Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Dự án KCN Đông Nam huyện Củ Chi: Nhập nhèm mục đích thu hồi đất

Cập nhật lúc: 06:40 07/03/2012




(Thanh tra)- Sau khi khi Báo Thanh tra phản ánh những bất cập xung quanh quy trình thực hiện Dự án (DA) Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam thuộc địa bàn huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, đã có thêm thông tin của các hộ dân cho rằng mục đích thu hồi đất tại DA này không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất.

>>Quy trình dự án và giá đền bù cần được xem xét lại

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, tháng 8/2008, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ban đã hành các quyết định thu hồi đối với các thửa đất thuộc địa bàn 2 xã Hòa Phú và Bình Mỹ. Mục đích thu hồi đất được công khai trong các quyết định này là để đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy (CCNCKTQ). Không lâu sau đó, các hộ dân lại nhận được quyết định bồi thường với mức giá trị quyền sử dụng đất trung bình 94.000 đồng/m2 của cơ quan chức năng huyện Củ Chi. Vì tin tưởng vào các quyết định này, nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để thực hiện Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2010, một số hộ dân phát hiện phần đất mà UBND huyện Củ Chi thu hồi để thực hiện CCNCKTQ lại được sử dụng để xây dựng một DA mới có tên gọi là DA KCN Đông Nam do Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư, với số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Nhận thấy điều bất hợp lý này, người dân bị thu hồi đất đã có nhiều văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng địa phương với nội dung cho rằng nếu đất của họ được sử dụng cho DA KCN Đông Nam thì cần bổ sung kinh phí đền bù, hỗ trợ để người dân bớt thiệt thòi. Lý do là DA mới thì cần điều chỉnh chính sách đền bù, giải tỏa thu hồi đất theo quy định của các văn bản pháp luật phù hợp.

Liên quan đến việc đầu tư tại KCN Đông Nam, ngày 14/11/2011, Tập đoàn First Solar đã có thông báo dừng đầu tư DA nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng. Đây là DA có tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,2 tỷ USD, với quy mô diện tích 42 ha, sẽ tạo việc làm cho 2.000 lao động trong giai đoạn xây dựng.
Một trong nhiều trường hợp có đơn kiến nghị về vấn đề này là hộ bà Đặng Thị Thanh Tuyền. Bà Tuyền cho rằng, tổng mức đền bù hỗ trợ hơn 335 triệu đồng mà UBND huyện Củ Chi áp dụng khi thu hồi phần diện tích hơn 4.000m2 đất tại xã Hòa Phú là quá thấp. Trước đây bà Tuyền chấp nhận mức giá này vì thời điểm 2008 đất được thu hồi cho CCNCKTQ. Nhưng đến năm 2010, phần diện tích đất này lại được bố trí để thực hiện DA KCN Đông Nam thì mức giá đền bù này là không phù hợp.

Cũng trong các kiến nghị gửi cơ quan chức năng, nhiều hộ dân khẳng định thực tế từ trước đến nay trên địa bàn huyện Củ Chi không hề tồn tại CCNCKTQ. Có chăng chỉ trong một số công văn chấp thuận chủ trương thì có tên của CCNCKTQ. Từ tháng 11/2007, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận “thay tên đổi họ” cho CCNCKTQ thành KCN Đông Nam. Dù vậy, trong nhiều quyết định thu hồi đất được UBND huyện Củ Chi ban hành mà các hộ dân nhận được vẫn giữ nguyên mục đích thu hồi đất cho CCNCKTQ. Từ thực tế này, một số hộ dân đã kiến nghị cần thu hồi lại các quyết định thu hồi đất với mục đích xây dựng CCNCKTQ.

Thế nhưng, trong nhiều văn bản trả lời của UBND huyện Củ Chi thì việc khiếu nại của người dân về quyết định thu hồi đất cho CCNCKTQ đã hết thời hiệu. Đây là điều bất hợp lý vì theo Văn bản số 7959/TNMT - TTS  do ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chuyên môn giải quyết về pháp lý liên quan đến đất đai, ký ngày 05/12/2011, gửi UBND huyện Củ Chi đã khẳng định: Việc UBND huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 5289/QĐ - UBND thu hồi đất của một hộ dân là ông Nguyễn Trọng Đạt để đầu tư xây dựng CCNCKTQ là không phù hợp thực tế vì dự án này đã được đổi tên thành KCN Đông Nam.

Đến thời điểm này, tuy chấp nhận việc bị cưỡng chế thu hồi đất nhưng nhiều hộ dân bị thu hồi đất cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh cần vào cuộc để làm rõ hiện tượng: Tháng 8/2008, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ban hành quyết định thu hồi đất và bồi thường cho người dân nhưng mãi đến ngày 22/12/2009, mới phê duyệt Phương án số 32/PABT, về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trong CCNCKTQ.

Kim Chi
Nguồn : thanhtra.com.vn

Viết tiếp vụ “Công ty Nhị Hiệp đứng trên pháp luật”: Tội “quan” đã rõ, sao không kỷ luật?


Cập nhật lúc: 14:56 06/03/2012
(Thanh tra)- Gần 1 năm trôi qua, chỉ đạo của Phó Thủ tướng về xử lý sai phạm của Công ty Nhị Hiệp tại quận 9 vẫn không được thực hiện. Người dân vẫn chưa được đền bù, những công trình xây dựng vẫn tồn tại như thách thức pháp luật. Dư luận cho rằng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng không thực hiện được vì “rút dây sẽ động rừng”, nếu mạnh tay với Nhị Hiệp thì cán bộ vi phạm cũng sẽ mất chức nên đành… hòa cả làng! 
>> Bất lực trước sai phạm?

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Chủ tịch UBND quận 9 đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo đền bù cũng như kiểm soát tình hình xây dựng. Hậu quả để lại cho xã hội là đến nay còn 42 hộ dân đã bị Nhà nước thu hồi đất đã 12 năm vẫn chưa được đền bù. Trên 18.000m2
 nhà xưởng “lậu” của Công ty Nhị Hiệp tồn tại như để thách đấu với pháp luật. Cán bộ quận thiếu trách nhiệm đã tiếp tay, dung dưỡng cho Công ty Nhị Hiệp chiếm đất của dân. TTCP kết luận, trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND quận 9 và Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm. Thế nhưng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng không được nghiêm túc thực hiện. Chủ tịch quận 9 lần lượt lên chức. Mới đây, bà Lê Thị Tám rời chức Chủ tịch quận lên Phó Chi cục Thuế thành phố, thay vào ghế Chủ tịch là ông Nguyễn Hữu Việt, vốn là Phó Chủ tịch quận. Phó Chủ tịch quận Nguyễn Văn Thành vốn “nổi tiếng” với những văn bản sai sự thật thì vẫn yên vị, không hề hấn gì.   

TTCP cũng đã kết luận, để Công ty Nhị Hiệp đứng trên pháp luật không thể không nói đến trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng TP. Điều mà mọi người đều biết, việc cấp giấp phép xây dựng cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng kiên cố khi đât chưa đền bù, chưa chuyển mục đích sử dụng là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Thế nhưng, Sở Xây dựng TP đã không ngần ngại cấp cho Công ty này liền 2 Giấy phép xây dựng (Số 64/GPXD, 65/GPXD), với diện tích xây dựng lên cả ngàn m2. Dư luận cho rằng, Sở Xây dựng TP là nơi tập trung nhiều chuyên gia về quản lý đô thị, nơi “đẻ” ra quy định pháp luật về xây dựng thì không thể có sự nhầm lẫn được. Giám đốc Sở Xây dựng TP không thể không biết điều này (?). Nhiều người cho rằng, đây cũng là lý do vì sao Công ty Nhị Hiệp vi phạm trong một thời gian dài, khối lượng công trình vi phạm đồ sộ nhưng Sở Xây dựng không có biện  pháp xử lý dứt điểm.
 

Bà con tâm sự, khi phát hiện Công ty xây dựng trái phép với khối lượng lớn, người dân đã điện báo ngay cho Sở Xây dựng TP. Sở cũng có cử cán bộ xuống và có lúc lập cả đoàn thanh tra nhưng sai phạm vẫn không bị xử lý. Trước cách hành xử khó hiểu của Sở Xây dựng TP, TTCP đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP HCM có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với Giám đốc Sở Xây dựngTP. Bổn cũ lặp lại: Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP xử lý nghiêm, nhưng Giám đốc Sở Xây dựng vẫn không… sứt mẻ gì.
 

TTCP cũng kiến nghị xử lý kỷ luật Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với dự án, để cho Công ty Nhị Hiệp sử dụng đất không đúng mục đích. Giám đốc Sở đã nương tay không thu hồi dự án theo quy định tại Khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 theo luật định. Chính việc thiếu trách nhiệm của Sở TN-MT đã dẫn đến dự án đã được Nhà nước thu hồi đất giao cho Công ty Nhị Hiệp thuê làm nhà xưởng sản xuất giày xuất khẩu hơn 11 năm mà 42 hộ dân vẫn chưa được đến bù. Từ việc Sở TN-MT đã buông lỏng quản lý để dẫn đến tình trạng quận 9 đã 2 lần ban hành quyết định thành lập Hội đồng đền bù nhưng cả 2 đều chỉ có hiệu lực trên giấy.
 

Đây là lý do để Công ty Nhị Hiệp dễ bề thao túng, “đánh bài lờ” không cần đền bù cho dân. Bà con cho hay, Giám đốc Công ty Nhị Hiệp vốn là Phó Chủ tịch xã, am hiểu luật pháp, nhưng mua lại đất của dân khi giấy chứng nhận đã bị chính quyền thu hồi hủy bỏ. Khi quy định pháp luật điều chỉnh, doanh nghiệp tự thương lượng đền bù trực tiếp với người dân thì quận 9 lại dùng “công cụ” Hội đồng đền bù để ép người dân nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt.
 

Điều bất cập đã kéo dài nhiều năm, Sở TN-MT đã lập đoàn thanh tra để làm rõ sự việc nhưng không đưa ra biện pháp xử lý, để sai phạm hóa bùn. Sự thiếu trách nhiệm của Giám đốc sở TN-MT không chỉ tiếp tay cho Công ty Nhị Hiệp đứng trên pháp luật, mà đẩy hàng chục gia đình nông dân rơi vào cảnh li tán, mất cửa, mất nhà. Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án; tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh cấp giấy phép đầu tư cho Công ty Việt Thổ và giấy phép thành lập 3 công ty khác trên diện tích đất được Thủ Tướng cho phép Công ty Nhị Hiệp thuê, tạo điều kiện cho Công ty này sử dụng đất không đúng mục đích.

Người dân cũng như công luận đang nóng lòng chờ kết quả xử lý kỷ luật đối với các “quan” theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
 
Nhóm Phóng viên
Nguồn : thanhtra.com.vn



Giờ này mà còn hành xử theo lối "trên bảo dưới không nghe" chỉ còn cách cho Triển Chiêu mang Cẩu đầu trảm hết bọn này thì dân mới hết khổ.
Hữu Lộc