Trong thời gian chờ được cấp giấy chủ quyền, người dân gần như bị đình trệ mọi giao dịch, từ mua bán đến thế chấp vay ngân hàng, thậm chí là di chúc thừa kế…
Điệp khúc “đang làm”
Khu dân cư (KDC) Bình Lợi và khu nhà ở ven sông Sài Gòn thuộc P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM có không dưới 10 dự án nhà ở với hàng ngàn hộ dân. Hầu hết các dự án này đều được phê duyệt từ cách đây khoảng trên dưới 10 năm nhưng đa phần vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền (GCQ), dù nhà cửa đã được xây dựng san sát. Đơn cử, dự án KDC Bình Hòa (P.13, Q.Bình Thạnh) do Công ty Đại Phúc làm chủ đầu tư, từ số 116/8 Bình Lợi chạy ra gần bờ sông Sài Gòn hầu hết đã được cấp GCQ, còn lại khoảng 13 hộ từ 116/8 đổ lại đường Bình Lợi vẫn chưa được cấp, trong khi những hộ dân tại đây cho biết họ đều mua nhà hợp pháp…
Nhiều hộ dân trong Khu dân cư Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh) hơn 10 năm chưa được cấp giấy chủ quyền - Ảnh: H.N |
Có không ít chủ đầu tư cứ im lặng trước nguyện vọng chính đáng của người dân về giấy tờ nhà, hoặc khi người dân hỏi thì họ trả lời “chờ và đang làm”. Sự việc diễn biến trong suốt nhiều năm khiến không ít người đặt nghi vấn: phải chăng chủ đầu tư đã đem giấy tờ khu đất thế chấp ngân hàng? Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, nhìn nhận có tình trạng này. Trong buổi làm việc cuối năm 2012 với Ban Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM về đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận, ông Nam yêu cầu khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư mà nhận thấy chủ đầu tư đã xây dựng nhà xong và bàn giao cho khách hàng thì phải ghi chú trên giấy chứng nhận nội dung: “Chủ đầu tư phải giao hồ sơ cấp giấy chứng nhận ngay cho người mua nhà” để đảm bảo chủ đầu tư không sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp.
|
Lỗi chủ đầu tư, hậu quả dân chịu
160 hộ dân thuộc dự án KDC Cầu Kinh (tổ 90A, 90B, KP.5, P.25, Q.Bình Thạnh) do Công ty phát triển nhà Q.Bình Thạnh làm chủ đầu tư cũng đã hơn 10 năm nay chưa được cấp GCQ, mà nguyên nhân chính là chủ đầu tư mắc phải hàng loạt sai phạm về quy hoạch. Theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt, KDC này có một khu công viên, nhưng không hiểu vì lý do gì khu công viên lại được giao một đơn vị khác để rồi gần như toàn bộ bị biến thành sân bóng. Bà Phạm Thanh Vân, Tổ trưởng Tổ dân phố 90A, bức xúc: “Đường sá xuống cấp, cống nghẹt cũng không được ai quan tâm sửa chữa. Lỗi của chủ đầu tư, của cơ quan nhà nước nhưng hậu quả thì người dân phải gánh chịu”.
Một vấn đề khiến người dân bức xúc hơn là trước đây họ mua nhà đất tính bằng vàng, mỗi hộ giữ lại 20% giá trị (tương đương 10 cây vàng) chờ hoàn thành GCQ sẽ thanh toán hết. Thời điểm năm 2000, 10 cây vàng chỉ khoảng vài chục triệu đồng nhưng đến nay đã lên đến vài trăm triệu đồng. “Nếu vẫn cứ tính theo giá vàng hiện nay thì người dân chúng tôi thiệt thòi quá lớn”, ông Đỗ Bình Trị, cán bộ hưu trí ở tổ 90B, nói. Chưa hết, ông Trị cho biết thêm do không có GCQ nên nhiều người làm ăn kinh doanh muốn thế chấp ngân hàng để vay vốn cũng không được, ngay bản thân ông nay đã già muốn làm di chúc thừa kế nhà lại cho con cái cũng không thể thực hiện…
Thiên Long - Hải Nam