SGTT.VN - Có một hiện tượng dường như không bình thường phát sinh từ vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng: người có hành vi chống trả dẫn đến thương tích cho nhân viên công lực lại đang nhận được từ công luận sự cảm thông, chia sẻ, hơn là sự phê phán, trách móc.
Lực lượng an ninh tiếp cận khu nhà ông Đoàn Văn Vươn ngày 5.1.2012 tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Ảnh: báo Đất Việt |
Ở những nước tiên tiến, dùng vũ lực chống lại người thi hành công vụ là hành vi rất đáng lên án cả về mặt pháp luật và đạo đức. Nó được cho là sự thể hiện thái độ vô tổ chức, mất trật tự và là đặc trưng cho kiểu sống hoang sơ, thấp kém. Không ai yêu chuộng công lý, đạo lý, lẽ phải mà lại đứng về phía người có hành vi công nhiên chà đạp trật tự công.
Nhưng thực ra, để xã hội có được nhận thức đó một cách phổ biến, thì bản thân việc thi hành công vụ phải được tổ chức như thế nào để bảo đảm luôn mang diện mạo trong sáng, đẹp đẽ, luôn đại diện cho cái tốt, cái tích cực, tiến bộ. Đặc biệt, việc thực thi công vụ có sự hỗ trợ của sức mạnh cơ bắp, vũ khí phải được đặt trong một khung chuẩn mực ứng xứ thật chặt chẽ, ngặt nghèo, nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng có thể khiến công lực bị coi là chuyên quyền, độc đoán trong mắt người dân thường.
Suy cho cùng, việc động thủ của nhà chức trách trong cuộc sống dân sự chỉ được thừa nhận là đúng đắn trong ba trường hợp: cần trấn áp một người đang ở trong tình trạng phạm pháp quả tang; cần tự vệ để chống lại sự tấn công trước của người khác và cần tổ chức việc thi hành đến nơi đến chốn một bản án đã có hiệu lực pháp luật của toà án.
Với suy nghĩ đó thì đáng lý không thể có chuyện một người trong hoàn cảnh như ông Đoàn Văn Vươn phải ở trong tình trạng đương đầu với các nhân viên công lực được vũ trang và ở trong tư thế ứng chiến: ông không phạm pháp quả tang, không tấn công trước, cũng không phải là đối tượng thi hành án.
Cuộc xung đột dẫn đến đổ máu đó có nguồn gốc từ việc tổ chức thi hành một quyết định do cơ quan quản lý đưa ra để thu hồi một phần đất được cho là bị chiếm giữ, khai thác trái phép. Một quyết định thuần tuý hành chính, nhưng lại mang ý nghĩa quy kết đúng, sai một cách không thể tranh cãi đối với hành vi ứng xử của một con người. Người ra quyết định cũng chính là một bên trong quan hệ giao tiếp dẫn đến tranh chấp, đôi co.
Đáng nói là trong lĩnh vực đất đai có rất nhiều quy định trao cho cơ quan hành chính, đồng thời là đại diện chủ sở hữu đất, quyền ra những quyết định mang tính tài phán đối với người sử dụng đất, đặc biệt liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Đáng nói là trong lĩnh vực đất đai có rất nhiều quy định trao cho cơ quan hành chính, đồng thời là đại diện chủ sở hữu đất, quyền ra những quyết định mang tính tài phán đối với người sử dụng đất, đặc biệt liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Đáng nói là trong lĩnh vực đất đai có rất nhiều quy định trao cho cơ quan hành chính, đồng thời là đại diện chủ sở hữu đất, quyền ra những quyết định liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng. |
Trong khi đó, xã hội thượng tôn luật pháp đòi hỏi rằng một khi chẳng ai trong hai bên của một quan hệ pháp lý bình thường chịu nhận rằng mình sai, thì sự việc phải được đem ra trước một người thứ ba, gọi là thẩm phán hoặc trọng tài, nói chung là quan toà, để phân xử. Chỉ quan toà mới là người có quyền nhân danh công lý, nói rằng người này đúng, người kia sai và buộc các bên phải cư xử theo đúng quyết định của mình để được coi là có thái độ tôn trọng pháp luật. Điều này đúng ngay cả đối với quan hệ làm phát sinh tranh chấp mang tính chất hành chính, quản lý, nghĩa là giữa một bên là cơ quan nhà nước và bên kia là người dân. Tất nhiên, trước khi phán xét và đưa ra quyết định, quan toà phải lắng nghe, đánh giá lý lẽ, chứng cứ do các bên trình ra, với thái độ vô tư và sự công tâm.
Nhưng điều đáng tiếc trong câu chuyện của ông Vươn, là lộ trình pháp lý cho phép ông cùng với UBND huyện Tiên Lãng đứng trước pháp đình trong khuôn khổ một tranh chấp đối tịch, công khai, sòng phẳng, đã không được diễn ra (khi chính quyền huyện đã ra quyết định hành chính thu hồi đất thì ông Vươn mới kiện ra toà). Một khi đã có điều kiện tranh cãi đến nơi đến chốn với bên kia và đã đưa ra hết mọi lý lẽ mà vẫn không thuyết phục được thẩm phán, thì ông buộc phải chấp nhận bản án có nội dung trái với ý nguyện của mình, theo đúng luật chơi. Bản án đưa ra đúng luật pháp về tố tụng và có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành. Ai chống lại, thì sẽ bị trấn áp bằng sức mạnh của công lực và không thể được xã hội bênh vực.
Trong chừng mực nào đó, có thể nói vụ cưỡng chế thu hồi đất vừa qua làm bộc lộ nhiều khuyết tật của hệ thống pháp luật đất đai đang vận hành; những khuyết tật không thể khắc phục trừ phi có sự thay đổi đến tận gốc rễ nhận thức của người được giao chức năng làm luật về tổ chức xã hội trên nền tảng luật pháp.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét