Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Xây nhà trái phép: Không cho tạm trú!

Các quận/huyện đề nghị Sở Xây dựng phải làm rõ trách nhiệm để xảy ra công trình vi phạm thuộc về ai.

“Không cấp hộ khẩu thường trú, không cho đăng ký tạm trú, cắt điện nước, không cấp phép đăng ký kinh doanh cho tổ chức, cá nhân tại công trình vi phạm xây dựng chưa thực hiện xong việc xử lý vi phạm”. Đó là những nội dung chính trong Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựngdo Sở Xây dựng soạn thảo, được UBND TP.HCM họp bàn vào ngày 29-7.
Địa phương kêu thiếu người
Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Lê Văn Lộc cho hay trước đây UBND phường/xã có 3-4 bốn thanh tra xây dựng (TTXD), thêm đội ngũ cộng tác viên. Nay số này đã chuyển về lực lượng TTXD của Sở và đội quản lý trật tự đô thị. Cấp xã chỉ có hai cán bộ địa chính nên trách nhiệm rất nặng nề. Trong khi đó, công việc của TTXD có nhẹ đi, vì thế có thể rút bớt nhân sự của lực lượng này về hỗ trợ phường/xã.
Một TTXD đang giải thích cho người dân xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh về chủ trương cưỡng chế nhà xây trái phép của TP. Ảnh: X.NGỌC
Đại diện UBND quận 9 cũng cho rằng cần tăng thêm nhân sự cho cấp xã, lấy từ biên chế của đội quản lý trật tự đô thị. Trong khi đó, ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết cán bộ địa chính cấp xã còn phải làm nhiều việc khác ngoài xử lý công trình không phép. “Đề nghị TP giao cho đội quản lý trật tự đô thị chức năng lập biên bản vi phạm của riêng công trình không phép để kịp thời xử lý ngay từ đầu” - ông Nhật kiến nghị.
“Quan trọng là cách làm”
Đại diện UBND quận 11 cho rằng quy chế phối hợp phải làm rõ trách nhiệm để xảy ra công trình vi phạm là thuộc về ai. “Đọc dự thảo thì thấy Sở Xây dựng, quận/huyện, phường/xã đều chịu. Phải nói rõ hễ công trình có giấy phép là thuộc trách nhiệm của Sở” - ông góp ý. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, đề nghị với công trình có giấy phép xây dựng thì TTXD phải làm hết các khâu từ lập biên bản vi phạm, làm hồ sơ trình cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt.
Sau khi nghe các ý kiến trên, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng cái khó không phải nằm ở vấn đề nhân sự mà là cách tổ chức thực hiện. “Không phải lúc nào cũng đùng một cái là tăng nhân sự. Nếu không phát huy sức mạnh của quần chúng thì tăng biên chế nhiều lần cũng không làm nổi” - ông Tín lưu ý. Theo lãnh đạo TP, việc khó nhất là phát hiện vi phạm và muốn làm được điều đó thì phải tổ chức tốt đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin.
“Lâu nay việc này rất lỏng lẻo, người dân không biết phải báo tin cho ai. Đơn thư phản ánh của người dân có được tiếp nhận, kiểm tra không? Thời gian thụ lý là bao lâu…” - ông Tín nhận xét. Ông cũng đề nghị Sở Xây dựng phải hoàn thiện lại quy chế theo hướng xác định rõ trách nhiệm trong việc phát hiện vi phạm và xử lý thông tin.
Băn khoăn về giấy phép kinh doanh
Đại diện Sở KH&ĐT đề nghị bỏ quy định “không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại công trình vi phạm nếu cá nhân, tổ chức chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả”. Lý do là Luật Doanh nghiệp nghiêm cấm cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp thêm bất kỳ giấy tờ nào khác quy định. Nghị định 43/2010 cũng cấm địa phương đòi thêm giấy tờ khi cấp phép.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng không thể áp dụng quy định một cách máy móc. “Luật có nghiêm cấm cơ quan cấp phép tạm chưa giải quyết cho đối tượng đang được xử lý vi phạm không? Đối tượng này chưa được cấp chứ không phải là không cấp, còn nếu cứ cấp hết thì quá máy móc. Ví dụ như không biết có vi phạm thì còn có thể giải quyết, còn trường hợp Sở Xây dựng đã báo qua thì sao? Yêu cầu giám đốc Sở KH&ĐT nghiên cứu và báo cáo lại cho TP” - ông Tín đặt vấn đề.
Với việc cắt nước công trình vi phạm, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho hay trong hợp đồng có điều khoản dịch vụ sẽ tạm ngưng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Tuy nhiên, phải nói rõ là bao giờ ngưng, ngưng trong bao lâu. Có những vi phạm nhỏ mà cắt nước kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân” - đại diện Sawaco góp ý. Tương tự, đại diện Công an TP cũng đề nghị dự thảo cần xác định rõ hơn đối tượng không được cấp hộ khẩu thường trú, tạm trú.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn trả lời: Việc cắt điện, nước chỉ thực hiện với công trình xây dựng không phép, sai phép có quy mô lớn. Về hộ khẩu, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị lại theo hướng “công trình vi phạm không được tồn tại mà buộc phải tháo dỡ thì không cấp hộ khẩu thường trú, không cho đăng ký tạm trú”.
Bình Chánh tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm cá nhân
Ngày 29-7, ông Lê Văn Hòa, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh, cho biết: Ban Kiểm tra Huyện ủy đã kiểm điểm xong các bí thư và chủ tịch của bốn xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và Tân Kiên. Tuy nhiên, chưa thể công bố ngay kết quả kiểm điểm vì còn phải đưa ra tập thể Thường vụ huyện xem xét.
Hiện các xã cũng đang tiến hành tự kiểm điểm, trước hết là với những cán bộ có liên quan trực tiếp đến tình trạng xây nhà không phép. Theo ông Hòa, quá trình kiểm điểm của huyện sẽ kết thúc vào cuối tháng 8 theo đúng chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.
VIỆT HOA
CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét