Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

TP.HCM: Tiếp tục kiến nghị Chính phủ gỡ vướng để cấp giấy

Năm 2013, TP chi khoảng 140 tỉ đồng cho công tác cấp giấy.
UBND TP vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) trong năm 2013. Theo đó, TP đã hoàn thành việc cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ trước ngày 30-9 đủ điều kiện cấp giấy (đạt khoảng 99% so với chỉ tiêu được giao).
Hiện TP còn tồn đọng hơn 156.000 trường hợp nhà, đất chưa được cấp GCN, trong đó có hơn 120.000 trường hợp không đủ điều kiện. Gần 20.000 trường hợp người dân không có nhu cầu cấp giấy nên TP đang lập danh sách để quản lý. Số còn lại sẽ giải quyết xong đến thời điểm cuối năm 2013.
Thời gian qua TP đã có nhiều văn bản tháo gỡ vướng mắc nên sẽ có thêm hơn 7.000 trường hợp nhà ở riêng lẻ và nhà trong dự án được giải quyết cấp giấy.
Theo báo cáo, TP hiện đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cấp giấy như cách tính tiền sử dụng đất với trường hợp cấp trái thẩm quyền trước ngày 15-10-1993; mua bán giấy tờ tay; không phù hợp quy hoạch, xây không phép… Những vướng mắc này trước đây TP đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép cấp giấy cho dân nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Đáng chú ý, trong báo cáo lần này TP kiến nghị cấp GCN cho trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 (đối với quyền sử dụng đất) và sau 1-7-2006 (đối với nhà ở) vì việc liên lạc với chủ cũ để thực hiện đúng quy trình là rất khó khăn. Từ đó TP kiến nghị điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở theo hướng xử phạt vi phạm hành chính, sau đó cấp GCN theo quy định.
Đối với các trường hợp nhà ở xây dựng không phép từ sau ngày 1-4-2004 đến trước ngày 1-5-2009 (ngày NĐ 23/2009 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng có hiệu lực) hiện nay chưa có quy định xử lý. TP kiến nghị được xử lý như trường hợp xây sai phép: Nếu công trình không lấn chiếm không gian, đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, không ảnh hưởng công trình lân cận… thì cho phép chủ đầu tư giữ nguyên công trình với điều kiện khi thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 được duyệt, chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường.
VIỆT HOA
Nuồn: phapluattp.vn

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Cho phép tái phân lô bán nền khu đô thị

Các khu đô thị sẽ được phân lô bán đất nền, thay vì phải xây xong thô mới được bán như hiện nay, là điểm nổi bật trong Thông tư liên tịch số 20 do Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành, nhằm hướng dẫn nội dung Nghị định 11 có hiệu lực từ ngày 5.1.2014.

 Cho phép tái phân lô bán nền khu đô thị
Việc cho phép tái phân lô bán nền sẽ làm giảm đi những dự án xây thô rồi để lãng phí như thế này - Ảnh: L.Q
Người mua, người bán "dễ thở" hơn
 

Việc cho phép phân lô bán nền đã được luật Đất đai thông qua. Quy định này được nâng lên tầm của luật với mục đích là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân

Ông Đỗ  Việt Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

Theo thông tư, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân sẽ được chuyển quyền sử dụng đất trong khu đô thị để tự xây dựng nhà ở với điều kiện khu vực được chuyển quyền sử dụng đất phải đảm bảo đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu: giao thông, điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước... UBND cấp tỉnh quy định các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng…
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, cho rằng việc tái cho phép phân lô bán đất nền khi dự án đã làm xong hạ tầng sẽ phần nào gỡ vướng được cho thị trường đất nền; giảm chi phí đầu tư ban đầu, từ đó giảm giá thành sản phẩm, cả chủ đầu tư và dự án đều “dễ thở” hơn. Những người muốn mua đất nhưng chưa có nhu cầu xây nhà cũng dễ tiếp cận hàng hơn do không phải bỏ tiền mua phần nhà đã xây trên phần đất, đỡ lãng phí.
Giải thích lý do cho phép tái phân lô bán nền trở lại, ông Đỗ Việt Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, nói trước đây cấm phân lô bán đất nền nhằm kiểm soát về trật tự xây dựng đô thị, đảm bảo quy hoạch đô thị được tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều, đặc biệt ở thị trường đất nền nên đây là một trong những chính sách "nới" để tháo gỡ. “Quy định hiện nay bất cập ở chỗ nhiều nhà đầu tư nhỏ, sau khi xây dựng xong hạ tầng, nộp nghĩa vụ tài chính xong không đủ khả năng tài chính để tiếp tục lo chi phí xây nhà thô để bán. Bên cạnh đó, việc áp dụng chung một cơ chế không cho phép phân lô bán nền cho tất cả các đô thị từ lớn đến nhỏ cũng chưa phù hợp. Việc cho phép phân lô bán nền đã được luật Đất đai thông qua. Quy định này được nâng lên tầm của luật với mục đích là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân”, ông Chiến khẳng định.
Tháo gỡ có điều kiện
Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, kịch liệt phản đối việc cho tái phân lô bán đất nền tại bất cứ khu đô thị nào vì “đây chính là một trong những nguyên nhân chính tạo ra tình trạng nhà cửa lô nhô, phá vỡ không gian quy hoạch, cảnh quan kiến trúc”. “Ở nước ta, nhà nước vẫn cho phép thu hồi đất rồi giao chủ đầu tư làm dự án bất động sản thì đương nhiên phải làm xong nhà theo quy hoạch mới được bán. Có như vậy mới đảm bảo thực tế xây dựng luôn đúng với quy hoạch đô thị. Trên thế giới vẫn có nơi cho phân lô bán đất nền nhưng họ quản lý rất chặt về kiến trúc, cây xanh… Còn ở nước ta, quản lý xây dựng đô thị đã thiếu chặt chẽ mà còn cho phép như vậy thì cực kỳ nguy hiểm”, ông Liêm cảnh báo.
Về việc này, ông Chiến cho biết trong thông tư nêu rõ các vị trí nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị không được phân lô bán nền. Hộ gia đình, cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt. “Như vậy, tháo gỡ nhưng không phải tháo tự do mà có điều kiện để vừa đáp ứng được thực tiễn vừa đảm bảo quản lý trật tự đô thị”, ông Chiến nói.
Lê Quân
Nguồn: thanhnien.com.vn

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Bồi thường theo thời hạn sử dụng đất còn lại

Thửa đất còn thời hạn sử dụng nhiều hơn được bồi thường nhiều hơn so với thửa đất còn thời hạn sử dụng ít hơn.
Đó là điểm mới đáng chú ý trong Luật Đất đai 2013 và được hướng dẫn trong Dự thảo nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vừa được Bộ TN&MT đưa ra lấy ý kiến các địa phương.
Thời hạn khác nhau thì bồi thường khác nhau
Cụ thể, việc bồi thường đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, tức là đất sản xuất, kinh doanh phải căn cứ vào thời hạn sử dụng đất còn lại. Quy định trên áp dụng với cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư đang có đất này được giao đất, được thuê đất trước và sau 1-7-2014, thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.
Điều này khác với Luật Đất đai 2003, với loại đất trên không quy định bồi thường theo thời hạn sử dụng đất còn lại mà tất cả trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất thì bồi thường như nhau.
Minh họa cho điểm mới này, ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai), đưa ra ví dụ: Theo Luật Đất đai 2003, hai thửa đất gần nhau được giao để sản xuất, kinh doanh với thời hạn 50 năm. Một thửa được giao trước, ông A đã sử dụng 20 năm, một thửa được giao sau, bà B đã sử dụng 10 năm. Khi thu hồi đất, hai thửa đất này được bồi thường như nhau. Như vậy là không hợp lý.
Theo dự thảo, việc bồi thường đối với đất phi nông nghiệp là đất sản xuất, kinh doanh phải căn cứ vào thời hạn sử dụng đất còn lại. Ảnh: HTD
Cũng theo ông Tuân, việc bồi thường cào bằng như lâu nay đối với đất sản xuất, kinh doanh khiến Nhà nước bị thiệt. Vì đất đã được sử dụng rồi nhưng vẫn được bồi thường hoàn toàn, chỉ nhà đầu tư được giao, được thuê đất là có lợi.
Khắc phục tồn tại này, theo Luật Đất đai 2013 và Dự thảo nghị định hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì với trường hợp trên, thửa đất còn thời hạn sử dụng nhiều hơn sẽ được bồi thường nhiều hơn so với thửa đất còn thời hạn sử dụng ít hơn.
Đất lúa không thay đổi
Việc bồi thường theo thời hạn như trên không được áp dụng với đất ở và đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/1993. “Vì đất ở là giao vĩnh viễn. Với đất nông nghiệp, tuy là giao có thời hạn nhưng thực chất cũng là giao vĩnh viễn. Chỉ khi người sử dụng không có nhu cầu sử dụng trả lại đất hoặc Nhà nước cần lấy đất đó để làm việc khác thì Nhà nước mới thu hồi” - ông Tuân giải thích.
Để giải quyết những vấn đề phát sinh, dự thảo nghị định hướng dẫn: Đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định nghị định này.
Không bồi thường với đất dự án bỏ hoang
Ông Tuân cho biết Luật Đất đai 2013 vừa được ban hành có điểm mới tháo gỡ được vướng mắc hiện nay. Theo đó, không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Theo Luật Đất đai 2003, với vi phạm trên, khi thu hồi, Nhà nước phải bồi thường chi phí mà nhà đầu tư đã đầu tư vào đất. “Với quy định ấy, hầu hết trường hợp có vi phạm như vậy Nhà nước không thu hồi được vì không có tiền để bồi thường” - ông Tuân nói và lấy ví dụ cụ thể - “Khu đô thị, KCN mà tiến độ sử dụng đất chậm nhưng ở đó người ta đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì Nhà nước không có đủ tiền để bồi thường. Vì vậy Nhà nước không thể thu hồi được đất này. Quy định mới trong Luật Đất đai 2013 đã khắc phục được tồn tại của luật cũ”.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng. Trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo thời hạn sử dụng đất còn lại đối với đất sử dụng có thời hạn.
Luật Đất đai 2013
Việc bồi thường đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện trong các trường hợp: Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, mà tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất, thời hạn sử dụng vẫn còn; đất Nhà nước giao sử dụng có thời hạn trước 1-7-2014, ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, mà tại thời điểm thu hồi đất, thời hạn sử dụng vẫn còn.
Dự thảo nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
HOÀNG VÂN
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Bốn năm ách tắc tiền sử dụng đất

Hai cách áp giá sẽ khiến khoản phí sử dụng đất của dự án chênh lệch nhau gấp nhiều lần.
Dự án được giao đất từ tháng 7-2009 nhưng kéo dài đến nay chưa xác định xong khoản tiền sử dụng đất chủ đầu tư phải nộp. Phía công ty vẫn đang chờ quyết định cuối cùng, trong khi các cơ quan chức năng vẫn tranh cãi về phương thức áp dụng tính phí.
Sở Tài chính: Phải nộp theo giá thị trường
Dự án đầu tư chung cư và cao ốc văn phòng tại phường 16, quận 8 do Công ty Dũng Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Theo phân tích của Sở Tài chính, Nghị định 17/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Nghị định 198/2004 nêu: Giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá theo mục đích sử dụng đất được giao. Nếu tại thời điểm giao đất, giá này chưa sát với giá thị trường thì UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể cho phù hợp. Với pháp lý trên, các trường hợp được giao đất kể từ ngày 27-2-2006, tức ngày Nghị định 17 có hiệu lực thì tiền sử dụng đất phải nộp theo giá thị trường.

Giải đáp thắc mắc về thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Sở Tài chính cho biết thêm trường hợp trên đã được Sở Tư pháp nghiên cứu. Tháng 4-2012, Sở Tư pháp có công văn trả lời về việc áp giá các khu đất có vị trí mặt tiền đại lộ Đông Tây năm 2009. Theo đó, từ ngày 2-9-2009 (ngày thông xe đại lộ) đến trước ngày 1-10-2009 (ngày Nghị định 69 có hiệu lực), trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất sẽ áp dụng theo Nghị định 123/2007. Cụ thể, tiền sử dụng đất được căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường và TP sẽ quyết một mức cụ thể. Sở Tư pháp đề nghị TP giao cho liên sở tham mưu, trình TP quyết định mức nộp cụ thể.
Sau đề xuất của Sở Tư pháp, theo chỉ đạo của TP, Sở Tài chính đã có hai văn bản vào tháng 1-2013 và tháng 7-2013, xác định tiền sử dụng đất của Công ty Dũng Thịnh Phát là nộp theo cơ chế thị trường.
Cục Thuế: Rành rành là áp bảng giá đất
Ngược với ý kiến trên, Cục Thuế TP cho biết trường hợp này phải tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do TP ban hành năm 2009. Theo cơ quan này, biên bản cuộc họp liên sở năm 2010, Sở Tài chính có tham dự và xác nhận đã thống nhất: “Dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất từ ngày 1-1-2009 đến trước ngày 2-9-2009, tiền sử dụng đất xác định theo bảng giá đất do TP ban hành, tại thời điểm này đại lộ Đông Tây chưa thông xe, các dự án chưa được hưởng lợi trực tiếp, do đó đối với con đường (chưa có tên hoặc đã có tên) nhưng chưa có giá trong bảng giá đất của TP thì áp dụng giá đất hẻm của con đường có giá cao nhất dẫn vào khu đất…”.
Trước đó, do đại lộ Đông Tây tại thời điểm giao đất chưa thông xe nên Cục Thuế mới hỏi ý kiến các sở, ngành phương thức áp giá nhằm đảm bảo tính pháp lý. Về ý kiến của Sở Tư pháp, Cục Thuế cho rằng công văn đó dành cho các trường hợp giao đất, cho thuê đất từ ngày thông xe đại lộ (2-9-2009) đến ngày Nghị định 69/2009 có hiệu lực (1-10-2009). Trong khi vào năm 2010, Sở Tư pháp từng ra công văn nêu nội dung: “Công ty Dũng Thịnh Phát đã được TP giao đất, thuộc trường hợp tính nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng và các sở, ngành đã có cuộc họp thống nhất”.
Công ty Dũng Thịnh Phát được giao đất từ tháng 7-2009, cũng trong năm này, Sở TN&MT đã chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính cho công ty. Do đó cục nhấn mạnh: “Trường hợp này tiền sử dụng đất áp dụng theo bảng giá đất TP ban hành hằng năm, không thu thêm khoản tiền chậm nộp theo Nghị định 120 vì việc kéo dài thời gian xác định nghĩa vụ tài chính thuộc trách nhiệm của các sở, ngành”. Hiện vụ việc đang được TP giao lại cho Sở Tư pháp chủ trì và có ý kiến.
CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Dự án sai phạm của Hoàng Hải: Nhiều hướng xử lý, dân vẫn lo

Sở Xây dựng TP HCM đã đề xuất hướng xử lý cụ thể cho 3 dự án và 4 khu đất nông nghiệp do Công ty CP Kinh doanh nhà Hoàng Hải làm chủ đầu tư nhưng người dân vẫn chưa hết băn khoăn
Với những công trình nằm trong phạm vi 3 dự án đã có quyết định giao đất (gồm dự án 20,1 ha, 9,3 ha và 5,2 ha), tùy từng loại công trình, hướng xử lý được Sở Xây dựng TP HCM đề xuất khác nhau. Tinh thần là cho tồn tại theo hiện trạng (với nhà ở, nhà trọ) sau khi chủ đầu tư liên hệ với các cơ quan chuyên môn điều chỉnh lại vị trí và lập hồ sơ thiết kế theo quy định.
Xây lậu: Thu hồi, tháo dỡ!
Sở Xây dựng TP HCM đề xuất đối với các nhà xưởng, kho thì tháo dỡ và cải tạo phù hợp chức năng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Riêng sân tennis, sân bóng đá phải lập hồ sơ thiết kế trình cơ quan thẩm quyền.
Khu nhà ở nằm trên đất nông nghiệp do Công ty Hoàng Hải xây dựng 
bỏ dang dở nhiều năm nay đang chờ giải quyết Ảnh: THU HỒNG

Bên cạnh đó, đề xuất của Sở Xây dựng và UBND huyện Hóc Môn vừa được Chủ tịch UBND TP HCM chấp thuận là các trường hợp nhà, đất đã chuyển người từ Công ty Hoàng Hải trước đây, có quyền sử dụng đất hợp lệ thì được mua bán, chuyển nhượng và thực hiện các quyền lợi hợp pháp theo quy định.
UBND TP cũng giao huyện Hóc Môn căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 tại khu vực được phê duyệt và hiện trạng sử dụng đất để khẩn trương lập quy hoạch chi tiết 1/500 làm căn cứ xử lý vi phạm xây dựng.
Điều đáng lưu ý, với 83 công trình nhà ở của người dân nằm trong 4 khu đất nông nghiệp, Sở Xây dựng kiến nghị TP tạm thời giữ nguyên hiện trạng chờ UBND huyện Hóc Môn điều chỉnh quy hoạch 1/2.000. Sau đó, lựa chọn nhà đầu tư và UBND huyện tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định thu hồi, giao đất theo đúng quy định.
Lý giải việc đề xuất cách xử lý trên, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho biết: 83 công trình nhà ở này đều xây trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất nên không hợp pháp. Cả 3 công trình xây dựng trên 4 khu đất này (Nhà máy bia Vinaken, một nhà kho, một nhà xưởng) cũng bị sở đề xuất UBND TP ban hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ.
Đất đền bù khống, thưa kiện ra sao?
Ông Trần Văn Thanh (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) - người bị giám đốc Công ty Hoàng Hải là ông Ngô Quang Trưởng (đang thụ án vì tội chủ mưu giết thuộc cấp) đền bù khống hàng chục ngàn mét vuông đất nằm trong dự án khu nhà ở 5,2 ha - bức xúc: “Công ty Hoàng Hải đã thương lượng hoán đổi 5 nền đất trong dự án cho gia đình tôi. Tuy nhiên, gần 10.000 m2 đất nông nghiệp bị công ty tự ý sang tên cho ông Trưởng hiện vẫn chưa được đền bù nên quyền lợi đất treo luôn”.
Trong báo cáo đề xuất hướng xử lý của Sở Xây dựng không đề cập việc giải quyết các trường hợp trên. Khi chúng tôi liên hệ UBND huyện Hóc Môn, đại diện huyện cho rằng đây là tranh chấp dân sự, người dân nên thưa kiện Công ty Hoàng Hải.
Biết chuyện này, ông Thanh thở dài: “Chẳng khác nào dồn dân vào chỗ khó! Ông Trưởng đã bị bắt, chờ ngày xử án tử, công ty như rắn mất đầu, hiện không được thực hiện các giao dịch mua bán đất đai, tài sản nên chắc chắn không ai giải quyết cho chúng tôi.
Ngoài ông Thanh, còn một số trường hợp khác bị ông Trưởng đền bù khống hàng ngàn mét vuông đất nhưng bi đát hơn, họ không phát hiện kịp nên không được hoán đổi nền đất nào và vẫn trông đợi vào hướng xử lý của địa phương. Những hộ dân và chủ nhà xưởng nằm trong 4 khu đất nông nghiệp khi nghe cách xử lý nêu trên đã không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty Hưng Gia Nguyễn, băn khoăn: “Tôi mua hơn 4.000 m2 đất và trả tiền đầy đủ cho Công ty Hoàng Hải từ năm 2009. Bao nhiêu tài sản đều dồn vào kho xưởng này, trong lúc làm ăn khó khăn, nếu phải tháo dỡ và di chuyển sang chỗ khác thì càng khó hơn. Chưa kể, sau khi tháo dỡ phần nhà xưởng, khu đất của chúng tôi sẽ tính ra sao? Chúng tôi kiến nghị TP xem xét cho đóng thuế, làm nghĩa vụ tài chính để được tồn tại hợp pháp”.
Nhiều hộ dân khi bày tỏ nguyện vọng nếu khi đổi chủ đầu tư khác, huyện Hóc Môn nên đề xuất chủ đầu tư lập quy hoạch sao cho các khu nhà của dân được tồn tại hợp pháp.
Tránh để dân thiệt hại
Chiều 19-12, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã có buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội huyện Hóc Môn 3 năm qua. Trong đó, việc xử lý sai phạm tại Công ty Hoàng Hải đã làm nóng cuộc họp.
Sau khi xem xét trên bản đồ từng dự án và 4 khu đất nông nghiệp, ông Tín yêu cầu các sở, ngành và huyện Hóc Môn nên tách việc giải quyết sai phạm của Công ty Hoàng Hải ra 2 phần: Vi phạm pháp luật của chủ đầu tư và quyền lợi chính đáng của người dân. Những dự án nào chưa có quy hoạch như các khu đất nông nghiệp thì xem xét, nếu phù hợp thì làm quy hoạch. Riêng các hộ dân có nhà trên đất nông nghiệp, nếu đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì nên xem xét cấp giấy tờ sau khi tiến hành lập quy hoạch đầy đủ. “Đây là cái sai của chủ đầu tư, cái sai của quản lý nhà nước chứ không phải của dân” - ông Tín nhấn mạnh.

THU HỒNG - QUÝ HIỀN
 Nguồn: nld.com.vn
Phóng viên báo người lao động lấy tin nhưng chưa chính xác và khách quan. Phóng viên dùng từ "Xây lậu: Thu hồi, tháo dỡ!" Câu này không đúng, vì người dân chúng tôi mua nền đất trong khu dân cư do công ty Hoàng Hải làm chủ đầu tư, trước khi mua nhiều người dân cũng lo sợ tính pháp lý của của dự án nên đã đến UBND xã Bà Điểm để xác minh. Cán bộ quản lý xã (thời điểm có liên quan) trả lời với chúng tôi "mua đất trong dự án Hoàng Hải thì xây dựng theo hướng dẩn của công ty là được" khi mua nền và nhận đất chúng tôi chỉ báo cho công ty xuống xác định ranh đất và xây dựng, căn nhà 1 trệt + 2 lầu xây dựng nhanh lắm là 4 tháng, vật tư tập kết bằng xe tải 10 tấn, khi xây dựng xong phần móng thì báo với quản lý đô thị xã để nghiệm thu, cả 100 căn như thế mà bảo là xây lậu thì không hiểu sao ?
Phó chủ tịch UBND thành phố cũng có nhận xét " “Đây là cái sai của chủ đầu tư, cái sai của quản lý nhà nước chứ không phải của dân” nhưng cũng chưa thỏa đáng mà phải nói rằng "Do một số cán bộ thoái hóa biến chất của 2 cấp chính quyền UBND xã Bà Điểm và UBND huyện Hóc Môn (thời điểm liên quan) đã câu kết hổ trợ công ty Hoàng Hải, xác nhận số liệu khống để được giao đất, phân lô bán nền trong khi chưa được thành phố giao đất. Nếu cán bộ nhà nước  quản lý chặt chẻ thì không có cái sai của công ty Hoàng Hải, người dân chúng tôi là nạn nhân"
Chúng tôi là những người dân đã chịu nhiều đau khổ trong nhiều năm qua vì mua đất mà không được xây nhà, phải đi ở nhà thuê, nhiều người đã xây được nhà nhưng chưa được cấp giấy tờ hợp pháp, sống lưu trú trong căn hộ của mình, gặp nhiều khó khăn trong việc học tập của con, cháu. Mong các anh chị phóng viên, báo đài đưa tin chính xác hổ trợ người dân chúng tôi vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Xin chân thành cảm ơn.
Hồ Hữu Lộc
0982746199

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

TIN VUI CHO BÀ CON CÓ NHÀ ĐẤT TRONG KDC HOÀNG HẢI

Chúng tôi vừa nhận được tin, Chủ tịch UBND thành phố đã có kết luận xử lý những vi phạm liên quan đến các dự án do Cty CP ĐTKD nhà Hoàng Hải thực hiện tại xã Bà Điểm huyện Hóc Môn.
Sau khi nghe báo cáo của các Ban ngành Thanh tra thành phố, Công an thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Hội đồng thẩm định bồi thường Thành phố, Huyện ủy và UBND huyện Hóc Môn.
Chủ tịch UBND TP có kết luận chỉ đạo:
1/- Giao Sở Xây dựng trực tiếp làm việc với Thường trực Huyện ủy và Thường trực UBND huyện Hóc Môn để thống nhất hướng xử lý cụ thể đối với từng loại vi phạm xây dựng, đảm bảo chặc chẽ, kiên quyết khả thi và đúng quy định pháp luật; báo cáo, đề xuất trình UBND thành phố xem xét, giải quyết. Thời gian thực hiện là 20 ngày.

2/-Giao Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn căn cứ đồ án diều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại khu vực phê duyệt và hiện trạng sử dụng đất để khẩn trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 làm căn cứ xử lý vi phạm xây dựng, xem xét giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng cho các hộ dân đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không giao công ty cổ phần Hoàng Hải tham gia đầu tư hoặc thực hiện lập các thủ tục điều chỉnh quy hoạch các khu đất liên quan xử lý vi phạm xây dựng.
3/- yêu cầu Cục thuế báo cáo xử lý tiền nợ thuế của công ty Hoàng Hải.
4/- Giao Thanh tra thành phố kiểm tra việc thực hiện.

Qua những thông tin trên chúng ta cũng thấy lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo huyện cùng các ban ngành hữu quan đã nổ lực giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại những hậu quả do Công ty Hoàng Hải gây ra. Mong bà con an tâm chờ đợi.
Thay mặt Cộng đồng dân cư Hoàng Hải xin gởi lời cảm ơn đến các vị lãnh đạo Thành phố, các Ban ngành hữu quanThành phố, lãnh đạo huyện Hóc Môn và các Ban ngành hữu quan của huyện.
Hồ Hữu Lộc
0982746199

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, đất

Thứ hai, 07/10/2013, 08:08 (GMT+7)
Tại hàng loạt dự án nhà ở, khách hàng đang bị chủ đầu tư “treo” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (gọi tắt là sổ hồng) mặc dù họ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Mới đây, UBND TPHCM đã đồng ý với đề xuất của Sở TN-MT về việc cấp thẳng sổ hồng cho khách hàng.
Chủ đầu tư lách luật
Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư phải xây dựng xong nhà ở mới được phép chuyển nhượng. Tuy nhiên thời gian qua tại TPHCM, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở không tuân theo quy định mà tìm cách lách luật. Bởi đơn giản một dự án có mức đầu tư rất lớn xây xong mới tiến hành kinh doanh rủi ro sẽ lớn, khả năng tài chính của chủ đầu tư lại không đáp ứng. Do đó khi dự án bắt đầu triển khai hoặc đã xây dựng một phần hạ tầng thì chủ đầu tư bắt đầu “bán” cho khách hàng. Phương thức này vừa huy động được tiền của khách hàng vừa “nắm chắc” đầu ra. “Hợp đồng góp vốn”, “hợp tác đầu tư” là những hình thức lách luật mà các chủ đầu tư thường áp dụng. Theo đó, khách hàng đồng ý góp tiền cho chủ đầu tư theo tiến độ xây dựng hạ tầng hoặc trả một lần để nhận nền đất. Sau đó khách hàng tự xây dựng theo mẫu nhà được duyệt của cơ quan chức năng.
Bản chất “hợp đồng góp vốn” hay “hợp tác đầu tư” là mua bán nền đất giữa khách hàng và chủ đầu tư. Sau khi khách hàng xây dựng xong, lúc này chủ đầu tư mới tiến hành hoàn công ra sổ hồng đứng tên công ty, tiếp đó hai bên ra công chứng mua bán sang tên cho khách hàng. Lúc này căn nhà mới thực sự “chính chủ” của người mua.
Rất ít dự án nhà ở được chủ đầu tư xây xong mới bán như dự án này. Ảnh: BÌNH MINH
Tuy nhiên để được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng, chủ đầu tư phải đảm bảo hàng loạt điều kiện như thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoàn thành cơ sở hạ tầng được duyệt, xây dựng đúng quy định… Chính vì vậy, có những dự án khách hàng sau khi xây nhà xong cả chục năm nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp sổ hồng. Cụ thể dự án KDC An Sương (quận 12) do Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh nhà làm chủ đầu tư đã được xây dựng cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay người dân mua nhà nơi đây vẫn chưa được cấp chủ quyền. Nhiều dự án thuộc KDC Bình Hòa (Bình Thạnh) người dân “góp vốn” với chủ đầu tư tự xây nhà cũng cả chục năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp chủ quyền.
Ông H., một người dân “mua đất” trong một dự án nhà ở tại quận 12, cho biết đã đóng đủ tiền cho chủ đầu tư, sau đó họ nhận được một biên bản bàn giao nền đất và tự xây nhà. Nhà đã xây xong gần 5 năm nay nhưng chủ đầu tư liên tục thất hứa, không chịu tiến hành làm sổ hồng để hai bên chính thức ký hợp đồng mua bán.
        Cấp sổ hồng cho khách hàng
Thông tin TPHCM sẽ cấp thẳng sổ hồng cho những khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở nếu chủ đầu tư không chịu làm được nhiều người quan tâm. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết đề xuất này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà. Tuy nhiên để thực hiện được cần phải rà soát từng dự án xem có còn vướng mắc gì nữa không. Nếu khách hàng đã nộp đủ tiền cho chủ đầu tư và không có tranh chấp gì, chủ đầu tư cũng đã nộp tiền sử dụng đất cho dự án nhưng chủ đầu tư không chịu làm sổ cho khách hàng, cơ quan chức năng sẽ gửi văn bản yêu cầu làm việc, nếu chủ đầu tư không hợp tác thì những trường hợp này có thể cấp thẳng cho người mua mà không cần thông qua chủ đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có tình trạng rất phổ biến là trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay tiền, nay không có khả năng giải chấp để hoàn công ra sổ hồng cho khách hàng. Trong khi đó tiền của khách chủ đầu tư đã nhận đủ, có thể xem đây là hành vi lừa đảo cần xử lý kiên quyết.

Việc cấp thẳng sổ hồng cho khách hàng là hợp tình cũng như để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho dân theo kế hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam cũng băn khoăn, nếu thực hiện cấp thẳng cho dân đối với những trường hợp “hợp đồng góp vốn” tại các dự án nói trên vô tình TP đã hợp pháp hóa việc “phân lô bán nền” của chủ đầu tư mà luật không cho phép. 

Theo nhận định của một số chuyên gia, cách làm của TP có thể giải quyết được tình trạng hàng loạt dự án đang “treo” sổ của dân. Nhưng cần xử lý nghiêm chủ đầu tư để tình trạng tương tự không tái diễn.
Năm 2012 các quận, huyện đã cấp được 83.272 GCN, năm 2013 số lượng dự kiến cần phải cấp là 94.410 GCN, từ đầu năm nay đã cấp được 58.936 trường hợp, như vậy từ nay đến cuối năm cần phải cấp GCN cho 35.474 trường hợp. Tổng số GCN đã cấp đối với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2003 đến nay (tổng số giấy đỏ, giấy hồng đã cấp qua các thời kỳ) là 1.284.617 trên tổng số 1.453.810 nhà, đất đạt tỷ lệ 88,3%.

TRÀ GIANG
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Trần ai đợi chủ đầu tư giao nhà



Khách hàng luôn phải chịu thiệt khi có sự cố xảy ra với những căn hộ hình thành trong tương lai của họ.

È cổ trả lãi suất ngân hàng, tiền thuê nhà ở, bất tiện trong đi lại… là khó khăn thường gặp của những người đã đóng tiền mua căn hộ chung cư nhưng chủ đầu tư cứ lần lữa không giao nhà. Nguyên nhân thường do chung cư xây mãi không xong vì chủ đầu tư thiếu tiền.
Tiền đã trao, nhà chưa giao
Sáng 10-10, nhiều người mua chung cư Ngọc Phương Nam (125/20 Âu Dương Lân, phường 2, quận 8) đã tập trung trước cửa Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Điền (chủ đầu tư) yêu cầu công ty trả lại tiền và bồi thường thiệt hại cho việc chậm giao nhà. Ông Phạm Quang Viên, mua căn hộ B405, cho biết: Năm 2010, ông ký hợp đồng mua căn hộ với giá gần 1,7 tỉ đồng. Theo hợp đồng, ông sẽ được giao nhà vào quý I-2012 nhưng đến nay chung cư đang tạm ngưng thi công do chủ đầu tư thiếu vốn.
Cuối năm 2011, chủ đầu tư có thông báo hứa sẽ khởi công lại vào tháng 2-2012. Đến tháng 7-2012, chủ đầu tư tiếp tục cam kết tái khởi công chậm nhất vào tháng 9-2012. Nhưng mãi tới tháng 6-2013, Công ty An Điền mới làm lễ khởi công trở lại và thông báo cho các khách hàng biết ngân hàng đã cho vay tiền để tiếp tục thực hiện dự án. Dù vậy, sau đó dự án vẫn không được thi công tiếp.
Chung cư Ngọc Phương Nam, phường 2, quận 8 tạm ngưng thi công do chủ đầu tư thiếu vốn. Ảnh: HTD
“Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi phải chịu đựng rất nhiều áp lực do trước đó đã vay mượn ngân hàng để trả tiền cho Công ty An Điền. Hiện gia đình phải thuê nhà ở chật chội, vợ chồng cứ cãi nhau hoài vì nợ nần chồng chất. Đòi lại tiền là chuyện bất đắc dĩ chứ tôi chỉ mong họ sớm giao căn hộ để gia đình có chỗ ở thôi” - ông Viên nói.
Nhà xây xong cũng chậm giao
Khách hàng mua chung cư The Harmona (33 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình) do Công ty Cổ phần Thanh Niên làm chủ đầu tư cũng chậm được nhận căn hộ. Đáng nói là dự án này gần như đã hoàn thành, khách hàng chỉ còn thanh toán đợt cuối cùng là hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng khâu bàn giao nhà lại không thuận buồm xuôi gió. Lý do vì chủ đầu tư không đủ tiền để trả lãi phạt chậm giao nhà cho khách hàng như đã cam kết trong hợp đồng.
Bà Nguyễn Vũ Thúy Vân, khách hàng mua căn hộ tại block B, cho biết: Hợp đồng quy định rõ nếu chủ đầu tư chậm giao nhà thì phải bồi thường cho khách hàng 0,05% trên tổng giá trị số tiền khách hàng đã nộp. Tương tự, khách hàng chậm đóng tiền thì cũng chịu mức phạt này và thực tế một số khách hàng đã bị phạt.
“Theo hợp đồng, tôi được giao nhà vào tháng 8-2012 nhưng phải tới tháng 7-2013 mới có thư mời đến nhận căn hộ. Như vậy, chiếu theo hợp đồng thì chủ đầu tư phải chịu phạt hơn 220 triệu đồng đối với căn hộ của tôi. Phía Công ty Thanh Niên đã mời tôi và nhiều khách hàng khác tới đề nghị giảm số tiền phạt nhưng vì hai bên không thỏa thuận được nên chủ đầu tư không giao nhà” - bà Vân nói.
Cũng theo bà Vân, “số tiền tôi phải đóng đợt cuối cùng là hơn 400 triệu đồng. Nếu chủ đầu tư cấn trừ tiền phạt chậm giao nhà thì tôi chỉ phải nộp khoảng 200 triệu nữa là có nhà để ở. Hà cớ gì tôi đóng tiền gần như xong rồi mà vẫn không được nhận nhà?”. Bà Vân cho biết trong suốt hai năm chờ dọn về nhà mới, vợ chồng bà phải thuê nhà và sinh hoạt gia đình phải chịu nhiều đảo lộn. Chi phí thuê nhà và lãi suất vay ngân hàng mỗi tháng lên tới 10 triệu đồng. Do vậy, chủ đầu tư phải chia sẻ những thiệt hại này với gia đình bà trong quá trình chờ đợi.
Không dễ tìm tiếng nói chung
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chủ đầu tư của hai dự án trên đều xác nhận đang gặp khó khăn về tài chính. Ông Nguyễn Tri Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thanh Niên, cho biết sẽ hoàn lại tiền phạt cho các khách hàng chậm thanh toán trước đây, đồng thời khẳng định công ty không đủ tiền để trả tiền phạt do chậm giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, các khách hàng dứt khoát không chấp nhận, một số người còn tuyên bố sẽ kiện ra tòa.
Còn tại dự án Ngọc Phương Nam, ông Đoàn Hữu Thuần, Phó Tổng Giám đốc Công ty An Điền, cho biết tổng mức đầu tư của chung cư này là 450 tỉ đồng, hiện phải cần 150 tỉ đồng nữa mới có thể hoàn thành. Hiện công ty còn nợ lãi suất ngân hàng 15 tỉ đồng và không còn khả năng chi trả.
“Công ty An Điền đang nỗ lực tìm kiếm đối tác cùng đầu tư tiếp dự án. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đồng ý chủ trương cho Công ty An Điền vay 180 tỉ đồng. Ngoài ra, phía khách hàng cũng giới thiệu 10 đối tác để giúp chủ đầu tư tìm kiếm cơ hội” - ông Thuần thông tin. Ông Phạm Quang Viên cũng cho hay đã thống nhất với nhiều khách hàng sẽ đóng thêm mỗi người 150 triệu đồng để giúp chủ đầu tư giải quyết nợ xấu.
Kiến nghị chế tài nặng chủ đầu tư chậm giao nhà
Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại UBND TP về việc thực hiện Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ngày 6-9, nhiều đại biểu cho rằng: Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa có những chế tài với chủ đầu tư các dự án. Do đó, khi xảy ra các sự cố cho các căn hộ hình thành trong tương lai, người dân đều phải chịu thiệt thòi.
Từ thực tế trên, các đại biểu kiến nghị phải có chế tài nghiêm khắc với chủ đầu tư vi phạm, thậm chí xử lý hình sự chủ đầu tư huy động vốn mà không xây nhà.
VIỆT HOA
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Nhà tăng giá, phải “chia” lại lợi nhuận?

08/10/2013 - 05:55
Bộ Tài chính dự báo số thu từ việc khai thác quỹ đất hai bên đường đến năm 2020 vào khoảng 10.000 tỉ đồng/năm.


“Trường hợp nhà đất được tăng thêm giá trị sau khi Nhà nước thực hiện chỉnh trang đô thị thì phần giá trị tăng thêm phải có sự điều tiết hợp lý” - đó là một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra trong đề án Khai thác các nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020. Đề án này đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các tỉnh, thành trước khi trình Thủ tướng thông qua.
Nhà hẻm ra mặt tiền: Phải nộp tiền
Trong tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm khai thác các nguồn thu từ đất đai và tài sản Nhà nước. Liên quan đến kết cấu hạ tầng, Bộ Tài chính kiến nghị hai giải pháp. Thứ nhất, “khi xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị phải tổ chức khai thác quỹ đất hai bên đường, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai cho các công trình này”. Thứ hai, “điều tiết một cách hợp lý giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất đem lại, trước mắt là do Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị”.
Hiểu một cách nôm na, giải pháp thứ hai có nghĩa là khi Nhà nước mở đường, đầu tư hạ tầng (khiến nhà từ trong hẻm trở thành nhà mặt tiền, đường đất thành đường nhựa…), nếu giá trị nhà đất được tăng lên thì người dân phải đóng góp một khoản tiền do “bỗng nhiên được hưởng lợi”. Trường hợp nhà đất tăng giá trị do người dân tự đầu tư thì không phải đóng khoản này.
Việc nộp tiền khi nhà từ trong hẻm trở thành nhà mặt tiền, đường đất thành đường nhựa… vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD
Khó xác định giá trị tăng thêm
Về giải pháp điều tiết giá trị tăng thêm của nhà đất do được Nhà nước đầu tư hạ tầng thì có nhiều ý kiến khác nhau. “Nếu cho rằng người dân được hưởng lợi khi Nhà nước mở đường, đầu tư hạ tầng rồi buộc họ phải nộp tiền là vô lý. Đây là chuyện may mắn, giống như tình cờ trúng xổ số. Người dân không có nghĩa vụ đầu tư hạ tầng mà đây là công việc của Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, góp ý.
Về tính khả thi, ông Đực cho rằng nội dung này khó thực hiện được. “Người dân không nộp thì làm gì họ? Không lẽ rào đường lại không cho họ mở cửa?” - ông thắc mắc. Đồng tình, ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty Nhà Bình Dân, cho rằng không có cơ sở để thu từ người dân. “Nếu người dân bảo rằng họ cũng chưa hẳn đã muốn mở đường, không thích từ hẻm ra mặt tiền ồn ào, không có tiền để nộp thì Nhà nước đành chịu” - ông bày tỏ.
TS Võ Kim Cương cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính cần phải được tính toán kỹ về cách làm sao cho hợp lòng dân. “Người dân cũng phải được hưởng một phần lợi do chính sách của Nhà nước mang lại chứ không phải Nhà nước đầu tư bao nhiêu thì lấy lại hết bấy nhiêu” - ông góp ý. Theo ông, trong trường hợp nhà vẫn để ở thì không bị điều tiết nhưng khi mua bán chuyển nhượng hoặc cho thuê, kinh doanh… thì phải chịu một mức điều tiết phù hợp do nhà đất được tăng thêm giá trị từ sự đầu tư của Nhà nước.
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho hay đề xuất này không phải là mới mẻ tại nước ngoài. Đây chính là nguồn thu ổn định nhất để phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, việc hết sức quan trọng là cần phải có sự đánh giá về giá trị nhà đất trước khi có sự mở đường, chỉnh trang đô thị của Nhà nước để tính được sự chênh lệch.
“Muốn tính được giá trị này thì phải dựa vào thuế nhà đất hằng năm do người dân nộp, tính bằng một tỉ lệ phần trăm so với giá trị nhà đất. Nếu không có loại thuế này thì dựa vào cơ sở nào để tính được giá trị trước khi mở đường, đầu tư hạ tầng để điều tiết phần tăng thêm?” - ông cho hay.
Về cách thức điều tiết, ông Lịch cho rằng nếu nhà đất chỉ để ở thì không phải điều tiết nhưng thuế nhà đất phải được điều chỉnh. Khi nào nhà đất đem cho thuê hoặc bán thì mới điều tiết một phần giá trị tăng thêm do tài sản được tăng giá từ sự đầu tư của Nhà nước. “Không nước nào quy định nộp một cục tiền khi Nhà nước đầu tư hạ tầng làm tăng giá trị của nhà đất. Thay vào đó chỉ điều tiết thông qua việc điều chỉnh thuế nhà đất hằng năm hoặc khi mua bán, cho thuê…” - ông nói rõ.
Giải tỏa thêm quỹ đất hai bên đường
Giải pháp khai thác triệt để quỹ đất hai bên đường để tạo nguồn thu cho chính các công trình hạ tầng nhận được nhiều sự đồng tình. “Đà Nẵng đã tiên phong thực hiện và rất thành công với con đường Nguyễn Tất Thành” - TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, nhận xét.
Ông Lịch cho rằng giải pháp này sẽ công bằng với điều kiện phải chú ý đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, chẳng hạn như quyền được ưu tiên mua lại quỹ đất này, chính sách việc làm cho họ khi bị di dời, giải tỏa. “Hiện nay, khâu bồi thường chỉ xác định thiệt hại về tài sản mà không đo lường những giá trị khác như cơ hội việc làm, học tập cho những người bị giải tỏa. Ở các nước, đây là khâu khó nhất và quan trọng nhất, trong khi ở ta thì chỉ chú ý đến giá bồi thường” - ông Lịch góp ý.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho hay trước đây TP cũng từng thực hiện biện pháp này. Cụ thể, khi mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, TP giải tỏa thêm quỹ đất hai bên để bán lấy kinh phí bù vào cho con đường.
CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Phường ngâm hồ sơ nhà đất của dân

03/10/2013 03:11 (GMT + 7)

TT - Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở (gọi chung là giấy chứng nhận - GCN) của tôi có trục trặc, nhưng UBND phường không hướng dẫn mà trả hồ sơ về, nên đã chín năm rồi tôi vẫn chưa làm được GCN.
Ông Nguyễn Tấn Khoa trình bày sự việc - Ảnh: M.Hoa
Năm 2002, tôi mua căn nhà ở ấp 4, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP.HCM (nay thuộc P.Tân Tạo, Q.Bình Tân), với diện tích ghi trong hợp đồng là 4m chiều ngang và 20m chiều dài. Khoảng tháng 4-2004, theo chủ trương của Q.Bình Tân về việc cấp GCN trên địa bàn toàn quận, tôi và bà con trong tổ dân phố đã làm hồ sơ xin cấp GCN. Khi nộp hồ sơ, chúng tôi không được cấp biên nhận hồ sơ. Hai tháng sau, UBND phường Tân Tạo niêm yết danh sách các hộ đăng ký hồ sơ nhà ở, đất ở, trong đó có hồ sơ của nhà tôi.
Đến tháng 12-2004, phường cử người xuống đo đất nhà tôi. Kết quả cho thấy có diện tích đất dư ra so với các giấy tờ trước đó. Cán bộ phường yêu cầu giải thích, tôi nói từ lúc mua nhà đã như thế rồi. Sau đó tôi không được hướng dẫn gì thêm, chỉ có ông phó chủ tịch UBND phường nói miệng là chờ chủ trương chung. Hơn một năm sau (tháng 7-2005), ông trưởng ban điều hành khu phố mang hồ sơ đến tận nhà tôi trả lại.
Khoảng cuối năm 2012, đầu năm 2013, khi TP có chủ trương hoàn thành việc cấp giấy chủ quyền cho người dân, ông tổ trưởng dân phố mang một biên bản “về việc không có nhu cầu làm GCN quyền sở hữu nhà ở” xuống bảo tôi ký vào nhưng tôi không ký, vì tôi muốn được làm GCN nhưng phường trả hồ sơ và nói chờ chủ trương chung. Tôi biết có hơn chục hộ dân ở hẻm bên cạnh đã ký vào biên bản này. Tôi không rõ UBND phường làm như vậy có phải là đi ngược lại với chủ trương chung?
Suốt chín năm qua, tôi không còn biết phải đi đâu, gặp ai để làm được giấy chủ quyền nhà. Thay vì hướng dẫn cụ thể cho người dân, UBND P.Tân Tạo lại “ngâm” hồ sơ tới hơn một năm rồi trả lại hồ sơ, sau đó không hướng dẫn gì, dẫn tới việc nếu nay tôi làm hồ sơ xin cấp GCN thì tiền sử dụng đất sẽ bị thu theo giá mới, thiệt thòi này ai sẽ chịu trách nhiệm?
NGUYỄN TẤN KHOA
MAI HOA ghi
Sẽ xác minh lại hồ sơ
Sau khi báo Tuổi Trẻ chuyển khiếu nại của ông Nguyễn Tấn Khoa đến UBND P.Tân Tạo, chiều 27-9 ông Khoa được mời đến UBND phường để được giải đáp thắc mắc.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Mến, cán bộ địa chính phường, nói: Vì sự việc đã diễn ra quá lâu, qua nhiều cán bộ địa chính và lãnh đạo phường xử lý, nên việc ai đúng ai sai tôi không dám nói. Nhưng nếu có sự việc như ông Khoa phản ảnh là phường không có biên nhận hồ sơ và không hướng dẫn, trả lời cụ thể cho ông bằng văn bản, rồi hơn một năm mới trả lại hồ sơ, chúng tôi xin nhận lỗi. Trong suốt thời gian từ đó đến nay, ông Khoa không lên phường xin hướng dẫn nên các cán bộ mới cũng không nắm được tình hình.
Qua kiểm tra ban đầu với hồ sơ xin cấp GCN của ông Khoa, tôi thấy ngoài việc diện tích đất trong bản vẽ thừa ra tới 14,1m2 thì các giấy tờ mua bán (giấy tay) cũng có sự thiếu logic. Theo tường trình của ông Khoa thì đất này vốn của bà Nguyễn Thị My. Bà My bán cho ông Huỳnh Tranh Quang năm 1997. Ông Quang xây nhà bán cho ông Nguyễn Trường Giang rồi sau đó ông Giang bán lại cho ông Khoa. Tuy nhiên, giấy phạt xây dựng trái phép của ông Quang lại ghi năm 1996, trước khi bà My bán đất cho ông Quang. Về điểm này, phường sẽ cử người xác minh lại. Về tiền sử dụng đất, nếu ông Khoa chưa đóng được thì có thể xin ghi nợ theo quy định.
Liên quan đến việc yêu cầu dân ký biên bản không có nhu cầu làm GCN, ông Trần Duy Thông, phó chủ tịch UBND phường Tân Tạo, cho biết là do cán bộ đi vận động làm hồ sơ nhiều lần, nếu hộ dân nào vẫn không muốn làm giấy thì phải có biên bản làm cơ sở báo cáo lên cấp trên, hoàn toàn không có chuyện ép buộc gì.
M.H.
Không còn thời hiệu khởi kiện bồi thường
Theo quyết định 04/2003/QĐ-UB của UBND TP.HCM (văn bản có hiệu lực thi hành tại thời điểm ông Khoa nộp hồ sơ xin cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất vào tháng 4-2004 - hiện đã hết hiệu lực thi hành), nếu việc giải quyết hồ sơ xin cấp GCN của ông Khoa nói riêng và các hộ dân khác nói chung được thực hiện theo kế hoạch của UBND Q.Bình Tân thì khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp GCN của người dân phải thực hiện đúng chủ trương, kế hoạch đề ra của UBND Q.Bình Tân về thời hạn giải quyết hồ sơ.
Sau khi đã tổ chức niêm yết tại trụ sở, UBND P.Tân Tạo phải lập tờ trình, danh sách nhà đủ điều kiện cấp GCN và hồ sơ có vướng mắc, chuyển hồ sơ về UBND Q.Bình Tân. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phòng quản lý đô thị sẽ yêu cầu người xin cấp GCN bổ sung hồ sơ, nếu không đủ điều kiện thì sẽ ký công văn trả lời không đủ điều kiện chuyển cho UBND phường trả lời người đề nghị xin cấp GCN.
Như vậy, nếu UBND P.Tân Tạo đến hơn một năm mới chuyển trả hồ sơ xin cấp GCN cho ông Khoa là trái với quy định tại điều 14 quyết định 04/2003/QĐ-UB của UBND TP.HCM.
Ông Khoa cho rằng việc giải quyết hồ sơ chậm trễ gây thiệt hại cho ông (phải đóng tiền sử dụng đất giá mới, không được đóng ở thời điểm nộp hồ sơ năm 2004), tuy nhiên cũng không thể khởi kiện yêu cầu bồi thường vì đã hết thời hiệu khởi kiện (tính từ mốc trả hồ sơ năm 2005).
Luật sư Nguyễn Văn Kha 
(Hội Luật gia TP.HCM)
Nguồn: tuoitre.vn