Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Nhà máy bia Vinaken xây không phép

TT - Nhà máy bia này rộng 9.000m2 xuất hiện trên đất nông nghiệp và không có giấy phép xây dựng. Thanh tra đã phát hiện nơi “bật đèn xanh” cho sai phạm này là Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM.
Nhà máy bia Vinaken xây dựng trên khu đất nông nghiệp ở ấp Tiền Lân, Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
Đó là công trình xây dựng Nhà máy bia Vinaken và khu văn phòng làm việc tại ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn của Công ty TNHH Tiến Đồng. Nhà máy đã đưa vào hoạt động khá lâu, cơ quan chức năng mới lập biên bản vi phạm xây dựng và đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm vi phạm.
Đình chỉ xây dựng khi đã xây xong
Cơ quan chức năng TP xác định khu đất xây dựng Nhà máy bia Vinaken thuộc khu dân cư Bà Điểm theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Hóc Môn của UBND TP. Khối nhà xưởng, khu văn phòng làm việc, các công trình phụ trợ... được xây dựng trên diện tích gần 9.000m2trong khu đất nông nghiệp khoảng 13.000m2.
Năm 2007, Nhà máy bia Vinaken được xây dựng không phép ở vị trí trên. Nhưng kỳ lạ thay, đến tận đầu tháng 2-2010, Thanh tra xây dựng huyện Hóc Môn mới lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công khi công trình được xây dựng xong. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng TP trình UBND TP xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Khoảng một tháng sau, UBND TP có quyết định xử phạt Công ty Tiến Đồng 35 triệu đồng do vi phạm “tổ chức thi công xây dựng công trình Nhà máy bia Vinaken không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng”.
Ngoài phạt tiền, công ty còn bị buộc đình chỉ thi công toàn bộ công trình, buộc thực hiện thủ tục xin phép xây dựng tại UBND huyện Hóc Môn theo quy định. Quyết định xử phạt của UBND TP còn nêu trong trường hợp không được cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn luật định thì buộc Công ty Tiến Đồng phải khôi phục hiện trạng ban đầu, tự phá dỡ phần xây dựng không phép. Nếu Công ty Tiến Đồng không tự giác chấp hành thì bị cưỡng chế theo quy định.
Trong khi các sai phạm về xây dựng của Nhà máy bia Vinaken chưa được xử lý dứt điểm, giữa tháng 7-2011 Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân giao Thanh tra TP thanh tra, làm rõ tính pháp lý sử dụng đất, quy hoạch, xây dựng và nhiều vấn đề liên quan khác về môi trường, thuế... đối với Nhà máy bia Vinaken để có cơ sở xử lý các vi phạm tiếp theo.
Nhà máy bia Vinaken - Ảnh: Minh Đức
Sở “tưởng tượng” ra đề xuất của huyện
Ngày 28-5, ông Nguyễn Thành Trung - chánh văn phòng, người phát ngôn của Thanh tra TP - cho biết Công ty Tiến Đồng đã nộp phạt 35 triệu đồng song vẫn không được cấp phép xây dựng, cũng chưa khôi phục hiện trạng ban đầu, chưa tự phá dỡ những phần xây dựng không phép như quyết định xử phạt của UBND TP.
Qua thanh tra cho thấy Sở Quy hoạch - kiến trúc TP đã có ý kiến về xây dựng công trình này. Theo đó, sở thống nhất việc dự kiến xây dựng nhà máy bia (tại địa điểm khu đất nông nghiệp hơn 13.000m2 thuộc ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm). Đồng thời, văn bản của sở cũng thống nhất với UBND huyện Hóc Môn về đầu tư xây dựng nhà máy bia. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Trung cho biết quá trình thanh tra xác định văn bản của UBND huyện Hóc Môn không có nội dung nào đề xuất cho xây dựng nhà máy bia.
Như vậy, việc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP thống nhất về địa điểm xây dựng cũng như quy hoạch Nhà máy bia Vinaken là không đúng. Mặt khác, ý kiến của sở cũng không phù hợp với quyết định của UBND TP về duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Hóc Môn, trong đó đã xác định khu đất xây nhà máy bia thuộc quy hoạch khu dân cư Bà Điểm.
Về xử lý các sai phạm sau thanh tra, ông Nguyễn Thành Trung nói Thanh tra TP đã kiến nghị phải kiểm điểm những cá nhân, tập thể tại Sở Quy hoạch - kiến trúc TP trong việc ra văn bản cho ý kiến “thống nhất” về quy hoạch, địa điểm xây dựng Nhà máy bia Vinaken.
UBND TP đã chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Theo đó, UBND huyện Hóc Môn cùng Sở Quy hoạch - kiến trúc TP khẩn trương lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của khu vực. Sau khi việc điều chỉnh quy hoạch này được phê duyệt, giao Sở Xây dựng TP xác định nếu nhà máy bia phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại, nếu không thì phải xử lý vi phạm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn cho biết việc điều chỉnh quy hoạch như chỉ đạo của UBND TP đang được tiến hành. Trong khi đó, giữa tháng 5-2012, UBND TP tiếp tục nhắc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP khẩn trương có ý kiến thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu dân cư Bà Điểm (tỉ lệ 1/2.000) để cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời yêu cầu các sở ngành liên quan đề xuất trình UBND TP xem xét, xử lý các công trình vi phạm xây dựng trong phạm vi quy hoạch được điều chỉnh.
Không ủng hộ phạt rồi cho tồn tại
Ông Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - nói: “Quan điểm của tôi là không ủng hộ phạt rồi cho tồn tại hay điều chỉnh quy hoạch, thiết kế... để tồn tại công trình vi phạm xây dựng. Tất cả phải làm đúng quy định về xây dựng. Các vi phạm phải bị xử lý và trả lại nguyên trạng ban đầu. Không đặt vấn đề tốn kém hay không tốn kém (khi buộc phải phá dỡ các phần xây sai quy định). Còn cách đặt vấn đề những vi phạm xảy ra không ảnh hưởng gì (đối với công trình hay quy hoạch) nên cho tồn tại là một kẽ hở, tạo tiền lệ cho những vi phạm dắt dây. Đây cũng không phải là cách quản lý tốt và chính điều đó tạo ra những tiền lệ xấu về sau”.
QUỐC THANH

 * Hằng ngàn hộ dân mua đất, xây nhà trong dự án khu dân Hoàng Hải, ấp Tiền Lân xã Bà Điểm huyện Hóc Môn (thuộc khu quy hoạch dân cư 450 Ha đến năm 2020). Nhiều năm nay đang khẩn thiết xin huyện Hóc Môn và Tp. HCM xem xét cho Cty Hoàng Hải bổ sung thêm hồ sơ để hoàn chỉnh thủ tục giao đất trong các dự án đất nông nghiệp (Cty tự phân lô bán nền trước khi được giao đất). Tạm dừng quyết định cưởng chế, tháo dở nhưng chưa được giải quyết trong khi đó nhà máy Bia VINAKEN xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thuộc quy hoạch khu dân cư thì được các Ban, ngành hữu quan nhiệt tình hổ trợ. 
Cũng đúng thôi ! Duyệt cho nhà máy Bia thì có bia để nhậu nhẹt còn giải quyết cho hằng ngàn hộ dân nghèo thì có gì đâu mà nhậu với nhẹt !
Bà con ơi ! hảy nắm tay nhau cùng nhau tìm công lý từ các vị lãnh đạo thành phố và trung ương. 
Hữu Lộc

Bộ TNMT vào cuộc vụ “Thu hồi 5.000m2 đất đền bù 2 triệu đồng”

(Dân trí) – Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) vừa cử đoàn công tác về làm việc tại tỉnh Hà Nam xung quanh vụ “Thu hồi 5.000m2 đất đền bù 2 triệu đồng”.
 >> Giá đền bù quá rẻ mạt, trái pháp luật
 >> Thu hồi hơn 5.000m2 đất canh tác chỉ bồi thường hơn 2,2 triệu đồng
 >> UBND tỉnh Hà Nam báo cáo không đúng về vụ cưỡng chế ở Duy Tiên
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về vụ cưỡng chế hơn 5.000 m2 đất đền bù 2,2 triệu đồng ở huyện Duy Tiên. Tính ra chưa đến 500 đ/m2. Khó có thể nghĩ rằng những thành quả lao động trong ngần ấy năm của người nông dân lại rẻ rúng đến vậy.
Đoàn công tác trên gồm có 4 thành viên do ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ TNMT làm trưởng đoàn. Đoàn Công tác có nhiệm vụ kiểm tra, kết luận nội dung giải quyết khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc, đề xuất biện pháp giải quyết để Bộ TNMT báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Như Dân trí đã phản ánh: Sau khi tòa soạn có loạt bài viết liên quan đến việc khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc (trú tại xóm 2 thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) về việc chính địa phương ra quyết định thu hồi gần 5.000m2 đất hoang hoá được ông nhận cải tạo, sản xuất ổn định gần 30 năm nhưng chỉ được đền bù có 2,2 triệu đồng, giá tiền không bằng đàn vịt hơn 5000 con ông Ngọc đang nuôi, đẻ trứng một đêm- là một sự thật đau lòng mà nhiều bạn đọc không tin nổi.
Về vụ việc trên, ngày 15/3/2012, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1655/VPCP-KNTN gửi các Bộ ngành liên quan giải quyết việc khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc.
Cụ thể: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ kiểm tra, kết luận khiếu nại; việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc và tình trạng đơn, thư khiếu nại ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; tổ chức đối thoại công khai; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với PV Dân trí vào ngày 6/5, ông Lê Hồng Ngọc cho biết, mặc dù đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản trên, gia đình ông vẫn chưa hề nhận được kết quả giải quyết vụ việc. Hiện gia đình ông Ngọc đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến vụ việc để sẵn sàng cung cấp đến các cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc này.
Văn bản chỉ rõ việc báo cáo không đúng của UBND tỉnh Hà Nam
về vụ khiếu kiện của ông Lê Hồng Ngọc (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 29/12/2010, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã có công văn số 326/BC-TDTW gửi đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Ngày 29/12/2010, bà Bùi Hà Huấn cùng 40 công dân của xã Ba Sao, huyện Kim Bảng; bà Nguyễn Thị Nhàn, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm; bà Phạm Thị Huệ, phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý đến khiếu nại tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước…
Cùng đi khiếu nại với đoàn Hà Nam còn có bà Lê Thị Anh, được bố đẻ là ông Lê Hồng Ngọc ở thôn Lão Cầu, xã Tân Tiên, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ủy quyền tiếp tục đến Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước khiếu nại sau khi nhận được văn bản số 1737/UBND-NC ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh Hà Nam về việc trả lời khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc.
Bà Lê Thị Anh không đồng ý với văn bản số 1737/UBND-NC ngày 24/12/2010 và cho rằng việc UBND tỉnh trả lời gia đình ông Ngọc là đã có sự thống nhất của Đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng ngày 16/12/2010 về làm việc với UBND tỉnh đã gây thiệt hại đến quyền lợi gia đình bà.
Thực tế, Tổ Công tác của Thanh tra Chính phủ khi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam ngày 16/12/2010 là kiểm tra việc giải quyết khiếu nại tố cáo phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, không đi sâu xem xét từng việc cụ thể. Việc trả lời của UBND tỉnh Hà Nam tại văn bản số số 1737/UBND-NC ngày 24/12/2010 gửi Thủ tướng và các cơ quan Trung ương đối với vụ việc của gia đình ông Lê Hồng Ngọc là không đúng với tinh thần nội dung buổi làm việc ngày 16/12/2010 của Đoàn công tác với UBND tỉnh Hà Nam. Việc trả lời gây hiểu lầm cho các công dân làm cớ khiếu kiện”.
 
Để làm rõ hơn vụ việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý xung quanh vụ việc này.
Chính quyền huyện Duy Tiên và tỉnh Hà Nam cho rằng khu đất mà gia đình ông Ngọc đang sử dụng là đất công ích của xã Tiên Tân là có căn cứ hay không?
UBND tỉnh Hà Nam và UBND huyện Duy Tiên cho rằng khu đất mà gia đình ông Ngọc đang sử dụng (khu đất) là đất công ích là hết sức phi lý, không có cơ sở thực tế và căn cứ pháp lý:
Về mặt pháp lý: Theo quy định của Luật đất đai năm 1993, Nghị định số 64/CP và Luật Đất đai năm 2003, gia đình ông Ngọc có đủ điều kiện được giao đất, đối với phần vượt quá hạn mức thì sẽ được cho thuê. Bởi vì, gia đình ông Ngọc đã sử dụng khu đất ổn định, liên tục, không có tranh chấp trong gần 30 năm, từ năm 1982 đến nay; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế quyền sử dụng đất; đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả kinh tế cao; gia đình ông Ngọc đã nhiều lần xin giao đất, để phát triển mô hình kinh tế trang trại (không được trả lời).
Do đó, việc đưa khu đất vào quỹ đất công ích là trái quy định của pháp luật, nhất là khi quỹ đất công ích của xã Tiên Tân đã quá lớn, vượt xa tỷ lệ 5% đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 45 Luật Đất đai năm 1993, Điều 14 Nghị định số 64/CP và Khoản 1 Điều 72 Luật Đất đai năm 2003.
Về mặt thực tiễn: Trước khi thu hồi đất, UBND xã Tiên Tân và UBND huyện Duy Tiên không có bất kỳ văn bản nào khẳng định khu đất là đất công ích. Trong suốt gần 30 năm, UBND xã Tiên Tân không có Hợp đồng thuê, văn bản đầu thầu quyền sử dụng đất với gia đình ông Ngọc và gia đình ông Ngọc là người nộp thuế quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Trong khi đó, nếu khu đất là đất công ích, thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 64/CP; Khoản 5 Điều 67 Luật Đất đai năm 2003 và Khoản 2 Điều 74 Nghị định số 181/2004/NĐ – CP, UBND xã Tiên Tân phải có Hợp đồng thuê, văn bản đấu thầu quyền sử dụng đất với gia đình ông Ngọc (không quá 05 năm) và UBND xã Tiên Tân phải là người nộp thuế quyền sử dụng đất nông nghiệp. Do đó, không thể có cơ sở thực tế để khẳng định khu đất là đất công ích của xã Tiên Tân.
Khi cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Ngọc, UBND huyện Duy Tiên đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hay chưa?
UBND huyện Duy Tiên đã không thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với gia đình ông Ngọc: Không mời gia đình ông Ngọc họp dân, phát tờ kê khai, không kiểm kê, thống kê về đất và tài sản trên đất, trước khi tiến hành cưỡng chế không có quyết định cưỡng chế theo đúng các quy định tại Điều 39 Luật đất đai năm 2003 và Điều 30, Điều 31 và Điều 32 Nghị định số 69/2009/NĐ – CP.
Vì không có quyết định cưỡng chế nên UBND huyện Duy Tiên không có cơ sở hợp pháp, để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Ngọc vào ngày 10/02/2010. Mặt khác, việc cưỡng chế thu hồi đất diễn ra vào ngày 27 tết là không phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc.
UBND huyện Duy Tiên hỗ trợ cho gia đình ông Ngọc số tiền hơn 2,2 triệu đồng, khi thu hồi 5.022m2 là có hợp lý hay không?
Khu đất có nguồn gốc là đất khó canh tác, thùng vũng nhiều, chi phí cải tạo lớn nên không ai dám nhận. Do đó, trong nhiều năm, gia đình ông Ngọc đã phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền của, thuê người san lấp, đắp bờ giữ nước, cải tạo thành đất trồng lúa và ao thả cá, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại. Do đó, khi thu hồi 5.022m2 đất, UBND huyện Duy Tiên chỉ hỗ trợ cho gia đình ông Ngọc hơn 2,2 triệu đồng là không thỏa đáng, không tương xứng với công sức, tiền của mà gia đình ông Ngọc đã phải đầu tư vào đất.
Nếu cán bộ huyện Duy Tiên thấu hiểu 28 năm lăn lộn cải tạo, phục hoá đất, và họ đặt mình vào ông Ngọc hãy đứng một buổi trưa nắng đổ lửa hay một đêm lạnh cắt da trên cánh đồng thôi, chứ chưa nói gì đến mấy chục năm ông Ngọc trần mình vật lộn với thiên nhiên, có lẽ sự việc đã được giải quyết thấu tình, đạt lý, không trở nên phức tạp như hiện nay.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến

Vụ hai phụ nữ khoả thân ngăn cản thu hồi đất “Không chống chủ trương, chỉ bảo vệ quyền lợi cho mình”

SGTT.VN - Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã tìm gặp các nạn nhân trong vụ hai người phụ nữ khoả thân ngăn cản thu hồi đất bị lực lượng vệ sĩ khống chế, lôi xệch trên công trường xây dựng khu dân cư (thuộc công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 8 – CIC8, quản lý). Trước mắt chúng tôi là một hộ dân vừa bị cưỡng chế, giải toả hai căn nhà trên tổng diện tích đất khoảng 1.000m2 giờ lại phải tá túc tạm bợ trong một căn nhà thuê tồi tàn nằm ngay cạnh một khu dân cư mới của một đơn vị kinh doanh nhà đất ở phường Phú Thứ (quận Cái Răng – TP Cần Thơ).
Bà Phạm Thị Lài từng là chủ của hai căn nhà giờ lâm cảnh ở trọ vì bị cưỡng chế mất nhà, đất giao cho chủ đầu tư.
Uống thuốc tự tử
Bà Phạm Thị Lài, một trong hai người tự khoả thân để ngăn cản cơ quan chức năng cưỡng chế, thu hồi đất của mình, bức xúc: “Tui đâu có xâm phạm lợi ích gì của ai, tui chỉ bảo vệ tài sản của gia đình tui đã bị họ dùng quyền lực để lấy đi, kinh doanh thu lợi cho họ, trong khi những người chủ đất như tui phải lâm cảnh khốn cùng”. Theo bà Lài, mục đích của bà là ngăn không cho thi công khi chưa giải quyết xong các thoả thuận bồi hoàn, giao đất. Do đó, bà đã cùng con gái Hồ Nguyên Thuỷ muốn tự khoả thân ngay trên đất của gia đình, để họ không xâm phạm đến thân thể của mình. Trong năm 2011, hai căn nhà của bà Lài đã bị cưỡng chế thu hồi đất dù gia đình bà chưa đồng thuận với phương thức áp giá bồi hoàn của chủ đầu tư. Khi căn nhà thứ hai bị giải toả, ông Hồ Văn Tư, chồng bà Lài nhiều lần yêu cầu chính quyền cho ông được gặp gỡ, thoả thuận giá cả bồi hoàn với công ty được giao đất, nhưng yêu cầu này đã không được đáp ứng. Bất lực, ông Tư đã dốc cả một chai thuốc trừ sâu ngay trước mặt lực lượng cưỡng chế. Sau đó, ông Tư đã được cứu sống sau hai tuần tại bệnh viện.
Bây giờ, theo ông Tư, dự án khu nhà ở Nam Long (khu đô thị Nam Cần Thơ) đã thu hồi của ông 700m2 đất, trong đó có 300m2 đất thổ cư, nhưng chỉ chấp nhận bồi hoàn 85m2 thổ cư với giá 640.000 đồng/m2, phần còn lại tính theo mức 420 triệu đồng/1.000m2. Ông Tư chưa đồng ý nhận tiền với mức áp giá này thì đã bị cưỡng chế. Biên bản cưỡng chế chưa ráo mực thì căn nhà tại miếng đất 3.006m2 đất gần đó (thuộc dự án dân cư CIC8) cũng tiếp tục bị cưỡng chế với mức áp giá 400.000đồng/m2. Mất nhà, trắng tay, nhưng ông Tư quyết không nhận tiền vì cho rằng: “Đất kinh doanh phải có sự thoả thuận chứ không thể gỡ tay dân để lấy”.
Chính quyền nói: “Đã phù hợp các quy định của luật pháp”
Sau khi xảy ra vụ CIC8 tổ chức lực lượng vệ sĩ khống chế, lôi kéo hai phụ nữ trong tình trạng loã thể ra ngoài khu vực công trường chuẩn bị thi công, ông Mai Hồng Châu, chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết UBND quận đã lưu ý CIC8 về việc người dân cản trở thi công, đã yêu cầu tạm thời chậm thi công công trình này để xem xét bàn bạc hướng hỗ trợ, nhưng đơn vị này tiếp tục thi công, làm xảy ra vụ việc ngày 22.5. Thành uỷ Cần Thơ đã triệu tập cuộc họp xử lý vụ việc này hôm 28.5. Sau cuộc họp này, UBND TP Cần Thơ và quận Cái Răng sẽ phối hợp tháo gỡ, xử lý vụ việc.
Theo báo cáo của UBND quận Cái Răng tại cuộc họp chiều ngày 29.5 với UBND TP Cần Thơ, dự án khu dân cư lô 49 do công ty CIC8 làm chủ đầu tư có diện tích 42,65ha, có 157 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay đã giải phóng mặt bằng được 95%, còn 34 hộ với 1,8ha chưa chịu giao đất (trong đó có bốn hộ đã bị cưỡng chế). Dự án này đã được triển khai từ năm 2002 bằng quyết định 526 của UBND TP Cần Thơ về việc quy hoạch đất cho công ty CIC8 xây dựng khu dân cư lô 49. Sau nhiều lần điều chỉnh, ngày 22.8.2003, có quyết định số 2967 phê duyệt kinh phí bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng, trong đó có hộ ông Hồ Văn Tư, nhưng ông Tư vẫn không đồng tình vì giá trị bồi hoàn quá thấp (400.000 đồng/m2). Ngày 3.10.2003, thanh tra tỉnh Cần Thơ (cũ) bác đơn khiếu nại của ông Tư yêu cầu bồi thường theo giá thị trường. Ngày 12.10.2006, bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tục bác đơn khiếu nại của ông Tư bằng công văn số 4483. Ngày 10.3.2011, UBND quận tổ chức cưỡng chế. Như vậy, theo UBND quận Cái Răng, các bước thực hiện đã phù hợp các quy định pháp luật. Còn theo tờ trình của công ty CIC8, hộ ông Tư đã không hợp tác giải quyết, ngược lại còn có những hành vi gây rối cho quá trình tổ chức thi công.
BÀI VÀ ẢNH: NGỌC TÙNG


 

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra vụ Văn Giang

Nếu đủ căn cứ, cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án, xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với những hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24/4 tại Văn Giang, Hưng Yên.
>20 người bị tạm giữ trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang/ Hưng Yên cam kết xử nghiêm vụ 2 nhà báo bị hành hung

Thời gian qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến vụ cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Theo Chinhphu.vn, Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương điều tra; nếu đủ căn cứ phải khởi tố vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24/4/2012 tại Văn Giang, Hưng Yên.
Đồng thời, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan báo cáo đầy đủ kết quả thanh tra, kiểm tra, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.
Người dân xã Xuân Quan thu dọn vườn cây cảnh sau vụ cưỡng chế sáng 24/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Người dân xã Xuân Quan thu dọn vườn cây cảnh sau vụ cưỡng chế sáng 24/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Trước đó, sáng 24/4, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan. Đây là phần diện tích nằm trong tổng số 72 ha sẽ giao đợt hai cho chủ đầu tư xây dựng Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang (Ecopark).
Thông tin trên trang web của tỉnh Hưng Yên mô tả, sáng sớm 24/4, khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực cưỡng chế. Sau 7h sáng, còn khoảng 200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên, 19 người được cho là có hành vi quá khích, chống trả người thực thi nhiệm vụ đã bị bắt giữ trong ngày cưỡng chế.
Ngay trong ngày 24/4, trên mạng cũng xuất hiện clip dài hơn một phút cho thấy nhiều người mặc sắc phục công an và thường phục đeo băng đỏ đánh hai người đàn ông. Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (42 tuổi), Trưởng phòng Thời sự và Hán Phi Long (33 tuổi), phóng viên Phòng Thời sự (Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) xác nhận, họ chính là hai người bị đánh trong clip nói trên.
Ngày 9/5, lãnh đạo Đài Tiếng nói VN cũng đã có công văn chính thức gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc.
Xuân Hoa
Nguồn: vnexpress.net

Để tránh những Văn Giang

Vụ việc liên quan đến đền bù đất đai ở Văn Giang hay những chuyện rắc rối tương tự đã và đang diễn ra ở nơi này, nơi nọ có thể tránh được, dù việc sửa luật đất đai vẫn còn xa.
Khung pháp lý hiện hành đúng là có nhiều thiếu sót và bất hợp lý; nhưng suy cho cùng, nó vẫn đủ sức cưu mang một giải pháp chấp nhận được cho vấn đề giải toả đất đai đối với tất cả các bên. Điều cần thiết là mỗi chủ thể trong cuộc phải tích cực bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình, nhưng đồng thời phải tôn trọng lợi ích chính đáng của người khác; nhà chức trách, về phần mình, phải tỏ ra có trách nhiệm đối với từng số phận và phải cân nhắc đưa ra quyết định mang tính dung hoà giữa các lợí ich trái ngước trong từng trường hợp cụ thể.
Người dân vùng giải toả thường so đo giữa cái mà họ nhận được với ý nghĩa đền bù và mối lợi được mang đến cho nhà đầu tư khi dự án được triển khai. Trong đại đa số trường hợp, giữa hai cái là một khoảng cách mênh mông về giá trị tiền tệ. Không hiểu tại sao có khoảng cách đó, lại phải loay hoay, vật vã đương đầu với nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, người dân trong cuộc vì vậy dễ nảy sinh bức xúc.
Giá đền bù đất đai, theo quy định của pháp luật hiện hành, phải được xác định theo mục đích sử dụng tại thời điểm đất được thu hồi, chứ không phải tại thời điểm mà đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng. Ở các nước tiến tiến, người ta làm điều hoàn toàn ngược lại: giá đền bù được xác định dựa theo mục đích sử dụng sau giải toả, nghĩa là theo công dụng cho phép đất đạt được giá trị kinh tế cao nhất. Để có được giá đó, người ta thử đặt mình vào tình huống đất đã được đầu tư cải tạo theo một đích sử dụng mới và do đó, có giá trị kinh tế tương ứng. Lấy giá trị đó trừ đi chi phí đầu tư dự kiến, kết quả thu được chính là giá trị kinh tế của đất được xác định theo mục đích sử dụng mới và đây củng là giá đền bù được trả cho người bị lấy đất.
Có lẽ rồi phải sửa các quy định hiện hành về định giá đền bù. Trước mắt thì cứ phải định giá đền bù đất cho dân theo đúng quy định hiện hành; tuy nhiên, không nên để nhà đầu tư hưởng trọn hoặc phần lớn khoản giá trị gia tăng của đất do thay đổi mục đích sử dụng, như đã và đang làm ở nhiều nơi. Nhà chức trách cần tính giá giao đất có thu tiền hoặc giá cho thuê như thế nào để thu cho được vào ngân sách công khoản giá trị đó, rồi dùng nó để thực hiện các chính sách xã hội cần thiết trong khuôn khổ bồi thường thiệt hại và tái định cư cho người bị thu hồi đất.

Ảnh minh họa.
Vả lại, người dân vùng giải toả thực ra đâu chỉ mất đất và các tài sản hữu hình gắn liền; họ còn mất cả phương tiện, điều kiện sinh sống, nếp sống và những giềng mối quan hệ xã hội, cộng đồng đã quen thuộc. Cần phải bù đắp cho họ về cả những mất mát đó.
Vấn đề là người chịu mất mát, trong trường hợp điển hình, là người có trình độ học vấn tương đối thấp và rất thiếu kinh nghiệm trong giao tiếp, thương lượng. Họ thường không đủ khả năng tự mình dự kiến, hình dung và mô tả một cách đầy đủ, chính xác và dựa vào các lý lẽ thuyết phục những thiệt hại mà mình phải gánh chịu, từ đó đặt ra yêu cầu bồi thường hợp lý. Hậu quả, như thường thấy, là có những người bị thu hồi đất hét đại giá đền bù trên trời, khiến cơ quan đền bù và nhà đầu tư phải le lưỡi, lắc đầu; người khác lại chấp nhận mức đền bù rẻ mạt, rồi đến khi thấy giá đất tăng lên vùn vụt, thấy hụt hẫng, tiếc rẻ và có cảm giác của người bị người ta lợi dụng để lấy cắp cái gì đó. Cả hai tình huống đều chứa đựng mầm mống của sự thiếu đồng thuận. bất hoà, dẫn đến xung đột.
Vả lại, người dân vùng giải toả thực ra đâu chỉ mất đất và các tài sản hữu hình gắn liền; họ còn mất cả phương tiện, điều kiện sinh sống, nếp sống và những giềng mối quan hệ xã hội, cộng đồng đã quen thuộc. Cần phải bù đắp cho họ về cả những mất mát đó.
Để tránh điều đó, cần phải làm cho người bị lấy đất có được sự nhạy bén, tầm nhìn rộng, xa, bao quát để có thể đặt ra những yêu cầu tốt nhất cho mình lúc thoả thuận về giá đền bù. Có thể làm như ở các nước, Nhà nước tạo điều kiện cho sự phát triển các tổ chức trợ giúp về pháp lý, tài chính, thông tin thị trường để hỗ trợ người bị lấy đất trong việc thương thảo về việc đền bù với cơ quan đảm nhận việc giải toả và nhà đầu tư. Các chuyên gia sẽ giúp người bị lấy đất xác định các thiệt hại cả vật chất và tinh thần, về mặt định tính và định lượng, đồng thời sẽ sát cánh bên họ khi cần giao tiếp với các chủ thể khác cả trong quá trình thương lượng cũng như trong các vụ kiện cáo trước toà án hoặc một cơ quan giải quyết tranh chấp độc lập, để bảo vệ quyền lợi của họ. Các chi phí dịch vụ trợ giúp cũng phải được cộng vào tổng thiệt hại để trả lại cho người dân.
Bên cạnh việc xác định mức đền bù hợp lý, vấn đề phương thức đền bù cũng phải được giải quyết một cách thận trọng. Có quá nhiều trường hợp người nhận đền bù được trao cho một số tiền lớn, nhưng không có kế hoạch khai thác đồng vốn nghiêm túc, đã phá sạch số tiền có được trong thời gian ngắn, để rồi khi tỉnh giấc nam kha, thấy mình còn đói nghèo thậm tệ hơn trước. Tốt nhất là đền bù trên cơ sở kết hợp giữa trả tiền mặt và tổ chức việc tái định cư. Kế hoạch tái định cư phải được triển khai trước khi việc thu hồi đất diễn ra và phải có sự tham gia của người dân với sự trợ giúp của chuyên gia: họ có quyền đưa ra những yêu cầu cụ thể về điều kiện sống tại nơi ở mới; việc đáp ứng các yêu cầu đó có thể được thực hiện trên cơ sở thương lượng hoặc theo kết quả phân xử của cơ quan giải quyết tranh chấp.
Riêng người nông dân thường gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc thích nghi, một khi buộc phải đổi nghề khác; bởi vậy, nên tổ chức tái định cư thế nào để họ được tiếp tục canh tác, trồng trọt trong những điều kiện tương tự là điều tốt nhất.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện

Vụ tham nhũng đất đai ở H.Hóc Môn: Thiệt hại chỉ còn 10,5 tỉ đồng

Viện KSND TP.HCM vừa chuyển toàn bộ hồ sơ và cáo trạng (mới) truy tố 10 bị can liên quan đến vụ án tham nhũng đất đai ở H.Hóc Môn sang TAND TP.HCM để xét xử theo thẩm quyền.

Vụ tham nhũng đất đai ở H.Hóc Môn: Thiệt hại chỉ còn 10,5 tỉ đồng
Nguyễn Văn Khỏe tại phiên tòa sơ thẩm năm 2010 - Ảnh: Lê Nga
Cáo trạng truy tố 10 bị can, gồm: Nguyễn Văn Khỏe (nguyên Chủ tịch UBND H.Hóc Môn) về các tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “nhận hối lộ” và “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”; Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Công ty TNHH xây dựng, thương mại, kinh doanh nhà Thành Phát) cùng về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “đưa hối lộ”; Dương Minh Trung (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế hoạch và đầu tư H.Hóc Môn), Nguyễn Văn Dò (nguyên cán bộ địa chính xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn) và Trần Văn Tè (nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn) về một hoặc hai tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “nhận hối lộ”; Đặng Công Danh (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Danh Khoa) về tội “làm môi giới hối lộ”; nhóm cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Chợ Lớn, gồm: Trần Văn Tuyến (nguyên Giám đốc), Lưu Thị Minh Hiền (nguyên Phó giám đốc) và Nguyễn Công Định (nguyên nhân viên tín dụng) về 1 trong 2 tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “nhận hối lộ”. 
Hà và Hòa từng bị TAND TP.HCM kết án tù chung thân; Nguyễn Văn Khỏe 26 năm tù và các bị cáo còn lại cũng bị xử phạt từ 3 năm tù án treo đến 13 năm tù. Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên hủy án để điều tra lại. So với trước đó, cáo trạng lần này xác định số tiền Hà, Hòa chiếm đoạt trong vụ án này chỉ còn hơn 10,5 tỉ đồng (thay vì 18 tỉ và 3.000 lượng vàng); đặc biệt số tiền Khỏe nhận biếu xén nhiều hơn trước.
Cụ thể, theo cáo trạng, Trần Thị Hà câu kết với Hà Văn Hòa dùng nhiều thủ đoạn gian dối (hợp đồng chuyển nhượng đất giả, lập danh sách bồi hoàn đất khống…) để lập hồ sơ dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp sạch tại xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn và được phê duyệt. Sau đó, Hà và Hòa đem hồ sơ dự án này thế chấp vay tiền của Agribank chi nhánh Chợ Lớn 18 tỉ đồng và 3.000 lượng vàng SJC. Sau khi có tiền, Hà sử dụng một phần để đền bù giải tỏa, nộp thuế, trả lãi vay cho ngân hàng… còn lại chiếm đoạt hơn 10,5 tỉ đồng. Để thực hiện được hành vi trên, Hà đưa hối lộ cho nhiều bị can nói trên hơn 1,8 tỉ đồng, 5.000 USD và Hòa đưa hối lộ 600 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Khỏe nhận hối lộ 1,4 tỉ đồng; nhận quà biếu xén: 830 triệu đồng, 10.000 USD và 1/2 sừng tê giác (trị giá 10.000 USD); lợi dụng ảnh hưởng tác động người khác để nhận 5.000 USD và 50 triệu đồng.
Lê Nga
Nguồn : thanhnien.com.vn

* Thiệt hại do Nguyễn Văn Khoẻ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn) gây ra cho nhà nước và người dân còn rất nhiều, cụ thể trong vụ : UBND xã Bà Điểm và UBND huyện Hóc Môn (giai đoạn 2002-2007) đã chống lưng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải (công ty Hoàng Hải) bán nhà, đất nền trong khu dự án chưa được UBND Tp HCM giao đất. Hiện nay hàng ngàn hộ dân mua nhà, đất trong khu dự án này phải sống trong lo sợ, điêu đứng từ năm 2009 đến nay. Gây thiệt hại lớn cho người dân về vật chất hằng ngàn tỷ đồng (trong trường hợp bị thu hồi đất) và ảnh hưởng về tinh thần trong nhiều năm sau thì không có gì có thể bù đắp được. Không lẻ lãnh đạo thành phố không nghe, không biết !
* Xin hảy cho người dân chúng tôi con đường sống !
Hữu Lộc

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

CHỈ THỊ VỀ CHẤN CHỈNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
Số: 14/CT-TTg
Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2012


CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự công cộng và việc phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo tổ chức tốt việc tiếp công dân, còn có tình trạng cán bộ lãnh đạo ngại tiếp dân, đối thoại với dân, tránh né, đùn đẩy trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
a) Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đề cao tránh nhiệm của người đứng đầu; coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính và chỉnh đốn, xây dựng Đảng.
b) Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Thông báo kết luận số 130-TB/TƯ ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tránh nhiệm của chính quyền, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người có thẩm quyền, trách nhiệm phải nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo; xác định nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để có biện pháp chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý nhà nước, xử lý cán bộ có sai phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những bất cập của chính sách, pháp luật. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, nhạy cảm, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan chức năng có ý kiến khác nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, giải quyết.
c) Tổ chức tốt công tác tiếp công dân, triển khai thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2010. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân theo quy định, dành thời gian thích đáng trực tiếp gặp và đối thoại với dân, lắng nghe dân, thực sự “gần dân, hiểu dân”, kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
d) Chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước, công khai, minh bạch quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trong công tác quản lý đất đai phải chú trọng, làm tốt công tác lập, xét duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải dân chủ, công khai, đúng chính sách, pháp luật, sát thực tế, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Trong quá trình thực hiện cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, tự giác chấp hành. Trường hợp buộc phải cưỡng chế thì phải có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật, bảo đảm tuyệt đối an toàn; không sử dụng vũ khí và lực lượng quân đội trong việc tổ chức cưỡng chế.
đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành của Trung ương rà soát, thống kê những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, có kế hoạch cụ thể tập trung giải quyết dứt điểm. Trong quá trình giải quyết phải làm rõ nguyên nhân phát sinh, tồn đọng, kéo dài vụ việc khiếu nại, tố cáo; mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, luật sư tham gia giải quyết; tổ chức đối thoại công khai, xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, khả thi, chấm dứt được khiếu nại, tố cáo. Cần vận dụng đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, pháp luật, hành chính, kinh tế để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Trường hợp người khiếu nại có hoàn cảnh khó khăn thì xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. Phải công khai nội dung, quá trình và kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử.
e) Tổ chức thi hành nghiêm túc, triệt để các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, nhất là những vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến, quyết định giải quyết của các Bộ, ngành chức năng của Trung ương. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu vướng mắc phải chủ động tìm biện pháp giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương, không được để vụ việc tồn đọng, kéo dài.
g) Khi công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người ở các cơ quan Trung ương, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có người khiếu nại, tố cáo phải phân công lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và cán bộ có thẩm quyền phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các Bộ, ngành chức năng của Trung ương bàn biện pháp giải quyết, không để công dân tập trung gây mất an ninh, trật tự công cộng, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Trung ương để giải quyết tình trạng công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người ở thủ đô Hà Nội.
Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các Bộ, ngành chức năng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giải quyết tình trạng công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người ở thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có người khiếu nại, tố cáo ở thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đầy đủ với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để tập trung giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người.
h) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức vi phạm.
2. Thanh tra Chính phủ:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo năm 2011 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo cho người dân.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, thành lập các Tổ công tác về địa phương để tập trung giải quyết, nhất là những vụ việc có liên quan đến đất đai, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu về các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, công khai trên Cổng thông tin (hoặc Trang thông tin) điện tử của Bộ, ngành, địa phương.
d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những địa bàn trọng điểm có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc người có thẩm quyền có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ có sai phạm.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; thi hành pháp luật đất đai, nhất là việc giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất.
4. Bộ Công an tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc bảo đảm an ninh, trật tự liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
5. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí khi thông tin về các vụ việc khiếu nại, tố cáo phải chính xác, đầy đủ, khách quan, tránh việc đưa tin một chiều, sai bản chất sự việc.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Dân nguyện của UBTVQH;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: Văn thư, KNTN (5b).
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

Chủ tịch tỉnh - thành phố phải dành thời gian trực tiếp đối thoại với dân

(SGGP).- Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Chỉ thị nêu rõ, tình hình KNTC vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng KNTC đông người, vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự công cộng và việc phát triển kinh tế - xã hội; công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế...
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính và chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Người có thẩm quyền, trách nhiệm phải nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời đúng pháp luật các vụ việc KNTC; xác định nguyên nhân phát sinh KNTC để có biện pháp chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý nhà nước, xử lý cán bộ có sai phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những bất cập của chính sách, pháp luật.
Tại chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu, đối với các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, nhạy cảm, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan chức năng có ý kiến khác nhau thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, giải quyết. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân theo quy định, dành thời gian thích đáng trực tiếp gặp và đối thoại với dân, lắng nghe dân, thực sự “gần dân, hiểu dân”, kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, KNTC của dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước, công khai, minh bạch quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng nhằm hạn chế phát sinh KNTC. Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, các bộ, ngành có liên quan tổng hợp các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, thành lập các Tổ công tác về địa phương để tập trung giải quyết, nhất là những vụ việc có liên quan đến đất đai, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác giải quyết KNTC.
Th.Vinh
Nguồn : sggp.org.vn

 * Chính phủ cũng đã nhìn thấy việc KNTC (khiếu nại, tố cáo) phát sinh là do yếu kém trong quản lý nhà nước, do sai phạm của cán bộ chính quyền địa phương.
Trường hợp khiếu nại của bà con trong khu dân cư Hoàng Hải phát sinh là do chính quyền xã Bà Điểm và huyện Hóc Môn (giai đoạn 2002-2007) đã chống lưng cho Cty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải bán nền nhà đất trong một số dự án chưa được thành phố giao đất. 
* Là cơ quan có thẩm quyền, qua thời gần 3 năm nhưng UBND huyện Hóc Môn vẩn chưa có hướng giải quyết ổn thoả những tồn tại trong khu dân cư Hoàng Hải xã Bà Điểm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân địa phương.
* Chúng tôi mong rằng lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn không nên tránh né mà phải trực tiếp, tiếp xúc lắng nghe kiến nghị của người dân, đừng để sự việc sẽ diển biến xấu hơn và người dân phải đi khiếu kiện ở cấp thành phố và trung ương.


Hữu Lộc

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

KẾ HOẠCH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CỦA CTY HOÀNG HẢI

Chúng tôi vừa tìm được văn bản số 79/KH-HH ngày 19/09/2011 do Công ty Hoàng Hải trình UBND huyện Hóc Môn trình bày Kế hoạch khắc phục hậu quả tại 03 khu đất nông nghiệp ( 5 ha + 14 ha + 18 ha ) do Công ty Hoàng Hải làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Hóc Môn. Nhưng không hiểu vì lý do gì ? UBND huyện và  Ban ngành hữu quan không trả lời văn bản nêu trên do Công ty đề xuất ! Mặc dù thời gian đã hơn 8 tháng.
Đây là việc làm khó hiểu của UBND huyện Hóc Môn, gây hoang mang cho người dân có nghĩa vụ, quyền lợi trong khu dân cư Hoàng Hải.
 Do quá bức xúc nên vảo ngày 18/04/2012, hằng trăm hộ dân đồng kéo nhau lên UB huyện với mục đích xin trực tiếp gặp lãnh đạo huyện để bày tỏ kiến nghị của mình. Lãnh đạo huyện tránh né, không dám trực tiếp gặp dân và cử cán bộ không có thẩm quyền tiếp xúc với dân và hẹn với dân trong vài tuần sẽ tổ chức gặp dân tại Hội trường UBND xã Bà Điểm nhưng đến nay vẩn không thực hiện.


UBND huyện Hóc Môn tránh né không chịu tiếp xúc với dân, không chịu giải quyết kế hoạch xin khắc phục hậu do công ty Hoàng Hải đề xuất. Do đó tôi mong rằng các bà con có quyền lợi, nghĩa vụ trong khu dân cư Hoàng Hải cùng nhau gởi đơn Khiếu kiện của mình lên cấp Thành phố và Trung ương để tìm công lý.


Chúng tôi upload văn bản của Cty Hoàng Hải để bà con tham khảo.
Chấp hành quyết định Thanh tra số 338/KL-TTTP-P1 ngày 23/06/20010 của Thanh tra thành phố đối với các dự án do Công ty Hoàng Hải làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Hóc Môn. Công ty CP ĐT KD nhà Hoàng Hải đã trình UBND huyện Hóc Môn cùng các Sở, Ngành thành phố về Kế hoạch chấp hành và thực hiện Kết luận thanh tra tại 03 khu đất nông nghiệp ( 5 ha + 14 ha + 18 ha ) do Công ty Hoàng Hải làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Hóc Môn.


Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Làm rõ việc nhà báo bị đánh trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang


(NLĐO)- Khẳng định 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long tác nghiệp đúng pháp luật trong vụ cưỡng chế ở huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên ngày 24-4, VOV đã có văn bản gửi công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ vụ việc 2 nhà báo này bị đánh.

Ngày 8-5, Trưởng ban Thư ký biên tập và thính giả - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Nguyễn Lan Hương cho biết, tại buổi cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Văn Giang ngày 24-4 vừa qua, 2 nhà báo của VOV là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long đã bị một số công an đánh tại Nhà văn hoá thôn 1, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang khi đưa máy ảnh cá nhân lên quay một số cảnh.

2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (trái) và Hán Phi Long (phải) thuật lại vụ việc
 
Trước đó, lãnh đạo VOV đã cử nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (SN 1970), Trưởng phòng và Hán Phi Long (SN 1979), phóng viên Phòng Phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế - Trung tâm tin (VOV) - đến xã Xuân Quan để đưa tin về vụ cưỡng chế thu hồi 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan để thực hiện dự án  Khu đô thị Thương mại và du lịch Văn Giang.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết, Hội Nhà báo đang tiếp tục lắng nghe và tiếp xúc với các bên liên quan (cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, 2 phóng viên bị đánh và VOV) để nắm rõ toàn bộ sự việc. “Liên Chi hội nhà báo VOV đã có công văn gửi Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị phối hợp giải quyết và lên tiếng về việc này. Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ hội viên và quyền hành nghề hợp pháp của họ” – ông Huệ khẳng định. Ông cho hay, Hội Nhà báo đang chuẩn bị có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên và Công an tỉnh Hưng Yên về vụ việc này. 
 
Sau khi bị đánh tại xã Xuân Quan, theo tường trình, công an đưa 2 nhà báo về cơ quan Công an huyện Văn Giang lấy cung, thu thẻ nhà báo, thẻ đảng viên, thẻ hội viên hội luật sư của nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, máy ảnh… Đến 15 giờ 30 cùng ngày 24-4, 2 nhà báo mới được thả về và kèm theo lời xin lỗi miệng. Anh Hán Phi Long phải xin nghỉ 2 tuần để điều trị các vết thương.  

Bà Nguyễn Lan Hương khẳng định: “Hai nhà báo đã thực hiện đúng quy định và tác nghiệp ở những nơi không phải là hiện trường vụ cưỡng chế để tác nghiệp”. Trong khi đó, tại cuộc họp báo chiều 23-4 (trước vụ cưỡng chế 1 ngày), lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã thông báo là báo chí được tới những nơi không phải là hiện trường vụ cưỡng chế để tác nghiệp.

Bà Nguyễn Lan Hương cho biết, ngày 3-5, Trung tâm Tin – VOV đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc. Bên cạnh đó Liên Chi hội nhà báo VOV đã có văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 8-5, VOV đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông về vụ việc này.

“Sự việc xảy ra đã nửa tháng nhưng đến nay Công an tỉnh Hưng Yên vẫn chưa có một động tác nào cả việc trả lời hay chưa trả lời” – bà Hương cho biết.

Trao đổi với Báo Người Lao động, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long xác nhận việc bị đánh và nói: “Trên mạng Internet lan truyền một clip về cảnh 2 thanh niên mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm bị những người mặc thường phục đeo băng đỏ và cả sắc phục công an đánh chính là chúng tôi. Clip đó phản ánh đúng những gì xảy ra với chúng tôi vào sáng 24-4 tại xã Xuân Quan. Không có sự dàn dựng hay giả tạo nào trong đó cả”.

Xác nhận người bị đánh trong clip (áo trắng đội MBH trắng) chính là nhà báo của VOV - Ảnh cắt từ clip
 
Nhà báo Hán Phi Long cho biết, khi anh được người dân đưa về trạm xá, máu đang chảy đầy mặt. Nhân viên y tế xác định anh Long bị rách môi ngoài, dập môi trong, vùng mặt phù nề với kích thước 4x4cm, ngực phải đau tức.

“May mắn là khi đó cả hai anh em đều đội mũ bảo hiểm không thì không biết hậu quả đến đâu vì họ dùng dùi cui đánh” – nhà báo Long nói. Sau sự cố ngày 24-4, anh Long phải nghỉ gần 2 tuần để chữa trị vết thương và mới quay trở lại làm việc vào ngày 7-5.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết, thoạt tiên anh thấy một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của nhà báo Long và khoảng gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt vào người, liên tiếp đấm đá anh Long.  

“Thấy Long ôm bụng gục xuống, tôi chạy lại phía lực lượng cưỡng chế và hét lên nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo đang làm nhiệm vụ, sao các anh lại đánh chúng tôi?”. Nhưng những người này không những không nghe mà còn vặn hai tay anh Năm về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào người, đấm đá vào mặt, vào ngực và chửi thề…” – nhà báo Nguyễn Ngọc Năm thuật lại.

Ngày 8-5, phóng viên Báo Người Lao động đã liên lạc điện thoại với Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên Trần Huy Ngạn nhưng không thể liên lạc. Còn Chánh Văn phòng Công an tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Hiếu xác nhận đã nhận được công văn của VOV nhưng từ chối trả lời cụ thể.
 
Thông tin về vụ việc nhà báo VOV bị đánh xin xem trên Báo Người Lao động ra ngày 9-5.
Tin-ảnh: Bảo Trân
Nguồn :  nld.com.vn

* Qua bài báo này tôi mới hiểu ra, trước đây mổi khi dân trong KDC Hoàng Hải có tổ chức đông người cùng nhau lên UBND xã, UBND huyện. Chúng tôi thường thông tin cho báo chí đến để đưa tin cũng như ủng hộ chúng tôi. Được hứa hẹn sẽ đến để lấy tin nhưng thường thì phóng viên bị ngăn lại trước khi tiếp cận chúng tôi hay bị vô hiệu hoá bằng "mời uống cafe hay nhận bì thư" rồi biến ! 
* À ! thì ra các phóng viên cũng sợ, lợi đâu chẳng thấy, hại thì nhiều ... an toàn nhất uống cafe và nhận phong bì "vẹn cả đôi đường"
Hữu Lộc

Hai nhà báo của VOV xác nhận bị hành hung tại Văn Giang


BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (45)
Tú Anh - Hà Nội
Nhà báo đến để theo dõi vụ cưỡng chế bị đánh, còn ông Nguyễn Khắc Hào thì nói: “các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm”, trong khi các mạng xã hội "phản ứng nhanh, đưa tin liên tục".
Đào Việt Dũng - Hà Nội
Hai nhà báo chưa lên tiếng ngay cũng có cái hay. Nếu không thì đã không lột được mặt thật của các quan tỉnh Hưng Yên. Càng lúc tình hình Văn Giang càng làm lộ ra rất nhiều điểm yếu của luật lệ và chấp hành trên đất nước ta!
lê quang thành
Coi những đoạn clip về Văn Giang tôi thấy có mùi của bọn phản động lợi dụng vụ cưỡng chế này mà chống phá chính quyền, nhưng đoạn clip trên không thể nào làm giả được và công an đánh dân là không thể nào chấp nhận được. Xem xong clip mà cảm thấy quá bức xúc...
lê quyết chí
Để xảy ra vụ việc sai trái, gây bất bình trong nhân dân rồi im lặng lãng tránh. Tư cách của một con người, một cán bộ đâu rồi.
Khai Sang
Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên tuyên bố là clip bị phản động dàn dựng. Bây giờ người bị hại lên tiếng xác nhận, không biết ông ta sẽ trả lời như thế nào trước người dân cả nước. 

Nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120508/hai-nha-bao-cua-vov-xac-nhan-bi-hanh-hung-tai-van-giang.aspx