Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

KHI NÀO XÃ THÀNH PHƯỜNG ?


“Nâng cấp” xã thành phường hay chia tách nhỏ địa giới hành chính để dễ quản lý là vấn đề đang được chính quyền TPHCM đặt ra

Dân số quá đông, địa bàn  rộng, bộ máy quản lý Nhà nước quá tải là những vấn đề nan giải mà một số xã có tốc độ đô thị hóa nhanh ở TPHCM đang đối mặt.
Một xã “gánh” quá nhiều việc
10 năm trở lại đây, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh do hàng loạt dự án nhà ở có quy mô hàng trăm ha hình thành. Trong đó, một trong những dự án dân cư tầm cỡ là khu dân cư Trung Sơn có quy mô 149 ha, nằm cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết hiện khu dân cư này có 1.300 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu sống trong các chung cư, nhà cao tầng và biệt thự nhưng lại thuộc ấp (ấp 4B).
Cũng trên địa bàn xã Bình Hưng còn có 2 dự án nhà ở khác là khu Sadeco và khu dân cư số 3 với hàng ngàn nhân khẩu. Theo ông Cần, xã Bình Hưng có diện tích 1.372 ha, hiện chỉ còn 10% diện tích đất nông nghiệp nhưng cũng đã nằm trong diện quy hoạch dự án chưa thực hiện của khu Nam TP. 
Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn diện tích đất nông nghiệp hiện  chỉ còn 35/705 ha diện tích toàn xã, chủ yếu trồng rau muống, số rất ít còn lại trồng trầu cau. Xã Bà Điểm cũng là xã có số dân đông nhất trên địa bàn huyện Hóc Môn với hơn 68.000 nhân khẩu.
Nhà trọ mọc lên san sát ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, dân số cũng tăng theo
nhưng lực lượng công an chính quy lại quá ít nên việc quản lý địa bàn gặp khó khăn
Ông Trương Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, cho biết mỗi thứ hai đầu tuần, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của xã có hơn 200 người dân đến giao dịch. Trung bình mỗi năm xã tiếp nhận 1.200 hồ sơ hợp thức hóa nhà, đất, chưa kể các lĩnh vực khác. “Để hồ sơ không ứ đọng, cán bộ xã phải làm việc cả thứ bảy, chủ nhật. Nhiều khi chủ tịch, phó chủ tịch xã đang họp cũng phải “tạm vắng” để ký hồ sơ” - ông Cường giãi bày.
Không chỉ quá tải về công tác giải quyết thủ tục hành chính, việc quản lý tình hình an ninh trật tự cũng gặp khó khăn khi lực lượng công an có hạn. Xã Bình Hưng hiện có 14.770 hộ dân nhưng chỉ có 38 chiến sĩ công an, trong đó công an chính quy được bố trí chỉ 16 người, còn lại là công an viên. Xã Bà Điểm có tổng số công an vỏn vẹn 30 người, trong đó chỉ 7 công an chính quy nên được “ưu tiên” phụ trách 4 xã trọng điểm tập trung nhiều nhà trọ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Chờ cơ hội chuyển mình
Chính những bất cập như đã nêu, lãnh đạo xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cũng như nhiều xã đô thị hóa trên địa bàn TP đều có mong muốn chuyển bộ máy của xã thành phường. Vì như vậy sẽ được tăng thêm biên chế, kinh phí hoạt động, chế độ tiền lương  cho cán bộ cũng như lực lượng công an, từ đó tăng hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước.
Ông Cường dẫn chứng công việc quản lý địa bàn rất nặng nhưng hiện nay lương của công an viên chỉ gần 2 triệu đồng/tháng, chưa kể chuyên môn của công an viên khác xa công an chính quy nên hiệu quả quản lý địa bàn cũng không bằng.
Chỉ khi nào là bộ máy của phường mới có 100% công an chính quy. Về đội ngũ cán bộ, ông Cần cho rằng với dân số của xã gấp 3 lần dân số của một phường thì ít nhất UBND xã phải có 3 phó chủ tịch (hiện chỉ được bố trí 2 phó chủ tịch), cấp xã cũng không có cán bộ phụ trách môi trường mà phải bố trí cán bộ phụ trách nhà đất kiêm nhiệm nên bất hợp lý trong công tác quản lý.
“Trách nhiệm quản lý địa bàn rất nặng nhưng kinh phí hoạt động của ban nhân dân ấp của cấp xã chỉ 3,5 triệu đồng, phải “gói ghém” cho 7 thành viên. Trong khi đó, ban điều hành tổ dân phố của cấp phường thì kinh phí này cao hơn” - ông Cường đơn cử.
Do các huyện trên địa bàn TP đang trong quá trình đô thị hóa với tốc độ rất nhanh, quy mô dân số ngày càng phát triển, diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm..., vì vậy một trong những đề xuất mới đây của UBND TP với Bộ Nội vụ trong đề án xây dựng chính quyền đô thị là chuyển các huyện đô thị hóa thành quận hoặc thị xã cho phù hợp với đặc điểm phát triển của địa phương. 
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, chỉ khi nào chuyển huyện thành thị xã thì xã đô thị hóa thuộc huyện mới có “cơ hội” chuyển thành phường; lúc đó bộ máy, con người và cơ chế chính sách của phường mới tạo điều kiện cho xã đô thị hóa  được phát triển toàn diện. Tuy nhiên, các xã còn đất nông nghiệp thì vẫn giữ nguyên tên gọi là xã.

Bộ máy quận-huyện: Nhiều bất hợp lý!
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, so sánh: Huyện Bình Chánh có diện tích 25.000 ha, dân số 480.0000 người, trong khi quận 1 có diện tích 442 ha với 198.000 người nhưng lực lượng thanh tra xây dựng ở quận 1 (350 người) nhiều hơn huyện Bình Chánh (278 người).
Theo ông Trường, đây là điều bất hợp lý vì địa bàn huyện Bình Chánh rất rộng, thanh tra xây dựng ngoài việc xử phạt trật tự còn phải “canh” xử phạt xây dựng trái phép, còn quận 1 chủ yếu xử phạt về trật tự đô thị.
Bài và ảnh: QUÝ HIỀN
* Nguồn : nld.com.vn

Qua thông tin này bà con trong khu dân cư Hoàng Hải chuẩn bị lên đời.
Hữu Lộc

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Chủ đầu tư vi phạm, người mua vẫn hưởng quyền lợi


TT - Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển vừa ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội và TP.HCM hướng dẫn thực hiện một số giải pháp đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở.
Theo yêu cầu của Bộ TN-MT, các vướng mắc, vi phạm pháp luật tại các dự án phát triển nhà ở tại hai TP phải được kiểm tra, thanh tra, giải quyết dứt điểm, đảm bảo công bằng xã hội.
Theo đó, trường hợp vướng mắc, vi phạm không do lỗi của người mua nhà ở thì phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người mua nhà ở đó.
Còn chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật về nhà ở thì đình chỉ không cấp phép đầu tư và không giao đất, cho thuê đất mới ở địa phương cho đến khi xử lý, khắc phục xong sai phạm tại các dự án đang triển khai.
XUÂN LONG

* Thật là tin vui đối với bà con trong KDC Hoàng Hải chúng ta. Mong rằng UBND Tp.HCM chỉ đạo thực hiện việc vướng mắc trong khu dân cư Hoàng Hải. Chúng ta có pháp lý vửng chắc, đủ điều kiện giải quyết. Và việc giải quyết trong thẩm quyền của UBND huyện Hóc Môn nhưng không hiểu vì lý do gì lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn vẩn cố tình kéo dài, tránh né không tiếp xúc với công dân có quyền lợi, nghĩa vụ để tìm biện pháp giải quyết thấu tình đạt lý mang lại niềm tin cho người dân. 
Hữu Lộc

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Các dự án phân lô hộ lẻ: Dân khổ vì chính quyền “nhát” tay?

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn TP hiện có hơn 200 dự án phân lô, bao gồm các dự án phân lô hộ lẻ của cá nhân, dự án phân lô của doanh nghiệp và dự án nhà ở của cán bộ - công nhân viên với gần 35.000 nền đất. Đến nay, còn hơn phân nửa số nền đất trên chưa được cấp giấy chủ quyền.
Mỏi mòn chờ giấy chủ quyền
Người dân tại các quận 2, quận 7, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú… phản ánh họ mua đất tại các dự án phân lô hộ lẻ cả chục năm nay, có nhiều trường hợp xây dựng nhà để ở rồi nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền về nhà - đất.
Cụ thể, bà Nguyễn Ngọc M., ngụ tại quận 3, cho biết bà mua đất tại dự án nhà phân lô tại quận 7 từ năm 2002, đến nay bà đã đóng 90% số tiền, 10% còn lại sẽ đóng nốt sau khi nhận giấy chủ quyền nhưng 9 năm nay vẫn chưa có giấy chủ quyền. Ông Lê Minh H., cư ngụ tại quận 5 cũng cho biết, ông mua đất tại một khu dân cư tại phường 17 quận Bình Thạnh nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chủ quyền. Theo quy định, các dự án phân lô hộ lẻ trước đây (thực hiện thí điểm theo chủ trương của TP từ năm 1999-2002- PV), chủ đầu tư phải hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật thì mới được cấp giấy chủ quyền nhà - đất. Thế nhưng đến nay, nhiều chủ đầu tư chỉ làm hạ tầng sơ sài, không thực hiện theo quy chuẩn. Không ít chủ đầu tư chây ỳ không xây dựng hạ tầng như đã cam kết, thậm chí có nhiều chủ đầu tư đã “lặn mất tăm”. Bao năm qua, việc xử lý các dự án phân lô hộ lẻ này vẫn chưa đến đâu nên hàng trăm giấy chủ quyền nhà – đất của người dân vẫn bị “treo”.
Một dự án phân lô ở huyện Nhà Bè TPHCM. Ảnh: HUY ANH
Theo Sở Xây dựng TP, các dự án phân lô hộ lẻ của cá nhân chủ yếu tập trung tại các quận ven và các huyện ngoại thành. Quận Tân Phú có nhiều nhất với 23 dự án, Hóc Môn 9 dự án… Ngoài ra, còn có 102 dự án phân lô của các doanh nghiệp, trong đó tại quận Bình Tân đã có tới 40 dự án, quận 6 có 15 dự án... Đến nay, mới chỉ có gần 48% số căn nhà thuộc các dự án này được cấp giấy chủ quyền. Sở Xây dựng cho biết, phần lớn các dự án chưa được cấp giấy chủ quyền do xây sai thiết kế mẫu nhà; tự ý phân lô, điều chỉnh quy hoạch đã được cơ quan chức năng thông qua; sử dụng sai công năng; không đầu tư xây dựng hoặc có đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật nên không được nghiệm thu.
Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ quan chức năng đã thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý để các chủ đầu tư tự ý phân lô, điều chỉnh quy hoạch, không đầu tư hoặc đầu tư không hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dẫn đến không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người dân. Không chỉ không được hợp thức hóa chủ quyền nhà - đất mà hiện trên địa bàn TP, nhiều dự án phân lô hộ lẻ có hạ tầng quá tệ, người dân xây nhà để ở cũng khổ sở vì đường sá, đi lại khó khăn, môi trường sống bị ô nhiễm.
Thẩm quyền giải quyết thuộc về địa phương
Từ tháng 2-1999, UBND TPHCM có chủ trương cho thực hiện thí điểm sử dụng đất xây dựng nhà ở lẻ, đến năm 2002 thì ngưng. Tuy nhiên, đến nay tình trạng sai phép trong các dự án còn rất nhiều và chưa giải quyết dứt điểm. Bao nhiêu năm nay, người dân sống trong các dự án phân lô hộ lẻ cũng khổ sở vì quyền lợi bị “treo”. Theo chỉ đạo của UBND TP, từ tháng 8-2010, Sở Xây dựng bắt đầu làm việc với các quận, huyện để rà soát các dự án phân lô hộ lẻ và dự án đầu tư xây dựng chung cư đã được Kiến trúc sư trưởng TP trước đây (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trước ngày 1-7-2004 nhưng xây sai quy hoạch, sai thiết kế, chưa đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật… gây khó khăn cho việc cấp giấy chủ quyền cho người dân.
Sau khi xem xét cách thức thực hiện tại các quận - huyện, Sở Xây dựng đề xuất một số giải pháp và đề nghị TP chỉ đạo các quận - huyện nghiên cứu, áp dụng. Cụ thể, đối với dự án sai quy hoạch, sai thiết kế mẫu nhà, chủ dự án lập hồ sơ xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 và trình quận - huyện phê duyệt. Nếu không tìm được chủ dự án, UBND quận - huyện phải chỉ đạo các phòng ban chuyên môn chủ động xem xét lại quy hoạch và trình UBND quận - huyện điều chỉnh cục bộ.

Trường hợp chủ đầu tư xây dựng công trình trên đất cây xanh, công cộng, UBND quận - huyện nghiên cứu cân đối với các chỉ tiêu quy hoạch của các khu vực khác lân cận, đồng thời yêu cầu chủ dự án phải bỏ tiền bồi thường hoặc mua lại phần diện tích tương ứng giao cho quận - huyện. Riêng các dự án chưa đầu tư xây dựng hoặc xây dựng chưa hoàn chỉnh hạ tầng, UBND quận huyện yêu cầu chủ đầu tư phải làm xong. Nếu chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện, UBND quận huyện lấy ý kiến của các hộ dân thuộc dự án về việc đóng góp kinh phí để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để có thể tiến hành cấp giấy chủ quyền cho người dân. 

Trường hợp các chủ đầu tư có khả năng nhưng không thực hiện hoặc cố tình dây dưa, kéo dài, Sở Xây dựng TP đã đề xuất UBND TP một số biện pháp chế tài và tùy theo mức độ vụ việc, UBND quận huyện có thể đề nghị xử lý hình sự đối với các chủ đầu tư đó. Báo cáo với UBND TP về tình hình các dự án phân lô hộ lẻ, Sở Xây dựng khẳng định rõ, UBND quận - huyện hoàn toàn đủ thẩm quyền và căn cứ pháp lý để giải quyết các tồn đọng của dự án phân lô hộ lẻ dựa theo các quy định hiện hành. Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện tích cực giải quyết dứt điểm các sai phạm để thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Được biết, Sở Tư pháp TP cũng vừa gửi văn bản đề nghị UBND TPHCM hủy bỏ một số điều trong Quyết định 54 của UBND TP nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chủ quyền nhà - đất cho người dân. Trong đó, Sở Tư pháp đã kiến nghị bỏ quy định: “Một trong những giấy tờ tạo lập nhà đất phải có mới được cấp giấy chủ quyền là biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc Sở Giao thông Vận tải quản lý để đưa vào sử dụng”.
Theo Sở Tư pháp, chính vì quy định này mà nhiều năm nay, người dân mua đất xây nhà trong dự án hay mua căn hộ chung cư đã không được xét cấp chủ quyền khi chủ đầu tư chưa hoàn thiện một trong những hạng mục hạ tầng như: đường giao thông, trường mầm non, hệ thống thoát nước, công viên cây xanh…
Hoàn tất việc cấp GCN cho các dự án phân lô hộ lẻ vào cuối năm 2011

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài yêu cầu đến ngày 31-12-2011, chủ tịch UBND các quận - huyện phải hoàn tất, báo cáo kết quả với UBND TP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của các dự án phân lô hộ lẻ.
Theo UBND TP, việc xử lý, giải quyết cấp chủ quyền nhà - đất thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện. Chủ tịch UBND các quận - huyện phải chỉ đạo các phòng ban tập trung rà soát cụ thể từng dự án, xác định chính xác số lượng, mức độ vi phạm tại từng dự án. Về giải pháp thực hiện, các quận - huyện có thể nghiên cứu những hướng xử lý mà Sở Xây dựng đề nghị.

Hạnh Nhung
Nguồn  : http://www.baomoi.com/Cac-du-an-phan-lo-ho-le-Dan-kho-vi-chinh-quyen-nhat-tay/148/6261875.epi

Vào tháng 05/2011, ông Nguyễn Thành Tài, phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM yêu cầu đến ngày 31-12-2011, chủ tịch UBND các quận - huyện phải hoàn tất, báo cáo kết quả với UBND TP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của các dự án phân lô hộ lẻ.

* Giải quyết những tồn tại vướng mắc tại Khu dân cư Hoàng Hải, ấp Tiền Lân xã Bà Điểm huyện Hóc Môn thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Hóc Môn lại cố tình kéo dài gây khó khăn cho người dân có quyền lợi nghĩa vụ trong KDC Hoàng Hải. Không dừng lại việc kéo dài, gây khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn còn chỉ đạo thuộc cấp trấn áp công dân muốn gặp lãnh đạo huyện để trình kiến nghị. Cố tình không chấp hành chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/05/2012 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng V/v : VỀ CHẤN CHỈNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO. 


Hữu Lộc

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Dự án nhà ở chậm cấp giấy chủ quyền tại TP.HCM Lỗi do công ty, dân chịu hậu quả


Một số dự án nhà ở làm thủ tục nửa vời rồi bán “lúa non” từ 10-15 năm trước nhưng đến nay người mua vẫn có giấy chủ quyền. Lỗi công ty nhưng người dân có thể phải đóng tiền sử dụng đất giá cao

Tại khu dân cư Hồ Bắc (P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM), nhiều nhà đã xây dựng từ năm 2001 nhưng đến nay chưa được cấp chủ quyền.
Năm 1992, gia đình ông T. mua căn hộ tại chung cư số 9/24 Võ Trường Toản (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) của Công ty Quản lý kinh doanh nhà Q.Bình Thạnh. Lúc mua nhà, công ty có thỏa thuận sẽ làm thủ tục cấp chủ quyền nhà, đất cho ông. Nhiều lần ông T. liên hệ yêu cầu làm giấy chủ quyền nhà nhưng công ty cứ hẹn lần hẹn lữa.

Đến năm 2006, công ty thông báo mỗi căn hộ phải đóng thêm hơn 100 triệu đồng tiền sử dụng đất để làm giấy chủ quyền nhà. Ông T. không đồng ý và cho rằng khi mua nhà ông đã trả hết tiền cho chủ đầu tư từ năm 1993 bao gồm tiền sử dụng đất, đến nay lại yêu cầu đóng thêm tiền sử dụng đất mới cấp giấy chủ quyền là vô lý.

Phải thêm hàng trăm triệu đồng

Đại diện Công ty Quản lý kinh doanh nhà Q.Bình Thạnh (nay là Công ty TNHH MTV địa ốc Bình Thạnh) cho biết năm 1992, UBND Q.Bình Thạnh tạm giao đất cho công ty để làm dự án phát triển nhà ở. Nhưng do thủ tục kéo dài, đến năm 2006 mới được cơ quan chức năng giao đất nên phải đóng tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm này.

Số tiền hơn 100 triệu đồng cho mỗi căn hộ như ông T. phản ảnh là tiền sử dụng đất chênh lệch giữa hai thời điểm đóng (năm 1996 - thời điểm công ty bán nhà cho người dân và năm 2006 - thời điểm công ty hoàn tất thủ tục giao đất). Hiện chỉ có hai hộ dân trong 26 hộ dân ở chung cư 9/24 Võ Trường Toản đồng ý đóng thêm tiền sử dụng đất để làm giấy chủ quyền nhà.

Chỉ tính riêng tại Công ty TNHH MTV địa ốc Bình Thạnh có hơn 10 dự án đã hoàn thành và bán nhà, đất cho dân từ những năm 1990 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục giao đất, khiến hàng ngàn người mua nhà, đất của công ty này vẫn chưa cầm được giấy chủ quyền.

Nếu xử lý như dự án chung cư 9/24 Võ Trường Toản, công ty đã đẩy trách nhiệm đóng tiền sử dụng đất chênh lệch cho các hộ dân với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng, trong khi do lỗi của công ty chậm làm thủ tục giao đất.

Nhiều người dân mua đất tại dự án khu dân cư Hồ Bắc (đường Phan Huy Ích, P.15, Q.Tân Bình) của Công ty TNHH xây dựng kinh doanh nhà Hồ Bắc từ năm 2001 đến nay cũng chưa có giấy chủ quyền nhà, đất dù người mua đã đóng tiền sử dụng đất cho công ty.

Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng TP, công ty phải làm thủ tục giao đất theo quy định hiện hành nhưng thực tế Công ty Hồ Bắc đã bán hết đất từ năm 2001, nay không còn khả năng để thực hiện thủ tục giao đất cũng như đóng tiền sử dụng đất. Tháng 4-2012, Sở Tài nguyên và môi trường TP yêu cầu UBND Q.Tân Bình cấp giấy chủ quyền cho người dân và thu tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành.

Nhưng Phòng tài nguyên và môi trường Q.Tân Bình cho biết UBND quận đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP vì chưa biết phải thu tiền sử dụng đất của người dân theo giá nào. Nếu thu theo giá đất năm 2001 thì hợp tình nhưng không có căn cứ pháp lý, còn thu theo giá hiện nay thì số tiền sử dụng đất sẽ rất cao, người dân không đóng nổi.

Vì một nền nhà tại khu dân cư Hồ Bắc có diện tích trung bình 75m2, người dân phải đóng gần 250 triệu đồng (theo giá Nhà nước áp dụng cho trường hợp người mua chỉ có một nền đất) và khoảng 750 triệu đồng (theo giá thị trường nếu người mua có từ hai lô đất trở lên), gấp ba lần giá mua ban đầu.

Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, nhiều quận huyện cũng có dự án vướng mắc tương tự như Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp... với hàng ngàn căn nhà, nền đất chưa thể cấp giấy chủ quyền.

Chủ đầu tư phải nộp

Để cấp giấy chủ quyền cho dân, UBND các quận có dự án bị vướng và Công ty TNHH MTV địa ốc Bình Thạnh đã kiến nghị UBND TP thu tiền sử dụng đất những dự án trên theo giá đất ở thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc bán nhà trên thực tế.

Việc các chủ đầu tư kéo dài thủ tục giao đất hay không thể làm thủ tục được có một phần do chính sách pháp luật về đầu tư dự án thay đổi liên tục. Tuy nhiên, đến nay UBND TP chưa có ý kiến về vấn đề này.

Một cán bộ Cục Thuế TP cho rằng các chủ đầu tư trên chưa làm hết trách nhiệm đối với người dân mua nhà. Về nguyên tắc, các dự án chưa hoàn thành thủ tục giao đất thì cơ quan thuế phải tính tiền sử dụng đất theo giá ở thời điểm tạm tính.

Trường hợp đất giao trên thực tế lớn hơn so với thời điểm tạm tính tiền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch này phải đóng tiền sử dụng đất theo giá hiện nay. “Lỗi ở đây do các doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn quy định” - vị này khẳng định.



DiaOcVietOnline.vn - Theo TuoiTre                         

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

THÔNG BÁO : V/v TỪNG CÁ NHÂN GỞI ĐƠN XIN CỨU XÉT

THÔNG BÁO
Chúng tôi Ban đại diện bà con có quyền lợi, nghĩa vụ trong Khu dân cư Hoàng Hải xã Bà Điểm huyện Hóc Môn xin thông báo :  Việc khiếu kiện tập thể do bà con uỷ nhiệm cho chúng tôi Đại diện đứng đơn gởi đến Lãnh đạo các ngành, các cấp đã quá thời gian luật định nhưng chưa thấy văn bản trả lời. Chúng tôi cho rằng việc Khiếu kiện tập thể chắc không được các ngành hữu quan chấp nhận.
Chúng tôi thành thật xin lổi vì đã không hoàn thành công việc do bà con tín nhiệm uỷ thác. Nên chúng tôi xin thông báo đến bà con, mổi cá nhân nên tự làm đơn riêng lẻ để gởi đến Ban ngành hữu quan xin Cứu xét. 
Chúng tôi có soạn 1 đơn mẫu để bà con tham khảo và tuỳ theo hoàn cảnh của mình để viết lại cho phù hợp.
Hữu Lộc

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
----o0o----

ĐƠN XIN C U X ÉT
(V/v: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)
       
  Kính gửi:     
-          UỶ BAN NHÂN DÂN Tp. HỒ CHÍ MINH
-          HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN Tp. HỒ CHÍ MINH.
CMND số: ………………, do Công An TP. HCM cấp ngày: ……/………/…………
Địa chỉ liên lạc: ……………………….…………………………………………………….……..
Nội dung xin cứu xét:
Nguyên trước đây vào ngày……./…./……., tôi đã có ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số ………………………. với Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải (gọi tắt là công ty Hoàng Hải) có trụ sở chính đặt tại số 32/11 ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc môn, Tp.HCM. Lô đất toạ lạc trên đường số ….. tại khu dân cư Bà Điểm 2, huyện Hóc Môn, Tp. HCM: Lô……., thuc dự án …….. ha, có diện tích ……. m2.
Tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình cụ thể là đóng tiền đủ số lượng và đúng thời gian cho Công ty Hoàng Hải. Theo khoản …… điều……của hợp đồng: Trong thời gian 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, Công ty Hoàng Hải có trách nhiệm giao bản chính Giấy Chứng Nhận Quyền Sự Dụng Đất (GCNQSDĐ) cho tôi. Nhưng đến nay đã quá 24 tháng, Công ty Hoàng Hải không thực hiện điều khoản này. Do vậy gia đình chúng tôi không thể nào tiến hành được các thủ tục pháp lý về việc xây nhà. Gia đình chúng tôi rất bức bách về nhà ở.
Theo kết luận của Thanh tra Tp.HCM, lô đất của chúng tôi nhận chuyển nhượng không nằm trong diện tích sai quy hoạch, hay lấn chiếm mở rộng của dự án. Nên đảm bảo nằm trong sự cho phép, cấp phép của cơ quan có thẩm quyền và hoàn toàn có cơ sở pháp lý để tiến hành những thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất Ở cũng như xây dựng nhà ở.
Yêu cầu giải quyết:
1/- Cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải được tiếp tục hoạt động, có kế hoạch và biện pháp khắc phục các vi phạm qui hoạch đã được duyệt tại 03 dự án,  trình UBND huyện Hóc Môn và các Sở ngành liên quan để thực hiện khắc phục.

2/- Chấp thuận Kế hoạch chấp hành và thực hiện kết luận Thanh tra (Ba khu đất nông nghiệp 5 ha, 14 ha và 18 ha) theo Bảng kế hoạch số 79/KH-HH ngày 19/09/2011 của Cty Hoàng Hải trình BND huyện Hóc Môn.

        3/ Nếu công ty Hoàng Hải có khó khăn về tài chính, chúng tôi tự nguyện phối hợp cùng với công ty làm nghĩa vụ thuế với nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.
Chúng tôi chân trọng cám ơn!

Tp HCM, ngày____ tháng___  năm 2012
Kính Đơn


+ Ñính keøm :
·         Hôïp ñoàng goùp voán (baûn sao)
·         Phieáu thu (baûn sao)
·         Bieân baûn giao ñaát (baûn sao)
·         Baûn ñoà vò trí khu ñaát (baûn sao)

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

ĐƠN THƯA CỦA CÁC CÔNG DÂN BỊ UBND HUYỆN HÓC MÔN TRẤN ÁP


Chúng tôi nhận được Đơn thưa của các Công dân bị UBND huyện Hóc Môn cho lực lượng trấn áp vì lý do : Muốn gặp Chủ tịch huyện Hóc Môn để trình bày nguyện vọng trong việc giải quyết vướng mắc trong Khu dân cư Hoàng Hải xã Bà Điểm huyện Hóc Môn.
Admin
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
==============&============
ĐƠN XIN ĐIỀU TRA VÀ XÉT XỬ
Kính gởi: Hội Đồng Nhân Dân Tp.HCM
Kính gởi: Ủy Ban Nhân Dân Tp.HCM
Kính gởi: Phòng Cành Sát Điều Tra Công an Tp.HCM
Tôi tên là Trương Văn Bé, sinh năm 1951, hiện ngụ tại nhà số 73/14 Nguyễn Biểu, phường một, quận năm, TP.HCM. Hôm nay tôi xin làm đơn này gởi đến các Cấp Chính Quyền Báo Chí Công an và Công an Điều Tra của Thành phố Hồ Chí Minh nói trên xin điều tra và xét sử về sự việc mà Ủy Ban Nhân Dân huyện Hóc Môn cho người hành hung và đánh người bắt lên xe chở về Ban Công An Xã Bà Điểm và giữ người trái với pháp luật, nguyên nhân là tôi có mua một lô đất nền nhà của dự án 14ha của công ty Hoàng Hải từ năm 2008 cho đến nay vì lý do Tổng giám đốc công ty Hoàng Hải và một số cán bộ có chức có quyền của UBND huyện Hóc Môn bị phạm tội và bị cách chức cho nên Thanh Tra Thành Phố đã điều tra làm rõ và kết luận. Số 338 tháng 6 năm 2010 của Thanh Tra Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết sai phạm là do lỗi ở công ty Hoàng Hải và một số quan chức làm sai, do đó chúng tôi có làm đơn gởi từ UBND xã Bà Điểm rồi đến UBND huyện Hóc Môn rồi đến cấp  UBND Tp.HCM để yêu cầu xem xét và giải quyết cho chúng tôi được cất nhà để ở. Đó là ngyện vọng của gia đình tôi và toàn thể hàng trăm hộ gia đình mua đất và không được cất nhà để ở, và trên 84 hộ dân bà con đã cất nhà rồi mà chưa được yên tâm vì lệnh cưỡng chế buộc phải tháo dở do ông phó chủ tịch xã Bả Điểm ký ngày 7 tháng 2 năm 2011, và chúng tôi đã làm đơn khiếu nại lên Ủy Ban Nhân Dân huyện Hóc Môn và có cuộc họp ngày 18/04/2012 tại hội trường Ủy Ban Nhân Dân huyện Hóc Môn cán bộ tiếp sức với dân
1.      Ông Đỗ Văn Hòa – chánh văn phòng xây dựng huyện Hóc Môn
2.      Ông Ngọc – chánh thanh tra huyện Hóc Môn
3.      Ông Lý Sâm – chánh văn phòng huyện Hóc Môn và cùng bà con trên 81 hộ dân dự họp.
Trong cuộc họp, ba vị cán bộ văn phòng Huyện đã hứa là trong vòng 30 ngày sẽ có công văn trả lời, nhưng mãi cho đến giờ này mà không có công văn nào hết. Cho đến ngày 6 tháng 6 năm 2012, tôi cùng bà con cùng nhau lên Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đề nghị cho gặp lãnh đạo của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, và lãnh đạo nhân dân thành phố hứa hẹn là sẽ trả lời bằng văn bản sau 15 ngày. Nên   ngày 25/06/2012 chúng tôi đến phòng tiếp dân số 15 Nguyễn Gia Thiều, trả lời bằng văn bản thông báo là có ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín – phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố giao cho Sở Kế Hoạch Kiến Trúc phối hợp với Ủy Ban Nhân Dân huyện Hóc Môn giải quyết. Tôi có đến phòng Quy Hoạch Kiến Trúc thì có gặp anh Trưởng phòng Quy Hoạch trả lời là có làm tờ trình gởi đến Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố  ngày 15/06/2012 số 1765TTr Sở quy Hoạch Kiến Trúc và bảo với chúng tôi muốn biết thì về trên huyện Hóc Môn sẽ rõ. Thì tôi và bà con nói trên qua ngày 26/06/2012  đã cùng nhau đi lên Ủy Ban Nhân Dân huyện Hóc Môn để gặp mặt lãnh đạo là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Hóc Môn để hỏi xem đã giải quyết đến đầu thì có một số nhân viên dân phòng và cảnh sát mặc Cảnh phục cản trở không cho chúng tôi vào bên trong Hội Trường Ủy Ban Nhân Dân huyện. Sau đó, tôi có nói là cho vào bên trong để gặp lãnh đạo, chứ dân không ai làm gì mà cản trở, và chúng tôi vô được bên trong sân thì có một người mặc thường phục tên là Nguyễn Văn Sang tự xưng là Chánh văn phòng tới đuổi chúng tôi và bảo tôi về đi. Chúng tôi nói là ở lại, cho chúng tôi được gặp Chủ Tịch hoặc phó Chủ Tịch hỏi và nói chuyện xong chúng tôi mới về, thì ông Sang bỏ đi và chúng tôi ngồi chờ trước cửa Ủy Ban huyện. Cho đến khoảng 11giờ 40phút, có một chiếc xe mang biển số xanh gắn loa và đèn chớp trên cabin từ ngoài cổng Ủy Ban chạy vào cùng một số người thanh niên mặc thường phục đi vào không nói không rằng áp lại tập kích đánh bắt và đẩy chúng tôi lên xe,   chúng tôi vũng vẫy không đi, chúng dùng  roi điện dí vào lưng anh Hải té xuống đất và bắt anh Hải đưa lên xe và lôi kéo tôi cùng với chị Ca té ngã ra đất, văng đồ đạc và bị trầy tay què chân. Theo tôi nghĩ vụ đàn áp nhân dân là do ý của ai và vì sao phải giấu mặt mà không gặp chúng tôi để cùng bà con nói lên vài lời cho êm đẹp, giữa ý Đảng và lòng dân cho hợp với nhau, để tháo gỡ hết khúc mắc trong lòng dân mà lại dùng vũ lực côn đồ đánh bắt người, trái pháp luật trái với đạo lý, cũng như theo sự chỉ đạo của Quốc Hội và chỉ đạo của Thủ Tướng chính phủ ngày 18/05/2012 về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác giải quyết khiếu nại và tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các địa phường, là nghiêm túc chế độ tiếp dân và dành thời gian thích đáng và trực tiếp gặp mặt và đối thoại với dân, lắng nghe dân, thật sự gần dân đề hiểu dân, phản ánh kiến nghị khiếu nại tố cáo của dân, không được để vụ việc tồn động và kéo dài. Theo tôi nghĩ, đất của một dự án lớn hàng trăm hecta, quy mô tầm cỡ như dự án của công ty Hoàng Hải ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Tp.HCM mà lại để những người có chức có quyền tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng mà không hay biết, khi biết được thì lại làm khổ dân, khi dân khiếu kiện thì không giải quyết cho thấu tình đạt lý. Để nhân dân được yên tâm thấu hiểu ý Đảng lòng Dân. Như gia đình tôi hiện nay và trước đây trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ đã bảo vệ đất nước và đã hy sinh hết cả gia đình mà không tiếc máu xương vẫn một lòng trung kiên với Đảng, mà cho đến ngày hôm nay mới dành dụm được số tiền để mua một lô đất để được cất lên một căn nhà để ở và thờ cúng Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng và các Anh Hùng Liệt Sĩ mà chưa được trọn vẹn. Hỏi như thế làm sao mà không bức xúc cho được. Vì lẽ trên, tôi làm đơn này kính đề nghị quý cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết các vấn đề sau đây.
        i.            Nguyện vọng của gia đình chúng tôi là muốn sinh sống ổn định lâu dài trên mảnh đất mà chúng tôi đã bỏ tiền ra mua bán hợp pháp. Vậy kính mong quý cơ quan xem xét cấp phép cho chúng tôi được ổn định tương lai cho con cháu chúng tôi sau này.
      ii.            Là xin cho chúng tôi biết: Bao giờ chúng tôi được cấp phép xây dựng, cấp giấy chủ quyền đất và chủ quyền nhà đã cất rồi mà chưa được cấp ?.
    iii.            Kính mong quý cơ quan sớm xem xét và giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi.
Xin thành thật biết ơn!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 07.năm 2012
Kính đơn



Trương Văn Bé
                

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập- Tự Do- Hạnh Phúc
=================


ĐƠN TỐ CÁO

-          Kính gởi:         HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN Tp. HỒ CHÍ MINH.
                                UỶ BAN NHÂN DÂN      Tp. HỒ CHÍ MINH
                                PHÒNG CÔNG AN PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM Tp. HỒ CHÍ MINH.

Tôi tên là:                   TÔ KIM HẢI,  sinh năm 1959
Hộ khẩu thường trú: 207/10, Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
Trình bày sự việc:
            Buổi sáng ngày 26/6/2012, vào lúc 8g 30’ , tôi cùng đông đảo bà con có nhà và đất trong các dự án của khu dân cư Hoàng Hải, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm huyện Hóc Môn lên UNND huyện Hóc Môn yêu cầu trả lời đơn khiếu nại của bà con. Vì UBND huyện đã vi phạm
quy trình giải quyết, trả lời đơn thư khiếu nại , quá thời hạn chính phủ quy định. Đồng thời bà con mong muốn được găp Chủ Tịch huyện – người lãnh đạo cao nhất của huyện Hóc Môn để chất vân một số vấn đề còn tồn tại.  Tuy nhiên chúng tôi bị lực lượng bào vệ và những người lạ (không sắc phục, không thẻ đeo) ra xô đẩy ,ngăn cản chúng tôi vào huyện.
            Sau đó có một người ra nói với bà Ca là Chủ Tịch huyện sẽ ra tiếp xúc với chúng tôi. Chúng tôi kiên trì chờ đợi cho đến khoảng 11g30’ vẫn không thấy Chủ Tịch huyện  xuất hiện . Lúc này có một số bà con nhận định là “ai đó đã lừa chúng ta” , nên ồn ào huyên náo. Sau khi tôi thấy bà con trao đổi với một thanh niên tự xưng là Chánh Văn Phòng không có kết quả gì và người thanh niên này lại úp mở là có lãnh đạo tiếp nhưng không nói tên và chức vụ, Tôi rẽ đám đông với ý định ra chõ khác ngồi nghỉ.
            Bất ngờ tôi bị những thanh niên lạ (không sắc phục, không thẻ đeo) xông vào bẻ tay chân, khóa cổ , đánh đấm tôi và lôi tôi lên xe ô tô. Trong lúc giằng co này tôi nhớ lại là có lúc bị choáng ngất. Hiện nay khắp người tôi đau ê ẩm,  đầu tôi bị xưng to, mắt bị bầm và trầy xước nhiều nơi.
            Trên xe, tôi bị 5 thanh niên lạ, giữ tay, ấn cổ, ngực bằng đầu gối , khóa cứng 02 chân tôi, đè tôi nằm bẹp xuống sàn xe.
            Xe đưa tôi vào Công An xã Bà Điểm, ở đây rất nhiều thanh niên lạ hằm hè đe dọa tôi, bắt tôi vào phòng “Tội Phạm”, thay nhau hỏi và ép cung. Tôi lên tiếng yêu cầu trình thẻ công an vả mặc cảnh phục theo đúng điều lệnh, thì toàn bộ thanh niên lạ trốn mất, sau đó một thanh niên xuất hiện với sắc phục CAX. Sau khi  CAX xong việc và cho tôi ra thì bị một thanh niên mặc áo thun xanh tư xưng tên là Vinh – Công an huyện (số điện thoại: 0908396112). Tiếp tục thẩm vấn tôi lần nữa với tờ giấy hỏi cung được in sẵn hoàn toàn giống với tờ CAX ghi chép. Xong việc với vị CA huyện tên Vinh, tôi lại bị một thanh niên lạ mặc áo thun sọc vàng thể trạng mập, lùn, không xưng tên và vị trí công tác bắt tôi làm bản cam kết. Đến lúc này tôi quá mệt mỏi, đau đớn vì bị trấn áp thô bạo, bị hỏi cung bởi nhiều người trong thời gian dài và bị đói vì không được ăn cơm. Tôi cũng đã làm cam kết nhưng không đúng với ý của CAX , nên họ bắt tôi viết lại tới 03 lần.  Tại trụ sở CA xã Bà Điểm ngoài việc tôi bị các thanh niên lạ có thái độ hằm hè đe dọa, tôi còn bị Trưởng CA xã tên Tài lớn tiếng, phùng má, trợn mắt, nạt nộ tôi. Tôi hỏi lại : “ anh có biết đang làm việc với tôi là người dân không, tôi đâu phải tội phạm.”. Ngay sau đó tôi bị câu nói của vị công an đáng kính này quăng vào mặt:  ” Tôi không cần biết anh là ai”.
“Trời!”
            Kính thưa Qúy Cơ Quan! Tôi là một người dân hiền lành ở tuổi 53, có quyền lợi bị xâm hại đã kêu oan ở nhiều cấp trong thành phố theo đúng luật pháp quy định, nhưng chưa thấy ở đâu có cách đối xử với nhân dân như UBND huyện Hóc Môn và Công an xã Bà Điểm.
            Tôi nhận thấy sự đau đớn về thể xác của tôi không lớn, nhưng tôi thật sự đau đớn khi bị Lãnh Đạo huyện Hóc Môn ra lệnh cho người lạ phối hợp với CA xã Bà Điểm dùng vũ lực trấn áp nhân dân, vì ngoài tôi ra còn nhiều phụ nữ, người già bị đạp, đá, đẩy ngã như bà Ca, bà Năm , ông Bé….  
Tôi thiết nghĩ đã có những cán bộ huyện Hóc Môn , CA xã Bà Điểm biến chất , thoái hóa. vì mưu cầu lợi ích riêng, họ đã quay lưng lại với nhân dân, xem  nhân dân như tội phạm, như kẻ thù. Chính sự kiện này chứng minh Hệ Thống Chính Trị của  huyện Hóc Môn rất suy yếu,  làm ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của Đảng ta , của chính quyền nhân dân.
Kính thưa Qúy Cơ Quan! Tôi xin tố cáo sự việc đàn áp nhân dân như đã trình bày ở trên. Rất mong Qúy Cơ Quan điều tra làm rõ , và xét xử đúng người đúng tội! 

Tôi chân thành cảm ơn Qúy Cơ Quan!

Tp. HCM, ngày 27/6/2012



           Tô Kim Hải

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

CẤP GIẤY CHỦ QUYỀN CHO 17.000 TRƯỜNG HỢP PHÂN LÔ HỘ LẺ


TT - Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất UBND TP cấp giấy chủ quyền cho các hộ dân đã mua đất tại các dự án phân lô hộ lẻ.
Theo thống kê, toàn TP hiện có khoảng 200 dự án phân lô hộ lẻ (gồm dự án phân lô của các doanh nghiệp, dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên của các cơ quan, tổ chức và trường hợp người dân tự phân lô) với khoảng 35.000 nền đất. Trong số này hiện còn khoảng 17.000 nền đất chưa được cấp giấy chủ quyền.
Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận huyện yêu cầu chủ đầu tư hoàn chỉnh đường sá, hệ thống thoát nước... tại các dự án trên. Trường hợp chủ đầu tư dự án không còn (doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, không thể liên hệ được...) thì Nhà nước sẽ cùng người dân góp tiền làm cơ sở hạ tầng dự án. Với các doanh nghiệp còn hoạt động nhưng không làm hạ tầng dự án, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP không giao thêm dự án nhà ở mới.
D.N.HÀ
Nguồn : tuoitre.vn

* Khu dân cư Hoàng Hải, ấp Tiền Lân xã Bà Điểm huyện Hóc Môn cũng nằm trong trường hợp này. Và mong chính quyền huyện Hóc Môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cấp chủ quyền cho người dân. 
Admin

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

LUẬT KHIẾU NẠI NĂM 2011 (Có hiệu lực 01/7/2012)

Vào ngày 25/11/2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Số : 11/2011/L-CTN về việc công bố Luật Khiếu Nại. Đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011./.
Chúng tôi trích đăng nguyên văn để cộng đồng tham khảo, quán triệt. Nghiêm chỉnh chấp hành và tôn trọng pháp luật.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật khiếu nại,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
3. Rút khiếu nại là việc người khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chấm dứt khiếu nại của mình.
4. Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.
5. Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.
6. Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
7. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà không phải là người khiếu nại, người bị khiếu nại nhưng việc giải quyết khiếu nại có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ.
8. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
9. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
10. Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
11. Giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Điều 3. Áp dụng pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại
1. Khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và việc giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo quy định của Luật này.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
3. Căn cứ vào Luật này, cơ quan có thẩm quyền của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hướng dẫn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong cơ quan, tổ chức mình.
4. Căn cứ vào Luật này, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan khác của Nhà nước quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong cơ quan mình.
5. Trường hợp luật khác có quy định khác về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của luật đó.
Điều 4. Nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời.
Điều 5. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nại
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
2. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình; nếu trái pháp luật phải kịp thời sửa chữa, khắc phục, tránh phát sinh khiếu nại.
Nhà nước khuyến khích việc hòa giải tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.
2. Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.
3. Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.
4. Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại.
5. Cố tình khiếu nại sai sự thật;
6. Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.
7. Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.
8. Vi phạm quy chế tiếp công dân;
9. Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Chương 2.
KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, HÀNH VI HÀNH CHÍNH
MỤC 1. KHIẾU NẠI
Điều 7. Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
2. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
3. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Điều 8. Hình thức khiếu nại
1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
3. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc tiếp nhiều người cùng khiếu nại thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này;
b) Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;
c) Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
5. Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật này.
Điều 9. Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Điều 10. Rút khiếu nại
Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.
Điều 11. Các khiếu nại không được thụ lý giải quyết
Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:
1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;
2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
MỤC 2. QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI KHIẾU NẠI, NGƯỜI BỊ KHIẾU NẠI VÀ CỦA LUẬT SƯ, TRỢ GIÚP VIÊN PHÁP LÝ
Điều 12. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại
1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;
Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;
b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
c) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
d) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
đ) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
e) Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;
g) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;
h) Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
i) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
k) Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính;
l) Rút khiếu nại.
2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
b) Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
c) Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
d) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
3. Người khiếu nại thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại
1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Đưa ra chứng cứ về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại;
b) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
c) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
d) Nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
b) Chấp hành quyết định xác minh nội dung khiếu nại của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
c) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, đơn vị kiểm tra, xác minh yêu cầu trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có yêu cầu;
d) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;
đ) Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại;
e) Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
3. Người bị khiếu nại thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu
1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để làm cơ sở giải quyết khiếu nại;
b) Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
2. Người giải quyết khiếu nại lần đầu có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tiếp nhận khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp về việc thụ lý giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại;
b) Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính khi người khiếu nại yêu cầu;
c) Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
d) Gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình; trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thì phải thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật;
đ) Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại yêu cầu; cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại lần hai hoặc Tòa án yêu cầu.
3. Người giải quyết khiếu nại lần đầu giải quyết bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
4. Người giải quyết khiếu nại lần đầu thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần hai
1. Người giải quyết khiếu nại lần hai có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để làm cơ sở giải quyết khiếu nại;
b) Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
c) Triệu tập cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia đối thoại;
d) Trưng cầu giám định;
đ) Tham khảo ý kiến của Hội đồng tư vấn khi xét thấy cần thiết.
2. Người giải quyết khiếu nại lần hai có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tiếp nhận, thụ lý, lập hồ sơ vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết;
b) Kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại;
c) Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
d) Ra quyết định giải quyết khiếu nại và công bố quyết định giải quyết khiếu nại;
đ) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc Tòa án yêu cầu.
3. Người giải quyết khiếu nại lần hai thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Quyền, nghĩa vụ của luật sư, trợ giúp viên pháp lý
1. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý có các quyền sau đây:
a) Tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại;
b) Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền;
c) Xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại;
d) Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.
2. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia giải quyết khiếu nại có nghĩa vụ sau đây:
a) Xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và quyết định phân công trợ giúp pháp lý, giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật hoặc giấy ủy quyền của người khiếu nại;
b) Thực hiện đúng nội dung, phạm vi mà người khiếu nại đã ủy quyền;
3. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
MỤC 1. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Điều 17. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
Điều 18. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Điều 19. Thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương
Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
Điều 20. Thẩm quyền của Giám đốc sở và cấp tương đương
1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp;
2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Điều 21. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
3. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
Điều 22. Thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ
Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
Điều 23. Thẩm quyền của Bộ trưởng
1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
3. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
4. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
Điều 24. Thẩm quyền của Tổng thanh tra Chính phủ
1. Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
2. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.
Điều 25. Thẩm quyền của Chánh thanh tra các cấp
1. Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi được giao.
2. Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.
Điều 26. Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ
1. Lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.
2. Xử lý các kiến nghị của Tổng thanh tra Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này.
3. Chỉ đạo, xử lý tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
MỤC 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN ĐẦU
Điều 27. Thụ lý giải quyết khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Điều 28. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Điều 29. Xác minh nội dung khiếu nại
1. Trong thời hạn quy định tại Điều 28 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
b) Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
2. Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời thông qua các hình thức sau đây:
a) Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại;
b) Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp;
c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
3. Người có trách nhiệm xác minh có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
a) Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và chứng cứ về nội dung khiếu nại;
b) Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình bằng văn bản về nội dung liên quan khiếu nại;
c) Triệu tập người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
d) Trưng cầu giám định;
đ) Tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh khác theo quy định của pháp luật;
e) Báo cáo kết quả xác minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác minh.
4. Báo cáo kết quả xác minh gồm các nội dung sau đây:
a) Đối tượng xác minh;
b) Thời gian tiến hành xác minh;
c) Người tiến hành xác minh;
d) Nội dung xác minh;
đ) Kết quả xác minh;
e) Kết luận và kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại.
Điều 30. Tổ chức đối thoại
1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
2. Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
3. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
4. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
5. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Điều 31. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;
c) Nội dung khiếu nại;
d) Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
đ) Kết quả đối thoại (nếu có);
e) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
g) Kết luận nội dung khiếu nại;
h) Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;
i) Việc bồi thường thiệt hại cho người bị khiếu nại (nếu có);
i) Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
3. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
Điều 32. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
Điều 33. Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
2. Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Điều 34. Hồ sơ giải quyết khiếu nại
1. Việc giải quyết khiếu nại phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm:
a) Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;
b) Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
c) Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);
d) Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);
đ) Quyết định giải quyết khiếu nại;
e) Các tài liệu khác có liên quan.
2. Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu giữ theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án thì hồ sơ đó phải được chuyển cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết khi có yêu cầu.
Điều 35. Áp dụng biện pháp khẩn cấp
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và những người có trách nhiệm thi hành khác. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó.
MỤC 3. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN HAI
Điều 36. Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
2. Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.
Điều 37. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Điều 38. Xác minh nội dung khiếu nại lần hai
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại. Việc xác minh thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 29 của Luật này.
Điều 39. Tổ chức đối thoại lần hai
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần hai thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật này.
Điều 40. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai
1. Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
c) Nội dung khiếu nại;
d) Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu;
đ) Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
e) Kết quả đối thoại;
g) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
h) Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính;
i) Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có);
k) Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.
Điều 41. Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại
1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
2. Người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai sau đây:
a) Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác;
b) Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại;
c) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Chính phủ quy định chi tiết việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại.
Điều 42. Khởi kiện vụ án hành chính
Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 37 của Luật này mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Điều 43. Hồ sơ giải quyết khiếu nại lần hai
Việc giải quyết khiếu nại lần hai phải được lập thành hồ sơ theo quy định tại Điều 34 của Luật này, kèm theo ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn (nếu có).
MỤC 4. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
Điều 44. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật
1. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kếo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
3. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
4. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.
Điều 45. Người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật
1. Người giải quyết khiếu nại;
2. Người khiếu nại;
3. Người bị khiếu nại;
4. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan;
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 46. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật
1. Người giải quyết khiếu nại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp để bảo đảm việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; tổ chức thi hành hoặc chủ trì, phối hợp với tổ chức, cơ quan hữu quan thực hiện biện pháp nhằm khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; kiến nghị cơ quan, tổ chức khác giải quyết những vấn đề liên quan đến việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có).
2. Khi quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm sau đây:
a) Cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật xâm phạm;
b) Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết công nhận quyết định hành chính, hành vi hành chính đó đúng pháp luật;
c) Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật khi được yêu cầu.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Chương 4.
KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Điều 47. Khiếu nại quyết định kỷ luật
Khiếu nại quyết định kỷ luật là việc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 48. Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật.
Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Điều 49. Hình thức khiếu nại
Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và có chữ ký của người khiếu nại. Đơn khiếu nại lần đầu phải được gửi đến người đã ra quyết định kỷ luật. Đơn khiếu nại lần hai được gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Điều 50. Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại
Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai như sau:
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.
Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Điều 51. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp còn khiếu nại tiếp.
3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Điều 52. Xác minh nội dung khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau đây:
1. Trực tiếp hoặc phân công người có trách nhiệm kiểm tra lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại, xem xét nội dung khiếu nại. Nếu xét thấy nội dung khiếu nại đã rõ thì yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết.
2. Trường hợp nội dung khiếu nại chưa được xác định rõ thì tự mình hoặc giao người có trách nhiệm xác minh, kết luận nội dung khiếu nại. Người có trách nhiệm xác minh có các quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này.
Việc xác minh nội dung khiếu nại phải lập thành văn bản, báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Sau khi có kết quả xác minh nội dung khiếu nại thì yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Điều 53. Tổ chức đối thoại
1. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại.
Thành phần tham gia đối thoại bao gồm người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chủ trì, người khiếu nại, người có trách nhiệm xác minh, những người khác có liên quan.
2. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
3. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ giải quyết khiếu nại.
4. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Điều 54. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản. Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
c) Nội dung khiếu nại;
d) Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
đ) Kết quả đối thoại;
e) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
g) Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ;
h) Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định kỷ luật bị khiếu nại;
i) Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có);
k) Quyền khiếu nại lần hai hoặc quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải được gửi cho người khiếu nại và cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 55. Giải quyết khiếu nại lần hai
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm sau đây:
1. Yêu cầu người ban hành quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại báo cáo việc xem xét kỷ luật và giải quyết khiếu nại của người bị kỷ luật.
2. Tự mình hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại. Việc xác minh nội dung khiếu nại phải lập thành văn bản và báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
3. Chủ trì tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Thành phần tham gia đối thoại bao gồm:
a) Người khiếu nại;
b) Người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại;
c) Người bị khiếu nại.
4. Nội dung đối thoại theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 53 của Luật này.
Điều 56. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai
1. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có những nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
c) Nội dung khiếu nại;
d) Kết quả xác minh;
đ) Kết quả đối thoại;
e) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
g) Kết luận về từng vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại của người bị kỷ luật và việc giải quyết của người giải quyết khiếu nại lần đầu;
h) Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có);
i) Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải được gửi cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ban hành.
Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi cho Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 57. Hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính
1. Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật bao gồm:
a) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai;
b) Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.
3. Trường hợp công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị kỷ luật buộc thôi việc mà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai theo quy định tại Điều 50 của Luật này mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Điều 58. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật
1. Khi quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức làm việc có trách nhiệm công bố công khai quyết định giải quyết đến toàn thể cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đó; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Chương 5.
TIẾP CÔNG DÂN
Điều 59. Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân
1. Trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước được tổ chức ở trung ương và địa phương để tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Địa điểm tiếp công dân là nơi tiếp công dân do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bố trí để tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân; bảo đảm các điều kiện cần thiết để tiếp công dân; bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, kiến thức và am hiểu chính sách, pháp luật, có ý thức trách nhiệm làm công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Điều 60. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân
1. Xuất trình giấy tờ tùy thân, tuân thủ quy chế tiếp công dân và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân.
2. Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình và ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản xác nhận những nội dung đã trình bày.
3. Được hướng dẫn, giải thích về việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
4. Cử đại diện để trình bày với người tiếp công dân trong trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo về một nội dung.
5. Được khiếu nại, tố cáo về những hành vi sai trái, cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu của người tiếp công dân.
Điều 61. Trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức
1. Thủ trưởng cơ quan nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp tiếp công dân định kỳ như sau:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã mỗi tuần ít nhất một ngày;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mỗi tháng ít nhất hai ngày;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mỗi tháng ít nhất một ngày;
d) Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác mỗi tháng ít nhất một ngày.
2. Việc tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải gắn với việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền và chỉ đạo giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan nhà nước do mình quản lý.
3. Chánh thanh tra các cấp có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân thường xuyên theo quy định của pháp luật.
4. Người đứng đầu tổ chức khác có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một ngày.
5. Ngoài việc tiếp công dân định kỳ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải tiếp công dân khi có yêu cầu cấp thiết.
Điều 62. Trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, người phụ trách trụ sở, địa điểm tiếp công dân
1. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; phân loại và chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn, giải thích cho công dân về chính sách, pháp luật có liên quan đến nội dung yêu cầu của công dân.
3. Cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong các trường hợp sau đây:
a) Người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về vụ việc đã được kiểm tra xem xét và đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã được trả lời đầy đủ;
b) Người vi phạm quy chế tiếp công dân.
4. Người phụ trách trụ sở, địa điểm tiếp công dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo của người có trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chương 6.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ THẨM QUYỀN TRONG VIỆC QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Điều 63. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi cả nước.
Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại trong phạm vi cả nước.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại trong phạm vi quản lý của mình.
3. Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thanh tra sở, thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quản lý công tác giải quyết khiếu nại.
Điều 64. Trách nhiệm của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội
1. Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quản lý công tác giải quyết khiếu nại, định kỳ thông báo với Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức mình.
2. Toà án nhân dân địa phương, Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quản lý công tác giải quyết khiếu nại, định kỳ thông báo với Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức mình.
Điều 65. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại
1. Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu các cơ quan khác của Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm việc với Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại.
2. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao định kỳ báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và thông báo đến Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác giải quyết khiếu nại.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại của cơ quan, địa phương mình theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Chính phủ.
3. Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân địa phương định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân và thông báo đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về tình hình khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính và công tác giải quyết khiếu nại, xét xử vụ án hành chính trong phạm vi địa phương mình.
Điều 66. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại theo quy định của Luật này; động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về khiếu nại; tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại; khi nhận được khiếu nại thì nghiên cứu, hướng dẫn người khiếu nại đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
2. Khiếu nại do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến phải được người giải quyết khiếu nại xem xét, giải quyết và trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đơn biết kết quả giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì tổ chức đã chuyển đơn có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị có trách nhiệm trả lời kiến nghị đó trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.
Chương 7.
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 67. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người giải quyết khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại có một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Điều 68. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại đối với người khiếu nại và những người khác có liên quan
Người nào có một trong các hành vi quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương 8.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 69. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp
1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.
Những quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
2. Đối với khiếu nại đã được thụ lý giải quyết trước ngày Luật này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11.
Điều 70. Quy định chi tiết
Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao và Chương V của Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011.
  
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
              Nguyễn Sinh Hùng