Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Cấp giấy tờ nhà đất: Chính phủ quyết liệt gỡ vướng

Sẽ sửa đổi một số chính sách theo hướng xem xét cấp giấy chứng nhận cho người dân nếu họ không có lỗi.

“Cần nghiên cứu sửa đổi các nghị định liên quan để sớm tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho các địa phương” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ TN&MT, Bộ Tài chính cùng các tỉnh, thành vào ngày 9-8. Trước đó, những khó khăn, vướng mắc của các địa phương đã được Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo với Chính phủ.
TP.HCM: 130.000 nhà không đủ điều kiện cấp giấy
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, toàn TP hiện có khoảng 130.000 căn nhà không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành. Trong đó 70% rơi vào các trường hợp không phù hợp quy hoạch, mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 và xây dựng không phép sau ngày 1-7-2006.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác cấp giấy chứng nhận tại TP gặp khó là vướng mắc về thu tiền sử dụng đất. Điển hình là trường hợp giao đất trái thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở trước ngày 15-10-1993. Theo Luật Đất đai 2003, trường hợp này người dân không phải đóng tiền sử dụng đất trong hạn mức và đóng 50% nếu vượt hạn mức. Tuy nhiên, Nghị định 120/2010 bắt buộc phải đóng 40% theo bảng giá đất của UBND tỉnh quy định với phần diện tích trong hạn mức và 100% theo giá thị trường với phần diện tích ngoài hạn mức.
Làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại UBND quận 10, TP.HCM. Ảnh: HTD
Trên địa bàn TP.HCM có hàng trăm trường hợp là cán bộ, chiến sĩ được Bộ Quốc phòng cấp đất làm nhà trước thời điểm 15-10-1993. Khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, họ được yêu cầu đóng tiền sử dụng đất theo Nghị định 120. Theo Sở TN&MT, hầu hết người dân không chịu nộp và phản ứng rất gay gắt vì cho là trái luật.
“Theo Luật Đất đai, những trường hợp nhà tạo lập trước thời điểm trên nếu không có giấy tờ và được chính quyền địa phương xác nhận thì không phải nộp tiền sử dụng đất. Còn ở đây, nhà dân do Bộ Quốc phòng cấp đất đàng hoàng, tức là có giấy tờ hợp pháp thì lại phải đóng tiền mới được cấp giấy là không hợp lý” - đại diện TP.HCM phân tích.
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, trước đây UBND TP đã có văn bản xin ý kiến của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, Bộ cho biết phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Cấp giấy nếu không phải lỗi ở người dân
Sau khi nghe báo cáo của các bộ ngành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Các bộ TN&MT và Tài chính nghiên cứu sửa đổi một số chính sách theo hướng xem xét cấp giấy chứng nhận cho người dân nếu họ không có lỗi.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao hai bộ trên nghiên cứu sửa đổi một số điều tại các nghị định liên quan đến công tác cấp giấy như Nghị định 84/2007, 120/2010, 23/2013. Ví dụ, liên quan đến chính sách thu tiền sử dụng đất, sửa đổi Điều 4 của Nghị định 84 theo hướng thống nhất việc thu tiền theo bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định; sửa Nghị định 120 theo hướng thu tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng thống nhất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đối với cả phần diện tích trong và ngoài hạn mức giao đất ở. Về việc giao đất ở trái thẩm quyền như đã nêu trên thì không thu tiền sử dụng đất với diện tích trong hạn mức và thu 50% theo giá đất của UBND cấp tỉnh quy định với phần vượt hạn mức.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính thông tin: Đã thành lập Ban Soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 120 và dự kiến trình Chính phủ trong quý 4-2013. Tuy nhiên, các tỉnh, thành đều cho rằng như vậy là quá muộn và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy, do đó cần thực hiện theo quy trình rút gọn. Đại diện Bộ Tư pháp cũng ủng hộ ý kiến này.
“Nếu quy trình sửa đổi mất nhiều thời gian thì cho phép thực hiện theo quy trình rút gọn. Thậm chí Chính phủ sẽ ra nghị quyết để các địa phương sớm có cơ sở thực hiện” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận.
VIỆT HOA
Nguồn: phapluattp.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét