử lý hành chính, kiểm điểm, xử lý kỷ luật, chuyển công tác khác hoặc buộc thôi việc.


* Chúng tôi không biết trong khi xét xử vụ án Hội đồng xét xử có tham khảo Kết luận cuả Thanh tra thành phố không ?
  Khi người dân có nhu cầu mua nền đất, cần kiểm chứng tư cách của Công ty, liên hệ với  Uỷ ban xã Bà Điểm để hỏi thì được cán bộ xã bảo là cứ mua và xây dựng theo quy hoạch của Công ty Hoàng Hải là được, không cần xin phép xây dựng vì đất nằm trong dự án dân cư. Do tin tưởng như thế nên người dân đã mua nền trong các dự án do Công ty Hoàng Hải làm chủ đầu tư.
Qua đây, người dân người dân nhận thức rằng : Có sai phạm của các cán bộ thoái hoá biến chất ở hai cấp chính quyền Huyện và Xã (thời điểm liên quan) mới có sai phạm của Công ty Hoàng Hải. Hàng ngàn hộ dân mới bị mắc lừa, hơn 400 hộ dân đã xây dựng nhà tại 03 dự án được giao đất không được hợp thức hóa nhà, không được chuyển hổ khẩu về nhà, trong đó 500 hộ dân mua đất nền trên 4 khu đất nông nghiệp là khốn khổ nhất.
Qua tuyên án của Tòa đối với những cán bộ tham ô, thoái hóa biến chất gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân và nhà nước là chưa thuyết phục chẳng những không răn đe được mà còn khuyến khich hành vi tham ô, nhũng nhiễu bộc phát.
Ôi trời, không biết Việt nam chúng ta có còn công lý không ?
Khóc cho tình đời ! Khóc cho vận nước ! Khóc cho trăm họ lầm than !
Hồ Hữu Lộc
 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét