Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Mặt trận Tổ quốc vào cuộc vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng

TT - “Cưỡng chế hay cưỡng đoạt?” - nhiều ủy viên Ủy ban trung ương MTTQ VN cùng đặt câu hỏi này tại phiên họp tổng kết năm của Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật và Hội đồng tư vấn về kinh tế ngày 18-1.
Phó chủ tịch MTTQ VN Vũ Trọng Kim đồng tình với đa số ý kiến của hai hội đồng trên về việc “đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng), đưa ra xét xử công bằng trước pháp luật mọi đối tượng vi phạm, MTTQ VN sẽ sớm cử đoàn công tác tới tận địa phương giám sát vụ việc này”.
Theo ông Kim, MTTQ VN cần thành lập đoàn giám sát, tìm hiểu thật kỹ để đưa ra kết luận chính xác về vụ việc. Trước mắt, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhiều ý kiến trong Mặt trận bày tỏ sự băn khoăn về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng.
“Pháp luật quy định giao đất nuôi trồng thủy sản phải 20 năm. Vậy vấn đề thi hành pháp luật trong vụ cưỡng chế này thế nào? Việc huy động cả lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế có vi hiến hay không? Chính quyền có phải bồi thường cho dân khi san phẳng ngôi nhà không thuộc diện tích cưỡng chế không? Việc dư luận cho rằng chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và chủ tịch UBND xã Vinh Quang là anh em ruột, có vấn đề gì đằng sau đó không? Ông Vươn chống người thi hành công vụ có những tình tiết gì tăng nặng hay giảm nhẹ? Ông Vươn có bị dồn đến đường cùng hay không?... Đó là hàng loạt câu hỏi dư luận đang rất bức xúc, đòi hỏi các cơ quan chức năng trả lời để rút ra bài học sau vụ Tiên Lãng, lấy lại lòng tin cho nhân dân” - ông Kim nói.
Bình luận về khía cạnh pháp lý của vụ việc, phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Lê Đức Tiết cho biết chính sách nhất quán của Nhà nước là khuyến khích dân khai hoang, phục hóa. Trên khu đầm 40ha ấy, ông Vươn và gia đình đã đổ mồ hôi, thậm chí là sinh mạng con gái đầu lòng. Việc cải tạo đất hoang, tổ chức sản xuất của ông ấy là ích nước lợi nhà.
“Trong khi đó, câu hỏi đặt ra là thu hồi đất để làm gì thì đến nay chính quyền chưa trả lời được. Qua theo dõi, từ phát biểu của chủ tịch, rồi chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng đến phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đều nhấn mạnh phải xử lý nghiêm đối tượng chống người thi hành công vụ, nhưng lại không thấy nói nếu chính quyền sai thì xử lý thế nào. Tôi đồng tình với ý kiến nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nếu không xử lý công bằng, nghiêm minh vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân” - ông Tiết nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, GS.VS Trương Công Phú - chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế - nêu quan điểm: “UBND huyện làm trái luật phải bị xử lý trước pháp luật. Nếu chính quyền sai thì tội phải nặng hơn tội của ông Vươn”.
LÊ KIÊN
Người dân xã Vinh Quang bức xúc
Trước thông tin cho rằng người dân xã Vinh Quang trực tiếp san phẳng ngôi nhà và tháo cạn đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông của thành phố, nhiều người dân xã này nói: “Chẳng có lý gì chúng tôi lại kéo sập nhà anh Vươn. Nếu chính quyền không đính chính thông tin, chúng tôi sẽ làm đơn kiện đến các cơ quan chức năng”.
H.P. 

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Chính quyền huyện, xã đều sai

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhận định như trên. Ông cho rằng TP Hải Phòng phải rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm cán bộ

* Phóng viên: Thưa ông, cảm nhận của ông như thế nào khi theo dõi vụ việc thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng?
- Ông Lê Đức Anh: Tôi đang theo dõi sát vụ việc này nên có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện. Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại.
Vụ việc ở Tiên Lãng là một bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Cứ để kéo dài nhiều vụ sai phạm của chính quyền địa phương như vậy và xử lý không nghiêm cán bộ sai phạm thì sẽ làm mất lòng tin của nhân dân.
 Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động. Ảnh: Anh Trường
* Xin ông cho biết quan điểm khi ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn không nằm trong phạm vi cưỡng chế nhưng vẫn bị san phẳng, dẫn đến việc họ không còn nơi cư ngụ?
- Chính quyền phải bồi thường cho gia đình ông Vươn. Cả gia đình họ mất nhiều năm mới có thành quả như hiện nay mà chính quyền lại muốn thu hồi, điều đó là không được! Nếu TP Hải Phòng và Trung ương không xử lý nghiêm việc này thì rất nguy hại.
* Việc phá nhà của dân về mặt đạo lý là không thể chấp nhận, thưa ông?
- Đây là hành vi bất chấp luật pháp. Ông Vươn sai thì cứ xử theo luật, còn chính quyền không thể có hành động như vậy.
* Ông nhìn nhận thế nào về tình hình sai phạm trong quản lý đất đai hiện nay?
- Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hải Phòng mà tôi đã nghe một số nơi cũng có chuyện tương tự. Vì vậy, không chỉ TP Hải Phòng rút kinh nghiệm mà cả nước cũng cần rút kinh nghiệm để không xảy ra những vụ việc tương tự.
* Khi còn công tác, ông đã từng xử lý cán bộ nào sai phạm trong quản lý đất đai giống như vụ việc ở huyện Tiên Lãng?
- Khi tôi còn công tác, đã có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm bị xử lý nghiêm. Chính quyền sai trong phương án cán bộ còn phải thôi chức, chưa nói đến làm sai như vụ việc ở huyện Tiên Lãng.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Đang có hiện tượng rất xấu xảy ra ở nhiều địa phương là chính quyền mua rẻ đất của dân rồi bán đắt, trong đó có một phần chia nhau. Chưa kể đất nông nghiệp bị thu hồi làm khu đô thị, khu công nghiệp rồi để hoang hóa nhiều năm. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, cần được rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm”.
Thế Dũng thực hiện

Phải bồi thường nhà cho ông Đoàn Văn Vươn

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã khẳng định như trên về việc cơ quan chức năng huyện Tiên Lãng – Hải Phòng san bằng nhà của ông Đoàn Văn Vươn

* Phóng viên: Là nhà nghiên cứu luật pháp, đồng thời có nhiều năm xây dựng pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, ông nhìn nhận như thế nào đối với quan điểm của chính quyền huyện Tiên Lãng trong vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn?

- Ông Đinh Xuân Thảo: Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác đã quy định rất rõ về trường hợp đất đai của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Tôi chỉ nói thêm Luật Thủy sản năm 2003 đã quy định đối với đất nuôi trồng thủy sản, bao gồm cả đất và mặt nước được giao thời hạn 20 năm như đối với đất trồng cây ngắn ngày. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn đối xử thiếu công bằng, như đất nuôi trồng thủy sản chỉ cho đấu thầu vài năm rồi thu hồi…
Cũng theo quy định của các luật hiện hành, quyền sử dụng của người đầu tư khai khẩn đất, được giao đất sau khi hết 20 năm thì họ tiếp tục được cho thuê. Hoặc người trả tiền thuê một lần còn được thêm nhiều ưu đãi khác như quyền sử dụng giấy chứng nhận để thế chấp ngân hàng… Chính sự nhận thức không đầy đủ về  luật pháp hoặc chính quyền nghĩ dân không nắm được luật nên đã làm ẩu, dẫn đến những vụ thu hồi đất sai luật nhằm cho người khác thuê với giá có lợi hơn.
Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn đã bị san bằng sau vụ cưỡng chế. Ảnh: THẾ DŨNG
* Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn không nằm trong phạm vi bị cưỡng chế nhưng đã bị san bằng thì có vi phạm luật?
- Về luật pháp, phải tách bạch rõ ràng 2 việc: Ngôi nhà là nơi trú ngụ của người phạm tội và là nơi ẩn náu của người phạm tội. Ngay trong trường hợp để bắt tội phạm trong các vụ án lớn như bắt giữ con tin tại một trụ sở cơ quan Nhà nước hay nhà của người khác thì cũng không được phép phá nhà nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Trường hợp ở đây là ngôi nhà của người phạm pháp (ông Đoàn Văn Vươn – PV), đó là tài sản của bản thân họ và người thân thì càng không thể dùng biện pháp san bằng và chẳng pháp luật nào cho phép làm việc này. Vì thế, huyện Tiên Lãng phải bồi thường ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn bị phá hủy. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm người ra quyết định này.
Việc san ủi nhà chỉ được thực thi trong trường hợp ngôi nhà lấn chiếm phải tiến hành giải tỏa khi chủ nhân không chịu tự nguyện tháo dỡ. Ngoài ra, việc san ủi nhà chỉ được tiến hành trong trường hợp xảy ra cháy lớn, cần giải tỏa một ngôi nhà để cho xe cứu hỏa vào cứu nhiều ngôi nhà khác thì mới không cần sự cho phép của chủ sở hữu. Tuy nhiên, Nhà nước phải bồi thường nhà và tài sản bị thiệt hại từ sự giải tỏa này.
Tôi cho rằng vụ việc cưỡng chế ở Tiên Lãng đang gây xôn xao dư luận, nếu TP Hải Phòng không có hướng xử lý thỏa đáng có thể bị khiếu kiện.
* Công sức khai khẩn, tiên phong lấp biển của ông Đoàn Văn Vươn có được xem xét để được ưu tiên trong việc tiếp tục được cho thuê đất, thưa ông?
- Việc khai khẩn và thu hồi phải căn cứ việc đất được khai khẩn có phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung, hạ tầng của địa phương hay không. Nếu trong trường hợp không vi phạm quy hoạch thì chính quyền phải có trách nhiệm xem xét để hợp thức hóa quyền sử dụng cho người có công, cũng như xem xét việc tiếp tục cho thuê dài hạn khi họ có nguyện vọng.
* Đối với một vụ việc cưỡng chế hành chính thông thường có được phép sử dụng lực lượng vũ trang, thưa ông?
- Tôi cũng xin nói thêm về việc huyện Tiên Lãng sử dụng lực lượng vũ trang (quân đội - PV) trong quá trình cưỡng chế cần được xem xét để làm rõ tại sao lại có quyết định này. Quy định của pháp luật không cho phép dễ dãi trong việc sử dụng lực lượng vũ trang trong việc tiến hành cưỡng chế. 
Việc sử dụng lực lượng vũ trang, có trang bị vũ khí chỉ được áp dụng trong trường hợp phía bị cưỡng chế đã chuẩn bị một lực lượng đối kháng mạnh để chống lại người thi hành công vụ và được phát hiện ngay từ đầu. Nếu chỉ đơn thuần là giữ gìn trật tự thì không được sử dụng lực lượng vũ trang. Việc này phải làm rõ xem huyện Tiên Lãng có làm đúng không.

Đại biểu Quốc hội phải theo dõi vụ việc
Chiều 14-1, bà Lê Thị Thu Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết qua báo chí bà đã nắm vụ việc cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng nhưng hiện chưa có đủ hồ sơ về vụ việc này. “Là một đại biểu Quốc hội, người đại diện cho dân thì những vấn đề, sự kiện như vụ việc ở Tiên Lãng vừa qua rất cần phải nắm bắt tình hình. Việc này thuộc chuyên ngành của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vì đây là vụ việc cưỡng chế hành chính. Hiện nay, Ủy ban Pháp luật đang thẩm tra dự thảo Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính, trong đó có quy định về cưỡng chế hành chính”.
Chiều cùng ngày, phóng viên trao đổi về vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng được báo chí thông tin trong nhiều ngày qua, ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói: “Tôi không theo dõi vụ việc này...”.
Thế Dũng thực hiện

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

BÀI HỌC TỪ TIÊN LÃNG HẢI PHÒNG

Vụ cưỡng chế thu hồi khu đầm tại Hải Phòng: Tòa nhầm lẫn?
(PL)- Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thừa nhận ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế nên phải phá bỏ.

Cuối chiều 12-1, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ nổ súng vào lực lượng cưỡng chế của chủ đầm Đoàn Văn Vươn cùng người nhà. Đại tá Vũ Sỹ Hưng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, cho biết sau khi bị bắt giữ, ông Vươn cùng người nhà đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình và bày tỏ mong muốn được pháp luật khoan hồng.
Huyện: Thu hồi không đền bù là phù hợp!
Trả lời về nguồn gốc khu đầm nuôi trồng thủy sản của ông Vươn, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, cho biết: Năm 1993, huyện chỉ giao 21 ha đất bãi bồi ven biển cho ông Vươn, sau đó ông Vươn lấn ra biển thêm 19,3 ha phía ngoài, rồi đề nghị hợp thức hóa, được huyện ra quyết định giao đất bổ sung. Hết thời hạn giao đất, huyện đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 40,3 ha đầm của ông Vươn, trong đó có cả 19,3 ha mới làm thủ tục giao bổ sung.
Ông Hiền cho biết việc huyện ra quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản thời hạn ngắn hơn so với quy định của luật là căn cứ vào đề nghị của ông Vươn. Trả lời câu hỏi vì sao huyện thu hồi đất không bồi thường, ông Hiền cho rằng tại các quyết định giao đất đều đã quy định rõ hết thời hạn chủ sử dụng phải bàn giao không được bồi thường. Tuy nhiên, trong quyết định giao 19,3 ha đầm của ông Vươn không có dòng nào nói thu hồi đất mà không bồi thường. “Huyện thu hồi không bồi thường căn cứ theo Điều 38 Luật Đất đai” - ông Hiền nói.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thừa nhận căn nhà hai tầng bị phá này nằm trong khu vực chưa bị cưỡng chế. Ảnh: HH
Trả lời câu hỏi huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản thời hạn dưới 20 năm có đúng quy định của pháp luật không, ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng, cho rằng huyện Tiên Lãng giao đất cho ông Vươn vào ngày 4-10-1993, thời điểm trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993), vì vậy huyện căn cứ vào Luật Đất đai năm 1987. (Riêng đối với khu đầm 19,3 ha của ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất vào năm 1997 thì ông Sản chưa lý giải.)
Khi được hỏi tại sao căn nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Quý tại khu đầm không nằm trong phần diện tích 19,3 ha mà huyện cưỡng chế thu hồi nhưng đã bị san phẳng, phải chăng huyện đã cưỡng chế nhầm, ông Hiền thừa nhận ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế. Theo ông Hiền, lúc đó căn nhà bị đập là “áp dụng các biện pháp…”.
Tòa: Trả lời nhầm (?!)
Giải trình về công văn của Thẩm phán Ngô Văn Anh ký trả lời ông Đoàn Văn Vươn ngày 25-6-2010, ông Phạm Văn Phích, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng, nói do sơ suất trong việc nghiên cứu và trả lời đơn khiếu nại của công dân nên thẩm phán này đã có sự nhầm lẫn. Theo ông Phích, tháng 3-2010, TAND TP thụ lý hai vụ án hành chính phúc thẩm: Một, giữa ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng; hai, ông Vũ Văn Luân cũng kiện UBND huyện Tiên Lãng về quyết định thu hồi đất.
Trong quá trình giải quyết vụ án của ông Luân, TAND TP đã lập biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. Sau đó ông Luân rút đơn kháng cáo, TAND TP đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Ông Phích nói trong tố tụng hành chính cho phép tạo điều kiện thỏa thuận. Văn bản này không sai.
Riêng vụ ông Vươn do thẩm phán Cao Thành Ngọc thụ lý. TAND TP không lập biên bản thỏa thuận đối với vụ kiện này. Sau khi ông Vươn rút kháng cáo, TAND TP ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Bởi vậy, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, giữ nguyên hiệu lực quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng. Sau đó, ông Vươn có đơn khiếu nại, thẩm phán Ngô Văn Anh có sự nhầm lẫn giữa trả lời ông Luân thành trả lời ông Vươn. Do sơ suất này, TAND TP đã kiểm điểm Thẩm phán Ngô Văn Anh.
Khi các phóng viên hỏi đây là hai vụ kiện của hai người khác nhau do hai thẩm phán thụ lý, vậy sao ông Ngô Văn Anh có thể nhầm lẫn trả lời sang ông Vươn, ông Phích nói: Tuy ông Ngô Văn Anh không thụ lý nhưng là chánh Tòa Dân sự, thừa lệnh của chánh án TAND TP, có trách nhiệm trả lời đơn của công dân. Ông Phích cho rằng sự nhầm lẫn này là đáng tiếc.
“Tuy nhầm lẫn nhưng bản chất vụ án không thay đổi” - ông Phích nói. Trước câu hỏi vụ án ông Vươn không xét xử phúc thẩm vì tòa đã tổ chức cho thỏa thuận với huyện với nội dung rút đơn sẽ cho thuê đất tiếp, ông Phích nói trong hồ sơ vụ án không có biên bản thỏa thuận này.
Thẩm phán Anh có hòa giải vụ ông Vươn
Tôi là hội thẩm nhân dân của TAND TP Hải Phòng nhiều năm. Hôm đó tôi được mời tham gia tố tụng một phiên tòa dân sự ở tòa này. Tôi lên phòng Thẩm phán Ngô Văn Anh để chờ ông ấy đi xử. Tôi thấy có hai cán bộ huyện Tiên Lãng, một người là ông Hoa, một người tôi không biết tên ở trong phòng. Một bên là anh Luân (Vũ Văn Luân), anh Vươn (Đoàn Văn Vươn). Tòa mời các anh lên làm hòa giải giữa hai bên.
Hai bên thỏa thuận với nhau, hai cán bộ huyện vận động ông Luân, ông Vươn rút đơn kháng cáo, tòa không phải xử nữa thì huyện sẽ cho thuê lại đất. Ông Ngô Văn Anh, Chánh tòa Dân sự TAND TP Hải Phòng, làm “trọng tài” ngồi giữa. Ông Anh nói: thôi giờ thế này, có đơn kiện đây, tôi gọi hai bên lên để giải hòa, chúng tôi không phải xét xử. Nếu rút đơn thì không phải đưa ra tòa phúc thẩm nữa. Thế nhưng phải ưu tiên cho họ thuê đất. Bên kia bảo thế thì rút đơn đi, không phải đưa ra tòa phúc thẩm nữa. Hai bên thỏa thuận với nhau để về cho thuê lại đất. Hai bên ký với nhau thế nào tôi không rõ, chỉ nghe hẹn nhau nay mai về Tiên Lãng làm bữa thịt chó…
Ông ĐOÀN XUÂN LĨNH, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban
Đoàn kết công giáo TP Hải Phòng,
Hội thẩm nhân dân TAND TP Hải Phòng
Ông Phạm Văn Tỉnh,phó chánh thanh tra tổng cục quản lý đất đai:
Phải tính đến chuyện bồi thường
Chính quyền thu hồi đất mà không bồi thường, hỗ trợ cho ông Vươn là chưa hợp lý. Theo luật, đất được giao mà thu hồi trước thời hạn thì người sử dụng đất được bồi thường đối với đất và tài sản trên đất trên cơ sở tính giá trị còn lại. Nếu thu hồi đất này đúng thời hạn thì không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ với công trình trên đất như nhà trông coi nơi nuôi trồng thủy sản, cống dẫn nước, bờ bao…
Theo tôi, cần giao lại đất cho hộ gia đình ông Vươn và đảm bảo đúng theo hạn mức do pháp luật quy định. Số diện tích còn lại, địa phương cho gia đình ông Vươn thuê hết hoặc chỉ cho thuê một phần. Nếu chỉ cho thuê một phần thì phần còn lại địa phương thu hồi rồi có thể đưa ra đấu thầu. Phần đưa ra đấu thầu, gia đình ông Vươn cũng được tham gia đấu thầu bình đẳng như những hộ dân khác trong khu vực.
Việc người dân phản ứng tiêu cực, chống lại lực lượng cưỡng chế như vậy là sai. Hành động như vậy là không thể chấp nhận. Nếu người dân bình tĩnh thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Tuy nhiên, trong vụ việc này, lỗi của chính quyền cũng có nhiều, rồi còn ép dân. Trong việc thu hồi đất, cần phân tích cho người dân hiểu. Huyện Tiên Lãng phải nghiêm khắc tự kiểm lại mình trong việc giao và thu hồi đất.
Qua sự việc này, các địa phương khác cũng cần xem lại việc giao, cho thuê, thu hồi đất, nếu thấy chưa hợp lý thì phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh này tránh làm thiệt hại tới người dân. Làm được như vậy có thể tránh được những xung đột, mâu thuẫn không đáng có giữa người dân với chính quyền...
HOÀNG VÂN ghi
Nên ủng hộ việc cưỡng chế của huyện (!)
Khi các phóng viên đặt rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, ông Phạm Hữu Thư, Chánh Văn phòng - người phát ngôn của UBND TP Hải Phòng, liên tục nhắc do đã muộn nên cần sớm kết thúc cuộc họp báo. Thậm chí ông Thư còn “mặc cả” với phóng viên “hỏi nốt câu hỏi này thôi nhé”. “Trong bối cảnh hiện nay, không nên đi sâu vào hoàn cảnh của người sai phạm mà nên thông tin ủng hộ việc cưỡng chế của huyện Tiên Lãng” - ông Thư nói.
Ông Đào Chung Chính,Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai:
Bộ đã yêu cầu Sở TN&MT Hải Phòng báo cáo
Bộ TN&MT đã yêu cầu Sở TN&MT TP Hải Phòng báo cáo ngay về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Việc xử lý trước tiên là do địa phương, trên cơ sở đó Bộ sẽ xem xét. Nếu việc xử lý không đúng, Bộ sẽ “tuýt còi”.
HUY HOÀNG

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Nhìn Tiên Lãng (Hải Phòng) nghỉ về Hoàng Hải (Hóc Môn)

Quyết định thu hồi đất ở Hải Phòng là trái luật'

Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân.
> Mâu thuẫn dẫn đến nổ súng chống đối ở Hải Phòng/ Góc nhìn đối lập về chủ đầm tôm bị cưỡng chế

- Dưới góc độ pháp lý, ông nhìn nhận thế nào về quyết định giao đất và thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn?
- Việc giao đất của UBND huyện Tiên Lãng là không đúng pháp luật. Cụ thể, thời gian hạn chế giao đất 14 năm là không đúng, mà phải là 20 năm và sau 20 năm vẫn tiếp tục được sử dụng nếu Nhà nước không có quyết định thu hồi đất. Huyện Tiên Lãng có những quyết định giao tới 20 ha, trong khi theo khung giao đất bãi bồi ven sông ven biển ở Quyết định 773 của Thủ tướng, diện tích tối đa là 10ha.
Việc ban hành Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng trái pháp luật. Khi giao bãi bồi ven sông, ven biển cho hộ gia đình cải tạo trở thành nơi nuôi trồng thủy sản thì công sức, mồ hôi của người dân đã đổ xuống trong quá trình lao động. Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi hết thời hạn sử dụng đất (của gia đình ông Vươn sớm nhất là 15/10/2013), đương nhiên được kéo dài sang thời hạn tiếp theo trừ những trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất. Quốc hội sẽ xem xét quyết định vấn đề "hết thời hạn" này khi thông qua Luật đất đai mới trước năm 2013.
- Ông nghĩ sao trước khẳng định của Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng rằng huyện không làm sai khi cưỡng chế thu hồi đất của dân?
- Nhiều cán bộ quản lý ở nhiều địa phương hay nói câu buông sõng: "Nhà nước thì thu hồi đất nào cũng được". Đó là cái nhầm lẫn rất cơ bản. Nhà nước cũng phải thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Chiểu theo pháp luật hiện hành về thời hạn sử dụng đất, chắc chắn là họ sai. Chiểu theo quy định về giải quyết thế nào khi đất nuôi trồng thủy sản hết thời hạn, chắc chắn họ cũng sai.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Tiến Dũng.


- Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đất đai, theo ông việc thu hồi đất của huyện Tiên Lãng là do thiếu kiến thức pháp luật hay nguyên nhân nào khác?

- Trong vụ việc này, tòa yêu cầu hai bên thương thảo giải quyết, UBND huyện hứa sẽ tiếp tục giao đất nên người dân rút đơn. Các hộ dân thực hiện nhưng địa phương lại không giữ lời. Trong đơn gửi tòa, người dân nói ông Chủ tịch huyện khăng khăng không thực hiện cam kết.
Người dân đang sử dụng đất có hiệu quả thì không có lý do gì để thu hồi đất của người ta. Điều này thể hiện có cái gì lẩn khuất phía sau các quyết định thu hồi đất. UBND huyện Tiên Lãng cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân trong khi hai bên đã thỏa thuận giải quyết thỏa đáng. Ở đây, nguy cơ là chính quyền có thể thấy vùng đất đó sau khi được cải tạo là quá màu mỡ và muốn chuyển đổi cho đối tượng khác.
Còn nếu đất được dùng vào dự án khác thì ngay trong quyết định thu hồi cũng phải nói đến chuyện bồi thường. Nhưng quyết định của UBND huyện Tiên Lãng không hề nói đến chuyện bồi thường mà thậm chí còn bắt người dân phải bàn giao toàn bộ mặt bằng kèm theo những công sức của dân cải tạo trước đây. Điều này không chỉ sai luật mà còn trái cả đạo lý.
- Để xảy ra vụ việc ngày 5/1, ngoài việc xử lý nghiêm những người nổ súng chống đối, theo ông, cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương thế nào?
- Hiện nay ít nhất 70% khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai. Người nông dân nghĩ rất giản đơn, nhiều khi không nghĩ hết nhẽ, hành động bột phát, thiếu kiềm chế. Do đó, chúng ta phải trân trọng công sức của người nông dân, không phải vì thấy cái lợi của việc thu hồi mà lấy đi công sức của họ, đẩy họ vào bước đường cùng để trở thành tội phạm, phải chống trả bằng việc vi phạm pháp luật hình sự. Từ vụ việc này có rất nhiều điều để nói và UBND TP Hải Phòng cũng không thể đứng ngoài cuộc.




- Theo ông, cần rút ra bài học gì trong công tác quản lý, thu hồi đất đai sau vụ việc ở Tiên Lãng?
- Trong vụ Tiên Lãng, bài học lớn nhất là cơ quan quản lý, nhất là ở địa phương cần phải nghĩ rằng mình là đại diện cho quyền lợi chính đáng của người dân. Hãy đứng về cách nghĩ của dân chứ không phải cách nghĩ của một người làm lãnh đạo.
Trong tất cả trường hợp thực thi pháp luật, lãnh đạo phải hiểu rõ ngọn ngành về pháp luật, đừng hiểu sai cũng như cố tình hiểu sai. Áp dụng pháp luật không chỉ là lý mà còn là tình. Người ta đã bỏ công sức ra thì phải xem xét công lao của họ với mảnh đất đó, cần đánh giá cho đúng. Việc người ta làm từng ấy năm rồi mình thu lại, cứ cho là việc thu hồi có lý do chính đáng thì cũng phải cân nhắc có nên không? Đấy là câu chuyện mà chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tính đến.
Hiện nay, nhiều địa phương khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thường hay sử dụng lực lượng vũ trang. Điều này theo tôi không nên làm. Với dân, đừng nghĩ tới việc sử dụng sức mạnh sẽ hiệu quả hơn. Người dân đang muốn chủ động trên cơ sở lẽ phải của sự đồng thuận.
- Nếu đặt mình ở vị trí lãnh đạo huyện Tiên Lãng, ông sẽ xử lý thế nào với vấn đề đất đai của gia đình ông Vươn?
- Nhiều địa phương đã đánh đồng giữa việc giao đất khai hoang và đất đã được cải tạo. Thế nên có tình trạng người dân đổ mồ hôi ra để khai hoang nhưng sau đó chính quyền lại coi đấy là đất ruộng bình thường, làm thiệt hại cho dân. Để động viên việc khai hoang, mở rộng diện tích, tôi cho rằng cần có chính sách đặc biệt hơn nữa để thừa nhận công sức của người dân, ít nhất chiếm 50% giá trị đất đai.
Vấn đề của ông Đoàn Văn Vươn theo tôi giải quyết đơn giản. Đất giao năm 1993 thì đến 2013 hết hạn, đất giao năm 1997 thì tới 2017 hết hạn. Còn về hạn mức diện tích, nếu đất giao vượt hạn mức quy định của Chính phủ, chốt diện tích 10ha của dân không phải nộp nghĩa vụ tài chính, và diện tích còn lại về nguyên tắc phải chuyển sang thuê đất. Trong tương lai, nếu Luật Đất đai bãi bỏ hạn điền thì lại cho diện tích đó trở lại như đất được Nhà nước giao.

Tiến Dũng thực hiện

Mong rằng UBND huyện Hóc Môn sẽ rút ra kinh nghiệm từ huyện Tiên Lãng Tp. Hải Phòng.




Kính mời cộng đồng dân cư Hoàng Hải dọc bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ với GS. Nguyên thứ trường Đặng Hùng Võ

UBND huyện Tiên Lãng có nhiều cái sai
TT - Là người tận tường Luật đất đai, khi xem các quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng Hùng Võ cho rằng các quyết định giao đất do huyện Tiên Lãng ban hành đều trái Luật đất đai.
Ông phân tích:
Khu vực xảy ra vụ cưỡng chế tại khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng)- Ảnh: Nguyễn Khánh




Với các quyết định giao đất cho ông Vươn, phải khẳng định không thuộc trường hợp đất công ích do cấp xã đứng ra đấu thầu, cho thuê trực tiếp để tạo ngân sách xã. Đây là việc giao đất cho hộ gia đình cá nhân, theo Luật đất đai năm 1993, cụ thể là theo nghị định 64 về việc giao đất sản xuất đối với đối tượng ở đây là giao đất sản xuất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì thời hạn giao đất được Luật đất đai quy định là 20 năm.
Cách tính thời hạn được xác định nếu quyết định đó giao sau ngày 15-10-1993 thì được tính từ thời hạn ban hành quyết định giao đất. Nếu giao đất từ trước thời điểm trên thì bắt đầu tính thời hạn từ 15-10-1993. Như vậy, thời hạn mà huyện Tiên Lãng giao đất cho ông Vươn quy định 14 năm là trái luật, mà phải giao 20 năm mới đúng.
Quyết định giao bổ sung 19,3ha đất do huyện Tiên Lãng ký ban hành ngày 9-4-1997 nhưng lại tính thời điểm giao đất từ ngày 4-10-1993 rồi UBND huyện lý giải việc tính thời hạn như vậy vì ngày 4-10-1993 đã có quyết định giao 21ha đất cho ông Vươn, nay chỉ giao bổ sung nên tính cùng một thời điểm cũng không đúng.
Luật đất đai 1993 không cho phép tính như vậy. Nếu thời điểm năm 1997 huyện Tiên Lãng ban hành quyết định điều chỉnh diện tích giao đất thì có thể được, nhưng quyết định năm 1997 của huyện Tiên Lãng là quyết định giao đất bổ sung, do vậy thời hạn giao đất bắt buộc phải tính từ ngày ban hành quyết định 9-4-1997, thời hạn giao đất cũng phải là 20 năm, tức là đến năm 2017 mới hết hạn. Còn việc giao 21ha đất vào thời điểm năm 1993 thì được tính đến năm 2013 mới hết hạn.
Hiện nay việc giao đất theo nghị định 64 nếu tính từ thời điểm sớm nhất là từ ngày 15-10-1993 thì chưa có trường hợp nào đến hạn phải thu hồi và cũng chưa có địa phương nào xem xét xúc tiến thu hồi vì chưa có chủ trương chung là thu hồi hay giao tiếp. Với diện giao đất 20 năm đến nay Quốc hội cũng chưa quyết là hết thời hạn giao đất thì làm gì.
Nên việc huyện Tiên Lãng lại chủ động làm trước về chủ trương là điểm sai nữa.
Còn nếu thu hồi để giao đất cho dự án đầu tư được phép nhưng việc thu hồi này phải căn cứ vào nghị định 84. Với quyết định thu hồi 19,3ha đất đối với ông Vươn thì mục đích thu hồi không rõ ràng. Giả sử có thu hồi giao cho dự án đầu tư thì tại thời điểm ban hành quyết định ngày 7-4-2009 phải tuân thủ theo trình tự thủ tục của nghị định 84. Tức là phải qua các bước từ chủ trương thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư tổng thể, ban hành quyết định thu hồi đất gửi đến từng hộ gia đình, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chi tiết và công bố công khai tại trụ sở xã để tiếp nhận đóng góp ý kiến của người dân bị thu hồi đất... Nhưng trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với diện tích 19,3ha không có nội dung nào ăn nhập với nghị định 84, và đây cũng là điểm sai.
Một điểm sai nữa của huyện là về hạn mức giao đất. Luật quy định hạn mức được giao đối với một hộ gia đình cá nhân không được vượt quá 2ha. Vì vậy, huyện Tiên Lãng giao tới hơn 40ha thì về diện tích giao cũng sai. Trong trường hợp này nếu là cho thuê đất thì không có vấn đề gì, thậm chí cho thuê 14 năm hay ít hơn cũng được, nhưng cả hai quyết định đều ghi là giao đất mà giao đất thì bắt buộc theo hạn mức quy định và thời hạn quy định.
Việc sửa chữa những cái sai của cơ quan chức năng bây giờ là muộn. Tuy nhiên, tôi nghĩ công và tội cần nên rạch ròi. Cái gì áp dụng sai thì phải sửa. Nếu theo luật thì huyện Tiên Lãng phải quyết định lại việc giao đất đối với ông Vươn kéo dài thời hạn đúng 20 năm, nhưng diện tích giao đất chỉ tối đa 2ha, còn lại là chuyển sang cho thuê.
Vấn đề ở đây là cả UBND huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều có trách nhiệm. Trách nhiệm của huyện là làm sai, còn trách nhiệm của TP là kiểm tra thực thi pháp luật không trọn vẹn. Vấn đề là Nhà nước nói với người dân qua các quyết định hành chính thì Nhà nước phải giữ chữ tín, do vậy sai của cơ quan chức năng đến đâu thì phải sửa đến đó.




Khu đất bị giải tỏa của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: báo Đất Việt




Quả Bom Đoàn Văn Vươn

Huy Đức
Khi lực lượng cưỡng chế huyện Tiên Lãng đến khu đầm, anh Vươn cho nổ trái mìn tự tạo cài dưới một bình gas. Bình gas không nổ. Nhưng, trái mìn tự tạo vẫn gây tiếng vang như một quả bom, “quả bom Đoàn Văn Vươn”. Vụ nổ không chỉ gây rúng động nhân tâm mà còn giúp nhìn thấy căn nguyên các xung đột về đất đai. Quyền sở hữu nói là của “toàn dân”, trên thực tế, rất dễ rơi vào tay đám “cường hào mới”.
Sự Tùy Tiện Của Nhà Nước Huyện
Quyết định giao bổ sung 19,5 ha đất nuôi trồng thủy sản cho ông Đoàn Văn Vươn, ký ngày 9-4-1997, ghi thời hạn sử dụng là 14 năm tính từ ngày 14-10-1993. Theo báo Thanh Niên, ở thời điểm ấy, chính quyền huyện Tiên Lãng đã quy định thời hạn giao đất cho nhiều cá nhân, hộ gia đình rất tùy tiện: có người được giao 4 năm; có người 10 năm… Tuy thời điểm này chưa có các nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành, nhưng Luật Đất đai năm 1993 đã nói rõ thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình và cá nhân là 20 năm.
Theo Nghị định ngày 28-08-1999, nếu chính quyền Tiên Lãng không tùy tiện thì gia đình ông Vươn có quyền sử dụng phần đất này cho đến ngày 9-4-2017, tính từ ngày ông được huyện ký giao; tối thiểu cũng phải đến ngày 15-10-2013, nếu huyện “ăn gian” tính theo ngày Luật Đất đai có hiệu lực. Vấn đề là, cho dù đất được giao của gia đình ông Vươn hết hạn thì có phải là đương nhiên bị thu hồi để giao cho người khác như cách mà Tiên Lãng đã làm. Luật Đất đai 2003 quy định hạn điền cho loại đất nuôi trồng thủy sản là 3 hecta và với phần đất vượt hạn mức của ông Vươn có thể áp dụng Điều 35 để cho ông tiếp tục thuê như quy định đối với đất đai nông nghiệp.
Sở Hữu Toàn Dân
Tuy dịch từ Hiến pháp 1936 của Liên xô, Hiến pháp 1959 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai”. Cho dù, từ thập niên 1960s ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970s ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức bị coi là thuộc “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: “Trong bản dự thảo Hiến pháp 1980 do Chủ tịch Trường Chinh trình Bộ Chính trị vẫn đề nghị duy trì đa hình thức sở hữu, trên cơ sở khuyến khích 5 thành phần kinh tế. Theo tôi biết thì Bộ Nông nghiệp và Ban Nông nghiệp Trung ương cũng không đồng ý quốc hữu hóa”. Nhưng, ngày 10-9-1980, trong một bài nói chuyện trước Ban chấp hành Trung ương có tựa đề, “Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa”, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Nhân đây, tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Hiến pháp mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân. Đề ra như vậy hoàn toàn đúng với quy luật tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Ông Nguyễn Đình Lộc, thành viên Ban thư ký của Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp 1980, thừa nhận: “Khi đó, uy tín Lê Duẩn bao trùm. Mặt khác, nhiều người cũng không hình dung được bản chất của sở hữu toàn dân là quốc hữu hóa”.
Tuy chấp nhận quốc hữu hóa đất đai nhưng theo ông Tôn Gia Huyên, lúc bấy giờ là Vụ phó vụ Quản lý Đất đai, ông Trường Chinh chủ trương giữ nguyên hiện trạng chứ không tịch thu ruộng đất như điều mà Lenin đã làm với kulax ở Nga sau năm 1917. Ông Trường Chinh yêu cầu ghi vào Điều 20 của Hiến pháp 1980: “Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật”.
Khi Hiến pháp 1992 bắt đầu được soạn thảo, theo ông Phan Văn Khải: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tôi muốn sửa Hiến pháp theo hướng, trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân nhưng không thành công, chúng tôi đành phải tìm ra khái niệm, trao 5 quyền cho người sử dụng đất”. Trong Đại hội Đảng lần thứ VII, vòng I, nhiều nhà lãnh đạo địa phương đã lên tiếng ủng hộ “đa sở hữu hóa đất đai”. Nhưng, ở cấp cao, theo Trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Đình Lộc: “Không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội. Khi chuẩn bị bài phát biểu về Hiến pháp cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi có trình bày, nhưng ông Đỗ Mười nghiêng về sở hữu toàn dân. Ông tin vào điều ông Lê Duẩn nói, sở hữu toàn dân là quan hệ sản xuất tiên tiến. Ông Đỗ Mười tin, trước sau gì ta cũng tới đó nên cứ để vậy”.
Các Nhà Làm Luật
Luật Đất đai 1993 đã trao cho người dân 5 quyền: sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê quyền sử dụng đất. Nhưng, so với Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 1993 có một điểm lùi. Hiến pháp ghi: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”. Trong khi Luật chỉ giao đất cho cá nhân và chỉ giao có thời hạn. Ông Tôn Gia Huyên giải thích: “Thời hạn giao đất thực chất chỉ là ý chí chính trị, là sợi chỉ cuối cùng để phân biệt giữa sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước”. Là ranh giới để trấn an những người vẫn còn tin, Việt Nam tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhưng, cái ranh giới tưởng có giá trị trấn an ấy đã lại rất mù mờ, mù mờ ngay trong đầu chính các nhà lập pháp. Tháng 7-1993, sau bốn buổi thảo luận trên Hội trường về Luật Đất đai, các đại biểu miền Nam đề nghị “giao đất lâu dài” như Hiến pháp 1992, trong khi các đại biểu miền Bắc và miền Trung lại tán thành giao đất có thời hạn; thậm chí có đại biểu còn đòi rút ngắn thời hạn giao đất xuống còn từ 10-15 năm. Trong tính toán của nhiều người, giao đất có thời hạn nghĩa là sau đó Nhà nước có thể lấy lại để giao cho người khác. Đại biểu Đặng Quốc Tiến, Bắc Thái, nói: “Đất ít, người đông, giao có thời hạn thì sẽ bảo đảm cho công tác điều chỉnh đất đai khi có biến động nhân khẩu”. Ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy là Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, đã rất hăng: “Đi nghĩa vụ quân sự 2 năm thì kêu dài, giao đất 20 năm thì bảo ngắn”.
Khi Luật Đất đai 1993 được đưa ra sửa đổi, Chính phủ đề nghị nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50. Trong hai ngày 14 và 16-11-1998, nhiều đại biểu cũng đã phản ứng, thậm chí còn có phần gay gắt. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng, Đại Lộc (Quảng Nam) ông Trần Văn Mai nói: “Số nông dân chưa có đất đang trông chờ cho hết thời điểm 20 năm, bây giờ đã được 5 năm, còn 15 năm nữa họ sẽ được chia đất. Nếu bây giờ ta tăng thời hạn lên 50 năm sẽ là một sự hụt hẫng lớn của nhân dân với Đảng”. Theo cách hiểu của ông Trần Văn Mai: “Hoặc hết hạn 20 năm, hoặc người sử dụng đất chết, chúng ta sẽ thu hồi cấp lại cho những nhân khẩu phát sinh”. Nhưng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Hoan đã phát biểu: “Đừng lo cho 20 năm sau không có đất để phân phối lại. Bây giờ ở ta 80% dân số làm nông nghiệp. Không lẽ 20 năm sau cũng 80%?”. Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đồng Tháp ông Trương Minh Thái cho rằng: “Đừng nghĩ chúng ta chỉ có thể điều phối ruộng đất ở nông thôn bằng cách thu hồi rồi chia lại. Chúng ta đã giao cho người dân năm quyền, họ có thể để thừa kế, hoặc sang nhượng cho người chưa có đất”.
Đất Dân Quyền Quan
Năm quyền của người sử dụng đất sau đó được “pháp điển hóa” trong Bộ Luật Dân sự 1995 như các quyền dân sự. Quyền sở hữu, tuy “trá hình” này, vẫn là cơ sở pháp lý để hình thành thị trường địa ốc. Và trong giai đoạn đầu, nhờ tư vấn của World Bank, thị trường đã được điều hành bằng công cụ thuế. Cho dù do thuế suất quá cao, Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng đất, ngay lúc ấy, đã khiến nhà đất đóng băng nhưng sử dụng công cụ thuế chính là thừa nhận giá trị các giao dịch dân sự liên quan tới đất đai. Tuy nhiên, chính quyền các cấp có vẻ như không mấy mặn mà với vai trò đứng ngoài. Các giao dịch, đặc biệt là mua bán đất đai đã bị hành chánh hóa: Nhà nước thu hồi đất của người bán rồi giao đất cho người mua. Thay vì thu thuế chuyển quyền, người mua phải đóng tiền sử dụng đất, đặt người có đất trong tình thế phải trả tiền hai lần.
Đỉnh cao của sai lầm về chính sách là Pháp lệnh 14-10-1994 và Nghị định 18, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đó. Theo Nghị định 18, các tổ chức không còn được giao đất có đủ các quyền như Hiến pháp 1992. Những doanh nhân tiên phong như Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Trần Quang Vinh… đã vay hàng ngàn tỷ đồng để mua đất, sau Nghị định 18 phải chuyển những lô đất ấy thành đất thuê và chỉ được thế chấp ngân hàng theo giá trị số tiền thuê đã trả cho nhà nước. Khi bị bắt, cũng nhân danh “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, Hội đồng thẩm định do Nhà nước lập ra đã tính, có những mét vuông đất, giá không bằng que kem. Đất biệt thự đường Trần Phú, Vũng Tàu, mà chỉ được Tòa công nhận giá ba-trăm-đồng/m2. Khoản chênh lệch giữa giá thực mua và giá của Tòa được coi là thất thoát để buộc tội các doanh nhân này lừa đảo.
Trong tù, có lúc Minh Phụng nói với Luật sư Nguyễn Minh Tâm: “Xin luật sư hãy nhìn vào mắt em để xem em có phải là người lừa đảo?”. Ngày 12-7-1999, khi nghe Luật sư Tâm nhắc lại câu này Minh Phụng đã bật khóc trước Tòa. Cũng đầu tư vào đất đai cùng một phương thức tuy khác quy mô, nhưng, thái độ của Nhà nước với giá đất đã biến ông Lê Văn Kiểm, Huy Hoàng, thành anh hùng và tử hình ông Tăng Minh Phụng.
Danh Chính Ngôn Thuận
Đầu tháng 12-2011, Chính quyền Đà Nẵng nơi ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân đã đề nghị cho tư nhân sở hữu đất đai. Sau 20 năm lãnh đạo một địa phương, có lẽ ông Nguyễn Bá Thanh nhìn thấy, quyền sở hữu trá hình đã đặt đất đai của người dân vào tay chính quyền cấp huyện với quá nhiều rủi ro. Điều 38, Luật Đất đai 2003, nói: Nhà nước chỉ thu hồi đất khi “cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế” (khoản 7). Nhưng, tại khoản 10 cũng của Điều 38, Luật lại mở ra khả năng: Nhà nước thu hồi những phần đất “không được gia hạn khi hết thời hạn”. Chính quyền cấp huyện được Luật giao quyền giao đất và thu hồi đất của cá nhân và hộ gia đình. Nếu chính quyền Tiên Lãng áp dụng điều 67, tiếp tục giao đất cho ông Vươn, thì đã không có gì xảy ra, nhưng họ đã đẩy ông vào khoản 10, Điều 38: Thu hồi đất vì “không được gia hạn” khi thời hạn giao đất của ông đã hết.
Sau “trái bom Đoàn Văn Vươn”, chúng ta biết, khu đất đầm mà anh có không phải là đất được nhà nước giao mà là đất do gia đình anh phải lấn biển, khai hoang. Suốt 5 năm “trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya”, biết bao lần bị bão biển cuốn phăng để đắp được một bờ kè dài hai cây số, tạo nên bãi bồi màu mỡ và một khu đầm nuôi tôm cá rộng gần 40 hecta. Cũng nơi đây, anh Vươn mất một đứa con gái 8 tuổi vì khi cha mẹ mải làm con gái của anh đã rơi xuống cống. Đừng nói chuyện thu hồi, lẽ ra chính quyền Tiên Lãng phải xấu hổ khi ký quyết định giao cho anh Vươn phần đất của chính anh, phần đất mà anh Vươn đã phải gắn bó suốt 20 năm, đã đổ cả mồ hôi và máu.
Nếu như, quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, thì cách khai hoang, lấn biển của gia đình anh Vươn phải được coi như một hình thức thụ đắc ruộng đất mà từ xa xưa cha ông ta đã áp dụng cho người dân để ngày nay Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Nếu như quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, Chính quyền không thể hành chính hóa các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai. Các đại gia không thể thậm thụt với đám cường hào thu hồi những mảnh đất của dân mà họ mua không được.
Nhưng đó là câu chuyện có thể được thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp. Người dân đang dõi theo thái độ của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước trường hợp Đoàn Văn Vươn.
Theo cách giải thích của Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thì đất ông Vươn nằm trong vùng quy hoạch xây dựng một sân bay quốc tế. Nếu thu hồi bây giờ hoặc chuyển thành thuê thì mai này nhà nước không phải bồi thường cho ông Vươn. Đỗ Hữu Ca nói: “Với công trình đặc biệt quan trọng như thế thì đền bù sẽ rất lớn. Ông Vươn cố giữ lại như thế để lấy đền bù khi dự án được triển khai”. Có thể Đỗ Hữu Ca là một công chức mẫn cán chứ không phải là “cụ Bá”. Nhưng, lo quyền lợi của nhà nước sao không tính quyền lợi của dân, không tính máu và mồ hôi 20 năm của gia đình anh Vươn. Chắc Đỗ Hữu Ca không nghĩ, anh em, bà con ông và chỉ vài năm nữa chính ông cũng là dân.
Đỗ Hữu Ca có lẽ không nhớ chuyện anh rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sáng 17-4-2009, bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 185 hecta cao su của ông để làm khu công nghiệp. Ông đã không đồng ý cho giải tỏa, mặc dù, 185 hecta cao su này ông có được nhàn hạ hơn so với công sức khai hoang, lấn sóng của anh Vươn và mức đền bù thì cao hơn gấp 20 lần giá vốn. Nhắc lại câu chuyện này để thấy, bất luận là ai, khi phải đối diện với tài sản của mình thì mới thấy của đau, con xót.
Dù sao thì hành động chống người thi hành công vụ của anh Đoàn Văn Vươn cũng phải được đưa ra xét xử. Nhưng, thông điệp mà các địa phương chờ đợi không phải là những năm tù cho anh mà là thái độ của nhà nước với chính quyền Tiên Lãng. Từ năm 2013, ruộng đất của nông dân bắt đầu lần lượt hết hạn giao đất. Nếu như quyết định của Chủ tịch Tiên Lãng Lê Văn Hiền không bị coi là sai, hơn 500 chủ tịch huyện trên cả nước có thể noi gương thu hồi đất đáo hạn của nông dân để… giao, thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Đừng chậm trễ và đừng để “quả bom Đoàn Văn Vươn” lại nổ.

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Thiệt hại 1.550 tỉ đồng do sai phạm đất đai tại TP.HCM