Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Từ 1-7: giảm 40 thủ tục hành chính về đất

TT - Theo Luật đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thủ tục hành chính về đất giảm về số lượng và cả thời gian thực hiện.
Thủ tục hành chính về đất theo Luật đất đai mới sẽ đơn giản hơn. Trong ảnh: người dân làm thủ tục nhà, đất tại quận Tân Bình (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), cho biết việc giảm thủ tục nhằm cải cách thủ tục hành chính và ông mong tinh thần này được triển khai đến tận các cơ quan thực hiện để người dân thật sự được hưởng lợi.
Không đăng ký đất sẽ bị phạt
Luật đất đai 2013 bắt buộc người sử dụng đất và người được giao quản lý đất phải đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, không kể có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (gọi là giấy chứng nhận) hay không. Theo Bộ TN-MT, mục đích của việc đăng ký là để ghi nhận tình trạng pháp lý sử dụng đất trong thời điểm đăng ký. Như vậy, tất cả những người sử dụng đất đều phải đăng ký và Bộ TN-MT sẽ không tổ chức kê khai đất đai định kỳ như thời gian qua. Trường hợp người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... thì phải đăng ký trong 30 ngày kể từ khi có biến động. Trường hợp thừa kế tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế, không đăng ký đúng thời hạn sẽ bị phạt.
Theo nghị định 43 (hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013), thủ tục đăng ký tương tự như thủ tục cấp giấy chứng nhận. Nếu người dân không có nhu cầu cấp giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, cơ quan nhận đăng ký sẽ cập nhật thông tin thửa đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Ngoài ra, nhiều thủ tục hành chính về nhà, đất cũng được rút ngắn thời gian thực hiện. Thủ tục giao đất, cho thuê đất trong thời hạn 20 ngày, chuyển mục đích sử dụng đất là 15 ngày, đăng ký đất đai, cấp giấy chủ quyền nhà, đất không quá 30 ngày (quy định hiện hành là 55 ngày)... Số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng giảm còn khoảng 1/3 so với thực hiện thủ tục theo Luật đất đai 2003. Theo thống kê của Sở TN-MT TP.HCM, từ ngày 1-7 chỉ còn 23 thủ tục về đất đai thay thế cho 63 thủ tục hiện nay. Như vậy giảm 40 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành.
Luật đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn công nhận thêm tám loại giấy tờ làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Cụ thể như sổ mục kê, sổ kiến điền lập trước ngày Luật đất đai năm 1980 có hiệu lực (18-12-1980), những giấy tờ được lập trong quá trình đăng ký kê khai nhà, đất theo chỉ thị 299 năm 1980 của Thủ tướng, dự án hoặc danh sách, văn bản về di dân đi xây dựng khu kinh tế mới... Theo Bộ TN-MT, các loại giấy tờ này đã tồn tại trong thực tế nhưng các Luật đất đai trước quy định chưa đầy đủ nên người dân chưa được cấp giấy chủ quyền.
Hợp đồng thuê đất không phải công chứng
Theo quy định mới, chỉ những hợp đồng giao dịch về đất như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực. Những hợp đồng giao dịch còn lại như cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Các tổ chức kinh doanh bất động sản chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà và tài sản khác gắn liền với đất cũng không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng. Các bên trong giao dịch có thể tự thỏa thuận về việc này.
Ở TP.HCM, hiện việc chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến nhà, đất được giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và UBND quận, huyện, xã, phường không chứng thực các hợp đồng này. Ông Hoàng Mạnh Thắng, phó phòng công chứng số 7 TP.HCM, cho rằng việc không bắt buộc công chứng hợp đồng thuê nhà trước mắt sẽ thuận lợi hơn cho người dân. Trên thực tế, nhiều thủ tục pháp lý của các ngành khác hiện nay vẫn đòi hỏi hợp đồng thuê nhà phải được công chứng, chứng thực như thủ tục cấp giấy phép kinh doanh... Nếu không sửa đổi những quy định khác cho phù hợp với Luật đất đai 2013 thì quy định này tuy có lợi cho dân nhưng sẽ khó áp dụng trong thực tế.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị: “Các biểu mẫu để làm hồ sơ về nhà, đất phải rõ ràng, ngắn gọn, một mẫu có thể dùng được trong nhiều thủ tục và công khai trên mạng. Người dân có thể lấy biểu mẫu trên mạng hoặc photo để làm hồ sơ, thủ tục chứ không phải đến tận cơ quan cấp giấy để lấy mẫu hồ sơ. Ông Hiển cũng lưu ý các cơ quan chức năng: “Mẫu phải gọn, phổ biến và càng ít mẫu càng tốt. Loại giấy tờ nào cần UBND phường xác nhận mới buộc xác nhận, còn không thì thôi. Ngay cả những mẫu cần xác nhận mà phường không biết thì thôi, không buộc phải có để đỡ khó cho dân, hoặc bắt dân phải chờ đợi. Các thủ tục hành chính phải đơn giản để tránh trường hợp dân bị nhũng nhiễu”.
DƯƠNG NGỌC HÀ
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp
Theo Luật đất đai 2013, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chỉ còn một cấp ở tỉnh, trực thuộc sở TN-MT. Tại các quận, huyện sẽ có các chi nhánh của văn phòng đăng ký. Theo Bộ TN-MT, mô hình văn phòng đăng ký một cấp đã được thí điểm thành công tại Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai. Trong tương lai, sở TN-MT sẽ là đầu mối theo dõi tất cả dữ liệu về biến động đất đai, trong đó có biến động do giao dịch.
Theo Bộ TN-MT, cơ quan này sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng dữ liệu nhà, đất cho các địa phương và tiến tới phương án người dân có thể đăng ký đất đai ở bất kỳ nơi nào trong phạm vi tỉnh, thành nơi có đất chứ không nhất thiết chỉ đến chi nhánh văn phòng đăng ký tại quận, huyện nơi mảnh đất tọa lạc để đăng ký.
Báo cháy gọi 114
Đây là số điện thoại báo cháy thống nhất trong cả nước được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy. Bên cạnh đó, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật tiếp công dân... cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Tuổi Trẻ giới thiệu một số nội dung đáng lưu ý của các luật này.
* Người gây lãng phí phải bồi thường thiệt hại
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của luật này để xảy ra lãng phí phải có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đồng thời, người vi phạm phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền cũng phải có trách nhiệm giải trình và tùy theo mức độ mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Tổng thanh tra phải tiếp dân ít nhất 1 lần/tháng
Theo Luật tiếp công dân, trụ sở tiếp công dân ở trung ương được đặt tại Hà Nội và TP.HCM, là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh với các cơ quan trung ương của Đảng, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ. Ban tiếp công dân trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các trụ sở tiếp công dân ở trung ương.
Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Nội chính trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân trung ương thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân ở trung ương.
Cần lưu ý, tổng thanh tra Chính phủ, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất một ngày trong một tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định. Gồm có: vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
* Số điện thoại báo cháy là 114
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy nghiêm cấm các hành vi: mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người và không báo cháy khi có điều kiện báo cháy, trì hoãn việc báo cháy.
Về bảo hiểm cháy, nổ, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm cháy, nổ. Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó. Chính phủ quy định và công bố danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; điều kiện, mức phí bảo hiểm cháy, nổ; số tiền bảo hiểm tối thiểu.
Thông tin báo cháy bằng hiệu lệnh hoặc bằng điện thoại. Số điện thoại báo cháy được quy định thống nhất trong cả nước là 114. Phương tiện thông tin liên lạc phải được ưu tiên để phục vụ báo cháy, chữa cháy.
BÁ TRUNG
Nguồn: diaoc.tuoitre.vn
Đưa tin: Hữu Lộc

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Thông báo của Ủy ban nhân dân Tp. HCM về xử lý vi phạm và cấp giấy chứng nhận tại KDC Hoàng Hải

Văn phòng Ủy ban nhân dân Tp. HCM đã ra Thông báo số 12/TB-VB ngày 08/01/2014, Về kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Hữu Tín liên quan xử lý vi phạm xây dựng, cấp giấy chứng nhận tại 03 dự án và 04 khu đất nông nghiệp do Công ty cồ phần Hoàng Hải thực hiện đầu tư tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. (xem bản photo copy)

Qua thông báo trên bà con có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan trong KDC Hoàng Hải cũng an tâm. Vấn đề là thời gian. Nếu trường hợp các cấp chính quyền không thực hiện đúng thời gian thì chúng ta sẽ làm văn bản nhắc nhở.
Hữu Lộc