Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Xử Lý Vi Phạm Tại Công Ty Hoàng Hải: Rối do sai phạm quá lớn


Nếu cưỡng chế tháo dỡ 90 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, giá trị thiệt hại ước khoảng 45 tỉ đồng

Xử Lý Vi Phạm Tại Công Ty Hoàng Hải: Rối do sai phạm quá lớn
Nhà máy Bia Vinaken của Công ty TNHH Tiến Đồng xây dựng không phép trên phần đất nông nghiệp, chưa được TP giao đất
Sau nhiều tháng triển khai và đề xuất các phương án xử lý cũng như khắc phục những sai phạm tại Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải (gọi tắt là Công ty Hoàng Hải, có trụ sở tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn -TPHCM), đến nay, tiến độ vẫn rất chậm và gặp nhiều vướng mắc do sai phạm quá lớn.
Nhà “mọc” trên đất nông nghiệp
Khó khăn nhất đối với UBND huyện Hóc Môn và các sở, ngành TPHCM khi giải quyết hậu quả sai phạm của Công ty Hoàng Hải là cho tồn tại hay không tồn tại gần cả trăm công trình xây dựng nhà ở và nhà xưởng nằm trên 4 khu đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sử dụng, thậm chí chưa được UBND TP giao đất. Hầu hết các công trình này đều là nhà ở, nếu tháo dỡ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Bốn khu đất nông nghiệp gồm: khu 5,2 ha với hiện trạng 54 công trình, gồm 51 căn nhà và 3 nhà xưởng; khu 18,3 ha với hiện trạng 6 căn nhà; khu 14 ha với hiện trạng 30 căn nhà và khu 18,4 ha với hiện trạng có 3 công trình xây dựng gồm một kho chứa hàng của Công ty Hưng Gia Nguyễn, Nhà máy Bia Vinaken và một văn phòng làm việc của Công ty Tiến Đồng. Theo Thanh tra TP, toàn bộ 4 khu đất nông nghiệp trên có 90 công trình, trong đó có 84 công trình nhà ở và 6 công trình nhà xưởng, nhà kho. Đến nay, UBND xã Bà Điểm phối hợp UBND huyện Hóc Môn và UBND TP ban hành quyết định xử phạt 29 trường hợp nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả theo quy định, 61 công trình còn lại vẫn đang chờ UBND TP có hướng giải quyết. 
Ngay từ đầu năm 2011, UBND huyện Hóc Môn đã ra thông báo yêu cầu các hộ dân thuộc 61 công trình này tự tháo dỡ nhưng cái khó là người dân không hề vi phạm mà họ đang “lãnh” cái sai của chủ đầu tư. Chưa kể, chủ đầu tư cũng ậm ờ, không đứng ra giải quyết, nếu tháo dỡ nhà, thiệt hại hoàn toàn do người dân gánh chịu. Sau nhiều lần thuyết phục không thành, UBND huyện Hóc Môn đã đề xuất UBND TP và các sở, ngành hai hướng giải quyết: Sẽ tiếp tục xử lý các công trình xây dựng vi phạm tại 4 khu đất trên hoặc cho phép tồn tại các công trình phù hợp quy hoạch 1/2000, do số lượng công trình xây trên đất nông nghiệp quá lớn, nếu cưỡng chế tháo dỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các hộ dân đã bỏ tiền mua đất và xây dựng. Ước giá trị thiệt hại khoảng 45 tỉ đồng, chưa kể chi phí tổ chức cưỡng chế 90 căn tương đương 1,8 tỉ đồng.
Chưa có lối ra
Theo thống kê của Thanh tra TP, riêng 3 dự án của Công ty Hoàng Hải được giao đất (dự án 20,1 ha; dự án 9,3 ha và dự án 5,2 ha) cũng có hàng trăm căn nhà xây dựng sai thiết kế, sai quy hoạch, nằm trên đất công trình công cộng… Chỉ tính riêng dự án 20,1 ha, có 114 công trình đã xây dựng gồm 100 căn nhà và 14 công trình xây trên đất công trình công cộng. Trong đó có 65 công trình vi phạm, đến nay chỉ xử lý được 9 trường hợp, 56 trường hợp còn lại đến nay vẫn chờ hướng xử lý. Còn dự án 9,3 ha có 39 công trình vi phạm, trong đó 4 công trình xây trên đất công trình công cộng, gồm 3 công trình sân tennis, sân bóng mini… được UBND huyện tạm thời cho tồn tại, riêng công trình nhà xưởng trồng cây thuốc nam, thảo dược của ông N.T.S chưa thể tháo dỡ do ông N.T.S có văn bản gửi UBND TP xin tồn tại công trình trên nên chính quyền địa phương vẫn chờ ý kiến của TP. 
Với 35 công trình vi phạm còn lại, chủ yếu là nhà xây dựng sai thiết kế so với quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc chưa đủ điều kiện khởi công, đến nay chỉ xử lý tháo dỡ 1 trường hợp, xử phạt 20 trường hợp, số còn lại vẫn chưa thể cưỡng chế hoặc không thuộc thẩm quyền của UBND huyện.
Đáng lưu ý là dự án 5,2 ha, chủ đầu tư đã tự ý dịch chuyển con đường số 14 về phía rạch Sa để tăng thêm 12 nền biệt thự, theo quy hoạch thì có 339 căn nhà, trong đó có 147 nền biệt thự nhưng khi thực hiện đã lên đến 159 nền. Chưa kể, một số tuyến đường nội bộ như đường số 14, TK16, TK8 và Hương lộ 80 nối dài đã bị chủ đầu tư làm sai quy hoạch, tự ý tăng, giảm kích thước mặt cắt ngang…
Trước những sai phạm này, UBND huyện Hóc Môn đã đề xuất UBND TP: Buộc tháo dỡ các công trình vi phạm, khôi phục hiện trạng theo đúng quy hoạch, chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trả lại tiền cho dân đối với 12 nền tăng thêm đã bán. Một phương án khác là cho phép tồn tại các công trình sai phạm và đường số 14, yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh quy hoạch, đồng thời hoán đổi phần diện tích cây xanh trong dự án theo quy hoạch được duyệt bố trí tại phần đất nơi khác trong dự án mà công ty đã đền bù cho dân và thực hiện nghĩa vụ tài chínhphát sinh. 
Nhiều dự án liên quan ông Nguyễn Văn Khỏe

Gần chục dự án sai phạm mà Công ty Hoàng Hải thực hiện đều ở trong thời điểm ông Nguyễn Văn Khỏe làm phó chủ tịch phụ trách đất đai, sau này là chủ tịch UBND huyện Hóc Môn. Ngày 18-11-2009, ông Ngô Quang Trưởng, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty, đã bị Công an TPHCM bắt khẩn cấp vì chủ mưu thuê nhóm xã hội đen giết ông Đặng Xuân Sĩ, nguyên phó giám đốc của công ty, do ông Sĩ gửi đơn tố cáo những sai phạm của ông Trưởng trong việc lập các dự án mua bán đất trên địa bàn huyện Hóc Môn. Hiện vụ án này đang chờ ngày xét xử.

Theo Hải Phong (Người Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét