Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Đất nông nghiệp trong khu quy hoạch treo: “Rã đông”

Ngày 8-4, tại cuộc họp triển khai chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về việc xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo xem xét cấp giấy chứng nhận cho cả các trường hợp nhà xây trên đất nông nghiệp trong những khu vực chưa có quy hoạch hoặc đã có quy hoạch nhưng không phải là đất ở. Chủ trương này đang thổi một làn gió mới vào những khu đất nông nghiệp mênh mông ở ngoại thành và quận ven TPHCM đã bị hoang hóa nhiều năm vì các dự án treo.
  • Người dân hân hoan chờ đợi
Trong thời gian gần đây, trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP đã đăng nhiều bài viết nêu vấn đề bạn đọc quan tâm: tình trạng bất cập trong chính sách quản lý, tạo ra rào cản bất hợp lý khiến hạn chế quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp trong các khu quy hoạch treo. Với việc tháo dỡ rào cản này, cho thấy lãnh đạo TPHCM nghiêm túc lắng nghe tâm tư của người dân, giải quyết vấn đề người dân đang rất bức xúc.
Đất nông nghiệp trong khu quy hoạch treo bên đường Lã Xuân Oai (quận 9, TPHCM) đã bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm.
Khi đón nhận thông tin về chủ trương mới của TP, nhiều hộ nông dân rất phấn khởi. Trong những ngày này, nhiều quận vùng ven đang tổ chức kỷ niệm 16 năm ngày thành lập quận. Thời điểm tách ra từ huyện ngoại thành để thành lập quận cũng là mốc thời gian ruộng vườn của nông dân ở đó được chuyển thành đất đô thị. Từ khi đất nông nghiệp được quy hoạch làm đất ở đô thị và công trình công cộng, ruộng vườn của hàng ngàn hộ nông dân nằm trong các khu quy hoạch bị bỏ hoang.
Tại các quận ven đã hình thành những “làng quê giữa đô thị” do quy hoạch treo nhiều năm nay chưa thực hiện được, như khu quy hoạch công viên ấp Doi (phường 15, Gò Vấp), khu quy hoạch KCN Hiệp Thành (phường Hiệp Thành, quận 12), ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 27 và 28, quận Bình Thạnh)… Các khu dân cư, ruộng vườn bị lâm tình cảnh quy hoạch treo có thời gian ngắn nhất cũng đã trên 10 năm, có nơi đã treo gần 30 năm. Khu quy hoạch treo có diện tích nhỏ cũng vài chục hécta, có khu quy hoạch treo lớn đến cả trăm hécta. Do ruộng vườn bị bỏ hoang không thể trồng trọt, cũng không thể làm nhà, xây dựng nhà xưởng, đã gây nhiều thiệt thòi, bức xúc cho người dân.

Chủ trương tháo gỡ của UBND TPHCM đã làm nhiều gia đình nông dân thở phào, hy vọng. Anh Trần Đình Dũng (ở phường Hiệp Thành, quận 12) chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc quan điểm “Nhà nước chưa lo được nhà cho người dân, nếu dân tự lo chỗ ở cho mình, thì chính quyền phải ủng hộ, tạo điều kiện”. Không riêng gia đình tôi, hàng trăm hộ nông dân ở đây đang khốn khổ vì nhà nằm trong khu quy hoạch đất công nghiệp. Đất đai nơi đây có nguồn gốc đất nông nghiệp nên muốn xây nhà cũng khó, mà đã có nhà cũng không thể làm giấy tờ. Thật mừng khi nay đã có hướng ra cho hàng trăm gia đình đã xây nhà, sinh sống ổn định nhưng lâu nay không được cấp giấy tờ vì vướng quy hoạch treo”. Nhiều hộ có đất trong khu quy hoạch ga Bình Triệu cũng rất phấn chấn, đang rục rịch chuẩn bị xây nhà trọ cho thuê, làm thủ tục xin cấp giấy tờ nhà.
  • Lối mở cho chính quyền địa phương
Ông Võ Văn Quang, tổ trưởng tổ 41 (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), cho biết: “Trong khu quy hoạch ga Bình Triệu, có diện tích đất nông nghiệp rất lớn. Lâu nay người dân tại đây có nhu cầu xây dựng nhà ở, nhà cho thuê, nhưng không thể xin được giấy phép xây dựng, dẫn đến xây dựng trái phép. Thật đau lòng khi chứng kiến nhiều trường hợp đã bị cưỡng chế tháo dỡ. Chủ trương cấp giấy chứng nhận, giấy phép xây dựng đối với đất nông nghiệp tại đây không những giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân mà còn chấm dứt tình trạng xây dựng không phép”.

Việc “rã đông” đất nông nghiệp trong những khu quy hoạch treo không chỉ làm người dân hân hoan, mà các phường - xã cũng rất ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, phân tích: “Chủ trương tháo gỡ của TP sẽ giúp giải quyết được vấn đề nan giải ở địa phương là cấp giấy tờ nhà đất và quản lý xây dựng. Vốn là xã nông nghiệp nhưng Bình Hưng nằm cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng, có nhiều dự án quy hoạch phát triển đô thị. Cũng như nhiều địa phương khác, do dự án chậm thực hiện, đất nông nghiệp bị treo, không những làm cuộc sống của người dân khó khăn mà việc quản lý của chính quyền xã quá phức tạp. Đối với nhà cửa của dân xây dựng trên đất nông nghiệp, việc cấp giấy chứng nhận nhà đất, cấp giấp phép xây dựng đã bị ngưng hoàn toàn. Chủ trương mới sẽ tháo gỡ nút thắt cho chính quyền địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận nhà đất và quản lý xây dựng”.

Để chủ trương đi vào đời sống, cần có thời gian và phải được các cấp, các ngành liên quan cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Người dân cũng như chính quyền cơ sở đang nóng lòng chờ đợi.
Tại cuộc họp triển khai chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: Sở TN-MT và các quận, huyện phải thực hiện ngay việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dự án chậm triển khai tại địa phương. Ngay tại khu quy hoạch các dự án, cũng phải có bảng thông báo về chủ đầu tư, thời gian thực hiện, mục đích dự án… để người dân được biết và cùng giám sát. Đối với các dự án phúc lợi công cộng chậm tiến độ, Sở TN-MT tiến hành thanh tra báo cáo TP về lý do tại sao chậm để xem xét có nên cho tiếp tục dự án hay thu hồi.
TRẦN YÊN
Nguồn: sggp.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét