Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

“Quan” xây nhà không phép


Dân xây nhà không phép, thậm chí sai phép ngay lập tức bị bắt tháo dỡ nhưng các “quan”, người thân của “quan” thì vô tư xây những công trình sai phép đồ sộ mà không ai xử lý, hoặc chỉ xử lý lấy lệ.
Đất ruộng, nhà vườn... thành resort, nhà trọ
Thời gian qua, người dân KP.Long Hòa, P.Long Thạnh Mỹ, Q.9 vô cùng bức xúc trước việc chủ nhân khu đất rộng 1.364m2 đất nông nghiệp tại hẻm số 35 bỗng dưng biến thành khu “resort” kín cổng cao tường, với những căn nhà gỗ hoành tráng. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, khu nghỉ dưỡng trên là của ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, anh ruột của ông Hồ Văn Năm, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận 9. Khoảng tháng 6.2011, ông Dũng đã cho xây dựng khu nhà trên đất nông nghiệp, nằm ngay lối vào khu vực được quy hoạch làm nghĩa trang TP.HCM, chặn con suối Khô. Một người dân ở đây cho hay, suối Khô là đường thoát nước cho cả khu vực cao nguyên Lâm Viên vào mùa mưa, nên khi suối bị chặn, nước đã tràn lên đường làm xói mòn đường và nguy hiểm hơn là nước tràn vào nhà dân, gây ngập nước.
Trong đơn xin phép xây dựng, ông Dũng cho biết do nhu cầu làm vườn, trồng cây kiểng và trông coi khu đất nên xin cất nhà nền gạch, mái ngói, cột gỗ, dạng nhà lắp ghép khoảng 100m2. Nhưng thực chất, toàn bộ khu đất được bao bọc bởi khu “tường thành” cao hơn 2m, cổng rào sắt kiên cố. Bên trong gồm 4 cụm nhà. Trong đó 2 nhà chính được xây dựng mái ngói, tường gạch, 2 nhà mát sân vườn và các tiểu cảnh. 

Khu “resort” được xây dựng trên đất nông nghiệp ở Q.9
Tại huyện Bình Chánh, khu nhà trọ của bà Huỳnh Thị Tào, vợ ông Nguyễn Văn Thạch, Phó trưởng công an xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (tổ 7, KP.5, TT.Tân Túc) đã rầm rộ khởi công trên đất nông nghiệp. Theo hồ sơ chúng tôi có được, vào tháng 3.2010 bà Tào đã “lách” luật bằng cách xin phép làm nhà tạm 50m2 để giữ vườn, với quy cách nhà vách tôn, mái tôn, nền gạch men. Dù xin xây nhà trên đất nông nghiệp nhưng vẫn được lãnh đạo thị trấn Tân Túc ưu ái duyệt. Xin là vậy nhưng thực tế, khu nhà được xây dựng khá kiên cố với mục đích làm nhà trọ chứ không phải làm nhà giữ vườn. Khu nhà được chia làm nhiều phòng, mỗi phòng khoảng 20m2, có gác lửng, sân.
Ngày 10.1.2012, Thanh tra xây dựng thị trấn Tân Túc cũng đã kiểm tra và phát hiện bà Tào xây dựng không phép diện tích hơn 146m2. Nhưng không hiểu sao không có hình thức xử lý mà vẫn tiếp tục cho xây dựng. Trước đó, vào năm 2005, thanh tra xây dựng cũng đã phát hiện gia đình bà Tào xây dựng một dãy phòng trọ không phép trên đất nông nghiệp, với tổng diện tích gần 80m2. Đến nay dãy nhà trọ trên vẫn còn tồn tại.
Một trường hợp khác là vợ một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức. Ngay đầu đường số 4, khu dân cư Êm Đềm (P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) một dãy nhà cấp 4 gồm 6 ki ốt mới toanh mọc lên. Theo người dân nơi đây, dãy ki ốt này mới đưa vào cho thuê chưa đầy 1 tháng. Trong khi các căn nhà khác xây cao 3 tầng thì 6 ki ốt này chỉ là những căn phòng rộng chưa đến 20m2, có gác lửng và chiếm gần hết lề đường.
Nhà dân... đập ngay
Nếu như nhà các "quan" xây không phép được ngó lơ hoặc xử lý cho có rồi vẫn tồn tại, thì nhà dân, ngay lập tức bị yêu cầu đập ngay. Anh Hùng Phan, đang làm việc ở Q.3, TP.HCM cho biết, do khó khăn về nhà ở, anh có xuống ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh mua một miếng đất nông nghiệp rộng khoảng 50m2 để xây nhà. Thấy những người kế bên cũng là đất nông nghiệp nhưng xây được nhà, anh đã lên gặp Thanh tra đô thị xã Vĩnh Lộc A xin được cất một căn nhà ở tạm, khi nào nhà nước giải tỏa anh sẽ đập bỏ mà không xin đền bù. Tuy nhiên, mới xây xong phần móng thanh tra xây dựng đã ập đến đập bỏ, yêu cầu anh ngưng thi công. Sợ quá, anh đã bán lỗ lại đất và phần vật liệu xây dựng cho chủ đất.

Nhà bà Hiếu - vợ một “quan” ở Q.Thủ Đức xây dựng sai quy hoạch chiếm cả vỉa hè - Ảnh: Đình Sơn
Điều khiến anh bức xúc nhất là những căn nhà ở kế bên vô tư xây dựng thì anh lại bị đập bỏ và hiện nay căn nhà xây dựng dở dang của anh trước đây nay đã được chủ đất hoàn thiện thành một căn nhà khang trang.
Một trường hợp khác là nhà bà Phạm Thị Thảo, nhà ở địa chỉ 11/02 C QL1A, KP.5, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, mặc dù chỉ sửa chữa nhà, không thay đổi kết cấu nhưng cũng bị thanh tra xây dựng đập nhà ngay cận tết vừa qua. Theo bà Thảo, bà mua căn nhà trên cách nay rất lâu, do căn nhà bị xuống cấp, nên bà đã sửa chữa lại, không cơi nới, xây thêm, nhưng không hiểu sao vẫn bị đập. Hiện tại căn nhà 71m2 chỉ còn lại 21m2, nhưng không có nhà vệ sinh. Gia đình phải thuê thêm nhà bên cạnh cho mẹ già, con nhỏ ở và để có nơi đi vệ sinh. “21m2 còn lại cũng không ra nhà gì cả, vì kết cấu căn nhà thay đổi, hư hại, chỉ là nơi chui ra chui vào tránh mưa nắng”, bà Thảo ngậm ngùi. 
Tương tự, chị Hạnh, một người dân khác ở P.Linh Trung cũng kể rằng cùng xây dựng không phép như nhau nhưng nhà đập, nhà không. Chị Hạnh cho hay, biết mình xây dựng nhà vi phạm nên chấp nhận đập nhà. “Nhưng tôi xin để ra sau tết vì lúc đó mới sinh con được một tháng. Tuy nhiên, họ cương quyết đập”. Điều bức xúc là trong khi đó có rất nhiều căn nhà xây trái phép bị đập bỏ giống như chị thì nhà ông Nguyễn Thanh Tấn tại đường số 7, KP.3, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức rộng 105m2 và nhà số 62/1 đường 16, KP.1, P.Linh Trung của bà Đặng Thị Vị rộng 40m2 đều xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng không bị cưỡng chế. Được biết, ông Tấn là người nhà của một cán bộ thanh tra đô thị phường.
Người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước
 “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước (ngay sau hội nghị này, không phải chờ gì cả) tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can” - đó là nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị cán bộ toàn quốc do Bộ Chính trị triệu tập để phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị và Kế hoạch triển khai cuối tháng 2 vừa qua.
Đình Sơn
Nguồn : thanhnien.com.vn
Đây chỉ là những vi phạm lẽ tẻ tại một số Quận, huyện mà phóng viên đưa tin. Còn nhiều trường hợp vi phạm nhiều hơn, lớn hơn mà các báo, đài chưa dám chạm đến. Mong rằng sẽ có nhiều phóng viên có tâm huyết với nghề, không ngại khó khăn, nguy hiểm nhằm đưa những tên tham quan, sâu dân, mọt nước ra trước công luận. Xin cảm ơn những nhà báo, phóng viên dũng cảm.
Admin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét