Theo quy định, công trình được phép khởi công trở lại sau khi đã có bản án của tòa, không phụ thuộc vào việc bên bị thiệt hại có nhận tiền bồi thường hay không.
Tháng 5-2011, ông Nguyễn Đình Lộc, chủ sở hữu căn nhà 29 Sơn Hưng, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM tháo dỡ nhà cũ để xây mới thì căn nhà số 27 sát bên bị nứt tường và hư hỏng. Chủ căn nhà này - ông Nguyễn Quý Dũng khiếu nại lên UBND phường, sau đó công trình bị đình chỉ thi công. Do hai bên không thỏa thuận được việc bồi thường, ông Dũng khởi kiện ra tòa.
Đòi 300 triệu, chỉ được 20 triệu đồng
Ông Dũng yêu cầu được bồi thường tổng cộng 300 triệu đồng tiền sửa chữa những hư hỏng (250 triệu đồng) và tiền thuê nhà (50 triệu đồng) trong thời gian nhà cũ không sử dụng được. Tuy nhiên, ông Lộc chỉ chấp nhận sửa chữa những chỗ bị cho là hư hỏng hoặc đề nghị ông Dũng cho biết diện tích tường bị hư là bao nhiêu, ông sẽ thanh toán giá trị sửa chữa thực tế. Ông Lộc cũng không đồng ý bồi thường tiền thuê nhà cho ông Dũng.
Hòa giải không xong, ông Dũng yêu cầu cho giám định phần thiệt hại của nhà mình. Tòa án quận Tân Bình đã trưng cầu Trung tâm Thông tin và dịch vụ xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) kiểm định. Theo kết luận kiểm định, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố là do chấn động trong quá trình thi công đập phá tường cũ của công trình 29 Sơn Hưng. Tuy nhiên, bản thân nhà 27 Sơn Hưng có kết cấu gạch xây không kiên cố, chưa được tô trát bên ngoài nên khi gặp nước sẽ bị bong tróc. Đơn vị kiểm định cho biết chi phí để khắc phục các hư hỏng là gần 16 triệu đồng. Căn cứ kết luận này, tòa yêu cầu ông Lộc phải bồi thường cho ông Dũng số tiền trên. Tòa cũng bác yêu cầu đòi bồi thường tiền thuê nhà của ông Dũng.
Căn nhà 29 Sơn Hưng, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM đang tiếp tục được thi công. Ảnh: HOÀNG LAN
Ông Dũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và yêu cầu chọn đơn vị kiểm định mới để giám định lại sự cố. Kết luận kiểm định mới của Công ty SCQC cũng cho biết các hư hỏng này có thể sửa chữa được với chi phí hơn 20 triệu đồng. Tòa phúc thẩm nhận định hai kết luận kiểm định tương tự nhau nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Dũng.
Đến lúc này ông Dũng lại tiếp tục khiếu nại việc ông Lộc đã thi công trở lại trong khi chưa xử lý xong sự cố. Theo ông, vì việc này mà nhà ông lại xuất hiện những hư hại mới.
Tòa đã xử thì được thi công trở lại
Nghị định 180/2007 quy định công trình gây sự cố phải bị đình chỉ khi chưa bồi thường xong. Tuy nhiên, việc thỏa thuận bồi thường gặp nhiều vướng mắc do hai bên hiếm khi tìm được tiếng nói chung. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác mà bên gây thiệt hại và phía bị thiệt hại đều quan tâm: Ai được chọn đơn vị kiểm định? Khi nào công trình được thi công trở lại? Khi ấy họ phải làm gì?
Năm 2008, Bộ Xây dựng ban hành Công văn 561 hướng dẫn cách giải quyết. Theo đó, nếu chủ đầu tư đề xuất được phương án thi công an toàn, không để sự cố tiếp diễn, không gây mất an toàn cho các công trình lân cận khác, có tổ chức tư vấn thẩm tra xác nhận thì được yêu cầu cơ quan chức năng cho tiếp tục thi công. Quá thời hạn mà không được giải quyết, chủ đầu tư có quyền kiện cơ quan chức năng ra tòa. Tòa sẽ phán quyết mức bồi thường thiệt hại và công trình được tiếp tục xây sau khi chủ đầu tư đóng tiền bảo chứng để bảo đảm thi hành phán quyết.
Tuy nhiên, một cán bộ Phòng Quản lý chất lượng thuộc Sở Xây dựng TP cho hay thực tế Sở chưa thấy có trường hợp nào được giải quyết cho tiếp tục thi công theo đề xuất của chủ đầu tư. Đa số là các bên tự thỏa thuận hoặc một trong hai bên khởi kiện ra tòa án.
“Theo Điều 4 Thông tư 24/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm xây dựng, công trình được phép khởi công lại sau khi đã có bản án có hiệu lực của tòa án. Việc này không phụ thuộc vào việc bên bị thiệt hại có nhận tiền bồi thường hay không. Còn trong quá trình thi công tiếp theo, nếu lại xảy ra sự cố thì bên bị thiệt hại tiếp tục khiếu nại đến UBND phường” - vị này cho hay.
Trước năm 2009, một số công trình từng bị đình chỉ thi công một năm như cao ốc Sài Gòn Residense do làm lún nứt chung cư Nguyễn Siêu ở quận 1, thậm chí cao ốc 14 Phan Tôn bị đình chỉ hơn hai năm… Khi đó, việc chấp thuận cho thi công trở lại không có căn cứ pháp lý mà tùy từng trường hợp cụ thể (sau khi chủ đầu tư có phương án thi công mới đảm bảo an toàn, các cơ quan chức năng xin ý kiến UBND TP).
|
CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét