Vấn nạn tham nhũng được nhiều đại biểu Quốc hội nhận định là đã len lỏi khắp nơi, từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt
ĐB Lê Như Tiến: “Tham nhũng có mặt khắp nơi với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương phép nước”. Ảnh: Bảo Trân
Ngày
7-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả
phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; triển khai
công tác những tháng đầu năm 2012. Hầu hết các đại biểu (ĐB) QH bày tỏ
sự quan ngại trước bức tranh nền kinh tế hiện nay và đặc biệt là sự lo
ngại trước quốc nạn tham nhũng, lãng phí.
Còn “Vina” nào nữa?
Nghị
trường được hâm nóng khi ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhấn mạnh: “Sau PMU
18, Vinashin, nay là Vinalines, mỗi đơn vị làm thất thoát, lãng phí, nợ
đọng hàng chục ngàn tỉ đồng của Nhà nước, của nhân dân, cử tri thấp
thỏm chờ xem tiếp theo còn xuất hiện các “Vina” nào nữa? Các tổng công
ty, tập đoàn Nhà nước nắm trong tay số vốn Nhà nước lên tới 700.000 tỉ
đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hằng năm của quốc gia song hiệu quả
kinh doanh lại không tương xứng”.
ĐB
Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói: “Công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại
hóa luôn kỳ vọng vào các tập đoàn nhưng họ lại kém thành công nhất”. Gay
gắt hơn, ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) góp ý: “Tại hội trường này đã
được nghe Vinashin thì nay lại thêm Vinalines. Chính phủ cần thay đổi tư
duy đánh giá chủ quan, khách quan trong điều hành. Cần lấy lại lòng tin
của nhân dân đối với tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) Nhà nước gắn với
phòng chống tham nhũng”.
Trước
sự lo lắng của nhiều ĐB đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các
DN Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trấn an: Về DN Nhà
nước, tính đến cuối năm 2010, vốn chủ sở hữu Nhà nước còn khoảng 40%;
lợi nhuận năm 2010 của 12 tập đoàn, tổng công ty là 162.910 tỉ đồng,
tăng 66% so với năm 2009. Tuy nhiên, theo ông Huệ, một số tập đoàn phát
sinh lỗ trong năm 2010 là 1.116 tỉ đồng; lỗ lũy kế đến hết năm 2010 là
26.130 tỉ đồng, trong đó có nhiều DN lỗ kéo dài, như Tổng Công ty Dâu
tằm tơ, Tổng Công ty Xây dựng giao thông đường thủy, lỗ của Tập đoàn
Điện lực do chính sách về giá phải treo lại.
Chống tham nhũng không thể “xoa bóp ngoài da”
ĐB
Lê Như Tiến nhận định tham nhũng có mặt khắp nơi với nhiều mặt nạ,
nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương phép nước. ĐB Tiến nói
thẳng: “Quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách. Bởi nơi khu trú, mảnh
đất nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở, phát triển và lũng đoạn có mặt ở khắp
các lĩnh vực từ đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, tín
dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản Nhà nước, mua
sắm tài sản công, tuyển dụng, đề bạt, đến bổ nhiệm cán bộ…”.
Để
chứng minh cho đánh giá của mình, ĐB Lê Như Tiến cho hay hiện có trên
365.000 ha đất bỏ hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp
luật, sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ
của trên 10.796 tổ chức, cá nhân, đơn vị. “Người đứng đầu cơ quan hành
chính có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đất đai. Khi đất
đai trở thành hàng hóa có giá trị đặc biệt thì những người được giao
quyền rất dễ “xúc động” trước những nguồn lợi béo bở” - ĐB Tiến nói.
Tiếp
tục “soi” vấn nạn tham nhũng vào các vụ PMU18, Vinashin, Vinalines, ĐB
Lê Như Tiến cho rằng “phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh
nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp; phải có những “Bao Công” quả cảm, công
minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám lấy cả tính mạng và chức tước
của mình để tuyên chiến với tham nhũng.
Còn
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đau xót: “Tham nhũng không còn e dè, đã là “giặc”
tràn vào lãnh thổ, đã bắt làm “tù binh” một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên”. ĐB Lê Nam quả quyết: Nhiệm vụ lúc này là cần phải có mặt
trận lòng dân chống tham nhũng. Cần có những quân binh chủng hợp thành,
những vị tướng lĩnh tài năng và ái quốc thì cuộc chiến đấu chống tham
nhũng mới giành được thắng lợi.
Vấn
nạn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã có nhiều năm qua xuất phát từ
quy định chưa chặt chẽ, từ việc giám sát thực thi công vụ, lạm quyền ở
cấp địa phương. Để ngăn chặn tình trạng này thì phải sửa quy định về đô
thị, trước đây, chúng ta cấp đất lớn quá, dễ dàng quá. Sau này sẽ hình
thành quỹ đất và tiến hành đấu giá, không thể giao đất “trắng” cho doanh
nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang |
Từ 11-6, lãi suất huy động còn 9%
Trước
lo lắng của nhiều ĐB về việc lãi suất cao gây khó khăn cho DN, DN khó
tiếp cận nguồn vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng
định toàn bộ gói tín dụng hỗ trợ DN hầu như đã được tháo gỡ hoàn toàn,
ngoại trừ xây dựng KCN và chứng khoán. Để gỡ khó cho DN, ông Bình cho
biết sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất và sẽ áp dụng từ ngày 11-6 tới
đây với mặt bằng lãi suất huy động xuống còn 9%. Trên cơ sở đó yêu cầu
tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Trước
đề nghị của nhiều ĐB về giảm ngay 50% thuế GTGT (từ 10% hiện nay xuống
5% - PV), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết nếu giảm thuế
GTGT đến mức đó thì thu ngân sách năm 2012 sẽ giảm gần 115.180 tỉ đồng,
bằng 15,6% tổng thu ngân sách, không có nguồn để bù đắp. Về thuế thu
nhập DN, đến năm 2020, sẽ giảm xuống 20%. Tuy nhiên, sang năm 2013,
Chính phủ sẽ trình luật sửa đổi thuế thu nhập, trước mắt trình giảm thuế
thu nhập DN xuống 22% - 23%.
|
Thế Dũng
Nguồn : http://nld.com.vn/20120607115015938p0c1002/tham-nhung-van-rat-dang-so.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét