Khung pháp lý hiện hành đúng là có nhiều thiếu sót và bất hợp lý; nhưng suy cho cùng, nó vẫn đủ sức cưu mang một giải pháp chấp nhận được cho vấn đề giải toả đất đai đối với tất cả các bên. Điều cần thiết là mỗi chủ thể trong cuộc phải tích cực bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình, nhưng đồng thời phải tôn trọng lợi ích chính đáng của người khác; nhà chức trách, về phần mình, phải tỏ ra có trách nhiệm đối với từng số phận và phải cân nhắc đưa ra quyết định mang tính dung hoà giữa các lợí ich trái ngước trong từng trường hợp cụ thể.
Người dân vùng giải toả thường so đo giữa cái mà họ nhận được với ý nghĩa đền bù và mối lợi được mang đến cho nhà đầu tư khi dự án được triển khai. Trong đại đa số trường hợp, giữa hai cái là một khoảng cách mênh mông về giá trị tiền tệ. Không hiểu tại sao có khoảng cách đó, lại phải loay hoay, vật vã đương đầu với nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, người dân trong cuộc vì vậy dễ nảy sinh bức xúc.
Giá đền bù đất đai, theo quy định của pháp luật hiện hành, phải được xác định theo mục đích sử dụng tại thời điểm đất được thu hồi, chứ không phải tại thời điểm mà đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng. Ở các nước tiến tiến, người ta làm điều hoàn toàn ngược lại: giá đền bù được xác định dựa theo mục đích sử dụng sau giải toả, nghĩa là theo công dụng cho phép đất đạt được giá trị kinh tế cao nhất. Để có được giá đó, người ta thử đặt mình vào tình huống đất đã được đầu tư cải tạo theo một đích sử dụng mới và do đó, có giá trị kinh tế tương ứng. Lấy giá trị đó trừ đi chi phí đầu tư dự kiến, kết quả thu được chính là giá trị kinh tế của đất được xác định theo mục đích sử dụng mới và đây củng là giá đền bù được trả cho người bị lấy đất.
Có lẽ rồi phải sửa các quy định hiện hành về định giá đền bù. Trước mắt thì cứ phải định giá đền bù đất cho dân theo đúng quy định hiện hành; tuy nhiên, không nên để nhà đầu tư hưởng trọn hoặc phần lớn khoản giá trị gia tăng của đất do thay đổi mục đích sử dụng, như đã và đang làm ở nhiều nơi. Nhà chức trách cần tính giá giao đất có thu tiền hoặc giá cho thuê như thế nào để thu cho được vào ngân sách công khoản giá trị đó, rồi dùng nó để thực hiện các chính sách xã hội cần thiết trong khuôn khổ bồi thường thiệt hại và tái định cư cho người bị thu hồi đất.
Ảnh minh họa. |
Vấn đề là người chịu mất mát, trong trường hợp điển hình, là người có trình độ học vấn tương đối thấp và rất thiếu kinh nghiệm trong giao tiếp, thương lượng. Họ thường không đủ khả năng tự mình dự kiến, hình dung và mô tả một cách đầy đủ, chính xác và dựa vào các lý lẽ thuyết phục những thiệt hại mà mình phải gánh chịu, từ đó đặt ra yêu cầu bồi thường hợp lý. Hậu quả, như thường thấy, là có những người bị thu hồi đất hét đại giá đền bù trên trời, khiến cơ quan đền bù và nhà đầu tư phải le lưỡi, lắc đầu; người khác lại chấp nhận mức đền bù rẻ mạt, rồi đến khi thấy giá đất tăng lên vùn vụt, thấy hụt hẫng, tiếc rẻ và có cảm giác của người bị người ta lợi dụng để lấy cắp cái gì đó. Cả hai tình huống đều chứa đựng mầm mống của sự thiếu đồng thuận. bất hoà, dẫn đến xung đột.
Vả lại, người dân vùng giải toả thực ra đâu chỉ mất đất và các tài sản hữu hình gắn liền; họ còn mất cả phương tiện, điều kiện sinh sống, nếp sống và những giềng mối quan hệ xã hội, cộng đồng đã quen thuộc. Cần phải bù đắp cho họ về cả những mất mát đó.
Để tránh điều đó, cần phải làm cho người bị lấy đất có được sự nhạy bén, tầm nhìn rộng, xa, bao quát để có thể đặt ra những yêu cầu tốt nhất cho mình lúc thoả thuận về giá đền bù. Có thể làm như ở các nước, Nhà nước tạo điều kiện cho sự phát triển các tổ chức trợ giúp về pháp lý, tài chính, thông tin thị trường để hỗ trợ người bị lấy đất trong việc thương thảo về việc đền bù với cơ quan đảm nhận việc giải toả và nhà đầu tư. Các chuyên gia sẽ giúp người bị lấy đất xác định các thiệt hại cả vật chất và tinh thần, về mặt định tính và định lượng, đồng thời sẽ sát cánh bên họ khi cần giao tiếp với các chủ thể khác cả trong quá trình thương lượng cũng như trong các vụ kiện cáo trước toà án hoặc một cơ quan giải quyết tranh chấp độc lập, để bảo vệ quyền lợi của họ. Các chi phí dịch vụ trợ giúp cũng phải được cộng vào tổng thiệt hại để trả lại cho người dân.
Bên cạnh việc xác định mức đền bù hợp lý, vấn đề phương thức đền bù cũng phải được giải quyết một cách thận trọng. Có quá nhiều trường hợp người nhận đền bù được trao cho một số tiền lớn, nhưng không có kế hoạch khai thác đồng vốn nghiêm túc, đã phá sạch số tiền có được trong thời gian ngắn, để rồi khi tỉnh giấc nam kha, thấy mình còn đói nghèo thậm tệ hơn trước. Tốt nhất là đền bù trên cơ sở kết hợp giữa trả tiền mặt và tổ chức việc tái định cư. Kế hoạch tái định cư phải được triển khai trước khi việc thu hồi đất diễn ra và phải có sự tham gia của người dân với sự trợ giúp của chuyên gia: họ có quyền đưa ra những yêu cầu cụ thể về điều kiện sống tại nơi ở mới; việc đáp ứng các yêu cầu đó có thể được thực hiện trên cơ sở thương lượng hoặc theo kết quả phân xử của cơ quan giải quyết tranh chấp.
Riêng người nông dân thường gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc thích nghi, một khi buộc phải đổi nghề khác; bởi vậy, nên tổ chức tái định cư thế nào để họ được tiếp tục canh tác, trồng trọt trong những điều kiện tương tự là điều tốt nhất.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét