Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hóc Môn: Nợ dây dưa gần 30 tỷ đồng.

Văn phòng Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng vừa chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đề nghị điều tra, làm rõ vụ việc ông Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hóc Môn và vợ - bà Nguyễn Thị Ngọc Thê bị tố cáo gây ra khoản nợ gần 30 tỷ đồng thông qua các vụ làm ăn với một cá nhân nguyên là cán bộ tín dụng một ngân hàng.

Theo đơn tố cáo và tài liệu mà cơ quan chức năng thu thập được, vào năm 2006 vợ chồng ông Thành đã chủ động làm quen với ông Trương Minh Nhựt, Phó phòng Giao dịch CMT8 Ngân hàng TMCP Đệ Nhất để nhờ làm các thủ tục đáo hạn nợ vay. Để làm tin, bà Thê đưa các giấy tờ cá nhân giới thiệu là Phó ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TPHCM và chồng là Chánh văn phòng Huyện ủy huyện Hóc Môn. Ông Nhựt đã dùng tài sản là căn nhà đang ở để thế chấp ngân hàng vay một khoản tiền lớn cho vợ chồng ông Thành vay lại.
Hai bên thỏa thuận dùng khoản tiền vay đầu tư vào các dự án có khả năng thu hồi vốn trong thời gian ngắn là xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Thanh Phong và Trường Mầm non, Tiểu học Trọng Trí do vợ và con ông Thành làm chủ đầu tư trên địa bàn xã Tân Xuân và Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn). Sau đó, vợ chồng ông Thành còn vay của ông Nhựt nhiều đợt khác, cộng cả vốn và lãi tới ngày 10-7-2011 là 29,4 tỷ đồng. Vợ chồng ông Thành đã nhiều lần viết giấy cam kết trả nợ và hứa nếu không có tiền trả, sẽ chuyển nhượng hơn 7.000m² đất và các dự án đang thực hiện cho ông Nhựt để cấn trừ.
Khu nhà xưởng đặt trụ sở Công ty TNHH Thanh Phong do vợ ông Thành đứng tên tại số 1/101 ấp Đình, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn hiện cho một doanh nghiệp nước ngoài thuê.
Tuy nhiên, nhiều lần đến hẹn trả nợ nhưng vợ chồng ông Thành đều tìm cách lẩn tránh. Sau đó, vợ chồng ông Thành buộc phải ra công chứng ký hợp đồng đặt cọc hứa chuyển nhượng quyền sử dụng 7.321,9m² đất tại xã Tân Xuân để trả bớt nợ vay. Vợ chồng ông Thành còn ký một hợp đồng ủy quyền khác cho ông Nhựt đứng ra trả một khoản nợ vay tại ngân hàng. Đổi lại, ông Nhựt được toàn quyền sử dụng khu đất (có tài sản gắn liền trên đất) có diện tích gần 5.000m² tại xã Tân Xuân.
Thế nhưng, một lần nữa cam kết trong các hợp đồng trên mặc dù đã được công chứng xác nhận, vợ chồng ông Thành vẫn không thực hiện và tiếp tục ký giấy cam kết trả làm nhiều đợt cho đến 31-10-2012 thì hết nợ. Không tin vào lời hứa trên, ông Nhựt đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ hành vi bội tín trong làm ăn kinh doanh của vợ chồng ông Thành.

Trong khi đó, biết vợ chồng ông Thành đang có nguy cơ vỡ nợ, nhiều người dân đã kéo đến Huyện ủy huyện Hóc Môn – nơi ông Thành làm việc và nhà riêng tại 1/101 ấp Đình, xã Tân Xuân để đòi nợ. Nhiều người cho biết đã đưa cho vợ chồng ông Thành hàng tỷ đồng để đầu tư vào các dự án với lời hứa sẽ trả lãi suất từ 25% đến 30%/năm. Khi nghe vợ chồng ông Thành bị tố cáo quỵt nợ, họ đã nhiều lần gọi điện, đến nhà tìm nhưng đều không gặp.

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ có hay không hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của ông Thành trong việc để cho vợ con đứng ra huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư đất đai, xây dựng trên địa bàn do mình lãnh đạo, quản lý; nhiều tài sản gồm nhà xưởng, dự án xây dựng và hàng chục ngàn mét vuông đất mà vợ chồng ông Thành đang đứng tên và trực tiếp giao dịch có được kê khai theo các quy định của Đảng và pháp luật hay không...  
Ngày 14-3, đại diện Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Hóc Môn công bố quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy huyện Hóc Môn. Đồng chí Nguyễn Văn Thành đã cùng vợ vay tiền của một số người nhưng đến hạn không trả, làm mất uy tín cá nhân và tổ chức Đảng; vi phạm Điểm c, Điều 1 Hướng dẫn số 03 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hướng dẫn thực hiện Quy định 47 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Khi kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hóc Môn đã thẳng thắn góp ý đối với khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Văn Thành. Cá nhân đồng chí Nguyễn Văn Thành đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận khuyết điểm trước tổ chức Đảng và có đơn gửi Ban Thường vụ Thành ủy xin thôi giữ các chức vụ trong Đảng.
H.HIỆP
HOÀI NAM
Nguồn:sggp.org.vn


Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Chậm cấp giấy chứng nhận nhà đất dự án, người mua gánh hậu quả

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 6-2013 cả nước phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (GCN) đối với những trường hợp cấp GCN lần đầu. Tuy nhiên, thực tế chỉ mới có 10% nhà đất dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM được cấp GCN. Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là do chủ đầu tư. Một số cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương cũng chưa làm hết trách nhiệm.
Khu dân cư Phú Mỹ (quận 7, TPHCM) do Công ty CP Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư, người dân xây nhà ở từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được cấp GCN. Ảnh: Đỗ Bình Minh
Rủi ro về phía khách hàng
Khu dân cư Phú Mỹ ở đường Hoàng Quốc Việt (quận 7) do Công ty CP Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư, có quy mô 22ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2003, với gần 500 căn nhà phố. Các khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty để được giao đất rồi tự xây theo quy hoạch, kiến trúc chung được duyệt. Bà Trần Thị Thanh, nhà số 7 và 9 đường số 7, phản ánh bà xây nhà cách đây 6 năm, tiền đã đóng đủ cho công ty theo cam kết, nhưng đến nay 2 căn nhà vẫn chưa được cấp GCN. Bà nhiều lần liên hệ với công ty để biết khi nào có GCN, nhưng đại diện chủ đầu tư cứ hẹn lần hẹn lữa, cho biết đến khi nào tất cả các khách hàng xây nhà xong hết công ty mới tiến hành làm thủ tục cấp GCN. Bà Thanh bức xúc: “Hứa như vậy chẳng khác gì đánh đố khách hàng, có những người không có nhu cầu ở, chỉ mua đất để đó chờ giá, biết đợi đến bao giờ họ mới cất nhà?”.
Tại một dự án khác của Công ty CP Vạn Phát Hưng là chung cư Phú Mỹ Thuận (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè), khách hàng cũng bị treo GCN. Chị Mai Thảo, mua một căn hộ từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCN. Nhiều người dân ở đây than: “Tiền mua, chúng tôi phải đóng đủ, nhưng chủ quyền nhà chẳng biết khi nào mới có!”. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn còn hơn 3.300 căn hộ chưa được cấp GCN.
Trường hợp nhà đất dự án bị chậm cấp GCN như vậy khá phổ biến trên địa bàn TPHCM. Tại Gò Vấp, từ năm 2001 đến nay có 50 dự án phát triển nhà ở, nhưng trong số đó chỉ có 8 dự án hoàn thành việc cấp GCN cho người mua. Tại các quận 6, 8, 12… tiến độ cấp GCN đều rất chậm. Việc chậm trễ này đã đẩy rủi ro về phía khách hàng. Từ năm 2002 TPHCM cấm phân lô bán nền, buộc chủ đầu tư phải xây dựng nhà xong mới được bán. Do đó hầu hết chủ đầu tư đã huy động tiền từ khách hàng bằng cách lách luật, với “hợp đồng hợp tác đầu tư” hoặc “hợp đồng góp vốn”, sau đó khách hàng nhận đất và tự xây nhà. Khi xây nhà xong, nếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án được nghiệm thu; chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính thì lúc đó cơ quan chức năng mới xem xét cấp GCN cho từng căn nhà. Lúc này công ty vẫn đứng chủ quyền GCN, sau đó hai bên mới làm hợp đồng công chứng mua bán. Khi đó khách hàng mới có chủ quyền nhà. Như vậy trước khi có chủ quyền “chính chủ”, nếu khách hàng không may gặp phải chủ đầu tư không đàng hoàng, sẽ bị chủ đầu tư đem sổ đỏ đất dự án để thế chấp ngân hàng, hoặc thu tiền xong thì cù nhầy không thực hiện các hạng mục còn lại.
Thủ tục nhiêu khê, giải quyết cứng nhắc
Về nguyên tắc, chủ đầu tư muốn lấy sổ đỏ để hoàn công và ra GCN, phải có tiền giải chấp, nhưng rủi ro làm ăn không thuận lợi thì tài sản có thể bị phát mãi, lúc đó quyền lợi của khách hàng vẫn đứng sau ngân hàng. Chính vì vậy tính thanh khoản nhà dự án chưa có GCN rất thấp, giá trị cũng chỉ bằng 60% so với khi được cấp GCN. Đã có rất nhiều trường hợp sau khi thu đủ tiền của khách hàng, chủ đầu tư bắt đầu cù nhầy việc thực hiện các hạng mục hạ tầng của dự án, hoặc do xây dựng sai phép, dẫn đến khó khăn cho việc cấp GCN. Cụ thể như khu nhà ở của Công ty TNHH TMXD nhà Nhật Minh tại phường 16 quận 8, triển khai từ năm 2002, nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống cấp nước, đường sá bị ngập, do đó GCN bị ách. Hay dự án chung cư của Công ty Hai Thành đã xây dựng sai phép, nên bị cơ quan chức năng buộc phải khắc phục trước khi xem xét cấp GCN.
Tuy nhiên sự chậm trễ cấp GCN cũng có nguyên nhân từ phía các cơ quan chức năng. Như dự án của Công ty An Phú (quận 6), khi nhận hồ sơ, Sở TN-MT xem xét và khẳng định chung cư đủ điều kiện cấp giấy, nhưng khi hồ sơ chuyển về quận thì bị “ngâm”. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (Tân Bình), cho rằng ngoài thủ thục nhiêu khê, cơ quan thẩm định việc cấp giấy cũng quá cứng nhắc. Ví dụ trong một chung cư có một vài căn hộ sai phạm thì cả dự án bị ách lại, thay vì cấp cho những căn đủ điều kiện, còn các căn sai phạm sẽ xử lý sau. Hoặc hạ tầng kỹ thuật, như đường sá trong dự án, làm xong, công ty muốn mời cơ quan chức năng xuống nghiệm thu, nhưng hết sức khó khăn. Thực tế cho thấy với số lượng dự án trên địa bàn TPHCM quá lớn như hiện nay, các vướng mắc từ chủ đầu tư, và cách làm việc lề mề của một số cơ quan, e rằng việc cấp GCN khó hoàn thành theo kế hoạch.
  • Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt:
"Sau khi làm việc với các quận - huyện, Sở TN-MT sẽ báo cáo với UBND TP đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc từ chính sách, cũng như biện pháp xử lý những chủ đầu tư cố tình chây ỳ, để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà. Trường hợp có vấn đề phát sinh ngoài tầm kiểm soát, như công ty bị phá sản, hoặc dự án thế chấp ngân hàng nhưng đến hạn không có khả năng giải chấp thì người dân phải nhờ đến tòa án phán quyết"
Đỗ Trà Giang
Nguồn: sggp.org

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Thu hồi đất phát triển kinh tế: Coi chừng vi hiến!


Ngày 7-3, Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (LĐĐ) sửa đổi.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Du Lịch nhận xét: “Đất nông nghiệp hết hạn vào năm 2013 mà đâu có ai bị thu hồi, ngầm hiểu là đất này được giao lâu dài. Nền nhà của một vị ngồi tại đây thuộc sở hữu toàn dân hay của vị ấy? Sao cứ né tránh, lòng vòng với thực tế?”.
Nhà nước đang có quyền quá lớn
Theo TS Trần Du Lịch, lâu nay có sự nhầm lẫn, nhập nhằng về quyền của Nhà nước trong vai trò là đại diện chủ sở hữu và vai trò quản lý nhà nước. “Theo Điều 12 dự thảo LĐĐ, Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu như quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đó là quyền quản lý Nhà nước thế nhưng cứ bị nhập lại thành một”. TS Phạm Văn Võ (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng do không tách biệt hai quyền này nên quyền lực của Nhà nước quá lớn. “Nhà nước định giá đất, quyết định thu hồi, tài phán khi bị khiếu nại và luôn cả quyền cưỡng chế” - ông nhận xét.
Thu hồi đất xây dựng dự án nhà ở tại khu Nam, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD
TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt vấn đề có nên sửa đổi quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thành đất đai thuộc sở hữu quốc gia. “Nếu quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu vậy thì Nhà nước phải được chủ sở hữu ủy quyền bằng công chứng về vai trò này” - ông bình luận. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết đã từng có hội thảo về chủ đề này với sự tham gia của một tổ chức của Đức. Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước, hay sở hữu quốc gia. Sau đó, tổ chức của Đức cho rằng tại Việt Nam thì tốt nhất là quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Theo TS Trần Du Lịch, khái niệm quốc gia rộng hơn, bao gồm lãnh thổ, cộng đồng dân cư và nhà nước. “Tối kỵ quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước vì nó sẽ tập trung vào tay một nhóm người có quyền lực” - ông bày tỏ.
Khi đất là quyền tài sản: Phải tuyệt đối tôn trọng
TS Phạm Văn Võ cho rằng theo dự thảo Hiến pháp (cũng đang được lấy ý kiến), quyền sử dụng đất đã được khẳng định là quyền tài sản. Theo Bộ luật Dân sự, quyền tài sản cũng chính là tài sản, là đối tượng để chuyển nhượng. “Dự thảo Hiến pháp quy định tài sản hợp pháp của tổ chức cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường theo giá thị trường. Do đó, dự thảo LĐĐ sửa đổi đưa việc thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế là đi ngược xu hướng chung của thế giới, có biểu hiện vi phạm dự thảo Hiến pháp”, ông phân tích. Với lý lẽ trên, ông đề nghị bỏ trường hợp thu hồi đất cho mục đích “phát triển kinh tế”.
Cũng theo TS Võ, LĐĐ lâu nay không đề cập gì đến việc trưng mua tài sản trên đất mà coi giải tỏa tài sản có trên đất là hệ quả tất yếu của thu hồi đất. “Việc tước bỏ quyền sở hữu tài sản hợp pháp là thiếu căn cứ pháp lý, không thể chấp nhận, thể hiện sự không tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người sử dụng đất cả về danh nghĩa lẫn việc đền bù theo nguyên tắc công bằng” - ông Võ góp ý. TS Trần Du Lịch cũng cho rằng mâu thuẫn trong việc quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản với quyền được thu hồi đất cần phải được nghiên cứu kỹ.
TS Võ cho rằng dưới sức ép của giới doanh nghiệp nên Nghị định 84/2007 đã bổ sung rất nhiều trường hợp thu hồi đất với mục tiêu “phát triển kinh tế”. Theo ông, nghị định này gần như đã làm vô hiệu hóa quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất cho dự án lớn phát triển kinh tế của Quốc hội mà LĐĐ 2003 đã quy định. Ngay cả mục tiêu “chỉnh trang đô thị” để thu hồi đất cũng cần làm rõ vì bất cứ dự án nào tại đô thị đều ít nhiều liên quan đến việc chỉnh trang đô thị. “Để khắc phục hạn chế này, dự thảo LĐĐ nên quy định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là thu hồi đất để sử dụng vào mục đích chung, phi lợi nhuận. Mọi trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh đều coi là sử dụng đất vào mục tiêu phát triển kinh tế” - ông góp ý.
Tư hữu hóa đất đai sẽ nảy sinh phức tạp
Ngày 7-3, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trao đổi với báo chí về một số ý kiến đề nghị quy định đa dạng sở hữu đất đai (gồm cả sở hữu nhà nước và tư nhân), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng vấn đề đất đai không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế còn là vấn đề chính trị xã hội. Do đó, quy định như trong dự thảo là hợp lý.
Theo ông Lưu, lịch sử hình thành đất đai của Việt Nam đã trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, trải qua nhiều thời kỳ rất khác nhau. Nếu tư hữu hóa đất đai hoặc chấp nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai sẽ nảy sinh những phức tạp về mặt chính trị, xã hội. Do đó, cái chính là chúng ta phải bảo hộ, bảo vệ được quyền tài sản của người dân và phải xử lý được những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện nay trong vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng; vấn đề giá, chính sách tài chính về đất đai; cơ chế quản lý quy hoạch, kế hoạch đất đai. Qua đó, những tồn tại bất cập hiện nay sẽ dần được hạn chế.
T.VĂN
CẨM TÚ
Nguồn: phapluattp.vn