Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

TP.HCM: Tiếp tục kiến nghị Chính phủ gỡ vướng để cấp giấy

Năm 2013, TP chi khoảng 140 tỉ đồng cho công tác cấp giấy.
UBND TP vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) trong năm 2013. Theo đó, TP đã hoàn thành việc cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ trước ngày 30-9 đủ điều kiện cấp giấy (đạt khoảng 99% so với chỉ tiêu được giao).
Hiện TP còn tồn đọng hơn 156.000 trường hợp nhà, đất chưa được cấp GCN, trong đó có hơn 120.000 trường hợp không đủ điều kiện. Gần 20.000 trường hợp người dân không có nhu cầu cấp giấy nên TP đang lập danh sách để quản lý. Số còn lại sẽ giải quyết xong đến thời điểm cuối năm 2013.
Thời gian qua TP đã có nhiều văn bản tháo gỡ vướng mắc nên sẽ có thêm hơn 7.000 trường hợp nhà ở riêng lẻ và nhà trong dự án được giải quyết cấp giấy.
Theo báo cáo, TP hiện đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cấp giấy như cách tính tiền sử dụng đất với trường hợp cấp trái thẩm quyền trước ngày 15-10-1993; mua bán giấy tờ tay; không phù hợp quy hoạch, xây không phép… Những vướng mắc này trước đây TP đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép cấp giấy cho dân nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Đáng chú ý, trong báo cáo lần này TP kiến nghị cấp GCN cho trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 (đối với quyền sử dụng đất) và sau 1-7-2006 (đối với nhà ở) vì việc liên lạc với chủ cũ để thực hiện đúng quy trình là rất khó khăn. Từ đó TP kiến nghị điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở theo hướng xử phạt vi phạm hành chính, sau đó cấp GCN theo quy định.
Đối với các trường hợp nhà ở xây dựng không phép từ sau ngày 1-4-2004 đến trước ngày 1-5-2009 (ngày NĐ 23/2009 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng có hiệu lực) hiện nay chưa có quy định xử lý. TP kiến nghị được xử lý như trường hợp xây sai phép: Nếu công trình không lấn chiếm không gian, đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, không ảnh hưởng công trình lân cận… thì cho phép chủ đầu tư giữ nguyên công trình với điều kiện khi thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 được duyệt, chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường.
VIỆT HOA
Nuồn: phapluattp.vn

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Cho phép tái phân lô bán nền khu đô thị

Các khu đô thị sẽ được phân lô bán đất nền, thay vì phải xây xong thô mới được bán như hiện nay, là điểm nổi bật trong Thông tư liên tịch số 20 do Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành, nhằm hướng dẫn nội dung Nghị định 11 có hiệu lực từ ngày 5.1.2014.

 Cho phép tái phân lô bán nền khu đô thị
Việc cho phép tái phân lô bán nền sẽ làm giảm đi những dự án xây thô rồi để lãng phí như thế này - Ảnh: L.Q
Người mua, người bán "dễ thở" hơn
 

Việc cho phép phân lô bán nền đã được luật Đất đai thông qua. Quy định này được nâng lên tầm của luật với mục đích là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân

Ông Đỗ  Việt Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

Theo thông tư, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân sẽ được chuyển quyền sử dụng đất trong khu đô thị để tự xây dựng nhà ở với điều kiện khu vực được chuyển quyền sử dụng đất phải đảm bảo đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu: giao thông, điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước... UBND cấp tỉnh quy định các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng…
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, cho rằng việc tái cho phép phân lô bán đất nền khi dự án đã làm xong hạ tầng sẽ phần nào gỡ vướng được cho thị trường đất nền; giảm chi phí đầu tư ban đầu, từ đó giảm giá thành sản phẩm, cả chủ đầu tư và dự án đều “dễ thở” hơn. Những người muốn mua đất nhưng chưa có nhu cầu xây nhà cũng dễ tiếp cận hàng hơn do không phải bỏ tiền mua phần nhà đã xây trên phần đất, đỡ lãng phí.
Giải thích lý do cho phép tái phân lô bán nền trở lại, ông Đỗ Việt Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, nói trước đây cấm phân lô bán đất nền nhằm kiểm soát về trật tự xây dựng đô thị, đảm bảo quy hoạch đô thị được tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều, đặc biệt ở thị trường đất nền nên đây là một trong những chính sách "nới" để tháo gỡ. “Quy định hiện nay bất cập ở chỗ nhiều nhà đầu tư nhỏ, sau khi xây dựng xong hạ tầng, nộp nghĩa vụ tài chính xong không đủ khả năng tài chính để tiếp tục lo chi phí xây nhà thô để bán. Bên cạnh đó, việc áp dụng chung một cơ chế không cho phép phân lô bán nền cho tất cả các đô thị từ lớn đến nhỏ cũng chưa phù hợp. Việc cho phép phân lô bán nền đã được luật Đất đai thông qua. Quy định này được nâng lên tầm của luật với mục đích là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân”, ông Chiến khẳng định.
Tháo gỡ có điều kiện
Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, kịch liệt phản đối việc cho tái phân lô bán đất nền tại bất cứ khu đô thị nào vì “đây chính là một trong những nguyên nhân chính tạo ra tình trạng nhà cửa lô nhô, phá vỡ không gian quy hoạch, cảnh quan kiến trúc”. “Ở nước ta, nhà nước vẫn cho phép thu hồi đất rồi giao chủ đầu tư làm dự án bất động sản thì đương nhiên phải làm xong nhà theo quy hoạch mới được bán. Có như vậy mới đảm bảo thực tế xây dựng luôn đúng với quy hoạch đô thị. Trên thế giới vẫn có nơi cho phân lô bán đất nền nhưng họ quản lý rất chặt về kiến trúc, cây xanh… Còn ở nước ta, quản lý xây dựng đô thị đã thiếu chặt chẽ mà còn cho phép như vậy thì cực kỳ nguy hiểm”, ông Liêm cảnh báo.
Về việc này, ông Chiến cho biết trong thông tư nêu rõ các vị trí nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị không được phân lô bán nền. Hộ gia đình, cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt. “Như vậy, tháo gỡ nhưng không phải tháo tự do mà có điều kiện để vừa đáp ứng được thực tiễn vừa đảm bảo quản lý trật tự đô thị”, ông Chiến nói.
Lê Quân
Nguồn: thanhnien.com.vn

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Bồi thường theo thời hạn sử dụng đất còn lại

Thửa đất còn thời hạn sử dụng nhiều hơn được bồi thường nhiều hơn so với thửa đất còn thời hạn sử dụng ít hơn.
Đó là điểm mới đáng chú ý trong Luật Đất đai 2013 và được hướng dẫn trong Dự thảo nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vừa được Bộ TN&MT đưa ra lấy ý kiến các địa phương.
Thời hạn khác nhau thì bồi thường khác nhau
Cụ thể, việc bồi thường đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, tức là đất sản xuất, kinh doanh phải căn cứ vào thời hạn sử dụng đất còn lại. Quy định trên áp dụng với cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư đang có đất này được giao đất, được thuê đất trước và sau 1-7-2014, thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.
Điều này khác với Luật Đất đai 2003, với loại đất trên không quy định bồi thường theo thời hạn sử dụng đất còn lại mà tất cả trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất thì bồi thường như nhau.
Minh họa cho điểm mới này, ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai), đưa ra ví dụ: Theo Luật Đất đai 2003, hai thửa đất gần nhau được giao để sản xuất, kinh doanh với thời hạn 50 năm. Một thửa được giao trước, ông A đã sử dụng 20 năm, một thửa được giao sau, bà B đã sử dụng 10 năm. Khi thu hồi đất, hai thửa đất này được bồi thường như nhau. Như vậy là không hợp lý.
Theo dự thảo, việc bồi thường đối với đất phi nông nghiệp là đất sản xuất, kinh doanh phải căn cứ vào thời hạn sử dụng đất còn lại. Ảnh: HTD
Cũng theo ông Tuân, việc bồi thường cào bằng như lâu nay đối với đất sản xuất, kinh doanh khiến Nhà nước bị thiệt. Vì đất đã được sử dụng rồi nhưng vẫn được bồi thường hoàn toàn, chỉ nhà đầu tư được giao, được thuê đất là có lợi.
Khắc phục tồn tại này, theo Luật Đất đai 2013 và Dự thảo nghị định hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì với trường hợp trên, thửa đất còn thời hạn sử dụng nhiều hơn sẽ được bồi thường nhiều hơn so với thửa đất còn thời hạn sử dụng ít hơn.
Đất lúa không thay đổi
Việc bồi thường theo thời hạn như trên không được áp dụng với đất ở và đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/1993. “Vì đất ở là giao vĩnh viễn. Với đất nông nghiệp, tuy là giao có thời hạn nhưng thực chất cũng là giao vĩnh viễn. Chỉ khi người sử dụng không có nhu cầu sử dụng trả lại đất hoặc Nhà nước cần lấy đất đó để làm việc khác thì Nhà nước mới thu hồi” - ông Tuân giải thích.
Để giải quyết những vấn đề phát sinh, dự thảo nghị định hướng dẫn: Đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định nghị định này.
Không bồi thường với đất dự án bỏ hoang
Ông Tuân cho biết Luật Đất đai 2013 vừa được ban hành có điểm mới tháo gỡ được vướng mắc hiện nay. Theo đó, không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Theo Luật Đất đai 2003, với vi phạm trên, khi thu hồi, Nhà nước phải bồi thường chi phí mà nhà đầu tư đã đầu tư vào đất. “Với quy định ấy, hầu hết trường hợp có vi phạm như vậy Nhà nước không thu hồi được vì không có tiền để bồi thường” - ông Tuân nói và lấy ví dụ cụ thể - “Khu đô thị, KCN mà tiến độ sử dụng đất chậm nhưng ở đó người ta đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì Nhà nước không có đủ tiền để bồi thường. Vì vậy Nhà nước không thể thu hồi được đất này. Quy định mới trong Luật Đất đai 2013 đã khắc phục được tồn tại của luật cũ”.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng. Trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo thời hạn sử dụng đất còn lại đối với đất sử dụng có thời hạn.
Luật Đất đai 2013
Việc bồi thường đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện trong các trường hợp: Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, mà tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất, thời hạn sử dụng vẫn còn; đất Nhà nước giao sử dụng có thời hạn trước 1-7-2014, ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, mà tại thời điểm thu hồi đất, thời hạn sử dụng vẫn còn.
Dự thảo nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
HOÀNG VÂN
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Bốn năm ách tắc tiền sử dụng đất

Hai cách áp giá sẽ khiến khoản phí sử dụng đất của dự án chênh lệch nhau gấp nhiều lần.
Dự án được giao đất từ tháng 7-2009 nhưng kéo dài đến nay chưa xác định xong khoản tiền sử dụng đất chủ đầu tư phải nộp. Phía công ty vẫn đang chờ quyết định cuối cùng, trong khi các cơ quan chức năng vẫn tranh cãi về phương thức áp dụng tính phí.
Sở Tài chính: Phải nộp theo giá thị trường
Dự án đầu tư chung cư và cao ốc văn phòng tại phường 16, quận 8 do Công ty Dũng Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Theo phân tích của Sở Tài chính, Nghị định 17/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Nghị định 198/2004 nêu: Giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá theo mục đích sử dụng đất được giao. Nếu tại thời điểm giao đất, giá này chưa sát với giá thị trường thì UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể cho phù hợp. Với pháp lý trên, các trường hợp được giao đất kể từ ngày 27-2-2006, tức ngày Nghị định 17 có hiệu lực thì tiền sử dụng đất phải nộp theo giá thị trường.

Giải đáp thắc mắc về thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Sở Tài chính cho biết thêm trường hợp trên đã được Sở Tư pháp nghiên cứu. Tháng 4-2012, Sở Tư pháp có công văn trả lời về việc áp giá các khu đất có vị trí mặt tiền đại lộ Đông Tây năm 2009. Theo đó, từ ngày 2-9-2009 (ngày thông xe đại lộ) đến trước ngày 1-10-2009 (ngày Nghị định 69 có hiệu lực), trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất sẽ áp dụng theo Nghị định 123/2007. Cụ thể, tiền sử dụng đất được căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường và TP sẽ quyết một mức cụ thể. Sở Tư pháp đề nghị TP giao cho liên sở tham mưu, trình TP quyết định mức nộp cụ thể.
Sau đề xuất của Sở Tư pháp, theo chỉ đạo của TP, Sở Tài chính đã có hai văn bản vào tháng 1-2013 và tháng 7-2013, xác định tiền sử dụng đất của Công ty Dũng Thịnh Phát là nộp theo cơ chế thị trường.
Cục Thuế: Rành rành là áp bảng giá đất
Ngược với ý kiến trên, Cục Thuế TP cho biết trường hợp này phải tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do TP ban hành năm 2009. Theo cơ quan này, biên bản cuộc họp liên sở năm 2010, Sở Tài chính có tham dự và xác nhận đã thống nhất: “Dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất từ ngày 1-1-2009 đến trước ngày 2-9-2009, tiền sử dụng đất xác định theo bảng giá đất do TP ban hành, tại thời điểm này đại lộ Đông Tây chưa thông xe, các dự án chưa được hưởng lợi trực tiếp, do đó đối với con đường (chưa có tên hoặc đã có tên) nhưng chưa có giá trong bảng giá đất của TP thì áp dụng giá đất hẻm của con đường có giá cao nhất dẫn vào khu đất…”.
Trước đó, do đại lộ Đông Tây tại thời điểm giao đất chưa thông xe nên Cục Thuế mới hỏi ý kiến các sở, ngành phương thức áp giá nhằm đảm bảo tính pháp lý. Về ý kiến của Sở Tư pháp, Cục Thuế cho rằng công văn đó dành cho các trường hợp giao đất, cho thuê đất từ ngày thông xe đại lộ (2-9-2009) đến ngày Nghị định 69/2009 có hiệu lực (1-10-2009). Trong khi vào năm 2010, Sở Tư pháp từng ra công văn nêu nội dung: “Công ty Dũng Thịnh Phát đã được TP giao đất, thuộc trường hợp tính nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng và các sở, ngành đã có cuộc họp thống nhất”.
Công ty Dũng Thịnh Phát được giao đất từ tháng 7-2009, cũng trong năm này, Sở TN&MT đã chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính cho công ty. Do đó cục nhấn mạnh: “Trường hợp này tiền sử dụng đất áp dụng theo bảng giá đất TP ban hành hằng năm, không thu thêm khoản tiền chậm nộp theo Nghị định 120 vì việc kéo dài thời gian xác định nghĩa vụ tài chính thuộc trách nhiệm của các sở, ngành”. Hiện vụ việc đang được TP giao lại cho Sở Tư pháp chủ trì và có ý kiến.
CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Dự án sai phạm của Hoàng Hải: Nhiều hướng xử lý, dân vẫn lo

Sở Xây dựng TP HCM đã đề xuất hướng xử lý cụ thể cho 3 dự án và 4 khu đất nông nghiệp do Công ty CP Kinh doanh nhà Hoàng Hải làm chủ đầu tư nhưng người dân vẫn chưa hết băn khoăn
Với những công trình nằm trong phạm vi 3 dự án đã có quyết định giao đất (gồm dự án 20,1 ha, 9,3 ha và 5,2 ha), tùy từng loại công trình, hướng xử lý được Sở Xây dựng TP HCM đề xuất khác nhau. Tinh thần là cho tồn tại theo hiện trạng (với nhà ở, nhà trọ) sau khi chủ đầu tư liên hệ với các cơ quan chuyên môn điều chỉnh lại vị trí và lập hồ sơ thiết kế theo quy định.
Xây lậu: Thu hồi, tháo dỡ!
Sở Xây dựng TP HCM đề xuất đối với các nhà xưởng, kho thì tháo dỡ và cải tạo phù hợp chức năng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Riêng sân tennis, sân bóng đá phải lập hồ sơ thiết kế trình cơ quan thẩm quyền.
Khu nhà ở nằm trên đất nông nghiệp do Công ty Hoàng Hải xây dựng 
bỏ dang dở nhiều năm nay đang chờ giải quyết Ảnh: THU HỒNG

Bên cạnh đó, đề xuất của Sở Xây dựng và UBND huyện Hóc Môn vừa được Chủ tịch UBND TP HCM chấp thuận là các trường hợp nhà, đất đã chuyển người từ Công ty Hoàng Hải trước đây, có quyền sử dụng đất hợp lệ thì được mua bán, chuyển nhượng và thực hiện các quyền lợi hợp pháp theo quy định.
UBND TP cũng giao huyện Hóc Môn căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 tại khu vực được phê duyệt và hiện trạng sử dụng đất để khẩn trương lập quy hoạch chi tiết 1/500 làm căn cứ xử lý vi phạm xây dựng.
Điều đáng lưu ý, với 83 công trình nhà ở của người dân nằm trong 4 khu đất nông nghiệp, Sở Xây dựng kiến nghị TP tạm thời giữ nguyên hiện trạng chờ UBND huyện Hóc Môn điều chỉnh quy hoạch 1/2.000. Sau đó, lựa chọn nhà đầu tư và UBND huyện tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định thu hồi, giao đất theo đúng quy định.
Lý giải việc đề xuất cách xử lý trên, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho biết: 83 công trình nhà ở này đều xây trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất nên không hợp pháp. Cả 3 công trình xây dựng trên 4 khu đất này (Nhà máy bia Vinaken, một nhà kho, một nhà xưởng) cũng bị sở đề xuất UBND TP ban hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ.
Đất đền bù khống, thưa kiện ra sao?
Ông Trần Văn Thanh (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) - người bị giám đốc Công ty Hoàng Hải là ông Ngô Quang Trưởng (đang thụ án vì tội chủ mưu giết thuộc cấp) đền bù khống hàng chục ngàn mét vuông đất nằm trong dự án khu nhà ở 5,2 ha - bức xúc: “Công ty Hoàng Hải đã thương lượng hoán đổi 5 nền đất trong dự án cho gia đình tôi. Tuy nhiên, gần 10.000 m2 đất nông nghiệp bị công ty tự ý sang tên cho ông Trưởng hiện vẫn chưa được đền bù nên quyền lợi đất treo luôn”.
Trong báo cáo đề xuất hướng xử lý của Sở Xây dựng không đề cập việc giải quyết các trường hợp trên. Khi chúng tôi liên hệ UBND huyện Hóc Môn, đại diện huyện cho rằng đây là tranh chấp dân sự, người dân nên thưa kiện Công ty Hoàng Hải.
Biết chuyện này, ông Thanh thở dài: “Chẳng khác nào dồn dân vào chỗ khó! Ông Trưởng đã bị bắt, chờ ngày xử án tử, công ty như rắn mất đầu, hiện không được thực hiện các giao dịch mua bán đất đai, tài sản nên chắc chắn không ai giải quyết cho chúng tôi.
Ngoài ông Thanh, còn một số trường hợp khác bị ông Trưởng đền bù khống hàng ngàn mét vuông đất nhưng bi đát hơn, họ không phát hiện kịp nên không được hoán đổi nền đất nào và vẫn trông đợi vào hướng xử lý của địa phương. Những hộ dân và chủ nhà xưởng nằm trong 4 khu đất nông nghiệp khi nghe cách xử lý nêu trên đã không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty Hưng Gia Nguyễn, băn khoăn: “Tôi mua hơn 4.000 m2 đất và trả tiền đầy đủ cho Công ty Hoàng Hải từ năm 2009. Bao nhiêu tài sản đều dồn vào kho xưởng này, trong lúc làm ăn khó khăn, nếu phải tháo dỡ và di chuyển sang chỗ khác thì càng khó hơn. Chưa kể, sau khi tháo dỡ phần nhà xưởng, khu đất của chúng tôi sẽ tính ra sao? Chúng tôi kiến nghị TP xem xét cho đóng thuế, làm nghĩa vụ tài chính để được tồn tại hợp pháp”.
Nhiều hộ dân khi bày tỏ nguyện vọng nếu khi đổi chủ đầu tư khác, huyện Hóc Môn nên đề xuất chủ đầu tư lập quy hoạch sao cho các khu nhà của dân được tồn tại hợp pháp.
Tránh để dân thiệt hại
Chiều 19-12, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã có buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội huyện Hóc Môn 3 năm qua. Trong đó, việc xử lý sai phạm tại Công ty Hoàng Hải đã làm nóng cuộc họp.
Sau khi xem xét trên bản đồ từng dự án và 4 khu đất nông nghiệp, ông Tín yêu cầu các sở, ngành và huyện Hóc Môn nên tách việc giải quyết sai phạm của Công ty Hoàng Hải ra 2 phần: Vi phạm pháp luật của chủ đầu tư và quyền lợi chính đáng của người dân. Những dự án nào chưa có quy hoạch như các khu đất nông nghiệp thì xem xét, nếu phù hợp thì làm quy hoạch. Riêng các hộ dân có nhà trên đất nông nghiệp, nếu đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì nên xem xét cấp giấy tờ sau khi tiến hành lập quy hoạch đầy đủ. “Đây là cái sai của chủ đầu tư, cái sai của quản lý nhà nước chứ không phải của dân” - ông Tín nhấn mạnh.

THU HỒNG - QUÝ HIỀN
 Nguồn: nld.com.vn
Phóng viên báo người lao động lấy tin nhưng chưa chính xác và khách quan. Phóng viên dùng từ "Xây lậu: Thu hồi, tháo dỡ!" Câu này không đúng, vì người dân chúng tôi mua nền đất trong khu dân cư do công ty Hoàng Hải làm chủ đầu tư, trước khi mua nhiều người dân cũng lo sợ tính pháp lý của của dự án nên đã đến UBND xã Bà Điểm để xác minh. Cán bộ quản lý xã (thời điểm có liên quan) trả lời với chúng tôi "mua đất trong dự án Hoàng Hải thì xây dựng theo hướng dẩn của công ty là được" khi mua nền và nhận đất chúng tôi chỉ báo cho công ty xuống xác định ranh đất và xây dựng, căn nhà 1 trệt + 2 lầu xây dựng nhanh lắm là 4 tháng, vật tư tập kết bằng xe tải 10 tấn, khi xây dựng xong phần móng thì báo với quản lý đô thị xã để nghiệm thu, cả 100 căn như thế mà bảo là xây lậu thì không hiểu sao ?
Phó chủ tịch UBND thành phố cũng có nhận xét " “Đây là cái sai của chủ đầu tư, cái sai của quản lý nhà nước chứ không phải của dân” nhưng cũng chưa thỏa đáng mà phải nói rằng "Do một số cán bộ thoái hóa biến chất của 2 cấp chính quyền UBND xã Bà Điểm và UBND huyện Hóc Môn (thời điểm liên quan) đã câu kết hổ trợ công ty Hoàng Hải, xác nhận số liệu khống để được giao đất, phân lô bán nền trong khi chưa được thành phố giao đất. Nếu cán bộ nhà nước  quản lý chặt chẻ thì không có cái sai của công ty Hoàng Hải, người dân chúng tôi là nạn nhân"
Chúng tôi là những người dân đã chịu nhiều đau khổ trong nhiều năm qua vì mua đất mà không được xây nhà, phải đi ở nhà thuê, nhiều người đã xây được nhà nhưng chưa được cấp giấy tờ hợp pháp, sống lưu trú trong căn hộ của mình, gặp nhiều khó khăn trong việc học tập của con, cháu. Mong các anh chị phóng viên, báo đài đưa tin chính xác hổ trợ người dân chúng tôi vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Xin chân thành cảm ơn.
Hồ Hữu Lộc
0982746199

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

TIN VUI CHO BÀ CON CÓ NHÀ ĐẤT TRONG KDC HOÀNG HẢI

Chúng tôi vừa nhận được tin, Chủ tịch UBND thành phố đã có kết luận xử lý những vi phạm liên quan đến các dự án do Cty CP ĐTKD nhà Hoàng Hải thực hiện tại xã Bà Điểm huyện Hóc Môn.
Sau khi nghe báo cáo của các Ban ngành Thanh tra thành phố, Công an thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Hội đồng thẩm định bồi thường Thành phố, Huyện ủy và UBND huyện Hóc Môn.
Chủ tịch UBND TP có kết luận chỉ đạo:
1/- Giao Sở Xây dựng trực tiếp làm việc với Thường trực Huyện ủy và Thường trực UBND huyện Hóc Môn để thống nhất hướng xử lý cụ thể đối với từng loại vi phạm xây dựng, đảm bảo chặc chẽ, kiên quyết khả thi và đúng quy định pháp luật; báo cáo, đề xuất trình UBND thành phố xem xét, giải quyết. Thời gian thực hiện là 20 ngày.

2/-Giao Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn căn cứ đồ án diều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại khu vực phê duyệt và hiện trạng sử dụng đất để khẩn trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 làm căn cứ xử lý vi phạm xây dựng, xem xét giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng cho các hộ dân đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không giao công ty cổ phần Hoàng Hải tham gia đầu tư hoặc thực hiện lập các thủ tục điều chỉnh quy hoạch các khu đất liên quan xử lý vi phạm xây dựng.
3/- yêu cầu Cục thuế báo cáo xử lý tiền nợ thuế của công ty Hoàng Hải.
4/- Giao Thanh tra thành phố kiểm tra việc thực hiện.

Qua những thông tin trên chúng ta cũng thấy lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo huyện cùng các ban ngành hữu quan đã nổ lực giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại những hậu quả do Công ty Hoàng Hải gây ra. Mong bà con an tâm chờ đợi.
Thay mặt Cộng đồng dân cư Hoàng Hải xin gởi lời cảm ơn đến các vị lãnh đạo Thành phố, các Ban ngành hữu quanThành phố, lãnh đạo huyện Hóc Môn và các Ban ngành hữu quan của huyện.
Hồ Hữu Lộc
0982746199