THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------- |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- |
Số:
14/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2012
|
CHỈ THỊ
VỀ
CHẤN CHỈNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI,
TỐ CÁO
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến
công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một nhiệm vụ
chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian
qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả
quan trọng, tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, tình hình khiếu
nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo
đông người, vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự công
cộng và việc phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, công
tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế:
Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo tổ chức tốt việc tiếp công
dân, còn có tình trạng cán bộ lãnh đạo ngại tiếp dân, đối thoại với dân, tránh
né, đùn đẩy trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; hiệu quả giải quyết khiếu
nại, tố cáo chưa cao; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế
trên, nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà
nước tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
a) Quán triệt và triển khai thực
hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công
tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đề cao tránh nhiệm của người
đứng đầu; coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ
chính trị quan trọng, thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị;
gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính và chỉnh đốn, xây
dựng Đảng.
b) Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện
nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Thông báo kết luận số 130-TB/TƯ
ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết
khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới. Phát
huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của các cấp
ủy Đảng, tránh nhiệm của chính quyền, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người có thẩm quyền, trách nhiệm phải nắm
chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời đúng pháp luật các vụ việc khiếu
nại, tố cáo; xác định nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để có biện pháp
chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý nhà nước, xử lý cán bộ có sai phạm, kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những bất cập của chính sách, pháp luật.
Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, nhạy cảm, kéo dài,
dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan chức năng có ý kiến khác nhau thì Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, giải quyết.
c) Tổ chức tốt công tác tiếp công
dân, triển khai thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ Đề án Đổi mới công tác tiếp công
dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14
tháng 6 năm 2010. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành
chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ
tiếp dân theo quy định, dành thời gian thích đáng trực tiếp gặp và đối thoại
với dân, lắng nghe dân, thực sự “gần dân, hiểu dân”, kịp thời giải quyết đúng
chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
d) Chấn chỉnh những tồn tại, yếu
kém trong quản lý nhà nước, công khai, minh bạch quá trình xây dựng, ban hành
và thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất
đai, đầu tư, xây dựng nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trong công tác
quản lý đất đai phải chú trọng, làm tốt công tác lập, xét duyệt và triển khai
thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, lập phương án bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư phải dân chủ, công khai, đúng chính sách, pháp
luật, sát thực tế, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu
công nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng
đất. Trong quá trình thực hiện cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để
người dân hiểu, đồng thuận, tự giác chấp hành. Trường hợp buộc phải cưỡng chế
thì phải có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật, bảo đảm tuyệt đối an toàn;
không sử dụng vũ khí và lực lượng quân đội trong việc tổ chức cưỡng chế.
đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính
phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành của Trung ương rà soát, thống
kê những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, có kế hoạch cụ
thể tập trung giải quyết dứt điểm. Trong quá trình giải quyết phải làm rõ
nguyên nhân phát sinh, tồn đọng, kéo dài vụ việc khiếu nại, tố cáo; mời Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, luật sư tham gia giải
quyết; tổ chức đối thoại công khai, xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực
tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, khả thi, chấm dứt
được khiếu nại, tố cáo. Cần vận dụng đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận
động, pháp luật, hành chính, kinh tế để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu
nại, tố cáo. Trường hợp người khiếu nại có hoàn cảnh khó khăn thì xem xét, vận
dụng chính sách xã hội để có biện pháp giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống.
Phải công khai nội dung, quá trình và kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại,
tố cáo bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố
cáo, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin hoặc trang
thông tin điện tử.
e) Tổ chức thi hành nghiêm túc,
triệt để các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có
hiệu lực pháp luật, nhất là những vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ và ý kiến, quyết định giải quyết của các Bộ, ngành chức năng của
Trung ương. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu vướng mắc phải chủ động tìm
biện pháp giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương, không được để vụ việc tồn đọng, kéo
dài.
g) Khi công dân tập trung khiếu
nại, tố cáo đông người ở các cơ quan Trung ương, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố có người khiếu nại, tố cáo phải phân công lãnh đạo Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố và cán bộ có thẩm quyền phối hợp với Thanh tra Chính
phủ, Bộ Công an và các Bộ, ngành chức năng của Trung ương bàn biện pháp giải
quyết, không để công dân tập trung gây mất an ninh, trật tự công cộng, nhất là
trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Chủ tịch
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra
Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Trung ương để giải quyết
tình trạng công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người ở thủ đô Hà Nội.
Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành
phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các Bộ,
ngành chức năng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giải quyết tình
trạng công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người ở thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có người khiếu nại, tố cáo ở thành phố
Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đầy đủ với Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để tập trung giải quyết tình trạng khiếu
nại, tố cáo đông người.
h) Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới trong công tác
tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế,
yếu kém, xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức vi phạm.
2. Thanh tra Chính phủ:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành có liên quan trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản
quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo
năm 2011 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đẩy mạnh, tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo cho người dân.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp các vụ việc khiếu
nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, thành lập các Tổ công tác về địa
phương để tập trung giải quyết, nhất là những vụ việc có liên quan đến đất đai,
coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ
sở dữ liệu về các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, công
khai trên Cổng thông tin (hoặc Trang thông tin) điện tử của Bộ, ngành, địa
phương.
d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra
trách nhiệm các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những
địa bàn trọng điểm có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc người có thẩm quyền
có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo;
kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ có sai
phạm.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng
cường kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết những khó khăn,
vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai;
thi hành pháp luật đất đai, nhất là việc giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu
hồi đất.
4. Bộ Công an tăng cường chỉ đạo,
hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc bảo đảm an ninh, trật tự liên
quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
5. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu
chuẩn, chế độ đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông
phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí khi thông
tin về các vụ việc khiếu nại, tố cáo phải chính xác, đầy đủ, khách quan, tránh
việc đưa tin một chiều, sai bản chất sự việc.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà
nước chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Chính trị; - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Ban Dân nguyện của UBTVQH; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục; - Lưu: Văn thư, KNTN (5b). |
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét