Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Hoãn cưỡng chế 101 căn nhà không phép ở ấp Doi


(NLĐO) - Sau sự kiện hàng trăm người tụ tập, bao vây UBND phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM, kế hoạch cưỡng chế đợt 3 tại ấp Doi đã được tạm hoãn.

Theo kế hoạch, sáng 28-8, các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa, cưỡng chế 101 căn nhà, công trình không phép tại khu vực ấp Doi, phường 15, Gò Vấp. Tuy nhiên, ngày cưỡng chế đã được dời lại và sẽ công bố sau.

Người dân bao vây phường ngày 26-8

Ông Lê Minh Liêm, Chủ tịch UBND phường 15, quận Gò Vấp, cho biết nguyên nhân hoãn là do chờ UBND quận niêm yết bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 và lấy ý kiến khu dân cư; kế hoạch cưỡng chế đợt 3 sẽ thông báo sau.


Quyết định hoãn cưỡng chế

Trước đó, sáng 26-8, hàng trăm người dân đã tụ tập, bao vây UBND phường 15 để phản đối việc cưỡng chế, một số người dân đã trình bày nguyện vọng và yêu cầu quận có phương án khác thay vì phải đập bỏ nhà của họ. Lãnh đạo phường đã mời tất cả những người liên quan vào hội trường để nhận đơn, lắng nghe nguyện vọng. 

Thông tin từ quận Gò Vấp cho biết sau hai đợt cưỡng chế, có khoảng 111 căn nhà, công trình không phép tại ấp Doi đã bị dỡ bỏ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, các cơ quan đã tạm ngưng cấp số nhà, cấp điện và nghiêm cấm việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào khu vực ấp Doi.
Tin-ảnh: Phạm Dũng
Nguồn: nld.com.vn


Qua bài báo này làm chúng ta nhớ lại khoảng thời gian bà con KDC Hoàng Hải kéo nhau lên UBND huyện Hóc Môn để yêu cầu dừng quyết định sai trái "cưỡng chế phá dỡ " 84 căn nhà tại 04 khu đất nông nghiệp trong KDC Hoàng Hải.

Hữu Lộc





Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Thế chấp dự án căn hộ đã bán cho dân: Mánh lừa đảo của chủ đầu tư

Dự án đã bán, thậm chí đã giao nhà cho khách hàng cũng bị nhiều chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm làm sổ hồng tại nhiều dự án hiện nay.

Thế chấp dự án căn hộ đã bán cho dân: Mánh lừa đảo của chủ đầu tưChung cư 328 Bến Chương Dương từng bị chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng - Ảnh: Đình Sơn
Dài cổ đợi chủ quyền 
 
Sổ đỏ nhà tôi bị công ty đem thế chấp 2 lần. Sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, NH và công an, công ty mới trả lại sổ đỏ cho một số khách hàng để chúng tôi tự đi làm sổ hồng
Bà Lê Thúy Tươi, mua nhà tại dự án khu biệt thự Tuyết Anh (H.Củ Chi, TP.HCM)
Năm 2002, anh Khâm mua lô đất tại dự án khu dân cư P.Tân Thới Nhất (Q.12, TP.HCM) của Công ty Lê Minh Tương. Chủ đầu tư cam kết khi nào anh Khâm làm nhà xong sẽ làm thủ tục hoàn công, ra sổ hồng. Nhưng nhà đã ở mấy năm nay mà sổ hồng không có. Quá nóng ruột, anh Khâm tự đi làm sổ hồng thì mới biết sổ đỏ của dự án đã bị chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng (NH), đến nay vẫn chưa giải chấp. Để làm giấy tờ nhà, anh Khâm phải gom tiền đưa công ty đến NH “chuộc” lại sổ đỏ (mang tên chủ đầu tư - PV), sau đó anh tự đi làm sổ hồng mang tên mình.
Những khách hàng mua đất tại dự án khu biệt thự Tuyết Anh (H.Củ Chi, TP.HCM) do Công ty địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư cũng một phen thót tim khi đất của họ bị công ty này đem đi thế chấp tại NH. Bà Lê Thúy Tươi, chủ căn biệt thự A11, cho biết Công ty Hoàng Quân đã bán 29 nền biệt thự cho khách hàng từ năm 2003. Tháng 7.2006, các lô đất đã được cấp sổ đỏ nhưng đứng tên chủ đầu tư. Đến nay các khách hàng đã xây nhà, hoàn công và đóng toàn bộ tiền cho công ty. Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục làm sổ hồng thì người dân phát hiện Công ty Hoàng Quân đã thế chấp sổ đỏ cho NH. “Sổ đỏ nhà tôi bị công ty đem thế chấp 2 lần. Sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, NH và công an, công ty mới trả lại sổ đỏ cho một số khách hàng để chúng tôi tự đi làm sổ hồng, vì nếu để họ đi làm có khi họ lại đem cầm nhà đất của chúng tôi thêm một lần nữa”, bà Tươi cho biết.
Tại chung cư 328 Bến Chương Dương (Q.1) do Công ty CP đầu tư và xây lắp Bến Chương Dương làm chủ đầu tư, chị Nguyễn Thị Thu Hương, chủ căn hộ B0502 và gần 400 hộ dân đã đợi sổ hồng hơn 4 năm nay vẫn chưa thấy. “Có những hộ dân quá bức xúc đã làm dữ với chủ đầu tư, yêu cầu họ làm sổ hồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Chúng tôi cũng không biết vì sao lại chậm như vậy”, chị Hương nói.
 
Trong trường hợp chủ đầu tư không chịu giải chấp, cố tình trì hoãn việc làm sổ hồng, khách hàng có thể tố cáo doanh nghiệp tội lừa đảo, có thể xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TP.HCM
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nguyên nhân khiến người dân ở chung cư này phải đợi sổ hồng quá lâu là chủ đầu tư đã đem toàn bộ khu đất của dự án và cả những căn hộ của khách hàng thế chấp tại NH Vietbank từ năm 2010. Tháng 12.2011 công ty này tiếp tục thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, tức là các căn hộ đã bán cho khách hàng. Đến tháng 4.2013, công ty này mới ký lại hợp đồng với Vietbank sửa đổi tài sản thế chấp. Theo đó, công ty chỉ thế chấp phần tài sản hình thành trong tương lai gồm tầng 1, 2 của lô B khoảng hơn 5.000 m2 và các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản thế chấp.
Theo hồ sơ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TN-MT) cung cấp cho PV, hiện có nhiều chủ đầu tư khác cũng đem thế chấp đất dự án, thậm chí cả căn hộ của khách hàng, để vay tiền. Như Công ty CP Thủ Thiêm đã đem thế chấp 2 khu đất rộng hơn 700 m2 tại Q.2 dùng để xây dựng chung cư Thủ Thiêm Star tại NH Agribank (Q.5), Công ty SD cũng đem thế chấp khu đất rộng hơn 600 m2 để xây dựng chung cư SD Tower (Q.3) tại NH nhằm vay tiền làm dự án, Công ty Minh Thành đem thế chấp dự án của mình ở Q.7...
Có thể xử lý hình sự
Ông Phạm Gia Hòa, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cho rằng theo quy định của luật Đất đai, khi khu đất đã ra sổ đỏ mang tên doanh nghiệp (DN) thì họ có quyền thế chấp. DN chỉ cần cùng với NH ra công chứng là xong, nên cơ quan nhà nước không nắm được. Đáng lo ngại nhất là trường hợp chủ đầu tư phá sản, người dân phải khởi kiện ra tòa xem tài sản thế chấp trước hay sau thời điểm bán cho khách hàng. Nếu tài sản bán trước ngày thế chấp thì tài sản phải trả lại cho người dân. Còn nếu tài sản bán sau thế chấp thì xem như nhà của khách hàng đã thuộc về NH.
Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng việc chủ đầu tư đem thế chấp đất, căn hộ đã bán là sai, bởi đây là tài sản của khách hàng. “Trong trường hợp chủ đầu tư không chịu giải chấp, cố tình trì hoãn việc làm sổ hồng, khách hàng có thể tố cáo DN tội lừa đảo, có thể xử lý hình sự”, luật sư Trường nói. Để tránh mua phải các dự án kiểu này, luật sư Trường khuyên khách hàng xem kỹ sổ đỏ của dự án trước khi mua. Nhà nước nên quy định sau khi dự án hoàn tất thủ tục xây dựng, tài sản đã cập nhật trên sổ hồng tách ra cho từng căn hộ mới cho bán để hạn chế rủi ro, tránh thiệt hại cho người dân.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở TN-MT, cho rằng không nên cấp sổ hồng ra tên chung cho chủ đầu tư sau đó mới tách từng căn hộ như hiện nay, mà cấp trực tiếp cho người dân. Như vậy, sẽ tránh việc DN đem cầm sổ hồng khi đã bán sản phẩm cho người dân. Bởi thực tế, nhà đã xây xong thì nghĩa vụ của khách hàng cũng đã hoàn thành với chủ đầu tư, nên cấp thẳng cho họ để tránh những rủi ro, phiền phức như nói trên. 
Xử lý rốt ráo trách nhiệm chủ đầu tư
Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết: “Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện rà soát tất cả các chủ đầu tư cố tình chây ì trong việc làm sổ hồng cho khách hàng, đồng thời có biện pháp xử lý rốt ráo trách nhiệm chủ đầu tư. Song song đó, đối với những khách hàng đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thì các quận, huyện phải khẩn trương giải quyết cấp sổ theo quy định".
Đình Phú
Đình Sơn
Nguồn: thanhnien.com.vn

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Nhà bán cho dân, giấy “bán”... ngân hàng

Chủ Nhật, 25/08/2013 23:03

Tại nhiều dự án bất động sản ở TP HCM, chủ đầu tư đã bán căn hộ cho khách hàng nhưng không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mà ngược lại, đem giấy tờ thế chấp ngân hàng để lấy thêm tiền

Hành vi nêu trên không những có dấu hiệu lừa đảo mà còn khiến TP HCM gặp trở ngại trong cuộc chạy đua nước rút để bảo đảm hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản trên giấy khác (GCN) vào ngày 30-9 như chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã giao.
Sai phạm nối sai phạm
Đầu năm 2013, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐK) TP HCM nhận được hồ sơ đề nghị cấp GCN của các hộ mua nhà tại chung cư Gia Phú, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân do Công ty TNHH Thiết kế - Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư. Trước đó, VPĐK TP phối hợp cùng Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra và phát hiện công trình này xây dựng sai phép (tăng kích thước chiều rộng khối nhà A 0,3 m và khối nhà B 0,9 m) nhưng vẫn cho phép tồn tại phần công trình cơi nới.
Để bảo vệ quyền lợi cho người mua, VPĐK TP HCM hướng dẫn VPĐK quận Bình Tân vẫn công nhận phần diện tích này và xúc tiến cấp GCN riêng cho từng căn hộ. Thế nhưng, khi làm việc với chủ đầu tư, VPĐK quận Bình Tân “tá hỏa” vì phát hiện giấy tờ quyền sử dụng đất của chung cư Gia Phú (diện tích 8.520 m2) đã được cầm cố tại Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn với giá 7 tỉ đồng.
40 căn hộ cao cấp tại Sông Đà Tower vẫn chưa được cấp GCN vì GCN chung đã bị thế chấp tại ngân hàng
Theo lý giải của Công ty Trung Nam, việc đem cầm cố quyền sử dụng đất là do chưa tách riêng phần diện tích của chủ đầu tư với diện tích 389 căn hộ nên ngân hàng vẫn giữ GCN chung. Chủ đầu tư cam kết rằng ngân hàng đã đồng ý cho Công ty Trung Nam lập thủ tục xin cấp GCN cho từng khách hàng với hình thức giấy xác nhận của ngân hàng (theo quy định, chủ đầu tư phải cung cấp quyền sử dụng đất chung thì mới tách để cấp GCN riêng từng căn hộ) vì phần tài sản này không nằm trong tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, đại diện VPĐK quận Bình Tân cho biết chủ đầu tư đã tiến hành chuyển nhượng căn hộ từ năm 2006 - lúc này, quyền sử dụng đất không còn của riêng chủ đầu tư mà đã chuyển thành quyền sử dụng chung. Bên cạnh đó, theo những gì thể hiện trên phần bổ sung GCN lô đất thì chủ đầu tư đã thế chấp bằng quyền sử dụng tổng thể 8.520 m2 và cả tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Vì thế, đến nay, khách hàng sở hữu 389 căn hộ chung cư Gia Phú vẫn chưa được cấp GCN.
Căn hộ cao cấp không mảnh giấy lận lưng
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với 40 hộ dân đang sống ở các căn hộ cao cấp tại Sông Đà Tower (14B Kỳ Đồng, phường 9, quận 3) do Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư.
Thông tin từ VPĐK TP HCM cho hay từ tháng 10-2009, Công ty Sông Đà đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao căn hộ với 40 khách hàng. Thế nhưng, thay vì tiếp tục thực hiện việc cấp GCN riêng cho khách hàng, đến tháng 7- 2012, Công ty Sông Đà đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Tân Bình.
Tháng 6-2013, VPĐK TP đã làm việc với Công ty Sông Đà và Techcombank Tân Bình. Phía ngân hàng cho biết trường hợp của Công ty Sông Đà đã chuyển thành nợ xấu nên chi nhánh không giải quyết được và đề nghị chủ đầu tư phải làm rõ khả năng trả nợ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sông Đà Tower đã bán hết 40/40 căn hộ, hiện chỉ còn 3 tầng có chức năng kinh doanh - thương mại là thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư.
Mới đây, VPĐK TP HCM đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư làm việc với ngân hàng, sớm chuyển giao GCN cho VPĐK chuyển hình thức sử dụng đất thành sử dụng chung để cấp cho người dân. Đồng thời, Công ty Sông Đà phải điều chỉnh tài sản thế chấp từ quyền sử dụng đất sang quyền sở hữu phần tài sản của công ty. Trong tháng 7- 2013, nếu Công ty Sông Đà không thực hiện các thủ tục này, VPĐK TP HCM đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và UBND TP chuyển cơ quan chức năng xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật - dùng quyền sử dụng đất xây dựng căn hộ đã bán cho khách hàng (người mua đã nhận bàn giao, đang ở) thế chấp ngân hàng. Đến nay, Công ty Sông Đà vẫn chưa thực hiện các thủ tục trên, vì thế VPĐK TP đã chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở TN-MT.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết một số khách hàng của dự án khu biệt thự tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi cũng lâm vào tình trạng ngồi trên lửa vì chủ đầu tư “cắm” quyền sử dụng đất cho ngân hàng. Dự án biệt thự này do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Tuyết Anh làm chủ đầu tư. Công ty Địa ốc Hoàng Quân mua lại một số nền, sau đó chuyển nhượng cho khách hàng nhưng không làm thủ tục cấp GCN mà đem GCN chung thế chấp ngân hàng.
ho
Người dân không có lỗi
Ngày 20-8, trong cuộc họp về cấp GCN do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín chủ trì, Sở TN-MT đã báo cáo các vụ việc này. Theo đại diện Sở TN-MT, các vụ việc nêu trên có dấu hiệu lừa đảo vì xét về bản chất, chủ đầu tư đã đem một căn nhà bán cho nhiều khách hàng khác nhau.
Ông Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Sở TN-MT và các quận - huyện rà soát lại để tiếp tục phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất hướng giải quyết. “Không thể lạnh lùng cho rằng người dân mua nhà như thế thì ráng chịu hay để người dân và chủ đầu tư tự thỏa thuận với nhau… Cơ quan nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải quyết việc này. Quan điểm của thành phố là người dân không có lỗi nên sẽ xem xét để cấp GCN, giao dịch - tranh chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng sẽ do hai bên tự giải quyết” - ông Tín nêu rõ.

Bài và ảnh: MINH KHANH

Nguồn: nld.com.vn

* Qua bài báo này, người dân trong khu dân cư Hoàng Hải xã Bà Điểm huyện Hóc Môn cãm thấy nhẹ lòng, vì hơn 3 năm nay sống lo sợ đến nay đã được trời cao thấu hiểu !
Hàng ngàn nhà, đất được công ty bán cho dân nhưng đến nay chưa được cấp giấy CN cũng vì nguyên nhân chủ đầu tư mang giấy đi bán cho ngân hàng.
Chúng tôi mong rằng Sở Tài nguyên - Môi trường nhanh chóng rà soát chỉ đạo cho Phòng TNMT huyện cấp giấy CN cho dân nhờ.

Hồ Hữu Lộc

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Cựu chủ tịch UBND huyện Hóc Môn bị đề nghị từ 27 đến 30 năm tù

VỤ THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI Ở HUYỆN HÓC MÔN-TPHCM:

Cựu chủ tịch UBND huyện Hóc Môn bị đề nghị từ 27 đến 30 năm tù

Thứ Sáu, 23/08/2013 18:11

(NLĐO)- Là chủ tịch huyện nhưng ông Nguyễn Văn Khỏe đã cấu kết với một số thuộc cấp biến chất tiếp tay cho người ngoài xã hội thực hiện hành vi trái pháp luật để tư lợi cá nhân.

Sau 4 ngày xét xử, ngày 23-8, đại điện VKSND TP HCM đã đề nghị án chung thân cho 2 bị cáo Trần Thị Hà (SN 1967), Hà Văn Hòa (SN 1954, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Công ty TNHH XD-TM Kinh doanh nhà Thành Phát) về tội lừa đảo và đưa hối lộ.

Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, Nguyễn Văn Khỏe (SN 1954) bị đề nghị từ 27 đến 30 năm tù về các tội nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
 
Bị cáo Nguyễn Văn Khỏe (áo trắng thứ hai từ trái qua) và các đồng phạm

Nhóm các bị cáo nguyên là quan chức huyện Hóc Môn và UBND xã Đông Thạnh bị đề nghị từ 5 đến 14 năm tù về các tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nhóm cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Chợ Lớn bị đề nghị từ 5 đến 9 năm tù về các tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Nhận hối lộ”.

Là đối tượng “môi giới” giúp vợ chồng Hà liên hệ với ông Khỏe, Đặng Công Danh (giám đốc công ty TNHH Danh Khoa) bị đề nghị mức án từ 8-9 năm tù tội “làm môi giới hối lộ”. 

Đại diện Viện kiểm sát nhận định: “Đây là vụ án tham nhũng do một số cán bộ thoái hóa biến chất tại huyện Hóc Môn và Agribank chi nhánh Chợ Lớn cấu kết với người ngoài xã hội thực hiện tội phạm. Hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức nhà nước, xâm hại tài sản đồng thời gây mất uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước.
 
Bị cáo Nguyễn Văn Khỏe là một chủ tịch huyện nhưng đã cùng với thuộc cấp và nhóm cán bộ ngân hàng thực hiện hành vi sai trái, tiếp tay cho vợ chồng Hà thực hiện việc giả mạo hợp đồng gây thất thoát tài sản của nhà nước nên cần phải xử lý nghiêm”.

Năm 2002, vợ chồng Hà lập công ty, mặc dù không hoạt động nhưng vẫn làm đơn xin lập dự án KDC và KCN sạch tại xã Đông Thạnh. Sau khi có quyết định giao đất, vợ chồng Hà đã làm hồ sơ vay ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền lớn.
 
Từ năm 2004 đến năm 2007, Hà đã đưa hối lộ 1,8 tỉ đồng và 5000 USD còn Hòa đưa hối lộ 600 triệu đồng cho các cán bộ của huyện Hóc Môn. Tháng 8-2010, bị cáo Khỏe bị phạt 26 năm tù, Hà và Hòa cùng lãnh án chung thân,…Tháng 6-2011 cấp phúc thẩm tuyên hủy án, điều tra và xét xử lại từ đầu do còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Tin-ảnh: Ph.Dũng
Nguồn: nld.com.vn


Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Tháo gỡ khó khăn để dân có giấy hồng

Đến ngày 30-9, TP sẽ cấp giấy chứng nhận cho 46.000 trường hợp đủ điều kiện.

“Tính đến thời điểm này, có thể xem công tác cấp giấy chứng nhận (GCN) còn gọi là giấy hồng lần đầu cho các trường hợp đủ điều kiện trên địa bàn TP đã cơ bản hoàn thành” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định tại cuộc họp với các sở, ngành và 24 quận, huyện về tiến độ cấp GCN, ngày 21-8.
Nhiều quận, huyện đã cấp gần xong
Theo báo cáo của Sở TN&MT, từ nay đến ngày 30-9 TP sẽ cấp GCN cho 46.000 trường hợp đủ điều kiện. Nhiều địa phương cũng thông tin đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy cho các trường hợp đủ điều kiện (quận 5 còn 91 trường hợp, quận 12 còn 230 hộ dân, quận 2 còn 181 trường hợp …).
Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp giấy, tập trung ở quận 6, Bình Chánh, Bình Tân, Bình Thạnh.
Hiện vẫn còn nhiều trường hợp nhà đủ điều kiện nhưng chưa được cấp giấy ở một số quận, huyện. Ảnh: HTD
Ông Dương Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết: Trong 5.500 hộ dân đủ điều kiện nhưng chưa được cấp GCN có tới 2.000 trường hợp không nộp hồ sơ dù quận đã gửi thông báo đến từng hộ dân. Theo ông Thắng, các trường hợp này chủ yếu là những hộ dân lao động nghèo hoặc đang tranh chấp về nhà cửa nên ngại nộp hồ sơ. Ngoài ra, do phải tự bỏ kinh phí đo vẽ (khoảng 700.000 đồng) để làm hồ sơ xin cấp GCN nên nhiều người không chịu thực hiện.
Theo Sở TN&MT, toàn TP hiện có 130.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở TN&MT thống kê nguyên nhân khiến các hồ sơ này không đủ điều kiện để trình UBND TP phương án xử lý. Những trường hợp trong thẩm quyền TP sẽ tháo gỡ cho dân, nếu không thuộc thẩm quyền thì sẽ kiến nghị trung ương xử lý.
Chủ đầu tư mang giấy đỏ thế chấp
Đáng chú ý, hiện có một số dự án phát triển nhà ở chưa được cấp GCN do chủ đầu tư thế chấp giấy đỏ cho ngân hàng. Ông Trần Minh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, dẫn chứng về trường hợp của chủ đầu tư chung cư Gia Phú. Theo ông Khiêm, gần 400 hộ dân tại chung cư này đã thanh toán hết tiền cho chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy hồng. Hiện quận đã có văn bản gửi Sở TN&MT xin ý kiến hướng dẫn xử lý. Phòng TN&MT quận 3 cũng báo cáo Công ty Sông Đà đang “cắm” giấy đỏ dự án tại đường Kỳ Đồng cho ngân hàng.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín khẳng định quan điểm của TP là người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì phải được cấp GCN. Ông Tín yêu cầu các địa phương rà soát các chủ đầu tư những dự án trên địa bàn để can thiệp kịp thời. “Việc xử lý chủ đầu tư cầm giấy đỏ đi thế chấp là của cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và chủ đầu tư, không thể để người dân phải chịu thiệt thòi” - ông Tín chỉ đạo.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, từ sau kỳ họp HĐND TP lần 10, khóa VIII (tháng 7-2013) đến nay, có 20 dự án đã có quyết định thu hồi giao đất được xóa treo. Trong đó có sáu dự án trên địa bàn khu Nam. Từ nay đến cuối năm, TP sẽ tiếp tục xử lý 34 dự án treo.
Nơi nào chậm trễ sẽ bị “bêu tên”
Vừa qua có một số gia đình ở TP.HCM không nhận giấy đỏ do việc tính hệ số K tương đối cao. Việc này cần phải sửa đổi và Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đang cùng nhau xử lý vấn đề này.
Một số địa phương cũng chưa quyết liệt trong việc cấp GCN do diện tích rộng, thiếu kinh phí. Đến ngày 31-12, những địa phương chậm trễ trong việc cấp giấy sẽ bị công khai. Nếu trách nhiệm thuộc về Bộ, chúng tôi cũng xin nhận.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang
VIỆT HOA
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Tiếp tục tháo dỡ nhà xây không phép tại Ấp Doi

TTO - Sáng 20-8, UBND P.15 (Q.Gò Vấp) tiếp tục tháo dỡ nhà xây dựng không phép tại tổ 61 (Ấp Doi, khu phố 8, P.15, Q.Gò Vấp).




Để đảm bảo việc tháo dỡ được thông suốt, an toàn, từ sáng sớm, lực lượng công an, dân phòng được bố trí chốt chặn hai đầu lối vào Ấp Doi. Các lực lượng như: điện lực, tổ rà phá bom mìn, phòng cháy chữa cháy, cảnh sát giao thông, y tế, thanh tra xây dựng… cũng được tăng cường túc trực xuyên suốt.
Theo kế hoạch, đợt tháo dỡ nhà xây không phép lần này sẽ được thực hiện trong sáng 20 và 21-8.
Trong đợt này, UBND P.15 sẽ tháo dỡ 90 căn nhà tại tổ 61. Trước khi tháo dỡ, UBND P.15 bố trí cho cán bộ dùng loa đọc công khai, nêu rõ sai phạm của từng chủ hộ và quyết định tháo dỡ do chủ tịch UBND P.15 ký.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều hộ dân đã tự tháo dỡ trước khi đoàn cưỡng chế tới. Tuy nhiên, có một số hộ dân không tự tháo dỡ mà khóa cửa nhà, buộc cán bộ phải dùng kìm sắt bẻ khóa. Một số hộ dân chưa tìm được chỗ ở nên UBND P.15 gia hạn ít ngày để tìm chỗ ở mới rối mới tháo dỡ.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 12-8, UBND P.15 (Q.Gò Vấp) bắt đầu ra quân tháo dỡ nhà không phép tại Ấp Doi (khu phố 8, P.15). Trong ngày ra quân này, các cơ quan chức năng của Q.Gò Vấp tháo dỡ 21 căn nhà không phép lấn chiếm hành lang an toàn bờ hữu sông Vàm Thuật. Tuy nhiên, người dân đã tự tháo dỡ 11 căn trước khi bị cưỡng chế và một trường hợp tạm ngưng cưỡng chế vì chủ nhà nộp những giấy tờ chứng minh căn nhà đã có từ trước, được UBND phường khảo sát để cho sửa chữa.
HOÀNG LỘC
Nguồn: tuoitre.vn

* Thấy cảnh phá dỡ nhà mà đau lòng ! Ai gây nên thãm cảnh ! 
Việc cưỡng chế tháo dỡ những nhà xây dựng không phép là việc làm đúng pháp luật của những người thực thi pháp luật. Bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của người dân, những người cả đời nghèo khổ, cần lao, dành dụm với ước mong có được một mái ấm để chui ra, chui vào nhưng nay đã tan tành dưới những xe cuốc vô tình.
Người dân vi phạm trong việc xây dựng thì đã rỏ ! Nhưng chính quyền địa phương trong vai trò quản lý nhà nước các ngài thấy có trách nhiệm không ?
Nếu chính quyền địa phương kiên quyết ngay từ ban đầu thì tốt quá ! 
Hữu Lộc

Xin một giấy phép, xây... chục căn nhà



Chủ đầu tư chỉ xin một giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc nhà trọ nhưng rồi “hô biến” thành nhiều căn nhà nhỏ.

Sau khi xây xong, chủ đầu tư bán lại cho người mua bằng giấy tay. Đó là tình trạng đang diễn ra khá phổ biến tại huyện Hóc Môn.
Phòng biến thành nhà
Tháng 4-2013, ông Nguyễn Văn Phương được UBND huyện Hóc Môn cấp phép xây dựng nhà ở trên khu đất hơn 575 m2 tại đường Thới Tứ 1 và Thới Tứ 10, xã Thới Tam Thôn (diện tích xây dựng gần 300 m2 gồm một trệt, một lầu, chia thành hai khu A và B). Theo bản vẽ, tầng trệt khu A gồm ba phòng ngủ, phòng khách, bếp, nhà vệ sinh và gara ô tô. Tầng lầu gồm có năm phòng ngủ, hai phòng sinh hoạt chung và nhà vệ sinh. Nhưng trên thực tế, toàn khu A được chủ đầu tư biến hóa thành năm căn nhà một trệt, một lầu hoàn chỉnh. Mỗi căn có đầy đủ bếp, phòng khách, phòng ngủ, cầu thang riêng. Tương tự, khu B cũng được ông Phương hô biến thành sáu căn nhà riêng biệt.
Trên đường TTT 5 có khá nhiều khu nhà “một giấy phép xây nhiều căn” rất hoành tráng. Có khu tới 20-30 căn nhà, trông như một dãy nhà phố. Ảnh: M.QUÝ
Tại đường TTT 5, ấp Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn 11, bà Nguyễn Thị Hanh cũng áp dụng các thủ thuật như trên để xây 11 căn nhà trên một khu đất. Bà ra giá mỗi căn 380 triệu đồng (diện tích 3,5 m x 8,5 m), riêng hai căn mặt tiền là 1,1 tỉ đồng/căn (4 m x 16 m). “Anh chị cứ yên tâm vì việc mua bán đã được thừa phát lại lập vi bằng. Chờ thêm một thời gian, khi Nhà nước cho phép tách sổ thì mọi người sẽ không phải đứng chung sổ nữa, em sẽ bao luôn việc tách sổ. Ai mua nhà ở đây ai cũng đều như vậy hết” - bà Hanh cam đoan với chúng tôi.
Trên đường TTT 5 còn khá nhiều khu nhà tương tự mọc lên rất hoành tráng. Có khu tới 20-30 căn nhà, trông như một dãy nhà phố. Đa phần những căn nhà này có diện tích khoảng 30 m2, giá bán dao động từ 380 đến 600 triệu đồng/căn, riêng các căn mặt tiền có giá trên 1 tỉ đồng.
Rủi ro thuộc về người mua
Theo UBND huyện Hóc Môn, hệ lụy đầu tiên của tình trạng trên là sự quá tải về hạ tầng và gia tăng dân số đột biến. Điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Ngoài ra, các chỉ tiêu về cây xanh, giao thông, an sinh xã hội không đủ để đáp ứng cho lượng dân số tăng đột biến này.
“Một căn nhà thường chỉ xây cho năm, sáu người ở. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư biến thành chục căn nhà là đã lên đến 50, 60 người. Các chỉ tiêu trên nay phải san sẻ cho một số lượng người gấp 10 lần!” - ông Phạm Xuân Nam, Phó Chủ tịch xã Thới Tam Thôn, phân tích.
Ngoài ra, nhiều căn nhà xây dựng chung một móng sẽ không đảm bảo về chất lượng công trình. Rủi ro hơn nữa là khi có sự cố xảy ra, theo luật thì chủ đầu tư phải đứng ra chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trường hợp chủ đầu tư bán nhà xong bỏ đi nơi khác thì người mua sẽ lãnh đủ.
Một vấn đề nữa là đa phần người mua nhà đều xem hợp đồng mua bán được thừa phát lại lập vi bằng là cơ sở pháp lý đảm bảo giao dịch hợp pháp và họ sẽ được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. Nhưng theo UBND huyện Hóc Môn, hình thức này thực chất là việc mua bán bằng giấy tay có người thứ ba chứng nhận chứ không có giá trị pháp lý. Ở đây, người dân đã nhầm lẫn việc lập vi bằng với công chứng mua bán nhà.
“Mới đây, UBND xã Thới Tam Thôn đã mời gần 100 hộ dân mua nhà dạng này để khuyến cáo về những rủi ro có thể xảy ra khi mua nhà chung sổ. Đa phần người dân sau khi được xã giải thích đều tỏ ra bất ngờ” - ông Phạm Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn, cho hay.
Sở Xây dựng: Khâu cấp phép không sai
Dù tình trạng trên xảy ra phổ biến nhưng UBND huyện Hóc Môn cho rằng khó giải quyết vì những hành vi của chủ đầu tư không sai với nội dung giấy phép xây dựng. Cuối tháng 5, UBND huyện Hóc Môn có văn bản đề nghị Sở Xây dựng và Sở Tư pháp hướng dẫn xử lý cụ thể.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: Khâu cấp phép xây dựng không có gì sai nhưng huyện Hóc Môn cần xem lại khâu quản lý, giám sát sau cấp phép của địa phương.
Xem chừng việc xử lý dạng xây dựng “nhân bản” này đang bị bỏ lửng.
Để tránh sự ngộ nhận của người dân khi thực hiện lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại, Sở Tư pháp đã có văn bản (tháng 4-2013) nhắc nhở các văn phòng thừa phát lại thực hiện nghiêm quy định về việc lập vi bằng. Cụ thể: “Qua công tác đăng ký vi bằng, Sở Tư pháp nhận thấy một số vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi liên quan đến giao dịch đối với bất động sản chưa đủ điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật. Việc lập vi bằng ghi nhận những sự kiện, hành vi này có thể dẫn đến sự ngộ nhận của các bên có liên quan đối với giá trị pháp lý của vi bằng và có thể dẫn đến những hệ quả pháp lý tiêu cực”.
Trong văn bản này, Sở Tư pháp cho biết sẽ xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động lập vi bằng.
VIỆT HOA - MINH QUÝ
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

'Quan huyện' và nữ đại gia Sài Gòn ra tòa

Sáng 20/8, ông Nguyễn Văn Khoẻ - nguyên chủ tịch huyện Hóc Môn, TP HCM tiếp tục hầu tòa về hành vi tham nhũng, tiếp tay cho vợ chồng nữ đại gia chiếm đoạt 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng của Agribank Chợ Lớn.

Xuất hiện tại tòa lần này, cựu chủ tịch huyện Hóc Môn vẫn giữ được phong thái điềm đạm và vẻ ngoài phong độ như lần hầu tòa cách đây 2 năm. Còn nữ đại gia Sài Gòn một thời, bị cáo Trần Thị Hà (giám đốc công ty Thành Phát) cũng trắng trẻo và mập hơn.
Liên quan đến vụ án còn có bị cáo Hà Văn Hòa (chồng Hà, phó giám đốc công ty Thành Phát) và một số bị cáo nguyên là giám đốc và phó giám đốc ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chợ Lớn, cán bộ xã, huyện Hóc Môn.
Bào chữa cho ông Khoẻ là luật sư Phạm Công Út và Trần Văn Tạo, 7 luật sư khác bảo vệ quyền lợi cho 8 bị cáo còn lại. Ngồi ghế chủ toạ phiên toà là thẩm phán Vũ Phi Long - Phó chánh Toà Hình sự TAND TP HCM.
nguyen-chu-tich-huyen-Hoc-Mon-1376960161
Nguyên chủ tịch huyện Hóc Môn trong lần ra tòa cách đay 2 năm. Ảnh: Vũ Mai.
Đây là lần thứ 2 vụ án điểm về tham nhũng liên quan đến việc xét duyệt dự án đất tại huyện Hóc Môc từ hơn chục năm trước được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Trước đó, năm 2010, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Văn Khỏe 26 năm tù về các tội Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Còn vợ chồng Hà và Hòa cùng bị phạt mức án tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ. Một số bị cáo nguyên là lãnh đạo của ngân hàng Agribank Chợ Lớn và cán bộ địa phương phải nhận từ 3 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 13 năm tù.
Tuy nhiên, do có một số chi tiết cần phải làm rõ thêm, tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 6/2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Trong lần ra tòa này, hầu hết các bị cáo đều bị truy tố về các tội danh cũ.
Theo nội dung vụ án, sau chuyến hợp tác lao động tại Đức trở về Việt Nam, Hà ly dị chồng và bỏ vào TP HCM. Đến năm 2001, người đàn bà này về sống chung với Hà Văn Hòa (từng có tiền án 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và sinh được một người con.
Đầu năm 2002, có một tỷ đồng trong tay, vợ chồng Hà thành lập công ty TNHH XDTM Thành Phát nhưng khai khống vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Do quen biết với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (chi nhánh Chợ Lớn), Hà vay 18 tỷ đồng để mua căn nhà 26 đường Trường Sơn, quận Tân Bình mà tài sản thế chấp chính là căn nhà này. Tiếp đó, dù công ty không có đủ khả năng về tài chính và điều kiện để vay vốn nhưng vợ chồng Hà vẫn tìm mọi cách để làm giả hồ sơ thực hiện dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Đông Thạnh tại huyện Hóc Môn, lừa vay rồi chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Để thực hiện được ý định này, vợ chồng Hà đã bỏ ra một số tiền “khủng” lót tay nhiều cán bộ, lãnh đạo xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn làm hồ sơ khống qua mặt các cơ quan chức năng trong việc xin và phê duyệt dự án sử dụng đất tại khu vực này. Vào khoảng tháng 11/2002, tvợ chồng Hà đã quen biết với chủ tịch Khỏe (người có vai trò quyết định trong việc giải quyết hồ sơ). Sau đó, “nhờ” ông ký vào công văn gởi các sở ngành xác nhận việc địa điểm dự án của công ty Thành Phát chưa có người đầu tư (thực tế đã có một công ty khác đầu tư trước đó). Lần này, vị chủ tịch nhận 150 triệu đồng tiền "công" từ vợ chồng Hòa.
Cũng từ đó cứ vào mỗi dịp cuối tuần vợ chồng Hà lại đưa vị "quan huyện" và một số cán bộ cấp dưới đi chơi Vũng Tàu, mọi chi phí do nữ đại gia này đài thọ. Ngoài ra, vào các dịp lễ tết, vợ chồng Hà đều đến nhà Khỏe đưa tổng cộng 430 triệu đồng, 15.000 USD, 1/2 sừng tê giác để cảm ơn và cho ông vay 700.000 triệu đồng (nhưng sau đó không trả).
Đến đầu năm 2005, trong một lần đi chơi, vị chủ tịch còn gợi ý vợ chồng Hà mua tặng mình chiếc xe Luxus và sau đó có nhận 1 tỷ tiền đặt cọc mua xe của vợ chồng đại gia này. Khoản tiền này sau đó ông Khỏe có trả lại cho Hà 600 triệu đồng, số còn lại "ỉm" luôn. Không chỉ nhận tiền hối lộ, ông Khỏe còn lợi dụng sự ảnh hưởng của mình đối với một số người trong Sở kiến trúc “vòi” của vợ chồng Hà 5.000 USD và 50 triệu đồng để tác động cho cơ quan này sớm duyệt bản quy hoạch chi tiết dự án cho vợ chồng “siêu lừa”. Song thực tế số tiền này vị chủ tịch đều bỏ túi riêng.
quan-huyen-1376965826.jpg
10 bị cáo tại toà hôm nay. Ảnh: Hải Duyên
Khi hồ sơ dự án được phê duyệt, vợ chồng Hà lại tiếp tục "đi đêm" với nhiều cán bộ ngân hàng để vay vốn. Hà đã lập hồ sơ vay vốn nâng khống số tiền thực hiện dự án và vốn tự có lên để đề nghị được vay thêm 42 tỷ đồng sau đó nhờ Nguyễn Công Định - nhân viên tín dụng của Agribank Chợ Lớn giúp đỡ.
Dù hồ sơ của công ty Thành Phát không đủ yêu cầu cho vay nhưng Định vẫn lập báo cáo thẩm định trình cấp trên là ông Trần Văn Tuyến (giám đốc Agribank Chợ Lớn) ký duyệt. Khi được giải ngân 3.000 lượng vàng, vợ chồng Hà đã "lại quả" cho Định 200 triệu đồng.
Hơn một tháng sau Agribank Chợ Lớn tiếp tục giải ngân cho công ty của Hà 18 tỷ đồng. Theo lời khai của Định thì Tuyến có chỉ đạo đề nghị Hà khi đến ngân hàng nhận vàng thì mang theo 150 triệu đồng để "chi phí cho phía cung ứng vàng", song trách nhiệm số tiền này không được ai thừa nhận.
Đầu năm 2007, sau khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án, biết công ty Thành Phát không có khả năng thực hiện dự án và trả nợ nên giám đốc Agribank Chợ Lớn đã đề nghị Công ty 12 (đối tác của ngân hàng này) đứng ra thực hiện dự án và gánh nợ thay. Vì vậy, tại các phiên xử sau đó, đại diện Agribank Chợ Lớn không thừa nhận bị thất thoát số tiền nói trên và không yêu cầu vợ chồng Hà bồi thường.
Đến năm 2011, Công ty 12 từ chối nhận thanh toán số nợ hơn 4.600 lượng vàng của Thành Phát cho phía Agribank Chợ Lớn. Đồng thời theo chỉ đạo của Thanh tra ngân hàng Nhà nước buộc Agribank Chợ Lớn phải khôi phục số nợ từ công ty Thành Phát nên sau này phía ngân hàng này mới có đơn yêu cầu vợ chồng Hà bồi thường số tiền đã chiếm đoạt. 
Hải Duyên
Nguồn: vnexpress.net


Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Xử lý gần xong nhà không phép

Dự kiến trong tuần này, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức cuộc họp về kết quả xử lý nhà không phé6262p trong thời gian qua.

Trước đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo: Ngày 15-8 phải xử lý xong hơn 2.600 trường hợp xây dựng không phép.
Theo UBND quận 9, tính đến ngày 17-8 quận còn bảy căn nhà không phép ở phường Long Trường. Các hộ dân này đều có nguyện vọng xin lùi thời hạn tháo dỡ đến sau mùa mưa. Tuy nhiên, bà Đặng Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 9, khẳng định không thể gia hạn cho các hộ dân này và trong tuần quận sẽ tổ chức tháo dỡ cả bảy căn.
Tại quận Thủ Đức, nhà không phép xảy ra ở 12 phường, trong đó tập trung tại các phường Hiệp Bình Chánh, Linh Trung và Trường Thọ. UBND quận Thủ Đức cho hay đã ra 178 quyết định cưỡng chế, đến nay tháo dỡ 103 căn. Số còn lại đang được quận vận động tự tháo dỡ, nếu người dân không thực hiện thì sẽ cưỡng chế trong tháng 8. Trong khi đó, huyện Bình Chánh cơ bản đã tháo dỡ xong 681 công trình xây dựng trái phép ở ba xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.
Trong ngày 12-8, quận Gò Vấp tổ chức tháo dỡ 20/110 căn nhà không phép tại khu vực Ấp Doi, phường 15. Ông Lê Minh Liêm, Chủ tịch UBND phường 15, cho biết đợt cưỡng chế tiếp theo diễn ra từ ngày 20 đến 22-8. Tuy chưa đến thời hạn cưỡng chế đợt hai nhưng đã có 14 trường hợp xin tự tháo dỡ.
Đáng chú ý, các địa phương thông tin: Có nhiều căn nhà đủ điều kiện cấp phép nhưng người dân không xin giấy phép xây dựng mà lại xây nhà không phép (Thủ Đức 17 căn, Hóc Môn chín căn, quận 9 có bốn căn…). Trường hợp này các địa phương đều tạm đình chỉ thi công và hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp phép theo quy định.
Ông Lê Minh Liêm cho biết thêm phường 15 đã chuyển danh sách 10 “đầu nậu” tới Công an quận Gò Vấp để điều tra. Phường đang tiếp tục xác minh thông tin có cán bộ bảo kê cho “đầu nậu” xây nhà. UBND quận Thủ Đức cũng cho hay đang giao công an xác minh dấu hiệu tiêu cực của cán bộ tiếp tay cho “đầu nậu”.
V.HOA - M.QUÝ
Nguồn: phapluattp.vn

Bộ Công an sẽ quản lý dịch vụ đòi nợ

Không đeo thẻ, không mặc trang phục đúng quy định sẽ không được trực tiếp đi đòi nợ.

Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Cụ thể theo dự thảo, doanh nghiệp (DN) muốn kinh doanh dịch vụ này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Bộ Công an. Dự thảo cũng minh định rõ “Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Bộ Công an có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Chỉ đạo lực lượng công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; quy định mẫu trang phục của nhân viên dịch vụ đòi nợ; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ...
Dự thảo cũng bổ sung quy định mới về văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải ổn định ít nhất từ một năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh thì trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ một năm trở lên. Trường hợp chuyển địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì người đứng đầu DN, chi nhánh, văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan công an cấp tỉnh nơi đi và nơi đến chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện việc di chuyển địa điểm.
Cũng theo dự thảo, những người không mặc trang phục theo quy định, không đeo thẻ nhân viên hoặc không có giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì không được làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
TTH


XỬ LÝ SAI PHẠM VỀ TRẬT TỰ XÂY DỰNG Ở TP.HCM

Công khai việc xử lý cán bộ để răn đe
TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường cán bộ TP.HCM lưu ý như trên khi đưa ra những giải pháp để chấn chỉnh sai phạm trật tự xây dựng dưới góc độ công tác cán bộ và xây dựng Đảng.

Phóng viên: Thưa tiến sĩ, tình trạng sai phạm trong lĩnh vực xây dựng diễn ra một thời gian dài ở một số quận, huyện trên địa bàn TP gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội. Vấn đề đặt ra là tại sao tình trạng này xảy ra một thời gian dài mà lại không bị phát hiện, xử lý?
+ TS Nguyễn Việt Hùng (ảnh):Một số địa phương trên địa bàn TP có tình trạng xây nhà không phép hay tồn tại tệ nạn xã hội một thời gian dài là nỗi đau của lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng và quyết định là lỗ hổng về mặt trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể tại cơ sở. Cộng vào đó là sự cả nể, “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, “xấu chàng hổ ai” của lãnh đạo cấp trên cơ sở (đảng bộ, chính quyền quận, huyện; một số sở, ban ngành có liên quan).
. Phải chăng chính những điều này đã tạo cho một số cán bộ thừa hành ở cấp cơ sở chỗ dựa để bao che cho những sai trái diễn ra suốt thời gian dài?
+ Chỗ dựa vững chắc trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền chính là niềm tin của nhân dân, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với từng tổ chức, từng cán bộ đảng viên của chúng ta. Để xảy ra những hiện tượng đau lòng vừa qua, phải thẳng thắn nói rằng các chi bộ, Đảng bộ cơ sở, các đồng chí cán bộ chủ chốt trên địa bàn đã có những biểu hiện quan liêu, xa quần chúng, xa thực tế. Mọi sự diễn ra sờ sờ trước mắt mà không biết, không thấy, không nghe… thì không thể chấp nhận. Đây là lý do mà chúng ta có cả một bộ máy và đội ngũ hùng hậu mà vẫn “tê liệt”.
Cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: Ngọc Mai
Một lần nữa hiện tượng này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho ta về công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng ở cơ sở đang nặng về hình thức mà thiếu về thực chất. Thiết nghĩ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên và sự kiểm tra giám sát của quần chúng nhân dân trên địa bàn, sự vào cuộc tích cực của công luận… Có như vậy chúng ta mới tăng tính thực chất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
. Theo ông, cần phải khóa những “lỗ hổng” này như thế nào để hạn chế tình trạng bao che, tiếp tay cho sai phạm?
+ Trước hết nhà đã cháy thì phải chữa cháy. Phải giải quyết ngay những vấn đề liên quan tới lợi ích chính đáng và sự bức xúc của nhân dân, ổn định địa bàn, không để tái diễn lại những trường hợp đau lòng như vừa qua.
Thứ hai, cần xử lý ngay những cán bộ đảng viên thiếu trách nhiệm gây hậu quả tùy theo từng mức độ và công khai việc xử lý này để răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh và lập lại kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức. Bên cạnh đó, phải xử lý những ai có động cơ trục lợi, kể cả trong và ngoài tổ chức liên quan tới vấn đề này.
Thứ ba, công khai các quy hoạch và kiểm soát các quy hoạch này để người dân biết rõ và tránh cho những người tha hóa trong bộ máy có thể lợi dụng để trục lợi. Thứ tư, cần xem xét trách nhiệm không chỉ của cơ sở liên quan đến vụ việc đã nêu mà còn có trách nhiệm của cấp trên, các sở, ban ngành có liên quan.
Thứ năm, cần xem xét lại thực chất hoạt động của các định chế giám sát như ủy ban kiểm tra các cấp, lực lượng thanh tra, các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý trên địa bàn, đặc biệt là lực lượng công an; vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tại cơ sở (ở xã thì cần kiểm tra lại hoạt động của HĐND).
Về lâu dài, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách mạnh mẽ hơn, thực chất hơn trong cán bộ, đảng viên các cấp. Tiến tới cần có những đổi mới căn cơ trong tổ chức quản lý đô thị, mà việc xem xét thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM trong tương lai sẽ là giải pháp hữu hiệu để góp phần giải quyết tình trạng này.
. Xin cảm ơn ông.
Thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin
Tại sao cả bộ máy quản lý huyện Bình Chánh lại tê liệt để xảy ra đến hơn 680 căn nhà xây dựng trái phép? Chưa hết, người dân còn gửi thư cho tôi tố cáo ghi rõ địa chỉ nhà nào, ô số mấy xây dựng không phép. Lý do gì dân nắm mà chính quyền lại không biết?
Sai phạm trong xây dựng tại Bình Chánh và Gò Vấp với quy mô lớn là bài học xương máu trong công tác quản lý. Qua vụ việc này đã gây thiệt hại cho xã hội rất lớn, thiệt hại tiền của của người dân, kinh phí bỏ ra để cưỡng chế. Đặc biệt, thiệt hại lớn nhất là làm mất lòng tin của người dân đối với bộ máy quản lý do những cán bộ suy thoái, tha hóa gây ra. Lần này nếu không làm rõ sai phạm, chẳng khác nào để ung nhọt âm ỉ trong dân, gây bức xúc dư luận. Nhà xây không phép thì đập, cán bộ, tổ chức nào sai phạm thì phải xử lý để lập lại trật tự trong xây dựng. Do vậy, Huyện ủy Bình Chánh phải kiểm điểm rõ ràng, xử lý đúng người, đúng tội và công khai minh bạch.
Lý do vì sao cả bộ máy tê liệt? Có phải người đứng đầu không gương mẫu? Bí thư, chủ tịch xã, phường phải chịu trách nhiệm trước huyện ủy, UBND quận, huyện. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra công vụ Sở Nội vụ cùng vào cuộc làm rõ chức trách công vụ của các tập thể, cá nhân trong công tác quản lý để chấn chỉnh. Viện kiểm sát, công an xem xét đề nghị khởi tố các “đầu nậu” san lấp đất nông nghiệp, phân lô bán nền trục lợi vì đây là hành vi vi phạm có tổ chức, xảy ra trong thời gian dài…
Chủ tịch UBND TP.HCM LÊ HOÀNG QUÂN (phát biểu tại buổi làm việc về xử lý sai phạm xây dựng chiều 13-8, theo báo Sài Gòn Giải Phóng)
MINH CƯỜNG thực hiện
Nguồn: phapluattp.vn



Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

TRÀN LAN NHÀ XÂY TRÁI PHÉP: Xử lý chưa rốt ráo

Chính quyền các quận, huyện ở TP HCM có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng xây nhà trái phép nhưng cách xử lý chưa quyết liệt nên khó có thể chặn đứng nhà trái phép tiếp tục mọc lên

"Quan điểm của quận ủy, UBND quận là kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn cũng như xử lý nghiêm cán bộ, lãnh đạo các đơn vị liên quan". Ông Huỳnh Thanh Nhân - Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, TP HCM - khẳng định như vậy khi đề cập tình trạng xây nhà trái phép diễn ra trên địa bàn quận mà Báo Người Lao Động đã phản ánh qua loạt bài Tràn lan nhà xây trái phép trong các số báo ra từ ngày 7 đến 9-8.

Một dãy nhà trọ xây dựng không phép ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức Ảnh: QUÝ HIỀN
Công an đang điều tra
Ông Nhân thừa nhận phường Hiệp Bình Chánh là điểm nóng của tình trạng xây dựng nhà không phép như những gì Báo Người Lao Động đã phản ánh.
Để giải quyết rốt ráo tình trạng này, trước đó, UBND quận đã thành lập đoàn thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng ở phường Hiệp Bình Chánh và phường Trường Thọ. Sau khi có kết luận bước đầu, cách đây vài ngày, UBND quận đã kiểm điểm và điều động chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách quản lý đô thị của UBND phường Hiệp Bình Chánh về làm chuyên viên tại một số phòng, ban của quận, do 2 cán bộ này buông lỏng quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.
Cũng tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã kiểm điểm trách nhiệm đối với 10 nhân viên phụ trách quản lý xây dựng của phường, gồm: 4 cán bộ công chức (cảnh cáo), 6 cán bộ diện hợp đồng (khiển trách 2, chuyển công tác 4 người). Theo ông Nhân, hình thức kiểm điểm đối với 2 lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh chỉ là bước đầu. Hiện công an quận đang điều tra làm rõ những cán bộ này có tiêu cực hay không khi để xảy ra hàng loạt vụ xây dựng không phép. "Tùy vào kết quả điều tra, hình thức kỷ luật cuối cùng đối với 2 cán bộ này sẽ còn thay đổi" - ông Nhân khẳng định.
Trả lời câu hỏi về các giải pháp sắp tới của UBND quận Thủ Đức để chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép, không phép diễn ra trên địa bàn, ông Nhân cho biết bên cạnh việc tuyên truyền trong nhân dân, UBND quận đã giao UBND 12 phường tăng cường phối hợp với Đội Thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng TP HCM trong công tác quản lý, không để phát sinh các trường hợp vi phạm. Đối với trường hợp vi phạm, yêu cầu phải kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ. Riêng phường Hiệp Bình Chánh, quận sẽ thành lập tổ công tác liên ngành do phó chủ tịch UBND quận làm tổ trưởng, tiếp tục kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, quận Thủ Đức đã yêu cầu công an quận không giải quyết cấp số nhà tạm và đăng ký tạm trú đối với nhà xây không phép; Điện lực Thủ Đức, công ty cấp nước không gắn mới điện kế và thủy kế đối với nhà xây dựng trái phép.
Chưa xử lý được "đầu nậu"
Tại huyện Hóc Môn, ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết tình trạng "một giấy phép xây nhiều căn nhà" sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. "Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 81 trường hợp "một giấy phép xây nhiều căn nhà" với hàng trăm căn có diện tích 30-40 m2" - ông Tài thừa nhận.
Theo ông Tài, các "đầu nậu" xin giấy phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trên những thửa đất có diện tích lớn và được UBND huyện cấp phép. Sau đó, họ xây thành nhiều căn nhà nhỏ để bán giấy tay cho các hộ dân nhưng không thông qua cơ quan chức năng, không hợp thức hóa thủ tục nhà đất, không đóng thuế theo quy định. Hành vi trên không chỉ vi phạm các quy định về đất đai, xây dựng mà còn gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước về trật tự xã hội, dân số, dân sinh…
Thế nhưng, ông Tài cho biết do thiếu cơ sở pháp lý nên chính quyền địa phương chưa thể xử lý hành vi nêu trên. Cụ thể, công trình không tăng diện tích, không tăng tầng cao, không vi phạm khoảng lùi và mật độ xây dựng nên chiếu theo Thông tư 24 của Bộ Xây dựng (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản) thì không sai giấy phép. Thông tư này cũng không quy định xử phạt chủ đầu tư thay đổi kết cấu bên trong công trình nếu không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực. Với những quy định này thì rất khó xử phạt hành vi chia nhỏ diện tích căn nhà ra bán của các "đầu nậu".
Ông Tài cho biết UBND huyện Hóc Môn đã gửi nhiều văn bản xin ý kiến Sở Tư pháp, Sở Xây dựng TP HCM và các sở này đã thống nhất trình UBND TP xem xét, kiến nghị Chính phủ bổ sung các điều khoản xử lý cụ thể đối với những hành vi nêu trên. Trong thời gian chờ bổ sung, UBND huyện sẽ yêu cầu các chủ đầu tư không tiếp tục xin "một giấy phép xây nhiều căn nhà".
Chỉ 4 chủ tịch xã bị đình chỉ công tác
Hiện UBND huyện Bình Chánh vẫn đang tiếp tục tổ chức kiểm điểm trách nhiệm 53 tập thể và 127 cá nhân liên quan đến những sai phạm xây dựng xảy ra trên địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân. Ông Nguyễn Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết đến nay, huyện mới tạm đình chỉ công tác đối với 4 chủ tịch UBND xã, gồm: Ông Trần Văn Cần (xã Bình Hưng), ông Thiều Văn Se (xã Vĩnh Lộc B), ông Nguyễn Văn Phó (xã Tân Kiên) và ông Trần Quốc Quay (xã Vĩnh Lộc A).
Tại quận Gò Vấp, do tình trạng xây dựng không phép đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp ở ấp Doi, phường 15 nên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa giao Công an TP chỉ đạo Công an quận Gò Vấp chốt chặn, không cho các phương tiện vận chuyển vật tư vào các công trình xây dựng không phép; tạm không cấp số nhà các công trình này.
 
T.Tiến - Q.Hiền
QUÝ HIỀN-THÀNH ĐỒNG-THU HỒNG
 
Nguồn: nld.com.vn