Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Tướng Anh: 'Quân không cưỡng chế dân'


Cập nhật: 12:55 GMT - thứ tư, 8 tháng 2, 2012
Cảnh cưỡng chế đất đai hôm 5/1 ở Tiên Lãng
Tướng Lê Đức Anh nói không nên dùng quân đội vào các vụ cưỡng chế đất đai
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói quân đội 'phải bảo vệ dân' và phản đối việc quân nhân tham gia cưỡng chế đất đai như ở Tiên Lãng. 
Bình luận về vụ việc trước cuộc họp vào ngày 10/2 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan tới các diễn biến ở Tiên Lãng, Tướng Anh nói với báo Sài Gòn Tiếp Thị:
"Cưỡng chế anh này để giao cho anh khác như vậy là hoàn toàn sai trái,"
"Còn sự tham gia của lực lượng quân đội ở đây cũng sai. Bộ đội của ta là của dân, do dân, vì dân mà lại đi tham gia cưỡng chế."
Đại tướng Lê Đức Anh cũng chỉ trích bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng "quan liêu" khi không biết tới việc cấp dưới ở Tiên Lãng tham gia cưỡng chế và nói:
"Anh là chỉ huy mà anh còn không biết cấp dưới, người của anh làm gì thì khi giặc đến thì anh làm thế nào?
"Bộ đội, thì nhiệm vụ trước tiên, hàng đầu của anh là chống giặc ngoại xâm, thứ hai mới là giúp dân và thứ ba là tham gia sản xuất.
"Đây anh lại không bảo vệ cho dân làm ăn lại tham gia cưỡng chế. Đây là một sai lầm mà trong lịch sử đất nước ta chưa từng có."
'Sửa Hiến pháp nếu cần'
Trong Bấmphỏng vấn với Sài Gòn Tiếp Thị, Đại tướng Lê Đức Anh cũng hoan nghênh việc tạm đình chỉ một số cán bộ của Tiên Lãng nhưng nói rằng cần "xử lý" cả các cán bộ thành phố có liên quan.
Ông nói: "...[C]hính quyền huyện Tiên Lãng đã làm sai với mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản của công dân và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.
"Tôi mong là, sau quyết định này, Chính phủ, các bộ ngành, Ủy ban nhân dân và Thành ủy Hải Phòng tiếp tục xem xét, xử lý đến nơi, đến chốn các tập thể, cá nhân có sai phạm không chỉ ở huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang mà cả ở cấp chính quyền thành phố để sớm đem lại niềm tin của nhân dân.
"Tôi mong là...Chính phủ, các bộ ngành, Ủy ban nhân dân và Thành ủy Hải Phòng tiếp tục xem xét, xử lý đến nơi, đến chốn các tập thể, cá nhân có sai phạm không chỉ ở huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang mà cả ở cấp chính quyền thành phố để sớm đem lại niềm tin của nhân dân. "
Cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh
"Tôi cũng cho rằng, nếu chính quyền đã làm sai thì sau đây cũng phải tổ chức sửa sai, đền bù thiệt hại vật chất và cả tinh thần cho gia đình công dân Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý.
Vị cựu Chủ tịch nước cũng nhắc tới chuyện Mặt trận tổ quốc Tiên Lãng, mặc dù là "cơ quan giám sát của dân" nhưng đã ủng hộ chính quyền huyện trong khi cũng đặt câu hỏi "các đại biểu Quốc hội của Hải Phòng từ Tiên Lãng đến thành phố đã ở đâu?".
Về mặt luật pháp liên quan tới đất đai, ông Anh nói cần sớm "nghiên cứu để sửa đổi luật, thậm chỉ sửa cả quy định trong Hiến pháp nếu cần, cho cụ thể, rõ ràng hơn."
'Tránh xảy ra xung đột'
Như chiến trường: Khu vườn và nhà của ông Đoàn Văn Vươn tan hoang sau vụ cưỡng chế
Hồi đầu tháng này, một vị tướng đã nghỉ hưu khác của Việt Nam cũng đã có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về các kinh nghiệm của ông trong việc tránh sử dụng lực lượng vũ trang trong các tranh chấp đất đai.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nhắc tới vụ ông từ chối cho xe thiết giáp tới giải quyết tranh chấp đất đai ở Quỳnh Lưu - Nghệ An hồi năm 1992 bất chấp yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy.
Khi đó hai đại đội của hai xã có tranh chấp đất đai đã dàn quân đấu súng để bảo vệ khu đất mà hai xã có tranh chấp.
Tướng Thước kể lại: "Lúc đó, tôi nói rõ với lãnh đạo tỉnh, nếu vài trăm tên địch thì chẳng cần xe tăng thiết giáp, chỉ trong vòng 15 phút tôi sẽ giải quyết ngay.
"Nhưng đây là dân quân (2 xã 2 đại đội), là dân. Đưa xe tăng ra bắn ai?"
Vị cựu Tư lệnh nói ông đã điều Tham mưu trưởng Quân khu 4 cùng hai quân nhân không vũ khí tới để "tìm hiểu tình hình, tìm cách tháo gỡ tránh xảy ra xung đột."
Ông Thước nhớ lại: "Tuy là một cán bộ dày dạn trận mạc nhưng đồng chí Tham mưu trưởng vẫn băn khoăn và hỏi lại: Nếu vào em bị bắt thì làm sao?
"Tôi liền trả lời, sợ địch bắt anh tôi mới lo, chứ dân bắt anh thì việc gì phải lo,"
"Dân không "thịt" anh đâu, trái lại còn cho anh ăn nữa nếu anh giải quyết có tình có lý."
"Bài học đắt giá này, nếu giải quyết tốt cũng là chìa khóa cho việc tháo gỡ những điểm nóng về đất đai hiện nay, mà nhiều nơi bắt nguồn từ động cơ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ có chức quyền."
Tướng Nguyễn Quốc Thước
'Thương vong như trận đánh'
Trở lại vụ Tiên Lãng, Tướng Thước nói hành động của xã, huyện "có quá nhiều sai phạm".
Ông nói: "Nhiều chủ trương vi phạm về quyền hạn, vi phạm về các bước giải quyết của một vấn đề dân sự, sai phạm trong cách sử dụng lực lượng vũ trang.
"Nói để cưỡng chế nhưng bộ phận chống đối chỉ có dăm ba người. Vì sao lại huy động đến hàng mấy chục (có tin nói hàng trăm) công an và bộ đội?"
Tướng Thước nói lực lượng vũ trang đã "không sử dụng đúng dẫn đến thương vong như một trận đánh?"
Vị cựu Tư lệnh bình luận về vụ việc Tiên Lãng:
"Bài học đắt giá này, nếu giải quyết tốt cũng là chìa khóa cho việc tháo gỡ những điểm nóng về đất đai hiện nay, mà nhiều nơi bắt nguồn từ động cơ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ có chức quyền."
Vụ cưỡng chế gây thương vong cho công an và quân đội ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã gây chấn động dư luận trong suốt hơn một tháng qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ có cuộc họp vào ngày 10/2 về vụ việc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét