Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Mở rộng quyền cho người bị thu hồi đất


Cần có cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan nhà nước.

“Phải bảo vệ quyền lợi cho người có đất nằm trong khu quy hoạch” - ông Huỳnh Thành Lập, đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề xuất tại hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ TN&MT tổ chức (ngày 24-4).
Dự án “treo”: Quy rõ trách nhiệm
Theo ông Lập, hiện tại nhiều khu vực xảy ra tình trạng quy hoạch không có khả năng thực hiện hoặc nếu có làm cũng phải mất 30-40 năm sau. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của người dân. “Chúng ta vẫn nói quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Nhưng nếu đất nằm trong khu quy hoạch thì người có đất gần như không làm được gì, quyền của họ bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi cho người có đất nằm trong khu vực quy hoạch, như quyền được cấp giấy chứng nhận nhà đất, quyền được chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn...” - ông Lập nói.
Thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới tại phường An Khánh, quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD
Về chế tài trong việc chậm đưa đất vào sử dụng, ông Lê Trọng Sang, đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề nghị: Ngoài việc thu hồi đất hoặc đánh thuế lũy tiến, cần quy rõ trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp chứng minh được việc chậm thực hiện dự án là do lỗi của cơ quan nhà nước.
Mở rộng diện được đào tạo nghề
Cũng theo ông Sang, nhiều gia đình ở TP.HCM đang kiếm sống bằng cách buôn bán ngay tại căn nhà của mình. Việc thu hồi đất rõ ràng đã làm mất đi sinh kế của họ. Với trường hợp này, Nhà nước cũng phải hỗ trợ dạy nghề hoặc tạo việc làm giống như đối với những người bị mất đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn. “Ngoài ra, cần quy định rõ khi bị thu hồi đất ở thì trường hợp nào được bồi thường bằng đất ở, nhà ở hoặc bồi thường bằng tiền” - ông Sang đề nghị.
Việc mua bán nhà đất có cần qua cơ quan công chứng hay không cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm. Ông Lập nghiêng về phương án tất cả giao dịch không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Điều này nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dân trong việc chuyển nhượng nhà đất. “Người dân phải có cách thức để tự bảo vệ mình. Chúng ta đừng quá lo xa!” - ông Lập nói.
Giữ đất trồng lúa
Bàn về giá đất, ông Lê Mộng Điệp, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng đây là linh hồn của Luật Đất đai. “Không nên có hai loại giá đất (giá thị trường và giá của Nhà nước) như hiện nay. Còn nếu chúng ta muốn tính giá đất theo thị trường thì phải có cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan nhà nước. Hiện chúng ta đang làm theo kiểu cơ quan thẩm định giá đất cũng của Nhà nước, UBND ban hành giá đất cũng là cơ quan nhà nước. Làm như vậy rất tốn tiền của Nhà nước mà không hiệu quả” - ông Điệp nói.
Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định phải có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Theo bà Nguyễn Thanh Thụy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, chỉ nên áp dụng quy định này với những nơi chưa có quy hoạch sử dụng đất. Còn nếu giữ nguyên như dự thảo sẽ tạo cơ chế xin-cho, địa phương khó chủ động trong việc chuyển đổi đất đai. Tuy nhiên, Bộ TN&MT vẫn giữ quan điểm: “Quy định như vậy là để giữ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Sẽ có quy định cụ thể việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất trên ở quy mô nào thì mới phải trình Chính phủ”.
HOÀNG VÂN

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Đề nghị xét xử lại theo hướng tử hình Ngô Quang Chướng

(NLĐO)- Cho rằng bản án hình sự mà tòa sơ và phúc thẩm đã tuyên với Ngô Quang Chướng, kẻ cầm đầu, chủ mưu vụ giết người là chưa đúng với đường lối của nhà nước nên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy án.
Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cho biết vừa ra quyết định hủy bản án phúc thẩm đã tuyên trước đó về phần hình phạt đối với bị cáo Ngô Quang Chướng (SN 1961, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hải), giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm lại theo hướng tử hình.
Trước đó, ngày 9-9-2011 TAND TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Chướng cùng 8 đồng phạm khác về tội giết người, bắt giữ người trái pháp luật. Trong phiên tòa này, đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố đã đề nghị tử hình đối với bị cáo Chướng.
Ngô Quang Chướng trong phiên phúc thẩm

Tuy nhiên sau khi nghị án, TAND TPHCM tuyên phạt Ngô Quang Chướng tù chung thân, Vũ Văn Luân (tức Luân con, đàn em Dung Hà) tử hình và án tù đối với 7 bị cáo khác.

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Viện trưởng VKSND TPHCM đã ký kháng nghị tăng án từ chung thân lên tử hình; đại diện bị hại cũng kháng cáo yêu cầu tử hình Ngô Quang Chướng vì cho rằng y là kẻ chủ mưu vụ giết người tàn bạo.

Sau đó, ngày 29-12-2011, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xử phúc thẩm đã bác kháng nghị của VKSND TPHCM, bác kháng cáo của đại diện bị hại, tuyên y án sơ thẩm với Ngô Quang Chướng.

Ngày 18-9-2012, Chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị bản án hình sự này và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy án về phần hình phạt đối với Ngô Quang Chướng.
Luân "con" (giữa) bị tử hình nhưng kẻ cầm đầu, chủ mưu Ngô Quang Chướng  (trái) chỉ bị chung thân 

Căn cứ vào lời khai ở các bản cung, lời khai tại tòa của Ngô Quang Chướng đã thừa nhận do ông Đặng Xuân Sĩ (SN 1958) làm đơn tố cáo những sai phạm của Chướng nên y đã mướn, nhờ Luân "con" thanh toán ông Sĩ.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định trong vụ án này Chướng là kẻ chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức và vì động cơ đê hèn. Hành vi của Chướng là đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận xấu nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt tù chung thân về tội giết người là chưa tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội và vai trò của Chướng.

Việc VKSND TPHCM kháng nghị tăng án, đại diện bị hại kháng nghị tăng hình phạt nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM giữ nguyên án chung thân đối với Chướng là không đúng, không phù hợp với chính sách hình sự của nhà nước ta là nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu và phạm tội có tổ chức. Từ những nhận định này, Hội đồng Thẩm phán yêu cầu hủy án về phần hình phạt chung thân và xét xử lại theo hướng tử hình đối với Ngô Quang Chướng.

Theo bản án phúc thẩm, chỉ vì bị ông Đặng Xuân Sĩ tố cáo những sai phạm trong quá trình điều hành Công ty TNHH Hoàng Hải, Ngô Quang Chướng đã mướn băng nhóm giang hồ Vũ Văn Luân tổ chức đụng xe và giết ông Sĩ.
Tin-ảnh: Phạm Dũng

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Thanh tra xây dựng phường xã chỉ hoạt động đến ngày 15-5

(SGGPO).- Ngày 15-4, UBND TPHCM đã có chỉ đạo về công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận huyện, phường xã, thị trấn trước khi triển khai Nghị định 26/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng (TTXD).
Theo đó, UBNDTP yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp các sở-ngành chức năng xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng và Đề án Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng với UBND cấp quận-huyện, phường-xã trong việc quản lý xây dựng trên địa bàn để UBND TP xem xét, quyết định trước ngày 15-5-2013 (ngày NĐ 26 có hiệu lực).
UBNDTP cũng yêu cầu từ nay đến ngày 15-5 vẫn tạm giữ nguyên lực lượng TTXD các cấp huyện, xã; lực lượng TTXD các cấp tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn; không được buông lỏng quản lý hoặc để tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra.
Theo NĐ 26, từ ngày 15-5, TTXD được tổ chức 2 cấp: Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng. Do đó, lực lượng TTXD quận-huyện, phường xã thị trấn sẽ không còn. Tuy nhiên, TTXD cấp huyện hiện đang trực thuộc UBND cấp huyện sẽ được tổ chức lại thành các đội do Sở Xây dựng quản lý. Riêng TTXD cấp phường, xã, thị trấn sẽ không được duy trì. Tại cuộc họp giữa Sở Xây dựng TP và 24 quận-huyện về việc này, nhiều ý kiến thống nhất xây dựng đội TTXD ở các quận - huyện dựa trên lực lượng nhân viên TTXD hiện tại của các quận huyện.
Nhung Nguyễn
Nguồn: sggp.org.vn

Do quy hoạch của cơ quan chức năng không kịp với sự phát triển của xã hội nguyên nhân vì sao ?

Do năng lực hay vì lý do tế nhị nào khác? 

Ngay như khu dân cư Hoàng Hải xã Bà Điểm huyện Hóc Môn chính quyền địa phương đã từng câu kết, tiếp tay với nhà đầu tư quy hoạch phân lô bán đất nông nghiệp cho người dân cất nhà hậu quả hằng trăm căn nhà 3 tầng lầu đang trong tình trạng bị cưỡng chế phá dỡ hàng ngàn lô đất không được phép xây dựng gây thiệt hại cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng, kéo dài từ năm 2009 đến nay vẩn chưa được giải quyết.

Tại sao chính quyền địa phương xã Bà Điểm và huyện Hóc Môn vô cãm đến như thế !

Người dân đã nhiều lần gởi đơn Khiếu kiện đến nhiều nơi, nhiều cấp chỉ nhận được sự đùn đẩy của chính quyền mà thôi ! Huyện bảo chờ chỉ đạo của thành phố, Thành phố bảo việc giải quyết thuộc thẫm quyền của huyện, chúng tôi nên nghe ai !

Người dân chúng tôi mong rằng chính quyền thành phố nên có sự chỉ đạo để giải quyết rốt ráo sự việc đừng để hàng ngàn hộ gia đình phải chịu cảnh khốn khổ. Xin hảy cho chúng tôi con đường sống và đừng dồn chúng tôi đến chân tường !

Hữu Lộc

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

TPHCM: Công bố công khai các dự án chậm tiến độ bị thu hồi trong tháng 4-2013


Đây là chỉ đạo mới nhất của Phó Chủ tịch UBND TPHCM  Nguyễn Hữu Tín đối với việc xử lý các dự án thực hiện chậm tiến độ trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, TPHCM yêu cầu Sở Tài nguyên- Môi trường phối hợp với UBND các quận huyện rà soát kỹ danh mục các dự án thực hiện chậm tiến độ để tổ chức công bố công khai. Cụ thể, trong thời gian từ ngày 20 - 4 đến ngày 30- 4 -2013: Sở TN-MT công bố công khai trên các phương tiện thông tin hoặc tổ chức họp báo để công bố danh mục dự án hủy bỏ văn bản chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; UBND các quận-huyện công bố tại trụ sở UBND quận - huyện, UBND xã, phường, thị trấn và tại khu đất thực hiện dự án danh mục dự án cho tiếp tục thực hiện để người dân biết.

Các dự án thuộc danh mục hủy bỏ dự án đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, TP yêu cầu Sở TN-MT rà soát, báo cáo lại tiến độ thực hiện, nguyên nhân chậm thực hiện và đề xuất TP hướng xử lý từng dự án cụ thể đối với đối các dự án công trình công cộng; rà soát, thanh tra kết luận vi phạm và trình TP ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ theo quy định đối với các dự án kinh doanh, thương mại, nhà ở.

Riêng các dự án xin chuyển nhượng (chủ đầu tư đã bồi thường xong nhưng chưa triển khai xây dựng do gặp khó khăn về vốn), TP cũng yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với Tổ Công tác liên ngành xem xét từng trường hợp cụ thể về điều kiện năng lực, tài chính của đơn vị nhận chuyển nhượng, thời gian thực hiện tiếp dự án sau chuyển nhượng, để đề xuất TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.

Theo thống kê chưa đầy đủ của TPHCM, trong tổng số 921 dự án đã có quyết định thu hồi, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất với hơn 9.300 ha trên địa bàn TP, có 90 dự án (gần 3.500 ha) có tỷ lệ bồi thường dưới 50%. Trong số 254 dự án chủ đầu tư được chấp thuận địa điểm đầu tư (chưa giao đất) với diện tích hơn 2.000 ha, có 29 dự án có tỷ lệ bồi thường dưới 50%.
Hạnh Nhung
Nguồn: sggp.org.vn

Mong rằng UBND huyện Hóc Môn nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố để người dân trong huyện được nhờ.
Hữu Lộc

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Chính phủ kiến nghị: Quyền lập hiến thuộc về nhân dân


Trưng mua, trưng dụng, thu hồi đất được bồi thường theo giá thị trường.

Ngoài những góp ý, kiến nghị Hiến pháp (HP) cụ thể mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh (số báo ra ngày 9 và 10-4), cuộc họp chuyên đề về HP của Chính phủ (CP) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì còn kiến nghị nhiều nội dung mới và quan trọng khác.
Nhân dân thông qua Hiến pháp
Về các nội dung liên quan đến quyền lập hiến của nhân dân, CP cho rằng cần xác định quyền lập hiến là thể hiện cao nhất chủ quyền nhân dân, gồm quyền sáng kiến lập hiến, quyền tham gia góp ý trong quá trình dự thảo HP và cuối cùng là quyền biểu quyết thông qua trưng cầu dân ý.
Trên tinh thần đó, bên cạnh phần khẳng định nhân dân thông qua và thi hành HP ở Lời nói đầu, các điều khoản liên quan khác trong HP cũng cần được sửa đổi, bổ sung tương ứng. Điều 30 (dự thảo hiện tại ghi “công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”) cần được sửa lại, cụ thể hơn: “Công dân có quyền biểu quyết về HP và các việc trọng đại của quốc gia. Trình tự, thủ tục, giá trị hiệu lực của trưng cầu ý dân do luật định”.
Các điều khoản khác quy định về quyền lập hiến, lập pháp cần sửa lại theo hướng QH là cơ quan thực hiện quyền lập pháp (quyết định thông qua luật), còn nhân dân mới là chủ thể của quyền lập hiến. Trong lập hiến, QH có vai trò quan trọng khi đề xuất sửa đổi, bổ sung HP, trong soạn thảo và cũng là cơ quan thông qua HP trước khi đưa ra nhân dân biểu quyết. Nhưng QH không phải là cơ quan lập hiến theo nghĩa quyết định cuối cùng về thông qua HP. Quyền ấy phải ở nơi dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp góp ý Dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Ảnh: TTXVN
Tuy thống nhất việc đưa quy định trưng cầu dân ý về HP vào HP lần này (không áp dụng ngay mà phải để QH ban hành Luật Trưng cầu dân ý làm cơ sở cho việc sửa đổi HP sau) nhưng về trình tự, thủ tục (Điều 124 Dự thảo sửa đổi HP), trong CP lại có ý kiến khác nhau.
10/25 thành viên CP biểu quyết đề nghị quy định: “Dự thảo HP được trưng cầu ý dân sau khi QH thông qua với ít nhất 2/3 tổng số đại biểu QH biểu quyết tán thành. Trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân do luật định”. Hiến định như vậy hàm ý biểu quyết HP thông qua trưng cầu dân ý là quyền dân chủ trực tiếp cao nhất, là quyền đương nhiên. Qua đó HP bảo đảm vị trí tối thượng trong đời sống XH.
Ý kiến khác, cũng không quá bán, thuộc về 12/25 thành viên CP biểu quyết, thống nhất như dự thảo: “Việc trưng cầu ý dân về HP do QH quyết định”.
“Theo quy định của luật” chứ không phải “pháp luật”
Ngoài các nội dung trên, CP còn có những kiến nghị HP rất tiến bộ về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân. CP cho rằng cần ghi nhận nguyên tắc các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện bằng luật và cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.
Trên tinh thần đó, khoản 2 Điều 15 Dự thảo sửa đổi HP cần giới hạn hẹp hơn nữa căn cứ giới hạn quyền, thành: “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và sức khỏe của cộng đồng”. Khác với dự thảo, có thêm hai trường hợp “trật tự, an toàn xã hội”, “đạo đức xã hội” và không có “bằng luật”.
Tương tự, CP đề nghị thay thế cụm từ “theo quy định của pháp luật” thành “theo quy định của luật” ở nhiều quyền cơ bản quan trọng. Bao gồm: Quyền bí mật thư tín (Điều 23); quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 26); quyền bảo hộ về sở hữu tư nhân, quyền thừa kế (Điều 33)...
Ý kiến khác nhau về thu hồi đất
CP cũng có kiến nghị rất đáng chú ý liên quan đến thu hồi đất và quyền sử dụng đất. Cụ thể, khoản 3 Điều 56 Dự thảo sửa đổi HP quy định Nhà nước trưng mua, trưng dụng có bồi thường “theo giá thị trường” với tài sản của công dân. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản, thì khoản 3 Điều 58 dự thảo lại quy định Nhà nước thu hồi “có bồi thường theo quy định của pháp luật”.
CP cho rằng quy định như vậy là không rõ ràng và mâu thuẫn với nhau. Vì vậy cần sửa đổi theo hướng Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản, hay thu hồi đất thì đều phải bồi thường theo giá thị trường.
Tuy nhiên, về các trường hợp thu hồi đất, trong CP có ý kiến khác nhau. 11/25 thành viên CP biểu quyết tán thành Điều 58 Dự thảo sửa đổi HP - Nhà nước thu hồi đất trong ba trường hợp: vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển KT-XH.
12/25 thành viên CP - tỉ lệ cao hơn nhưng không quá bán - đề nghị không hiến định việc thu hồi đất với trường hợp thứ ba. Thay vào đó, nên để QH thông qua danh mục các dự án phát triển KT-XH quan trọng, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà QH, CP quyết định thu hồi đất. Quy trình, thủ tục thu hồi và bồi thường phải “theo quy định của luật” chứ không nới rộng “theo quy định của pháp luật” như dự thảo.
NGHĨA NHÂN
Nguồn: phapluattp.vn

Đất nông nghiệp trong khu quy hoạch treo: “Rã đông”

Ngày 8-4, tại cuộc họp triển khai chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về việc xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo xem xét cấp giấy chứng nhận cho cả các trường hợp nhà xây trên đất nông nghiệp trong những khu vực chưa có quy hoạch hoặc đã có quy hoạch nhưng không phải là đất ở. Chủ trương này đang thổi một làn gió mới vào những khu đất nông nghiệp mênh mông ở ngoại thành và quận ven TPHCM đã bị hoang hóa nhiều năm vì các dự án treo.
  • Người dân hân hoan chờ đợi
Trong thời gian gần đây, trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP đã đăng nhiều bài viết nêu vấn đề bạn đọc quan tâm: tình trạng bất cập trong chính sách quản lý, tạo ra rào cản bất hợp lý khiến hạn chế quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp trong các khu quy hoạch treo. Với việc tháo dỡ rào cản này, cho thấy lãnh đạo TPHCM nghiêm túc lắng nghe tâm tư của người dân, giải quyết vấn đề người dân đang rất bức xúc.
Đất nông nghiệp trong khu quy hoạch treo bên đường Lã Xuân Oai (quận 9, TPHCM) đã bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm.
Khi đón nhận thông tin về chủ trương mới của TP, nhiều hộ nông dân rất phấn khởi. Trong những ngày này, nhiều quận vùng ven đang tổ chức kỷ niệm 16 năm ngày thành lập quận. Thời điểm tách ra từ huyện ngoại thành để thành lập quận cũng là mốc thời gian ruộng vườn của nông dân ở đó được chuyển thành đất đô thị. Từ khi đất nông nghiệp được quy hoạch làm đất ở đô thị và công trình công cộng, ruộng vườn của hàng ngàn hộ nông dân nằm trong các khu quy hoạch bị bỏ hoang.
Tại các quận ven đã hình thành những “làng quê giữa đô thị” do quy hoạch treo nhiều năm nay chưa thực hiện được, như khu quy hoạch công viên ấp Doi (phường 15, Gò Vấp), khu quy hoạch KCN Hiệp Thành (phường Hiệp Thành, quận 12), ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 27 và 28, quận Bình Thạnh)… Các khu dân cư, ruộng vườn bị lâm tình cảnh quy hoạch treo có thời gian ngắn nhất cũng đã trên 10 năm, có nơi đã treo gần 30 năm. Khu quy hoạch treo có diện tích nhỏ cũng vài chục hécta, có khu quy hoạch treo lớn đến cả trăm hécta. Do ruộng vườn bị bỏ hoang không thể trồng trọt, cũng không thể làm nhà, xây dựng nhà xưởng, đã gây nhiều thiệt thòi, bức xúc cho người dân.

Chủ trương tháo gỡ của UBND TPHCM đã làm nhiều gia đình nông dân thở phào, hy vọng. Anh Trần Đình Dũng (ở phường Hiệp Thành, quận 12) chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc quan điểm “Nhà nước chưa lo được nhà cho người dân, nếu dân tự lo chỗ ở cho mình, thì chính quyền phải ủng hộ, tạo điều kiện”. Không riêng gia đình tôi, hàng trăm hộ nông dân ở đây đang khốn khổ vì nhà nằm trong khu quy hoạch đất công nghiệp. Đất đai nơi đây có nguồn gốc đất nông nghiệp nên muốn xây nhà cũng khó, mà đã có nhà cũng không thể làm giấy tờ. Thật mừng khi nay đã có hướng ra cho hàng trăm gia đình đã xây nhà, sinh sống ổn định nhưng lâu nay không được cấp giấy tờ vì vướng quy hoạch treo”. Nhiều hộ có đất trong khu quy hoạch ga Bình Triệu cũng rất phấn chấn, đang rục rịch chuẩn bị xây nhà trọ cho thuê, làm thủ tục xin cấp giấy tờ nhà.
  • Lối mở cho chính quyền địa phương
Ông Võ Văn Quang, tổ trưởng tổ 41 (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), cho biết: “Trong khu quy hoạch ga Bình Triệu, có diện tích đất nông nghiệp rất lớn. Lâu nay người dân tại đây có nhu cầu xây dựng nhà ở, nhà cho thuê, nhưng không thể xin được giấy phép xây dựng, dẫn đến xây dựng trái phép. Thật đau lòng khi chứng kiến nhiều trường hợp đã bị cưỡng chế tháo dỡ. Chủ trương cấp giấy chứng nhận, giấy phép xây dựng đối với đất nông nghiệp tại đây không những giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân mà còn chấm dứt tình trạng xây dựng không phép”.

Việc “rã đông” đất nông nghiệp trong những khu quy hoạch treo không chỉ làm người dân hân hoan, mà các phường - xã cũng rất ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, phân tích: “Chủ trương tháo gỡ của TP sẽ giúp giải quyết được vấn đề nan giải ở địa phương là cấp giấy tờ nhà đất và quản lý xây dựng. Vốn là xã nông nghiệp nhưng Bình Hưng nằm cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng, có nhiều dự án quy hoạch phát triển đô thị. Cũng như nhiều địa phương khác, do dự án chậm thực hiện, đất nông nghiệp bị treo, không những làm cuộc sống của người dân khó khăn mà việc quản lý của chính quyền xã quá phức tạp. Đối với nhà cửa của dân xây dựng trên đất nông nghiệp, việc cấp giấy chứng nhận nhà đất, cấp giấp phép xây dựng đã bị ngưng hoàn toàn. Chủ trương mới sẽ tháo gỡ nút thắt cho chính quyền địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận nhà đất và quản lý xây dựng”.

Để chủ trương đi vào đời sống, cần có thời gian và phải được các cấp, các ngành liên quan cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Người dân cũng như chính quyền cơ sở đang nóng lòng chờ đợi.
Tại cuộc họp triển khai chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: Sở TN-MT và các quận, huyện phải thực hiện ngay việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dự án chậm triển khai tại địa phương. Ngay tại khu quy hoạch các dự án, cũng phải có bảng thông báo về chủ đầu tư, thời gian thực hiện, mục đích dự án… để người dân được biết và cùng giám sát. Đối với các dự án phúc lợi công cộng chậm tiến độ, Sở TN-MT tiến hành thanh tra báo cáo TP về lý do tại sao chậm để xem xét có nên cho tiếp tục dự án hay thu hồi.
TRẦN YÊN
Nguồn: sggp.org.vn

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

XUNG QUANH “NHÓM THÂN HỮU” VÀ “LỢI ÍCH NHÓM” Quyền lực đang bị thương mại hóa

Đó là nhận định của TS Lê Đăng Doanh. Ông cho rằng: Các DN Việt Nam hiện nay phải dành rất nhiều tiền bạc và thời gian để chăm sóc các mối quan hệ với quan chức.

Trước một số vấn đề nổi cộm từ nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) về mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp (DN) (Pháp Luật TP.HCM ngày 6 và 9-4), chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định: Đây là hiện tượng quyền lực đang bị thương mại hóa hòng mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó, hệ quả là xã hội phải chịu thiệt thòi.
DN giàu nhưng không mạnh
Phóng viên: Là một chuyên gia kinh tế từng tham gia nhiều nghiên cứu khảo sát về môi trường kinh doanh (chỉ số PCI, PAPI), ông nhìn nhận như thế nào về nghiên cứu nói trên của UBKTTƯ?
+ TS Lê Đăng Doanh: Tôi hoan nghênh nghiên cứu này và xem đó là một bước đi đúng hướng để nhằm làm rõ bức tranh của tham nhũng cũng như các biểu hiện và phương pháp của tham nhũng. Như vậy UBKTTƯ đã có nỗ lực đáng trân trọng. Vấn đề là từ những nghiên cứu này cần rút ra cái gì?
Có thể nói rằng các DN Việt Nam hiện nay phải dành rất nhiều tiền bạc và thời gian để chăm sóc các mối quan hệ. Bằng cách đó, một số DN giàu lên một cách dễ dàng, không cần cạnh tranh theo cơ chế thị trường, không cần nâng cao trình độ khoa học công nghệ, không cần lao động, không cần đầu tư đào tạo hay hoàn thiện bộ máy, quản trị của mình. Chỉ cần có mối quan hệ rồi thì đút lót để được dự án này, công trình kia.
Tôi thấy các biểu hiện cụ thể của việc đút lót này rất kỳ quặc. Tôi từng gặp trường hợp một ông giám đốc vội vội vàng vàng cáo biệt sau khi có một cuộc điện thoại gọi báo rằng mẹ của một vị quan chức nào đó bị ốm, ông giám đốc phải đi nhanh xem bà cần gì không… Những ông DN này không những chỉ lo cho bản thân các quan chức thân hữu mà còn nghe ngóng chăm lo từ bà đến mẹ, vợ, con… của vị quan chức đó. Cho nên thời gian và công sức họ đổ vào đấy rất nhiều. Với cách này, các đại gia của ta giàu lên nhanh đấy nhưng không mạnh, không có khả năng để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đấy là một nguy cơ khi VN gia nhập WTO.
Các DN Việt Nam hiện nay phải dành rất nhiều tiền bạc và thời gian để chăm sóc các mối quan hệ. Ảnh minh họa: HTD
Hệ thống quản lý và giám sát quá lỏng lẻo
. Tình trạng tham nhũng qua nhóm thân hữu như vậy nói lên điều gì trong bộ máy của chúng ta hiện nay?
+ Điều này cho thấy hệ thống quản lý và giám sát của chúng ta hết sức lỏng lẻo, kém hiệu quả. Ở nhiều nước, một ông thứ trưởng đi công tác về mà các khoản thanh toán không hợp lệ, báo chí đưa lên là phải từ chức ngay. Một ông bộ trưởng Pháp vừa rồi có một tài khoản ở Thụy Sĩ bị phát hiện đưa ra ông ấy cũng phải từ chức ngay...
Ngoài ra, hiện tượng này cũng cho thấy quyền lực đang bị thương mại hóa, đã trở thành một đối tượng để mua bán, có giá hẳn hoi. Từng vị trí, chỗ nào, ở cấp nào đều có giá cả. Như vậy là đi ngược với tôn chỉ mục đích, với những gì tốt đẹp mà người dân vẫn hay nghe hằng ngày.
. Theo ông sở dĩ có thực trạng này là nguyên do từ đâu, phải chăng xuất phát từ DN hay từ các quan chức, hay từ các kẽ hở của pháp luật?
+ Tùy trường hợp, chúng ta chưa biết trong trường hợp nào là bên DN chủ động cám dỗ nhiều hơn hay là bên các quan chức gợi ý ra, thậm chí gọi DN đến. Có nhiều DN đại gia luôn miệng khoe khoang rằng “lúc nào tôi gọi điện thoại cho quan chức này, quan chức kia mà chả được, tôi muốn gặp lúc nào cũng xong hay sắp tới đây tôi sẽ đề nghị làm cái này, cái kia”… Tức là mức độ ảnh hưởng của các mối quan hệ này trong việc bổ nhiệm cán bộ, thu xếp chương trình này, chương trình kia và cả định hướng chính sách… là rất lớn, trong đó dĩ nhiên là có lợi ích nhóm chi phối.
Làm méo mó chính sách
. Khi quyền lực bị thương mại hóa và với sự xuất hiện của các “nhóm thân hữu” như vậy thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường kinh doanh?
+ Rõ ràng như vậy là tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh. Người ta không định hướng kinh doanh vào việc nâng cao hiệu quả năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi vì những việc này mất rất nhiều công sức. Trong khi đó, có khi chỉ cần dựa vào các mối quan hệ thân hữu thì nhiều khi chỉ cần một cuộc điện thoại, qua một đêm họ đã trở thành tỉ phú rồi. Còn những DN khác không có mối quan hệ thì đành phải lần mò từ từ.
. Còn xã hội sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
+ Một khi hai bên bắt tay quan hệ với nhau và cùng chia sẻ lợi ích với nhau thì xã hội sẽ bị thiệt. Điển hình là nhiều công trình dự án sinh ra từ các mối quan hệ này dù có kém chất lượng thì tiền đầu tư vẫn cứ được đổ vào, dự án vẫn được đẻ ra. Hệ quả của việc này là đẻ ra nhiều chính sách méo mó theo hướng có lợi cho nhóm thân hữu. Một khi chính sách méo mó thì hiệu quả quả đầu tư kém cỏi, cán bộ thì thiếu năng lực (vì không có sự cạnh tranh mà nhờ quen biết) không giải quyết được việc của dân… Tất cả những việc này người dân sẽ phải hứng chịu.
. Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông cần có giải pháp gì?
+ Để ngăn chặn việc này đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của người dân, phải thực sự có sự giám sát phản biện. Trong đó phải phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, của báo chí và phải có những quan tòa thực sự độc lập thì những người có quyền lực họ mới sợ mà không bắt tay tạo thành những “nhóm thân hữu” tham nhũng như vậy. Tôi nghĩ từ điều tra này cần có kết luận đẩy mạnh cải cách thể chế thì mới mong giải quyết được.
. Xin cảm ơn ông.
14 hành vi cụ thể trong mối quan hệ không bình thường
Theo nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập, tình trạng quan chức thông đồng với DN để vụ lợi xuất hiện ngày càng nhiều, có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn trong tất cả lĩnh vực. Cũng theo UBKTTƯ, các quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền với DN ở nước ta hiện nay được biểu hiện thành các hành vi cụ thể của cán bộ (cả công chức), đảng viên có chức, quyền với DN như sau:
Một là, cán bộ, đảng viên có chức, quyền giải quyết công việc không đúng nguyên tắc, quy định, thẩm quyền có lợi cho DN để trục lợi.
Hai là, cán bộ, đảng viên có chức, quyền cùng DN đi nghiên cứu, học tập, tham quan ở nước ngoài theo lời mời của DN để tạo điều kiện riêng cho DN.
Ba là, cán bộ, đảng viên có chức, quyền tham dự các buổi tiệc, tặng biếu quà, du lịch, tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí của DN cho bản thân hoặc người thân trong gia đình, qua đó ban hành những chủ trương, chính sách có lợi cho DN.
Bốn là, yêu cầu hoặc đề nghị DN cho vay, mượn tiền, tài sản dưới mọi hình thức để trục lợi.
Năm là, tác động, yêu cầu DN tiếp nhận vợ (chồng), con, người thân trong gia đình vào làm việc ở các DN; được nâng lương, đề bạt, bầu, bổ nhiệm trái quy định hoặc không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc được đi tham quan, học tập không đúng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Sáu là, nhận các giá trị vật chất (tiền, cổ phần, cổ phiếu) từ các DN.
Bảy là, nhận đất, nhà, căn hộ chung cư do DN biếu, tặng hoặc bán ưu đãi, thanh toán tiền, nhà đất cho bản thân (con), người thân trong gia đình dưới mọi hình thức.
Tám là, yêu cầu các DN phải tổ chức và thanh toán tiền trong các cuộc tiếp khách của bản thân với các tổ chức, cá nhân trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chín là, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hoặc không thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, có lợi cho DN và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mười là, nhận hoặc gợi ý DN tài trợ tiền, tài sản để chạy chức, chạy quyền, sau đó giải quyết hoặc tạo điều kiện cho DN hoạt động không minh bạch, lành mạnh.
Mười một là, cung cấp hoặc bán các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ, sắp ban hành để DN có cơ hội, điều kiện sản xuất, kinh doanh nhằm trục lợi.
Mười hai là, làm ngơ hoặc bao che cho cấp dưới làm trái để bảo kê, tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh, đầu tư trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, đơn vị.
Mười ba là, làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quan hệ giữa tổ chức đảng với tổ chức nhà nước trong việc giải quyết các công việc đối với DN.
Mười bốn là, làm môi giới chạy dự án, chạy vốn, chạy giấy phép cho DN để hưởng thù lao, hoa hồng trái quy định.
LÊ PHI – TH
THU HẰNG thực hiện
Nguồn: phapluattp.vn

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Xây sai mẫu nhà vẫn được cấp giấy


Những dự án xây sai mẫu nhà nếu phù hợp quy hoạch thì được phép điều chỉnh để giải quyết cấp giấy cho dân.

“Hiện nhiều dự án nhà ở có tỉ lệ sai phạm về quy hoạch, mẫu nhà rất thấp nhưng toàn dự án vẫn bị “treo” giấy chứng nhận” - ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, phát biểu trong cuộc họp với UBND TP về tiến độ cấp giấy chứng nhận (ngày 5-4).
Được phép điều chỉnh mẫu nhà
Ông Liên dẫn chứng: Một trong những sai phạm phổ biến tại các dự án nhà ở là xây sai mẫu nhà. Sở dĩ như vậy là do mẫu nhà quy định không phù hợp thực tế. Sai phạm này đã được Bộ TN&MT tháo gỡ tại Công văn 2470/2012 (nếu đó không phải là lỗi của người dân thì vẫn xem xét cấp giấy). Tuy nhiên, hiện nhiều quận, huyện cứ thấy có vi phạm là “treo” luôn toàn bộ dự án.
Về việc cho phép điều chỉnh mẫu nhà, trước đây Sở QH-KT cũng đã có công văn hướng dẫn. Tuy nhiên, công văn này lại chia ra hai trường hợp: Nếu nhà xây trước ngày 1-7-2004 thì được phép điều chỉnh mẫu nhà cục bộ. Còn sau thời điểm này thì phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. “Để điều chỉnh được quy hoạch 1/500 thì phải mất rất nhiều thời gian. Do vậy đề nghị cho phép điều chỉnh mẫu nhà nếu phù hợp quy hoạch, không phá vỡ các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của khu vực” - ông Liên đề nghị.
Các dự án xây sai mẫu nhà nếu phù hợp quy hoạch, đảm bảo các yếu tố về không gian và hạ tầng thì cho phép điều chỉnh để giải quyết cấp giấy cho dân. Ảnh minh họa: HTD
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, công tác quản lý quy hoạch chỉ nên quản lý về các chỉ tiêu quy hoạch, về không gian và hạ tầng, không nên can thiệp quá sâu vào nhà của dân. Ông Tín chỉ đạo: Các quận, huyện cần rà soát những dự án xây sai mẫu nhà, nếu phù hợp quy hoạch, đảm bảo các yếu tố như ông Liên đã nêu thì cho phép điều chỉnh để giải quyết cấp giấy cho dân.
Mua bán giấy tay, lấn chiếm đều được xem xét
Theo báo cáo của Sở TN&MT, trên địa bàn TP còn rất nhiều trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận do chuyển nhượng nhà bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2006. Cạnh đó là tình trạng người dân lấn chiếm hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở ổn định từ sau ngày 1-7-2004. Điển hình là hơn 1.000 trường hợp lấn chiếm tại huyện Củ Chi. Về việc này, TP thống nhất kiến nghị của Sở TN&MT sẽ giải quyết cấp giấy cho dân với từng trường hợp cụ thể.
Các quận, huyện 2, 7, Bình Tân, Bình Chánh cũng vướng khá nhiều trường hợp tương tự. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thời gian qua Sở đã hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp giấy cho những trường hợp này. Tuy nhiên, đến nay nhiều quận, huyện vẫn e ngại, không chịu thực hiện khiến người dân bức xúc khiếu kiện nhiều nơi (như các hộ dân ở xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh). Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở TN&MT áp dụng cách xử lý với các trường hợp ở Củ Chi để giải quyết cho những trường hợp lấn chiếm trên địa bàn TP.
Đối với các trường hợp mua bán giấy tay nêu trên, ông Nam kiến nghị nếu người dân đã ở ổn định, lâu dài và phù hợp quy hoạch thì cho phép cấp giấy. Người sử dụng nhà, đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chấp thuận giải pháp này và yêu cầu các địa phương giải quyết nhanh cho dân.
Đối với các dự án phát triển nhà ở, ông Tín chỉ đạo: Nếu người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư còn nợ tiền sử dụng đất thì phải cấp ngay giấy cho dân. Trường hợp người dân không đủ khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất thì cho ghi nợ, trên giấy chứng nhận phải ghi là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
VIỆT HOA
Nguồn: phapluattp.vn

Lãnh đạo Tp cũng có hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lỉnh vực đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tôi không hiểu vì lý do gì ! chính quyền địa phương xã Bà Điểm và huyện Hóc Môn  vẩn còn e dè , lo sợ trong việc giải quyết những tồn tại trong khu dân  cư Hoàng Hải mặc dù nhiều lần chúng tôi được thông báo từ các ngành hữu quan thành phố . Vướng mắc trong khu dân cư Hoàng Hải thuộc thẩm quyền của UBND huyện Hóc Môn.
Người dân chúng tôi rất mong câu trả lời thấu đáo từ chính quyền.
Hữu Lộc

Cán bộ ơi, chỉ dân cách làm giàu với !

(NLĐO) - Chỉ một năm mà tài sản của một gia đình cán bộ Sở Thông tin – Truyền thông (TT - TT) Hà Nội tăng thêm hàng chục tỉ đồng đã khiến nhiều người “ngả nón”. Làm giàu chân chính thì đáng khuyến khích nhưng làm giàu quá nhanh cũng làm dư luận không khỏi dị nghị.
Ba căn nhà với tổng diện tích 900 m², 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150 m², 3 khu đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích 20.765 m², 2 ô tô trị giá 2 tỉ đồng là tổng số tài sản tăng thêm trong năm 2012 của bà Phạm Mỹ Hoa, Giám đốc Trung tâm Giao dịch công nghệ TT-TT. Ước tính giá trị số tài sản trên lên đến hàng chục tỉ đồng. “Tốc độ” làm giàu của gia đình bà Hoa không chỉ khiến người dân bình thường mà ngay cả những doanh nhân lớn cũng thán phục.

Khuyến khích kê khai trung thực

Chưa nói đến việc tài sản đó từ đâu mà có nhưng khi cơ quan yêu cầu kê khai tài sản tăng thêm mà bà Hoa đã khẳng khái kê khai như thế là đáng khuyến khích. Nhiều bạn đọc cho rằng trong những đợt kê khai tài sản vừa qua không ít cán bộ đã không kê khai đúng với tài sản của mình. Đơn giản họ sợ bị dị nghị, không giải trình được tài sản này từ đâu mà có…
 
Bạn đọc Võ Thuận cho rằng: “Nên biểu dương bà Hoa vì đã dám kê khai tài sản của mình. Mọi người cũng đừng nghi ngờ gì mà hãy ghi nhận tinh thần trách nhiệm của bà Hoa khi làm đúng quy định của tổ chức. Nếu khai thật mà bị những phiền hà, dò xét thì sẽ chẳng ai khai thực cả. Nhiều người còn nhớ vụ nhà một giám đốc một sở bị trộm mất 64 cây vàng nhưng chỉ dám báo mất có 4... cây”.
Cùng quan điểm, bạn đọc Lê Hiền Quang nói thẳng: “Tôi muốn đặt câu hỏi là dư luận xã hội đang cần tính trung thực của cán bộ công chức hay sự gian dối ở họ? Vì qua bài báo tôi thấy muốn trở thành một cán bộ trung thực quá khó, bởi kê khai tài sản một cách trung thực thì cũng bị nói, săm soi, đặt nghi vấn còn kê khai gian dối thì cũng bị tai tiếng này nọ khi bị phanh phui. Một khi cán bộ trung thực kê khai trên giấy trắng mực đen đồng nghĩa họ có thể chứng minh được tài sản đó là hợp pháp. Cái chúng ta cần ở cán bộ là tính trung thực đó chứ không phải soi mói tài sản đó ở đâu ra”.
 
Sở TT - TT Hà Nội, nơi bà Phạm Mỹ Hoa làm việc và kê khai tài sản tăng thêm hàng chục tỉ đồng trong năm 2012. 
Ảnh: Thế Kha 

Còn bạn đọc Thanh Hà thì cho rằng: Nói được làm được, tài sản minh bạch, công khai thu nhập. Chính đáng, rõ ràng thì dù là cán bộ ở cấp nào cũng nên biểu dương. Nếu khối tài sản đó tăng mà không hợp lý thì giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Như vậy việc kê khai tài sản của cán bộ mới có tác dụng thực tế. Hiện còn khối người không dám kê khai tài sản và cũng không biết kê khai như thế nào nữa kìa. Đơn giản là những tài sản đó đến một cách quá “mờ ám”, tìm cách giấu còn không được thì lấy đâu dám kê khai”.

Hãy chỉ cho dân cách làm giàu!

Không thể không thừa nhận một thực tế là cán bộ của ta rất nhiều người giàu. Cán bộ càng lớn thì càng giàu, trong khi tiền lương thì ai cũng than vãn là quá thấp, không đủ sống.

Bạn đọc Nguyễn Thành Nam, so sánh: “Trong khi đại bộ phận dân chúng còn nghèo, nhiều người chỉ đủ ăn qua ngày, không có tích lũy mà cán bộ giàu quá thì cũng… khó coi. Mục tiêu của chúng ta là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” mà chỉ một bộ phận dân chúng giàu thì không khỏi làm nhiều người nghi ngờ. Cán bộ giàu mà có thể làm cho cuộc sống người dân ngày càng khá lên mới là giỏi. Hãy chỉ cho người dân cách làm giàu với”.  
  
Một bạn đọc lấy tên Nhà Tranh cảm thán: Thời buổi nền kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng nhưng ở nươc ta số cán bộ, vợ con cán bộ làm kinh tế cực giỏi không ít. Qua báo chí, cách đây không lâu người dân “choáng” khu dinh cơ sinh thái của vị quan tỉnh ở Hải Dương gần 5.000 m². Vị quan tỉnh vùng cao về vườn sớm nhưng khu nhà vườn nhìn “lác mắt” thiên hạ. Chỉ ngôi nhà to như cái đình tổ dưới xuôi bằng gỗ quý thì quả là đố ai làm kinh tế giỏi như vị ấy.
 
Nhiều bạn đọc cho rằng không phải không có lý do để người dân nghi ngờ những khối tài sản kếch xù của cán bộ, công chức. Bạn đọc Thanh Thủy tính toán: “Nếu chỉ tính riêng thu nhập từ công việc một cán bộ cấp sở làm việc trong 10 năm cũng không thể mua nổi một căn nhà chứ nói gì đến biệt thự, xe hơi. Mà với công việc ở cơ quan thì khó có thể còn thời gian để kinh doanh gì được từ bên ngoài”. Bạn đọc này dẫn chứng cụ thể: “Ở cơ quan tôi chỉ việc sắm trang thiết bị hằng năm thôi thì giám đốc có thể có tiền hoa hồng đến vài trăm triệu đồng. Còn việc mở rộng các chi nhánh thôi thì thu về bạc tỉ. Những nguồn thu này làm sao sếp của tôi công khai. Mà cách kiếm tiền này cũng không thể chỉ cho ai”.
 
Cùng cách lý giải trên, bạn đọc Thanh Tuyền bộ bạch: “Tiền lương bình quân của cơ quan tôi chỉ khoảng 12 triệu/người/tháng. Nhưng con cái lãnh đạo ở cơ quan tôi đều đang ở Mỹ hoặc Úc du học. Cỡ tôi chỉ là giám đốc bộ phận mà đã có 2 căn nhà, một miếng đất ở quận 12 - TPHCM, con lớn của tôi đã đang học ở Mỹ. Có điều tôi chỉ lo tiền học phí 15.000 USD/năm, còn ăn ở có anh trai tôi đang ở bên đó lo. Nếu cơ quan bảo tôi kê khai tài sản trên thì tôi không biết sẽ khai ra sao và càng không thể chứng minh tôi sắm nó từ nguồn thu nhập nào. Kẹt lắm thì tôi sẽ nói là của anh trai tôi cho nhưng thực tế tài sản của tôi còn lớn hơn của anh tôi nhiều”.

Hãy làm thực chất
“Đây là một trong những quy định dễ gây phản cảm vì thiếu khả thi khi triển khai, làm cho người thực hiện thiếu trung thực. Ngay cả việc "kê khai thiếu trung thực có thể bị cách chức" cũng rất mơ hồ. Cơ quan nào sẽ giám sát và khẳng định việc "thiếu trung thực" của người kê khai? Rất, rất nhiều quan chức rất giàu nhưng nếu ai có cơ hội đọc những bản kê khai này sẽ “cười không nổi” vì họ chỉ kkê khai một chút tài sản không đáng giá gì” – bạn đọc Nguyễn Quốc Thắng.
 
“Việc kê khai tài sản để kiểm soát tham nhũng là mô hình đang được áp dụng ở các quốc gia tiên tiến đã có hạ tầng công nghệ thông tin hoàn hảo. Người dân ở các nước phát triển ít sử dụng tiền mặt, bất cứ dịch vụ lớn nhỏ nào cũng đều có thể thanh toán bằng thẻ. Nên khi cần, cơ quan thẩm tra đưa ID của đối tượng vào hệ thống quản lý là nắm được các thông tin biến động về tài sản. Còn ở nước ta thì ngược lại, bất cứ dịch vụ lớn nhỏ nào cũng đều có thể thanh toán bằng tiền mặt. Một quan chức được lót tay vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng tiền mặt thì đố ai biết được” – bạn đọc Khả Dĩ. 

Phạm Hồ
Nguồn : nld.com.vn

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

“Bỏ thanh tra xây dựng phường, xã cho đúng luật”


Đó là khẳng định của ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về Nghị định 26/2013.

. Theo Nghị định 26 có hiệu lực từ ngày 15-5, thanh tra xây dựng không còn được tổ chức ở phường, xã (Pháp Luật TP.HCM ngày 3 và 4-4). Tại sao lại bỏ lực lượng này, trong khi thời gian qua họ đã góp phần ngăn chặn đáng kể tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở địa phương?
+ Ông Phạm Gia Yên: Việc thí điểm thành lập lực lượng thanh tra xây dựng cấp quận, huyện, xã, phường tại Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện hơn năm năm (theo Quyết định 89/2007/QĐ-TTg). Báo cáo tổng kết của hai TP này khẳng định các lực lượng trên đã hoạt động hiệu quả trong quản lý trật tự xây dựng. Bộ Xây dựng cũng thống nhất ý kiến trên trong báo cáo gửi Chính phủ. Nhưng tới nay thời gian thí điểm đã kéo dài, trong khi Luật Thanh tra quy định thanh tra xây dựng chuyên ngành chỉ có hai cấp là cấp bộ và cấp sở. Vì vậy nghị định không thể quy định khác được.
Vẫn có lực lượng bám cơ sở
. Mô hình mới có khác biệt nhiều so với trước đây?
+ Theo Nghị định 26, lực lượng thanh tra xây dựng cấp huyện được gọi là các đội thanh tra, chỉ khác là từ nay trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng. Tùy theo yêu cầu quản lý, các đội thanh tra sẽ được điều động nhân lực xuống địa bàn xã, phường.
Ngoài tổ chức điều hành, khác biệt căn bản nhất là các cá nhân thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng của sở được bố trí ở quận, huyện hoặc xã, phường phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật (phải là kỹ sư chuyên ngành xây dựng, cử nhân kinh tế, cử nhân luật và một số chuyên ngành khác).
Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên, lực lượng thanh tra xây dựng ở TP.HCM đảm đương nhiều việc, kể cả thu dọn vỉa hè, trông xe và chưa được chọn lọc theo tiêu chuẩn của pháp luật về thanh tra xây dựng. Ảnh: HTD
Luật xử lý vi phạm hành chính cũng như nghị định sắp được ban hành thay thế Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đều quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Vấn đề ở đây cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thanh tra và chính quyền địa phương.
. Nhiều ý kiến cho rằng nếu duy trì thanh tra xây dựng ở xã, phường thì công tác quản lý địa bàn sẽ tốt hơn, giúp sớm phát hiện và ngăn chặn vi phạm?
+ Những lo ngại đó chưa hẳn đã đúng. Bởi khi tổ chức thực hiện theo nghị định mới, chúng ta vẫn có lực lượng bám sát cơ sở để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng.
Đủ chuẩn mới được làm thanh tra
. Như vậy với quy định trên, sắp tới số lượng thanh tra xây dựng sẽ giảm đáng kể…
+ Theo tôi, tại Hà Nội lực lượng này thay đổi rất ít, còn TP.HCM thì đúng là sẽ giảm đáng kể. Đó là do thời gian qua, lực lượng Thanh tra xây dựng ở TP.HCM được chuyển đổi từ đội quản lý trật tự xây dựng đô thị. Lực lượng này đảm đương nhiều việc, kể cả thu dọn vỉa hè, trông xe và chưa được chọn lọc theo tiêu chuẩn của pháp luật về thanh tra xây dựng.
Sắp tới, công việc đầu tiên phải làm là phải tuyển chọn những người đủ tiêu chuẩn trong lực lượng thanh tra xây dựng. Còn những người không đủ tiêu chuẩn vẫn có thể tiếp tục những công việc như trông xe, đảm bảo trật tự đường phố… Nhu cầu về thanh tra xây dựng ở quận, huyện, xã, phường cần bao nhiêu người là tùy thuộc vào mức độ đô thị hóa và yêu cầu quản lý của từng địa phương. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng có đề án trình UBND các TP quyết định.
THÀNH VĂN thực hiện
Nguồn: phapluattp.vn

Qua những thông tin về việc "Bỏ thanh tra xây dựng Phường, Xã cho đúng luật" . Là người dân sống trong Khu dân cư Hoàng Hải, xã Bà Điểm huyện Hóc Môn, chúng tôi rất hoan nghênh : Theo Nghị định số 26 có hiệu lực từ ngày 15/05, thanh tra xây dựng không còn được tổ chức ở phường, xã.
Hữu Lộc

Phải trưng mua tài sản trên đất bị thu hồi


Quyền sử dụng đất được coi là quyền tài sản thì việc thu hồi đất có còn phù hợp?

“Nói thẳng ra là chúng ta đã làm sai. Đất thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý nên Nhà nước có quyền thu hồi. Nhưng tài sản trên đất là sở hữu của người dân. Như vậy, phải cùng lúc có hai cơ chế: dưới thì thu hồi, trên thì trưng mua. Tuy nhiên, khi thu hồi đất chúng ta lại thu hồi luôn nhà” - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt phát biểu trong Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP tổ chức, ngày 15-3.
Thu hồi đất, “bứng” luôn nhà
Theo ông Kiệt, cần sửa quy định về trưng mua tài sản trên đất khi thu hồi đất để phù hợp với dự thảo Hiến pháp. Ông cho hay thực tế quỹ đất chia làm hai loại: Một do Nhà nước quản lý cả về lý thuyết lẫn thực tế. Còn lại là do người dân tự mua bằng tiền của mình hoặc cha mẹ để lại. “Loại đất này tuy cũng mang tiếng thuộc sở hữu toàn dân nhưng nội hàm thì không, do vậy phải có chế độ đối xử khác. Thế nhưng chính sách hiện hành đang gom cả hai thành một” - ông Kiệt nhận xét.
Thu hồi đất xây dựng, chỉnh trang khu vực kênh Lò Gốm, quận 6, TP.HCM. Ảnh: HTD
Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hoàng, cho rằng cách quy định sở hữu đất đai như dự thảo sẽ tiếp tục dẫn tới phức tạp. Điển hình là đang phát sinh vấn đề lớn: Quyền sử dụng đất được công nhận là quyền tài sản của người dân thì việc thu hồi đất còn phù hợp không hay phải trưng mua, trưng dụng?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thì cho rằng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp, các nước khác cũng thế. Quan trọng là xử lý quyền, nghĩa vụ của người dân cũng như phân vai của Nhà nước sao cho rõ ràng. Tuy nhiên, ông Châu cũng rất phân vân với khái niệm thu hồi đất, bởi về bản chất thì người sử dụng đất đã là chủ sở hữu do có đủ ba quyền năng của sở hữu là chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
Bỏ hạn điền, kéo dài thời gian giao đất
Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Chánh Trực đề nghị Luật Đất đai phải có một chương riêng về thu hồi đất, trưng mua, trưng dụng. “Vừa qua có tình trạng thu hồi đất mang tính cưỡng ép, trưng thu trá hình theo lợi ích của nhóm doanh nghiệp. Tôi kiến nghị chỉ thu hồi đất trong trường hợp tối cần thiết khi phục vụ cho lợi ích công cộng” - ông Trực phát biểu.
Giám đốc Sở QHKT Trần Chí Dũng cũng đồng tình cần giới hạn lại một số dự án kinh tế-xã hội được thu hồi đất. “Dự án phát triển kinh tế nhưng phục vụ cộng đồng, mang tính phúc lợi thì cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Luật cần bổ sung quy định các chính sách về quyền của người dân trong vùng quy hoạch khi chưa thu hồi” - ông kiến nghị.
Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm về việc bỏ hạn điền, bỏ khung giá đất, kéo dài thời gian giao đất. “Đất đai phải tích tụ tập trung để phát triển sản xuất lớn nhưng lại hạn điền là như thế nào?” - ông Trực thắc mắc.
Ngày 15-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đa số đại biểu đồng tình với dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, phải làm rõ khái niệm sở hữu toàn dân và đại diện chủ sở hữu. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất đai, xử lý tận gốc việc khiếu kiện kéo dài. Nhiều đại biểu cũng kiến nghị luật sửa đổi cần đặc biệt lưu ý đến việc công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến đất đai.
LÊ PHI
CẨM TÚ
Nguồn : phapluattp.vn

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Trong quy hoạch vẫn được cấp phép xây dựng


UBND TPHCM vừa có chỉ đạo chậm nhất đến cuối quý II/2013, UBND các quận - huyện phối hợp các sở, ngành liên quan, phải hoàn tất việc tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) để làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng tạm trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch.
Theo UBND TP, trong vòng 5 năm kể từ ngày công bố quy hoạch, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì không bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc được xây dựng mới trong lộ giới hoặc phạm vi quy hoạch; nếu sau 5 năm Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Q.Hiền
Nguồn : nld.com.vn