(Dân trí) - Khó khăn lắm bà Đỗ Bội Toàn mới đòi lại được ngôi nhà số 62 Ngô Thì Nhậm, khi cơ quan chức năng chuẩn bị cưỡng chế hộ còn lại, TAND Tối cao lại ra Quyết định kháng nghị dù thời gian kháng án đã hết.
Trong đơn khiếu nại gửi đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng, bà Đỗ Bội Toàn, trú tại 62 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội phản ánh: Ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TAND Tối cao ký Quyết định kháng nghị số 89/2013/KN-DS ngày 5/3/2013 đối với bản án phúc thẩm số 47/2010/DS-PT ngày 10/3/2010 của chính Tòa phúc thẩm TAND tại Hà Nội có nhiều điểm bất thường, không có cơ sở pháp lý, cố tình bênh vực ông Nguyễn Quang Minh là đối tượng phải trả lại nhà, xâm hại trực tiếp quyền lợi hợp pháp của gia đình bà Toàn.
Vợ chồng bà Đỗ Bội Toàn cho rằng Quyết định kháng nghị của TAND Tối cao có dấu hiệu bất thường
Đơn của bà Đỗ Bội Toàn cho biết, ngôi nhà số 61 phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội có nguồn gốc do bố và mẹ bà là cụ ông Đỗ Huy Đan và Đỗ Thị Vị để lại. Mảnh đất có Bằng khoán điền thổ số 120-P do Sở Quản thủ điền thổ Hà Nội lập ngày 25/9/1951.
Trước khi qua đời, bố mẹ bà Toàn có di chúc để lại ngôi nhà trên cho 5 người con. Tất cả các con, cháu có quyền thừa kế trong gia đình đã thống nhất ủy quyền cho bà Toàn, thay mặt toàn thể gia đình làm đại diện trước pháp luật trong suốt quá trình tranh tụng đòi lại ngôi nhà do bố mẹ để lại.
Khi còn sống, bố mẹ bà Đỗ Bội Toàn cho Viện mắt Trung ương thuê 2 phòng liền nhau tại tầng 2 với mục đích để cho cán bộ, nhân viên nghỉ trưa. Cho gia đình ông Nguyễn Quang Minh thuê 1/2 phòng tại tầng 1 để ở. Từ năm 1983, gia đình bà Toàn không còn thu tiền thuê nhà. Do nhu cầu sử dụng, nhiều năm qua, gia đình bà Toàn đã yêu cầu Viện mắt Trung ương và ông Minh trả lại những căn phòng trên vì hợp đồng thuê hết hạn từ lâu nhưng các đối tượng không trả lại nhà.
Viện mắt Trung ương đã trả lại nhà theo nội dung bản án Phúc thẩm của TAND Tối cao đã có hiệu lực pháp luật
Do gia đình bà Toàn có một người thừa kế định cư ở nước ngoài nên trước năm 2006, Tòa án đã không thụ lý vụ kiện đòi nhà. Sau khi Quốc hội ra Nghị quyết 1037/2006 /NQ-UBTVQH 11 ngày 27/7/2006 về "giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt nam định cư ở nước ngoài tham gia", năm 2007 gia đình bà Toàn làm đơn đề nghị Tòa án xét xử đòi lại quyền sử dụng các phòng cho thuê tại ngôi nhà 62 Ngô Thì Nhậm. Bị đơn của 2 vụ án đòi nhà là Viện mắt Trung ương, cùng ông Nguyễn Quang Minh.
Sau khi có Bản án sơ thẩm số11/2009/DS-ST ngày 26/3/2009 của TAND TP. Hà Nội, tiếp đến là Bản án phúc thẩm số 131/2009/DSPT ngày 4/9/2009 của TAND Tối cao có hiệu lực thi hành, Viện mắt Trung ương (thuê 2 phòng tại tầng 2) đã tự nguyện thi hành án và trả nhà vào tháng 9/2010.
Đối với hộ ông Nguyễn Quang Minh, tại Bản án số 28/2009/DS-ST ngày 3+8/7/2009 và Tòa án Phúc thẩm của TADT Tối cao xét xử Bản án số 47/2010/DS-PT ngày 11/3/2010 đều ra phán quyết ông Minh phải trả lại nhà cho bên nguyên đơn (bà Toàn). Tuy nhiên, ông Minh đã không chấp hành, liên tục có thái độ chống đối gây khó khăn cho việc thi hành án. Cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Hà Nội triệu tập nhiều lần nhưng đối tượng phải thi hành án là ông Nguyễn Quang Minh vắng mặt không lý do.
Cùng bị tuyên phải trả lại nhà như Viện mắt Trung ương, nhưng ông Nguyễn Quang Minh kiên quyết không thi hành án
Để thi hành dứt điểm bản án số 47/2010/DS-PT đã có hiệu lực pháp luật, ngày 20/5/2013, Cục THADS TP. Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, UBND phường Ngô Thì Nhậm, Tổ dân phố và gia đình nguyên đơn tiến hành lập Biên bản để lên kế hoạch cưỡng chế thi hành án đối với gia đình ông Nguyễn Quang Minh.
Tuy nhiên, đến ngày 29/5/2013 (lúc này bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật 3 năm, 2 tháng, 18 ngày), một người thuộc hàng thừa kế thứ 2 trong gia đình bà Đỗ Bội Toàn bất ngờ nhận được Quyết định kháng nghị số 89/2013/KN-DS, do ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TAND Tối cao ký ngày 5/3/2013 đề nghị hoãn thi hành án và Giám đốc thẩm bản án, mặc dù lúc này bản án số 47/2010/DS-PT đã hết thời hiệu khiếu nại.
Điều đáng nói, bà Đỗ Bội Toàn là nguyên đơn của vụ án đòi nhà không nhận được Quyết định này. Quyết định kháng nghị ký từ ngày 5/3/2013, nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến ngày 29/5/2013, một người thuộc hàng thừa kế thứ 2 trong gia đình nguyên đơn mới nhận được?.
Quyết định kháng nghị đề ngày 5/3/2013, nhưng đến ngày 29/5/2013
một người trong gia đình nguyên đơn mới nhận được quyết định, trong khi Cục THADS TP. Hà Nội không nhận được quyết định này
Quyết định kháng nghị ký ngày 5/3/2013, nhưng có điều bất thường là Cục THADS TP. Hà Nội lại không nhận được Quyết định kháng nghị. Bằng chứng, ngày 20/5/2013, Cục THADS TP. Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, UBND phường Ngô Thì Nhậm, Tổ dân phố và gia đình nguyên đơn tiến hành lập Biên bản để lên kế hoạch cưỡng chế. Nếu Cục THADS TP. Hà Nội nhận được, chắc chắn không có việc vẫn tổ chức cuộc họp liên ngành để thực thi bản án số 47/2010/DS-PT đã có hiệu lực pháp luật.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 9/7/2013, Đại diện Cục THADS TP. Hà Nội đã xác nhận việc Cục THADS TP. Hà Nội không nhận được Quyết định kháng nghị số 89/2013/KN-DS trước khi diễn ra cuộc họp liên ngành ngày 20/5/2013.
Sau những gì diễn ra, bà Đỗ Bội Toàn đang đặt dấu hỏi vì sao TAND Tối cao lại ban hành Quyết định kháng nghị vào phút chót khi Cục THADS TP. Hà Nội đã lên kế hoạch cưỡng chế? Phải chăng có hành vi tiêu cực? Quyết định kháng nghị số 89/2013/KN-DS của ông Tống Anh Hào ký từ ngày 5/3/2013, nhưng tại sao đến ngày 29/5/2013 mới đến tay một người thuộc hàng thừa kế thứ 2? Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luận từ hơn 3 năm, vì sao TAND Tối cao lại ban hành Quyết định kháng nghị khi bản án đã hết thời hiệu kháng cáo?.
Văn bản xác nhận nguồn gốc đất và nhà của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội
Theo phản ánh của bà Đỗ Bội Toàn, nội dung Quyết định kháng nghị số 89/2013/KN-DS ký ngày 5/3/2013 của TAND Tối cao đưa ra không có cơ sở pháp lý, không đúng thực tế. Cụ thể, ông Nguyễn Quang Minh không có bất cứ một giấy tờ nào chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với căn phòng đã thuê và ở nhờ tại nhà số 62 Ngô Thì Nhậm. Quyết định kháng nghị số 89/2013/KN-DS nêu ông Minh tường trình “Vào ở là do ông Huấn ở Viện mắt Trung ương rủ vào ở cùng”. Tuy nhiên, đại diện của Viện mắt Trung ương đã xác nhận tại tòa không có sự việc như vậy.
Trong thời gian Tòa án thụ lý hồ sơ vụ án, ngày 28/11/2008, Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hà Nội có công văn số 2547 gửi Tòa án khẳng định ngôi nhà 62 Ngô Thì Nhậm này là có nguồn gốc tư nhân mang tên ông Đỗ Huy Đan và bà Đỗ Thị Vị (bố và mẹ bà Toàn); Sở Xây dựng Hà nội có văn bản số 1815/XD-PC ngày 25/3/2009, khẳng định mảnh đất và ngôi nhà 62 Ngô Thì Nhậm mang Bằng khoán điền thổ số 120P, khu Đồn thủy đứng tên ông Đỗ Huy Đan và bà Đỗ Thị Vị, Công ty quản lý nhà không quản lý và cho thuê tại số nhà này.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại suốt thời gian dài, trong đơn khiếu nại gửi đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng, bà Đỗ Bội Toàn khẩn thiết đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp xem xét lại và hủy Quyết định kháng nghị số 89/2013/KN-DS ký ngày 5/3/2013 của TAND Tối cao, giữ nguyên hiệu lực Bản án phúc thẩm số 47/2010/DS-PT ngày 11/3/2010 của TAND Tối cao.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương
Nguồn: dantri.com.vn
Ở đời việc gì cũng có thể sảy ra, người cầm cân công lý, am tường luật pháp lại vô tư ra Quyết định kháng nghị sai pháp luật ! Việc làm của vị Bao công này liệu có vô tư hay vì lý do quyền lợi riêng tư nào khác? Ở đậu nhà người rồi chiếm dụng luôn. Tòa xử phải trả lại cho sở hữu chủ là lẻ đương nhiên, đúng với đạo lý và pháp luật. Kháng nghị bản án được xét xử thấu tình hợp lý là việc làm sai trái vô tình khuyền khích những mâu thuẩn xã hội phát sinh.
Hữu Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét