Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, đất

Thứ hai, 07/10/2013, 08:08 (GMT+7)
Tại hàng loạt dự án nhà ở, khách hàng đang bị chủ đầu tư “treo” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (gọi tắt là sổ hồng) mặc dù họ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Mới đây, UBND TPHCM đã đồng ý với đề xuất của Sở TN-MT về việc cấp thẳng sổ hồng cho khách hàng.
Chủ đầu tư lách luật
Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư phải xây dựng xong nhà ở mới được phép chuyển nhượng. Tuy nhiên thời gian qua tại TPHCM, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở không tuân theo quy định mà tìm cách lách luật. Bởi đơn giản một dự án có mức đầu tư rất lớn xây xong mới tiến hành kinh doanh rủi ro sẽ lớn, khả năng tài chính của chủ đầu tư lại không đáp ứng. Do đó khi dự án bắt đầu triển khai hoặc đã xây dựng một phần hạ tầng thì chủ đầu tư bắt đầu “bán” cho khách hàng. Phương thức này vừa huy động được tiền của khách hàng vừa “nắm chắc” đầu ra. “Hợp đồng góp vốn”, “hợp tác đầu tư” là những hình thức lách luật mà các chủ đầu tư thường áp dụng. Theo đó, khách hàng đồng ý góp tiền cho chủ đầu tư theo tiến độ xây dựng hạ tầng hoặc trả một lần để nhận nền đất. Sau đó khách hàng tự xây dựng theo mẫu nhà được duyệt của cơ quan chức năng.
Bản chất “hợp đồng góp vốn” hay “hợp tác đầu tư” là mua bán nền đất giữa khách hàng và chủ đầu tư. Sau khi khách hàng xây dựng xong, lúc này chủ đầu tư mới tiến hành hoàn công ra sổ hồng đứng tên công ty, tiếp đó hai bên ra công chứng mua bán sang tên cho khách hàng. Lúc này căn nhà mới thực sự “chính chủ” của người mua.
Rất ít dự án nhà ở được chủ đầu tư xây xong mới bán như dự án này. Ảnh: BÌNH MINH
Tuy nhiên để được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng, chủ đầu tư phải đảm bảo hàng loạt điều kiện như thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoàn thành cơ sở hạ tầng được duyệt, xây dựng đúng quy định… Chính vì vậy, có những dự án khách hàng sau khi xây nhà xong cả chục năm nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp sổ hồng. Cụ thể dự án KDC An Sương (quận 12) do Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh nhà làm chủ đầu tư đã được xây dựng cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay người dân mua nhà nơi đây vẫn chưa được cấp chủ quyền. Nhiều dự án thuộc KDC Bình Hòa (Bình Thạnh) người dân “góp vốn” với chủ đầu tư tự xây nhà cũng cả chục năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp chủ quyền.
Ông H., một người dân “mua đất” trong một dự án nhà ở tại quận 12, cho biết đã đóng đủ tiền cho chủ đầu tư, sau đó họ nhận được một biên bản bàn giao nền đất và tự xây nhà. Nhà đã xây xong gần 5 năm nay nhưng chủ đầu tư liên tục thất hứa, không chịu tiến hành làm sổ hồng để hai bên chính thức ký hợp đồng mua bán.
        Cấp sổ hồng cho khách hàng
Thông tin TPHCM sẽ cấp thẳng sổ hồng cho những khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở nếu chủ đầu tư không chịu làm được nhiều người quan tâm. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết đề xuất này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà. Tuy nhiên để thực hiện được cần phải rà soát từng dự án xem có còn vướng mắc gì nữa không. Nếu khách hàng đã nộp đủ tiền cho chủ đầu tư và không có tranh chấp gì, chủ đầu tư cũng đã nộp tiền sử dụng đất cho dự án nhưng chủ đầu tư không chịu làm sổ cho khách hàng, cơ quan chức năng sẽ gửi văn bản yêu cầu làm việc, nếu chủ đầu tư không hợp tác thì những trường hợp này có thể cấp thẳng cho người mua mà không cần thông qua chủ đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có tình trạng rất phổ biến là trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay tiền, nay không có khả năng giải chấp để hoàn công ra sổ hồng cho khách hàng. Trong khi đó tiền của khách chủ đầu tư đã nhận đủ, có thể xem đây là hành vi lừa đảo cần xử lý kiên quyết.

Việc cấp thẳng sổ hồng cho khách hàng là hợp tình cũng như để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho dân theo kế hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam cũng băn khoăn, nếu thực hiện cấp thẳng cho dân đối với những trường hợp “hợp đồng góp vốn” tại các dự án nói trên vô tình TP đã hợp pháp hóa việc “phân lô bán nền” của chủ đầu tư mà luật không cho phép. 

Theo nhận định của một số chuyên gia, cách làm của TP có thể giải quyết được tình trạng hàng loạt dự án đang “treo” sổ của dân. Nhưng cần xử lý nghiêm chủ đầu tư để tình trạng tương tự không tái diễn.
Năm 2012 các quận, huyện đã cấp được 83.272 GCN, năm 2013 số lượng dự kiến cần phải cấp là 94.410 GCN, từ đầu năm nay đã cấp được 58.936 trường hợp, như vậy từ nay đến cuối năm cần phải cấp GCN cho 35.474 trường hợp. Tổng số GCN đã cấp đối với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2003 đến nay (tổng số giấy đỏ, giấy hồng đã cấp qua các thời kỳ) là 1.284.617 trên tổng số 1.453.810 nhà, đất đạt tỷ lệ 88,3%.

TRÀ GIANG
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Trần ai đợi chủ đầu tư giao nhà



Khách hàng luôn phải chịu thiệt khi có sự cố xảy ra với những căn hộ hình thành trong tương lai của họ.

È cổ trả lãi suất ngân hàng, tiền thuê nhà ở, bất tiện trong đi lại… là khó khăn thường gặp của những người đã đóng tiền mua căn hộ chung cư nhưng chủ đầu tư cứ lần lữa không giao nhà. Nguyên nhân thường do chung cư xây mãi không xong vì chủ đầu tư thiếu tiền.
Tiền đã trao, nhà chưa giao
Sáng 10-10, nhiều người mua chung cư Ngọc Phương Nam (125/20 Âu Dương Lân, phường 2, quận 8) đã tập trung trước cửa Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Điền (chủ đầu tư) yêu cầu công ty trả lại tiền và bồi thường thiệt hại cho việc chậm giao nhà. Ông Phạm Quang Viên, mua căn hộ B405, cho biết: Năm 2010, ông ký hợp đồng mua căn hộ với giá gần 1,7 tỉ đồng. Theo hợp đồng, ông sẽ được giao nhà vào quý I-2012 nhưng đến nay chung cư đang tạm ngưng thi công do chủ đầu tư thiếu vốn.
Cuối năm 2011, chủ đầu tư có thông báo hứa sẽ khởi công lại vào tháng 2-2012. Đến tháng 7-2012, chủ đầu tư tiếp tục cam kết tái khởi công chậm nhất vào tháng 9-2012. Nhưng mãi tới tháng 6-2013, Công ty An Điền mới làm lễ khởi công trở lại và thông báo cho các khách hàng biết ngân hàng đã cho vay tiền để tiếp tục thực hiện dự án. Dù vậy, sau đó dự án vẫn không được thi công tiếp.
Chung cư Ngọc Phương Nam, phường 2, quận 8 tạm ngưng thi công do chủ đầu tư thiếu vốn. Ảnh: HTD
“Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi phải chịu đựng rất nhiều áp lực do trước đó đã vay mượn ngân hàng để trả tiền cho Công ty An Điền. Hiện gia đình phải thuê nhà ở chật chội, vợ chồng cứ cãi nhau hoài vì nợ nần chồng chất. Đòi lại tiền là chuyện bất đắc dĩ chứ tôi chỉ mong họ sớm giao căn hộ để gia đình có chỗ ở thôi” - ông Viên nói.
Nhà xây xong cũng chậm giao
Khách hàng mua chung cư The Harmona (33 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình) do Công ty Cổ phần Thanh Niên làm chủ đầu tư cũng chậm được nhận căn hộ. Đáng nói là dự án này gần như đã hoàn thành, khách hàng chỉ còn thanh toán đợt cuối cùng là hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng khâu bàn giao nhà lại không thuận buồm xuôi gió. Lý do vì chủ đầu tư không đủ tiền để trả lãi phạt chậm giao nhà cho khách hàng như đã cam kết trong hợp đồng.
Bà Nguyễn Vũ Thúy Vân, khách hàng mua căn hộ tại block B, cho biết: Hợp đồng quy định rõ nếu chủ đầu tư chậm giao nhà thì phải bồi thường cho khách hàng 0,05% trên tổng giá trị số tiền khách hàng đã nộp. Tương tự, khách hàng chậm đóng tiền thì cũng chịu mức phạt này và thực tế một số khách hàng đã bị phạt.
“Theo hợp đồng, tôi được giao nhà vào tháng 8-2012 nhưng phải tới tháng 7-2013 mới có thư mời đến nhận căn hộ. Như vậy, chiếu theo hợp đồng thì chủ đầu tư phải chịu phạt hơn 220 triệu đồng đối với căn hộ của tôi. Phía Công ty Thanh Niên đã mời tôi và nhiều khách hàng khác tới đề nghị giảm số tiền phạt nhưng vì hai bên không thỏa thuận được nên chủ đầu tư không giao nhà” - bà Vân nói.
Cũng theo bà Vân, “số tiền tôi phải đóng đợt cuối cùng là hơn 400 triệu đồng. Nếu chủ đầu tư cấn trừ tiền phạt chậm giao nhà thì tôi chỉ phải nộp khoảng 200 triệu nữa là có nhà để ở. Hà cớ gì tôi đóng tiền gần như xong rồi mà vẫn không được nhận nhà?”. Bà Vân cho biết trong suốt hai năm chờ dọn về nhà mới, vợ chồng bà phải thuê nhà và sinh hoạt gia đình phải chịu nhiều đảo lộn. Chi phí thuê nhà và lãi suất vay ngân hàng mỗi tháng lên tới 10 triệu đồng. Do vậy, chủ đầu tư phải chia sẻ những thiệt hại này với gia đình bà trong quá trình chờ đợi.
Không dễ tìm tiếng nói chung
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chủ đầu tư của hai dự án trên đều xác nhận đang gặp khó khăn về tài chính. Ông Nguyễn Tri Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thanh Niên, cho biết sẽ hoàn lại tiền phạt cho các khách hàng chậm thanh toán trước đây, đồng thời khẳng định công ty không đủ tiền để trả tiền phạt do chậm giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, các khách hàng dứt khoát không chấp nhận, một số người còn tuyên bố sẽ kiện ra tòa.
Còn tại dự án Ngọc Phương Nam, ông Đoàn Hữu Thuần, Phó Tổng Giám đốc Công ty An Điền, cho biết tổng mức đầu tư của chung cư này là 450 tỉ đồng, hiện phải cần 150 tỉ đồng nữa mới có thể hoàn thành. Hiện công ty còn nợ lãi suất ngân hàng 15 tỉ đồng và không còn khả năng chi trả.
“Công ty An Điền đang nỗ lực tìm kiếm đối tác cùng đầu tư tiếp dự án. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đồng ý chủ trương cho Công ty An Điền vay 180 tỉ đồng. Ngoài ra, phía khách hàng cũng giới thiệu 10 đối tác để giúp chủ đầu tư tìm kiếm cơ hội” - ông Thuần thông tin. Ông Phạm Quang Viên cũng cho hay đã thống nhất với nhiều khách hàng sẽ đóng thêm mỗi người 150 triệu đồng để giúp chủ đầu tư giải quyết nợ xấu.
Kiến nghị chế tài nặng chủ đầu tư chậm giao nhà
Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại UBND TP về việc thực hiện Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ngày 6-9, nhiều đại biểu cho rằng: Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa có những chế tài với chủ đầu tư các dự án. Do đó, khi xảy ra các sự cố cho các căn hộ hình thành trong tương lai, người dân đều phải chịu thiệt thòi.
Từ thực tế trên, các đại biểu kiến nghị phải có chế tài nghiêm khắc với chủ đầu tư vi phạm, thậm chí xử lý hình sự chủ đầu tư huy động vốn mà không xây nhà.
VIỆT HOA
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Nhà tăng giá, phải “chia” lại lợi nhuận?

08/10/2013 - 05:55
Bộ Tài chính dự báo số thu từ việc khai thác quỹ đất hai bên đường đến năm 2020 vào khoảng 10.000 tỉ đồng/năm.


“Trường hợp nhà đất được tăng thêm giá trị sau khi Nhà nước thực hiện chỉnh trang đô thị thì phần giá trị tăng thêm phải có sự điều tiết hợp lý” - đó là một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra trong đề án Khai thác các nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020. Đề án này đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các tỉnh, thành trước khi trình Thủ tướng thông qua.
Nhà hẻm ra mặt tiền: Phải nộp tiền
Trong tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm khai thác các nguồn thu từ đất đai và tài sản Nhà nước. Liên quan đến kết cấu hạ tầng, Bộ Tài chính kiến nghị hai giải pháp. Thứ nhất, “khi xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị phải tổ chức khai thác quỹ đất hai bên đường, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai cho các công trình này”. Thứ hai, “điều tiết một cách hợp lý giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất đem lại, trước mắt là do Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị”.
Hiểu một cách nôm na, giải pháp thứ hai có nghĩa là khi Nhà nước mở đường, đầu tư hạ tầng (khiến nhà từ trong hẻm trở thành nhà mặt tiền, đường đất thành đường nhựa…), nếu giá trị nhà đất được tăng lên thì người dân phải đóng góp một khoản tiền do “bỗng nhiên được hưởng lợi”. Trường hợp nhà đất tăng giá trị do người dân tự đầu tư thì không phải đóng khoản này.
Việc nộp tiền khi nhà từ trong hẻm trở thành nhà mặt tiền, đường đất thành đường nhựa… vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD
Khó xác định giá trị tăng thêm
Về giải pháp điều tiết giá trị tăng thêm của nhà đất do được Nhà nước đầu tư hạ tầng thì có nhiều ý kiến khác nhau. “Nếu cho rằng người dân được hưởng lợi khi Nhà nước mở đường, đầu tư hạ tầng rồi buộc họ phải nộp tiền là vô lý. Đây là chuyện may mắn, giống như tình cờ trúng xổ số. Người dân không có nghĩa vụ đầu tư hạ tầng mà đây là công việc của Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, góp ý.
Về tính khả thi, ông Đực cho rằng nội dung này khó thực hiện được. “Người dân không nộp thì làm gì họ? Không lẽ rào đường lại không cho họ mở cửa?” - ông thắc mắc. Đồng tình, ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty Nhà Bình Dân, cho rằng không có cơ sở để thu từ người dân. “Nếu người dân bảo rằng họ cũng chưa hẳn đã muốn mở đường, không thích từ hẻm ra mặt tiền ồn ào, không có tiền để nộp thì Nhà nước đành chịu” - ông bày tỏ.
TS Võ Kim Cương cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính cần phải được tính toán kỹ về cách làm sao cho hợp lòng dân. “Người dân cũng phải được hưởng một phần lợi do chính sách của Nhà nước mang lại chứ không phải Nhà nước đầu tư bao nhiêu thì lấy lại hết bấy nhiêu” - ông góp ý. Theo ông, trong trường hợp nhà vẫn để ở thì không bị điều tiết nhưng khi mua bán chuyển nhượng hoặc cho thuê, kinh doanh… thì phải chịu một mức điều tiết phù hợp do nhà đất được tăng thêm giá trị từ sự đầu tư của Nhà nước.
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho hay đề xuất này không phải là mới mẻ tại nước ngoài. Đây chính là nguồn thu ổn định nhất để phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, việc hết sức quan trọng là cần phải có sự đánh giá về giá trị nhà đất trước khi có sự mở đường, chỉnh trang đô thị của Nhà nước để tính được sự chênh lệch.
“Muốn tính được giá trị này thì phải dựa vào thuế nhà đất hằng năm do người dân nộp, tính bằng một tỉ lệ phần trăm so với giá trị nhà đất. Nếu không có loại thuế này thì dựa vào cơ sở nào để tính được giá trị trước khi mở đường, đầu tư hạ tầng để điều tiết phần tăng thêm?” - ông cho hay.
Về cách thức điều tiết, ông Lịch cho rằng nếu nhà đất chỉ để ở thì không phải điều tiết nhưng thuế nhà đất phải được điều chỉnh. Khi nào nhà đất đem cho thuê hoặc bán thì mới điều tiết một phần giá trị tăng thêm do tài sản được tăng giá từ sự đầu tư của Nhà nước. “Không nước nào quy định nộp một cục tiền khi Nhà nước đầu tư hạ tầng làm tăng giá trị của nhà đất. Thay vào đó chỉ điều tiết thông qua việc điều chỉnh thuế nhà đất hằng năm hoặc khi mua bán, cho thuê…” - ông nói rõ.
Giải tỏa thêm quỹ đất hai bên đường
Giải pháp khai thác triệt để quỹ đất hai bên đường để tạo nguồn thu cho chính các công trình hạ tầng nhận được nhiều sự đồng tình. “Đà Nẵng đã tiên phong thực hiện và rất thành công với con đường Nguyễn Tất Thành” - TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, nhận xét.
Ông Lịch cho rằng giải pháp này sẽ công bằng với điều kiện phải chú ý đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, chẳng hạn như quyền được ưu tiên mua lại quỹ đất này, chính sách việc làm cho họ khi bị di dời, giải tỏa. “Hiện nay, khâu bồi thường chỉ xác định thiệt hại về tài sản mà không đo lường những giá trị khác như cơ hội việc làm, học tập cho những người bị giải tỏa. Ở các nước, đây là khâu khó nhất và quan trọng nhất, trong khi ở ta thì chỉ chú ý đến giá bồi thường” - ông Lịch góp ý.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho hay trước đây TP cũng từng thực hiện biện pháp này. Cụ thể, khi mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, TP giải tỏa thêm quỹ đất hai bên để bán lấy kinh phí bù vào cho con đường.
CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Phường ngâm hồ sơ nhà đất của dân

03/10/2013 03:11 (GMT + 7)

TT - Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở (gọi chung là giấy chứng nhận - GCN) của tôi có trục trặc, nhưng UBND phường không hướng dẫn mà trả hồ sơ về, nên đã chín năm rồi tôi vẫn chưa làm được GCN.
Ông Nguyễn Tấn Khoa trình bày sự việc - Ảnh: M.Hoa
Năm 2002, tôi mua căn nhà ở ấp 4, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP.HCM (nay thuộc P.Tân Tạo, Q.Bình Tân), với diện tích ghi trong hợp đồng là 4m chiều ngang và 20m chiều dài. Khoảng tháng 4-2004, theo chủ trương của Q.Bình Tân về việc cấp GCN trên địa bàn toàn quận, tôi và bà con trong tổ dân phố đã làm hồ sơ xin cấp GCN. Khi nộp hồ sơ, chúng tôi không được cấp biên nhận hồ sơ. Hai tháng sau, UBND phường Tân Tạo niêm yết danh sách các hộ đăng ký hồ sơ nhà ở, đất ở, trong đó có hồ sơ của nhà tôi.
Đến tháng 12-2004, phường cử người xuống đo đất nhà tôi. Kết quả cho thấy có diện tích đất dư ra so với các giấy tờ trước đó. Cán bộ phường yêu cầu giải thích, tôi nói từ lúc mua nhà đã như thế rồi. Sau đó tôi không được hướng dẫn gì thêm, chỉ có ông phó chủ tịch UBND phường nói miệng là chờ chủ trương chung. Hơn một năm sau (tháng 7-2005), ông trưởng ban điều hành khu phố mang hồ sơ đến tận nhà tôi trả lại.
Khoảng cuối năm 2012, đầu năm 2013, khi TP có chủ trương hoàn thành việc cấp giấy chủ quyền cho người dân, ông tổ trưởng dân phố mang một biên bản “về việc không có nhu cầu làm GCN quyền sở hữu nhà ở” xuống bảo tôi ký vào nhưng tôi không ký, vì tôi muốn được làm GCN nhưng phường trả hồ sơ và nói chờ chủ trương chung. Tôi biết có hơn chục hộ dân ở hẻm bên cạnh đã ký vào biên bản này. Tôi không rõ UBND phường làm như vậy có phải là đi ngược lại với chủ trương chung?
Suốt chín năm qua, tôi không còn biết phải đi đâu, gặp ai để làm được giấy chủ quyền nhà. Thay vì hướng dẫn cụ thể cho người dân, UBND P.Tân Tạo lại “ngâm” hồ sơ tới hơn một năm rồi trả lại hồ sơ, sau đó không hướng dẫn gì, dẫn tới việc nếu nay tôi làm hồ sơ xin cấp GCN thì tiền sử dụng đất sẽ bị thu theo giá mới, thiệt thòi này ai sẽ chịu trách nhiệm?
NGUYỄN TẤN KHOA
MAI HOA ghi
Sẽ xác minh lại hồ sơ
Sau khi báo Tuổi Trẻ chuyển khiếu nại của ông Nguyễn Tấn Khoa đến UBND P.Tân Tạo, chiều 27-9 ông Khoa được mời đến UBND phường để được giải đáp thắc mắc.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Mến, cán bộ địa chính phường, nói: Vì sự việc đã diễn ra quá lâu, qua nhiều cán bộ địa chính và lãnh đạo phường xử lý, nên việc ai đúng ai sai tôi không dám nói. Nhưng nếu có sự việc như ông Khoa phản ảnh là phường không có biên nhận hồ sơ và không hướng dẫn, trả lời cụ thể cho ông bằng văn bản, rồi hơn một năm mới trả lại hồ sơ, chúng tôi xin nhận lỗi. Trong suốt thời gian từ đó đến nay, ông Khoa không lên phường xin hướng dẫn nên các cán bộ mới cũng không nắm được tình hình.
Qua kiểm tra ban đầu với hồ sơ xin cấp GCN của ông Khoa, tôi thấy ngoài việc diện tích đất trong bản vẽ thừa ra tới 14,1m2 thì các giấy tờ mua bán (giấy tay) cũng có sự thiếu logic. Theo tường trình của ông Khoa thì đất này vốn của bà Nguyễn Thị My. Bà My bán cho ông Huỳnh Tranh Quang năm 1997. Ông Quang xây nhà bán cho ông Nguyễn Trường Giang rồi sau đó ông Giang bán lại cho ông Khoa. Tuy nhiên, giấy phạt xây dựng trái phép của ông Quang lại ghi năm 1996, trước khi bà My bán đất cho ông Quang. Về điểm này, phường sẽ cử người xác minh lại. Về tiền sử dụng đất, nếu ông Khoa chưa đóng được thì có thể xin ghi nợ theo quy định.
Liên quan đến việc yêu cầu dân ký biên bản không có nhu cầu làm GCN, ông Trần Duy Thông, phó chủ tịch UBND phường Tân Tạo, cho biết là do cán bộ đi vận động làm hồ sơ nhiều lần, nếu hộ dân nào vẫn không muốn làm giấy thì phải có biên bản làm cơ sở báo cáo lên cấp trên, hoàn toàn không có chuyện ép buộc gì.
M.H.
Không còn thời hiệu khởi kiện bồi thường
Theo quyết định 04/2003/QĐ-UB của UBND TP.HCM (văn bản có hiệu lực thi hành tại thời điểm ông Khoa nộp hồ sơ xin cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất vào tháng 4-2004 - hiện đã hết hiệu lực thi hành), nếu việc giải quyết hồ sơ xin cấp GCN của ông Khoa nói riêng và các hộ dân khác nói chung được thực hiện theo kế hoạch của UBND Q.Bình Tân thì khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp GCN của người dân phải thực hiện đúng chủ trương, kế hoạch đề ra của UBND Q.Bình Tân về thời hạn giải quyết hồ sơ.
Sau khi đã tổ chức niêm yết tại trụ sở, UBND P.Tân Tạo phải lập tờ trình, danh sách nhà đủ điều kiện cấp GCN và hồ sơ có vướng mắc, chuyển hồ sơ về UBND Q.Bình Tân. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phòng quản lý đô thị sẽ yêu cầu người xin cấp GCN bổ sung hồ sơ, nếu không đủ điều kiện thì sẽ ký công văn trả lời không đủ điều kiện chuyển cho UBND phường trả lời người đề nghị xin cấp GCN.
Như vậy, nếu UBND P.Tân Tạo đến hơn một năm mới chuyển trả hồ sơ xin cấp GCN cho ông Khoa là trái với quy định tại điều 14 quyết định 04/2003/QĐ-UB của UBND TP.HCM.
Ông Khoa cho rằng việc giải quyết hồ sơ chậm trễ gây thiệt hại cho ông (phải đóng tiền sử dụng đất giá mới, không được đóng ở thời điểm nộp hồ sơ năm 2004), tuy nhiên cũng không thể khởi kiện yêu cầu bồi thường vì đã hết thời hiệu khởi kiện (tính từ mốc trả hồ sơ năm 2005).
Luật sư Nguyễn Văn Kha 
(Hội Luật gia TP.HCM)
Nguồn: tuoitre.vn

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Rối bời chờ cưỡng chế nhà

01/10/2013 - 10:59
Gần 100 hộ dân có nhà cửa kiên cố tại một khu dân cư ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang ngày đêm thấp thỏm chờ cơ quan chức năng đến tháo dỡ.


Việc mua đất phân lô, bán nền, xây nhà trái phép tại xã Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang gây lúng túng cho cơ quan chức năng và để lại nhiều hệ lụy cho người dân. Đây chỉ là một điển hình cho tình trạng mua đất xây nhà trái phép và sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng đang xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Bị lừa mua đất quy hoạch (?!)
Khu dân cư tại ấp Bình Hóa, xã Hóa An được xây dựng ngay hàng thẳng lối, nhà cửa liền kề. Dù nằm sâu phía sau TP Biên Hòa, hai bên còn đồng ruộng nhưng nơi đây được xây cất như một khu đô thị.
Những ngày qua, các hộ dân ở đây đang lo lắng vì nhà của mình sẽ bị cưỡng chế giải tỏa bất cứ lúc nào. Theo thông báo từ cơ quan chức năng TP Biên Hòa, nếu người dân không tự tháo dỡ thì trong những ngày gần nhất, lực lượng cưỡng chế sẽ làm việc.
Những căn nhà kiên cố trong “khu dân cư Thành Phố Mới” tại xã Hóa An, TP Biên Hòa đang chờ đến ngày bị đập bỏ
Chị Vy Thị Thùy Trâm, chủ căn nhà rộng gần 100 m2 gồm 2 mặt tiền ở một góc khu dân cư, đứng ngồi không yên. “Do nhà cửa cha mẹ để lại trong thành phố quá chật chội, cách đây 1 năm, gia đình tôi dành dụm được một số tiền và mua lô đất này với giá gần 200 triệu đồng. Chủ đất là một giám đốc công ty khẳng định sẽ lo đủ sổ đỏ cũng như giấy phép xây dựng nên mới nâng giá cao thế này. Sau Tết vừa rồi, chúng tôi xây nhà để ở thì nay nhận được thông báo sẽ bị cưỡng chế” - chị cho biết.

Rà soát toàn tỉnh
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho rằng để không xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng không phép tràn lan thì phải quản lý tốt, bắt đầu từ các cấp phường, xã. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các địa phương trên toàn tỉnh rà soát lại tình hình sử dụng đất để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng từ miền Trung vào làm công nhân. Sau thời gian dành dụm cùng với tiền vay mượn, anh Hùng mua miếng đất ở đây và cất nhà, tổng cộng hơn 300 triệu đồng nhưng giờ đang đối mặt với nguy cơ trắng tay. “Căn nhà nhỏ của vợ chồng và 2 đứa con mới xây còn chưa hết mùi vôi giờ sắp bị phá bỏ, gia đình chúng tôi thật sự không biết đi đâu, về đâu…” - anh Hùng buồn bã.
Khu vực bị giải tỏa này được chủ dự án đặt tên là “khu dân cư Thành Phố Mới” rộng gần 13.000 m2, nằm trong vùng quy hoạch đất công viên cây xanh, phát triển du lịch và thủy sản của TP Biên Hòa. Thế nhưng, Công ty TNHH MTV Thành Phố Mới do ông Hồ Phi Hùng (30 tuổi, ngụ xã Hóa An, TP Biên Hòa) làm giám đốc đã ngang nhiên san lấp rồi phân lô, bán nền.
Đầu năm 2013, cả khu dân cư mọc lên. Đến lúc này, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường mới đến lập biên bản và đề nghị UBND TP Biên Hòa, UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt đơn vị “bao” xây dựng cho cả khu dân cư với số tiền gần 400 triệu đồng. Sau khi nộp phạt, những căn nhà kiên cố vẫn tiếp tục mọc lên…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH MTV Thành Phố Mới đã phân lô, bán 172 nền đất cho người có nhu cầu, thu gần 10 tỉ đồng. Cho rằng đất của công ty rao bán là phù hợp quy hoạch nên nhiều người mua nền đã bỏ tiền cất nhà. Hiện có tổng cộng 86 căn nhà xây trái phép trong đất quy hoạch. Cuối tháng 8 vừa qua, ông Hồ Phi Hùng đã bị khởi tố, bắt giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nhà không phép tràn lan
Không chỉ ở xã Hóa An, hiện trên địa bàn nhiều phường, xã của TP Biên Hòa cũng như các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, việc phân lô bán nền đất nông nghiệp rồi xây hàng loạt nhà không phép diễn ra tràn lan. Đất nông nghiệp phân lô bán giá chỉ từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/nền. Nhiều người thu nhập thấp vẫn chấp nhận, liều mua đất nông nghiệp với giấy tờ sang tay và làm nhà ở trái phép.
Riêng vụ việc Công ty TNHH MTV Thành Phố Mới san lấp, phân lô bán nền trong khu quy hoạch, nhiều người cho rằng chính sự cả tin, vội vàng, không tìm hiểu kỹ về thủ tục pháp lý của bên mua đã dẫn đến hậu quả. Còn quá trình san lấp, xây dựng cả khu dân cư mà cơ quan quản lý vẫn để mặc hoặc vì lý do nào đó “không biết” thì phải xử lý trách nhiệm. Trong vụ việc này, 3 cán bộ liên quan đã bị đình chỉ công tác, gồm: Ông Lê Văn Kỷ, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng TP Biên Hòa; ông Trần Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hóa An; ông Trịnh Văn Long, cán bộ địa chính xã Hóa An.
“Đây là vụ “điểm” về tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên địa bàn TP Biên Hòa nên cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm” - ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, khẳng định.
 
Theo XUÂN HOÀNG (NLĐ)
Nguồn: phapluattp.vn